Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH QUÁN
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Có năm thọ ấm. Ðó là, sắc thọ ấm. Này Tỳ Kheo, đối với sắc nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thoát. Ðó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác.

Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức. Nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thoát. Ðó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác. Lại nữa, Tỳ Kheo, đối với sắc nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thoát. Ðó gọi là A La Hán tuệ giải thoát.

Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức. Nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thoát. Ðó gọi là A La Hán tuệ giải thoát.

Này Tỳ Kheo, Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác và A La Hán tuệ giải thoát có sự sai biệt nào?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Như Lai là gốc của pháp, là con mắt của pháp, là nơi nương tựa của pháp. Cúi xin Ðức Thế Tôn vì các Tỳ Kheo mà nói rộng nghĩa này, các Tỳ Kheo sau khi nghe xong sẽ thực hành theo.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói. Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác chưa từng nghe pháp nhưng có thể tự mình giác ngộ pháp, tự thông đạt Vô Thượng Bồ Đề, rồi để giác ngộ cho hàng Thanh Văn trong đời vị lai, mà pháp đó là, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác, tám Thánh đạo.

Này các Tỳ Kheo, đó gọi là Như Lai Ứng Ðẳng Chánh Giác đạt được những gì chưa đạt, được những cái lợi chưa từng được lợi, biết đạo, phân biệt đạo, nói đạo, thông suốt đạo.

Lại có thể thành tựu cho các Thanh Văn, truyền dạy, răn bảo. Như vậy mà thuận theo thiện pháp, hoan hỷ thiện pháp. Ðó gọi là sự sai biệt giữa Như Lai và A La Hán.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

***