Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sanh Tử Lưu Chuyển
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH SANH TỬ LƯU CHUYỂN
PHẦN HAI
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Do có cái gì, do sanh khởi cái gì, do hệ lụy cái gì mà có kiến chấp ngã, khiến cho chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải rong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển trong sanh tử, không biết biên tế tối sơ là gì?
Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp.
Lành thay, Thế Tôn!
Xin thương xót mà nói rộng nghĩa này. Sau khi các Tỳ Kheo nghe xong sẽ vâng lời thực hành.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì các ông mà nói.
Này các Tỳ Kheo, vì có sắc, sanh khởi sự của sắc, hệ lụy sắc, nơi sắc mà thấy ngã, khiến cho chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải rong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển trong sanh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Này các Tỳ Kheo, sắc là thường hay vô thường?
Đáp: Bạch Thế Tôn, là vô thường!
Lại hỏi: Nếu vô thường, là khổ phải chăng?
Đáp: Bạch Thế Tôn, là khổ!
Như vậy này các Tỳ Kheo, nếu vô thường là khổ, thì do có cái khổ này mà sự ấy sanh khởi, hệ lụy, thấy là ngã, khiến cho chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải rong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển trong sanh tử.
Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Cho nên, này các Tỳ Kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần.
Tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Cũng vậy, cái thấy, cái nghe, cái hay, cái biết, cái sở cầu, cái sở đắc, cái được nhớ nghĩ. Tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
Nếu có kiến chấp cho rằng có ngã, có thế gian, có đời này, là pháp thường hằng, không biến dịch, thì tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
Lại nữa, nếu có kiến chấp cho rằng không phải cái này là tôi, không phải cái này là của tôi, không phải là tôi trong tương lai, không phải là của tôi trong tương lai.
Thì tất cả chúng cũng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ. Nếu đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu kiến xứ này mà quán sát chẳng phải là ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát được như vậy rồi, thì dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Phật, dứt hết mọi sự hồ nghi đối với pháp và đối với Tăng.
Đó gọi là Tỳ Kheo, đa văn Thánh đệ tử không còn trở lại tạo nghiệp thân, miệng, ý để đưa đến ba đường ác. Giả sử có buông lung, Thánh đệ tử cũng nhất định hướng đến giác ngộ, bảy lần qua lại Trời người, rồi cứu cánh biên tế khổ.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***