Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH TAM THẾ ẤM THẾ THỰC
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Có năm thọ ấm.

Những gì là năm?

Sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.

Nếu Sa Môn, Bà La Môn nào nhờ trí túc mạng tự biết rõ những đời sống trước của mình, thì việc đã biết, đang biết, sẽ biết đều phát xuất từ năm thọ ấm này.

Việc đã biết đang biết, sẽ biết về đời quá khứ của ta đã từng trải qua, có sắc như vậy, thọ như vậy, tưởng như vậy, hành như vậy, thức như vậy.

Cái gì có thể phân tán, trở ngại, thì cái đó gọi là sắc thọ ấm. Như bàn tay, đá, gậy, dao, bị trở ngại bởi ngón tay. Hoặc do lạnh, nóng, khát, đói, hoặc do xúc bởi muỗi mòng, độc trùng, mưa gió. Đó gọi là trở ngại do xúc.

Cho nên, chướng ngại, đó là sắc thọ ấm. Lại nữa, sắc thọ ấm này là vô thường, khổ, biến dịch. Những tướng cảm nhận, đó là thọ thọ ấm.

Cảm nhận cái gì?

Cảm nhận sự khổ, cảm nhận sự lạc, cảm nhận sự không khổ không lạc. Cho nên gọi tướng cảm nhận là thọ thọ ấm.

Lại nữa, thọ thọ ấm này là vô thường, khổ, biến dịch. Các tưởng, là tưởng thọ ấm.

Tưởng cái gì?

Tưởng ít, tưởng nhiều, tưởng vô lượng, hoàn toàn không có gì tưởng là không có gì. Đó gọi là tưởng thọ ấm. Lại nữa, tưởng thọ ấm này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Tướng tạo tác hữu vi là hành thọ ấm.

Tạo tác cái gì?

Là tạo tác sắc, tạo tác thọ, tưởng, hành và thức. Cho nên tướng tạo tác hữu vi là hành thọ ấm.

Lại nữa, hành thọ ấm này là pháp vô thường, khổ, biến dịch. Tướng phân biệt biết rõ là thức thọ ấm.

Biết rõ cái gì?

Là biết rõ sắc, biết rõ thanh, hương, vị, xúc và pháp, cho nên gọi là thức thọ ấm. Lại nữa, thức thọ ấm là pháp vô thường, khổ, biến dịch.

Này các Tỳ Kheo, đa văn Thánh đệ tử kia đối với sắc thọ ấm kia phải học như vậy, Ta nay bị sắc hiện tại ăn. Quá khứ đã từng bị sắc kia ăn, như trong hiện tại.

Lại nghĩ như vậy: Nay ta đang bị sắc hiện tại ăn, nếu mà ta ham muốn sắc vị lai, thì cũng sẽ bị sắc kia ăn như trong hiện tại. Biết như vậy rồi, người ấy không hoài niệm sắc quá khứ, không ham muốn sắc vị lai, đối với sắc hiện tại sanh yểm ly, lìa dục, diệt hết tai hại, hướng đến tịch diệt.

Đa văn Thánh đệ tử đối với thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm hãy học như vậy, ta nay bị thức hiện tại ăn. Quá khứ đã từng bị thức kia ăn, như trong hiện tại.

Nếu mà ta ham muốn thức vị lai, thì cũng sẽ bị thức kia ăn như trong hiện tại. Biết như vậy rồi, người ấy không hoài niệm thức quá khứ, không ham muốn thức vị lai, đối với thức hiện tại sanh yểm ly, lìa dục, diệt tận, hướng đến tịch diệt.

Ở đây, diệt chứ không tăng, lui chứ không tiến, diệt chứ không khởi, xả chứ không thủ.

Ở nơi cái gì diệt mà không tăng?

Sắc diệt mà không tăng. Thọ, tưởng, hành, thức diệt mà không tăng.

Ở nơi cái gì lùi mà không tiến?

Sắc lùi mà không tiến. Thọ, tưởng, hành, thức lùi mà không tiến.

Ở nơi cái gì diệt mà không khởi?

Sắc diệt mà không khởi. Thọ, tưởng, hành, thức diệt mà không khởi.

Ở nơi cái gì xả mà không thủ?

Sắc xả mà không thủ. Thọ, tưởng, hành, thức xả mà không thủ. Diệt chứ không tăng, tịch diệt mà an trụ. Lùi chứ không tiến, im lặng lui mà an trụ. Diệt chứ không khởi, tịch diệt mà an trụ. Xả chứ không thủ, không sanh ra sự trói buộc.

Không bị trói buộc, nên tự mình giác ngộ Niết Bàn: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Khi Đức Phật nói Kinh này số đông các Tỳ Kheo không khởi các lậu, tâm được giải thoát.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Bài kệ tóm tắt:

Ngã, ty hạ, chủng tử,

Phong trệ, ngũ chuyển,

Thất xứ thiện

Hai hệ trước và giác,

Tam thế ấm thế thực.

***