Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Phân Biệt
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH PHÂN BIỆT
PHẦN BỐN
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có năm căn.
Những gì gọi là năm?
Căn tín, căn tinh tấn, căn niệm, căn định, căn tuệ.
Sao gọi là căn tín?
Tỳ Kheo khởi tín tâm thanh tịnh, căn bản bền chắc đối với Như Lai mà các Sa Môn, Bà La Môn khác, Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, cùng thế gian khác không thể làm cản trở, phá hoại tâm ấy, thì đó gọi là căn tín.
Sao gọi là căn tinh tấn?
Pháp ác bất thiện đã sanh, khiến cho đoạn mà phát khởi ý dục, nỗ lực phương tiện, nhiếp tâm, sách tiến.
Pháp ác bất thiện chưa sanh, khiến không sanh, mà phát khởi ý dục, nỗ lực phương tiện, nhiếp tâm, sách tiến.
Pháp thiện chưa sanh, khiến cho sanh, mà phát khởi ý dục, nỗ lực phương tiện, nhiếp tâm, sách tiến.
Pháp thiện đã sanh, khiến cho an trú không mất, khiến không sanh, tu tập tăng rộng, mà phát khởi ý dục, nỗ lực phương tiện, nhiếp tâm, sách tiến. Đó gọi là căn tinh tấn.
Sao gọi là căn niệm?
Tỳ Kheo sống quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm chánh trí, điều phục tham ưu thế gian. Sống quán ngoại thân, nội ngoại thân. Và thọ, tâm, pháp trên pháp cũng nói như vậy. Đó gọi là căn niệm.
Sao gọi là căn định?
Tỳ Kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do viễn ly sanh, cho đến, chứng và an trú Tứ Thiền. Đó gọi là căn định.
Sao gọi là căn tuệ?
Tỳ Kheo biết như thật về khổ Thánh đế, biết như thật về khổ tập Thánh đế, khổ diệt Thánh đế, khổ diệt đạo tích Thánh đế. Đó gọi là căn tuệ.
Sau khi Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
***