Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH NGŨ CHUYỂN
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Có năm thọ ấm. Đó là sắc thọ ấm. Thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Ta đối với năm thọ ấm này, có năm như thật tri. Như thật tri về sắc, về sự tập khởi của sắc, về vị ngọt của sắc, về tai hại của sắc và về sự xuất ly sắc.

Cũng vậy, như thật tri về thọ, tưởng, hành, thức, về sự tập khởi của thức, về vị ngọt của thức, về tai hại của thức và về sự xuất ly thức.

Thế nào là như thật tri về sắc?

Những gì là sắc là tất cả bốn đại và sắc do bốn đại sanh ra. Đó gọi là sắc. Như vậy, như thật tri về sắc.

Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của sắc?

Đối với sắc mà có hỷ ái. Đó gọi là sự tập khởi của sắc. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của sắc.

Thế nào là như thật tri về vị ngọt của sắc?

Do duyên vào sắc mà sanh ra hỷ lạc. Đó gọi là vị ngọt của sắc. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của sắc.

Thế nào là như thật tri về sự tai hại của sắc?

Sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của sắc. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của sắc.

Thế nào là như thật tri về sự xuất ly sắc?

Đối với sắc mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly sắc. Như vậy, như thật tri về sự xuất ly sắc.

Thế nào là như thật tri về thọ?

Có sáu thọ thân. Thọ phát sanh từ nhãn xúc, thọ phát sanh từ tai, mũi, lưỡi, thân và ý xúc. Đó gọi là sáu thọ. Như vậy, như thật tri về thọ.

Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của thọ?

Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của thọ.

Thế nào là như thật tri về vị ngọt của thọ?

Hỷ lạc duyên vào sáu thọ mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thọ. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của thọ.

Thế nào là như thật tri về sự tai hại của thọ?

Thọ là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là tai hại của thọ. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của thọ.

Thế nào là như thật tri về sự xuất ly thọ?

Đối với thọ mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là lìa thọ. Như vậy, như thật tri về sự lìa thọ.

Thế nào là như thật tri về về tưởng?

Có sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh bởi nhãn xúc. Tưởng phát sanh bởi tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc. Đó gọi là tưởng. Như vậy, như thật tri về tưởng.

Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của tưởng?

Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của tưởng. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của tưởng.

Thế nào là như thật tri về vị ngọt của tưởng?

Hỷ lạc do duyên vào tưởng mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của tưởng. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của tưởng.

Thế nào như thật tri về sự tai hại của tưởng?

Tưởng là vô thường, khổ, là Pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của tưởng. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của tưởng.

Thế nào là như thật tri về sự xuất ly tưởng?

Đối với tưởng mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa tưởng. Như vậy, như thật tri về sự lìa tưởng.

Thế nào là như thật tri về sự hiện hữu của hành?

Có sáu tư thân. Tư phát sanh bởi nhãn xúc. Tư phát sanh bởi tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc. Đó gọi là hành. Như vậy, như thật tri về hành.

Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của hành?

Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của hành. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của hành.

Thế nào là như thật tri về vị ngọt của hành?

Hỷ lạc do duyên vào hành mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của hành. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của hành.

Thế nào gọi là như thật tri về sự tai hại của hành?

Hành là vô thường, khổ, là Pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của hành. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của hành.

Thế nào là như thật tri về sự xuất ly hành?

Đối với hành mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly hành. Như vậy, như thật tri về sự xuất ly hành.

Thế nào là như thật tri về thức?

Có sáu thức thân. Thức của mắt, thức của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là thức. Như vậy, như thật tri về thức.

Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của thức?

Sự tập khởi của sắc là sự tập khởi của thức. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của thức.

Thế nào là như thật tri về vị ngọt của thức?

Hỷ lạc do duyên vào thức mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thức. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của thức.

Thế nào là như thật tri về sự tại hại của thức?

Thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của thức. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của thức.

Thế nào là như thật tri về sự xuất ly thức?

Đối với thức mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa thức. Như vậy, như thật tri về sự xuất ly của thức.

Tỳ Kheo, nếu Sa Môn, Bà La Môn nào, đối với sắc mà biết như vậy, mà thấy như vậy, thì do biết như vậy, thấy như vậy người đó hướng đến ly dục, đó gọi là chánh hướng.

Nếu người nào hướng đến chân chánh, thì ta nói người đó đã được thể nhập. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

Nếu Sa Môn, Bà La Môn nào, đối với sắc mà biết như thật, thấy như thật. Do biết như thật, thấy như thật, đối với sắc sanh yểm ly, ly dục, không khởi lên các lậu, tâm đạt được giải thoát.

Nếu người nào đã đạt được tâm giải thoát, thì người đó thuần nhất. Người nào đã được thuần nhất, thì phạm hạnh đã lập. Người nào phạm hạnh đã lập, không còn bị ai khống chế. Đó gọi là biên tế của khổ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***