Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Phú Lưu Na

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH PHÚ LƯU NA
 

PHẦN HAI
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Tôn Giả A Nan ở trong vườn Cù Sư La tại nước Câu Diệm Di, bấy giờ Tôn Giả A Nan nói với các Tỳ Kheo:

Tôn Giả Phú Lưu Na Di Đa La Ni Tử, khi tuổi niên thiếu, mới xuất gia, thì thường hay nói pháp sâu xa như vậy: A Nan, đối với pháp đã sanh khởi mà chấp là ngã, chứ không phải pháp không sanh khởi.

A Nan, thế nào là đối với pháp đã sanh khởi mà chấp là ta, chứ không phải pháp không sanh khởi?

Sắc sanh khởi, sanh khởi là ta chứ không phải không sanh.

Thọ, tưởng, hành, thức sanh khởi, sanh khởi là ta, chứ không phải không sanh.

Giống như người tay cầm tấm gương sáng, hay dùng mặt nước trong, tự nhìn vào xem thấy mặt mình sanh ra. Vì có sanh nên thấy, chứ không phải không sanh.

Cho nên, A Nan, sắc sanh khởi, vì có sanh khởi nên chấp là ngã, chứ không phải không sanh khởi.

Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức sanh khởi, vì có sanh khởi nên chấp là ngã, chứ chẳng phải không sanh khởi.

Thế nào A Nan, sắc là thường hay vô thường?

Đáp: Là vô thường.

Lại hỏi: Vô thường là khổ phải không?

Đáp: Là khổ.

Lại hỏi: Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy thì Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Đáp: Thưa không.

Lại hỏi: Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?

Đáp: Là vô thường.

Lại hỏi: Vậy, vô thường là khổ phải không?

Đáp: Là khổ.

Lại hỏi: Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy thì là đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có chấp ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Đáp: Thưa không.

A Nan, cho nên đối với sắc hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần.

Tất cả chúng đều chẳng phải ngã, không khác ngã, chẳng ở trong nhau. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần.

Tất cả chúng đều chẳng phải ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Cần phải biết như thật, quán sát như thật.

Quán sát như vậy rồi, Thánh đệ tử đối với sắc sẽ sanh ra nhàm chán, xa lìa dục, giải thoát: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm chán, xa lìa dục, giải thoát: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Các Tỳ Kheo nên biết, vị Tôn Giả này đối với tôi có rất nhiều lợi ích. Tôi nghe những gì từ Tôn Giả ấy rồi, liền xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

Từ đó tới nay, tôi thường thuyết pháp này cho bốn chúng, chứ không thuyết cho các người ngoại đạo xuất gia, Sa Môn, Bà La Môn.

***