Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tam Thọ

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH TAM THỌ
 

PHẦN HAI
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà, thành Vương Xá.

Bấy giờ Tôn Giả La Hầu La đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi thức thân này của con và tất cả những tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn?

Phật bảo Tôn Giả La Hầu La:

Có ba thứ thọ, đó là khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi quán sát lạc thọ, vì muốn dứt trừ tham sử đối lạc thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh.

Vì muốn dứt trừ sân nhuế sử đối với khổ thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh. Vì muốn dứt trừ ngu si sử đối với bất khổ bất lạc thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh.

Này La Hầu La, nếu Tỳ Kheo nào đối với kết sử tham nơi lạc thọ đã dứt trừ, đã biết. Đối với kết sử sân nhuế nơi khổ thọ đã dứt trừ, đã biết.

Và đối với kết sử si nơi bất khổ bất lạc thọ đã dứt trừ, đã biết, thì đó gọi là Tỳ Kheo đã đoạn trừ ái dục, bứt các kết buộc, diệt kiêu mạn, đến tột cùng của mé khổ.

Sau đó, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Khi cảm nhận lạc thọ,

Thì không biết lạc thọ

Bị tham sử sai khiến,

Không thấy đường xuất ly.

Lúc cảm nhận khổ thọ,

Thì không biết khổ thọ

Bị sân nhuế sai sử,

Không thấy đường xuất ly.

Thọ không vui không khổ,

Đấng Chánh Giác đã nói,

Nếu không khéo quán sát,

Quyết không qua bờ kia.

Tỳ Kheo cần tinh tấn,

Chánh tri không động chuyển,

Như tất cả thọ này,

Người trí thường hiểu biết.

Người hiểu biết các thọ,

Hiện tại hết các lậu,

Người trí sáng mạng chung,

Không rơi vào các số,

Các số đã dứt tuyệt,

Thường nhập Niết Bàn lạc.

Phật nói Kinh này xong, Tôn Giả La Hầu La nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

***