Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nhân Duyên

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH NHÂN DUYÊN 
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Sắc là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các sắc, chúng cũng vô thường.

Vậy, các sắc được sanh ra từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?

Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Nhân và duyên sanh ra các thức, chúng cũng vô thường.

Vậy, các thức được sanh ra từ nhân và duyên vô thường, làm sao có thể là thường được?

Như vậy, các Tỳ Kheo, sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Cái gì là vô thường thì cái đó là khổ. Cái gì khổ thì chúng chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì không phải là sở hữu của ta. Thánh đệ tử quán sát như vậy, nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm chán nên không thích.

Vì không thích nên giải thoát và có tri kiến về giải thoát, biết rằng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***