Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sanh Văn

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH SANH VĂN
 

PHẦN HAI
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ có Bà La Môn Sanh Văn đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật.

Sau khi cùng Thế Tôn thăm hỏi ân cần xong, ngồi sang qua một bên, bạch Phật rằng: Thưa Cù Đàm, gọi là chánh kiến.

Thế nào là chánh kiến?

Phật bảo Bà La Môn:

Chánh kiến có hai: Có chánh kiến thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành. Có loại chánh kiến thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, bất thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ.

Thế nào là chánh kiến hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện?

Nếu người nào thấy có bố thí, có chú thuyết cho đến biết thế gian có A La Hán, không tái sanh đời sau. Này Bà La Môn, đó gọi là chánh kiến thế tục thuộc về thế gian, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.

Bà La Môn, thế nào là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ?

Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ. Nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo, tương ưng với tư duy vô lậu, ở nơi pháp mà tuyển trạch, phân biệt, suy cầu, giác tri, hiệt tuệ, quán sát tỏ ngộ.

Đó gọi là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.

Sau khi Phật nói Kinh này xong, Bà La Môn Sanh Văn nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Như chánh kiến. Cũng vậy, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, Kinh nào cũng nói như trên.

***