Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH SANH TỬ ĐỊNH LƯỢNG
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo:
Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến cho chúng sanh thấy như vậy, nói như vậy: Ở đây có mười bốn trăm ngàn cửa sanh, sáu mươi ngàn, sáu trăm. Có năm nghiệp, ba nghiệp, hai nghiệp, một nghiệp, nửa nghiệp.
Sáu mươi hai đạo tích, sáu mươi hai nội kiếp, một trăm hai mươi Nê Lê, một trăm ba mươi căn, ba mươi sáu tham giới, bốn mươi chín ngàn loại rồng, bốn mươi chín ngàn loại Kim Sí Điểu, bốn mươi chín ngàn loại ngoại đạo tà mạng, bốn mươi chín ngàn loại ngoại đạo Xuất Gia, bảy kiếp tưởng.
Bảy kiếp vô tưởng, bảy A Tu La, bảy Tỳ Xá Giá, bảy Trời, bảy người, bảy trăm biển, bảy mộng, bảy trăm mộng, bảy vực thẳm, bảy trăm vực thẳm, bảy giác, bảy trăm giác, sáu sanh, mười tăng tiến, tám Đại Sĩ Địa.
Ở trong tám vạn bốn ngàn đại kiếp này, hoặc ngu si, hoặc trí tuệ, qua lại từng trải, rồi mới cùng tận mé khổ.
Ở đó không có Sa Môn, Bà La Môn có thể nói như vậy: Tôi luôn luôn giữ giới, nhận các khổ hạnh, tu các phạm hạnh. Để nghiệp chưa chín mùi khiến được chín mùi, nghiệp đã chín mùi rồi thì buông bỏ.
Tiến thoái, không thể biết. Ở đây, khổ và lạc là thường trụ, sống và chết có giới hạn nhất định. Giống như ống chỉ, ném vào giữa hư không từ từ rơi xuống dần, cho tới đất rồi dừng lại. Việc sống chết có giới hạn nhất định, trong tám vạn bốn ngàn đại kiếp cũng như vậy.
Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp.
Chi tiết như Kinh trên. Theo thứ tự như ba Kinh trên Kinh một trăm ba mươi chín, một trăm bốn mươi, một trăm bốn mươi mốt.
***