Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH TAM CHÁNH SĨ
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật trú Tinh Xá Trúc Viên, tại Chi Đề. Bấy giờ có ba vị Chánh Sĩ mới xuất gia. Đó là Tôn Giả A Nậu Luật Đà, Tôn Giả Nan Đề, Tôn Giả Kim Tỳ La.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết trong tâm họ đang nghĩ những gì, nên răn dạy họ rằng: Tỳ Kheo, đây là tâm, đây là ý, đây là thức. Hãy tư duy điều này. Chớ tư duy điều này. Hãy đoạn trừ dục này, đoạn trừ sắc này, tự thân tác chứng, thành tựu và an trụ.

Tỳ Kheo, có sắc nào là thường còn, không biến dịch, tồn tại mãi không?

Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch không, Thế Tôn!

Phật bảo Tỳ Kheo: Lành thay! Lành thay! Sắc là vô thường, là pháp biến dịch, yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh. Sắc như vậy từ xưa tới nay, tất cả đều là pháp vô thường, khổ, biến dịch. Khi đã biết như vậy rồi, thì tất cả các lậu, hại, xí nhiên, ưu não đã từng duyên vào sắc này mà sanh ra, thảy đều bị đoạn diệt.

Khi đã đoạn diệt rồi, thì không còn gì để chấp trước. Khi đã không còn gì để chấp trước rồi, thì sống an lạc. Khi đã sống an lạc rồi, thì đạt được Bát Niết Bàn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

Khi Đức Phật nói Kinh này, ba vị Chánh Sĩ lậu hoặc không còn khởi lên nữa, tâm được giải thoát.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***