Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH TẬT LẬU TẬN
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn đắp y ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực. Sau đó, lại ôm y bát, không nói với chúng, không bảo Thị Giả, một thân một mình, đến Quốc Độ phương Tây, du hành trong nhân gian.

Bấy giờ, trong rừng An Đà có một Tỳ Kheo từ xa trông thấy Thế Tôn, không nói với chúng, không bảo Thị Giả, một thân một mình.

Sau khi thấy vậy, liền đến chỗ Tôn Giả A Nan, thưa: Tôn Giả biết cho, Đức Thế Tôn, không nói với chúng, không bảo Thị Giả, một thân một mình ra đi du hành.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nói với Tỳ Kheo kia: Nếu như Đức Thế Tôn, không nói với chúng, không bảo Thị Giả, một thân một mình ra đi du hành, thì chúng ta không nên đi theo.

Vì sao?

Vì ngày hôm nay Đức Thế Tôn muốn ít bận rộn để an trụ tịch diệt. Bấy giờ Đức Thế Tôn du hành về phương Bắc, đến trụ dưới tàn cây Bạt Đà Tát La, trong rừng cây có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba Đà thuộc nước Bán Xà.

Sau khi Đức Thế Tôn đi rồi, có một số đông Tỳ Kheo đến chỗ Tôn Giả A Nan, thưa với Tôn Giả A Nan rằng: Ngài có nghe, hiện nay Đức Thế Tôn đang ở nơi nào không?

Tôn Giả A Nan đáp: Tôi có nghe, hiện nay Đức Thế Tôn đang ở về phương Bắc, dưới tàn cây Bạt Đà Tát La, trong rừng cây có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba Đà thuộc nước Bán Xà.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nói với Tôn Giả A Nan rằng: Tôn Giả biết cho, đã lâu rồi chúng tôi không gặp Đức Thế Tôn. Nếu Ngài không ngại cực nhọc, thì có thể cùng chúng tôi đến chỗ Đức Thế Tôn, xin thương xót cho.

Tôn Giả A Nan biết đã đúng lúc, nên im lặng mà nhận lời. Bấy giờ, Tôn Giả A Nan cùng số đông Tỳ Kheo chờ qua đêm, sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực.

Khất thực xong trở về Tinh Xá, sắp xếp ngọa cụ, mang y bát, đi về hướng Tây du hành trong nhân gian, rồi quay về hướng Bắc, đến khu rừng có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba Đà, thuộc nước Bán Xà.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan cùng số đông Tỳ Kheo sắp xếp y bát, rửa chân xong, đến chỗ Đức Thế Tôn, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì số đông Tỳ Kheo nói pháp, khai thị, giáo giới, làm cho lợi ích, làm cho an lạc.

Vào lúc ấy, giữa chúng có một Tỳ Kheo nghĩ rằng: Biết như thế nào, thấy như thế nào để nhanh chóng chứng đắc lậu tận?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết được những ý nghĩ của Tỳ Kheo kia, nên bảo các Tỳ Kheo: Nếu có Tỳ Kheo đang ở trong chỗ ngồi này nghĩ rằng biết như thế nào, thấy như thế nào để nhanh chóng chứng đắc lậu tận?

Ta đã từng nói pháp rằng: Hãy khéo léo quán sát các ấm. Đó là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám Thánh đạo phần.

Ta đã từng nói những pháp như vậy để quán sát các ấm. Thế mà hiện nay vẫn còn có thiện nam tử, không muốn nỗ lực siêng thực hành, không nỗ lực siêng vui thích, không nỗ lực siêng suy nghĩ, không nỗ lực siêng tin tưởng, mà tự biếng lười, không nỗ lực tăng tiến để diệt tận được các lậu.

Lại nữa, nếu có thiện nam tử đối với những gì ta đã nói, mà quán sát các ấm, nỗ lực siêng ham muốn, nỗ lực siêng vui thích, nỗ lực siêng suy nghĩ, nỗ lực siêng tin tưởng, thì có thể nhanh chóng chứng đắc lậu tận. Phàm phu ngu si không học, ở nơi sắc thấy là ngã. Nếu thấy ngã, thì đó gọi là hành. Hành này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi.

Cái gì sanh và cái gì chuyển?

Ái được sanh bởi vô minh xúc và duyên vào ái nên khởi lên hành này. Ái này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi.

Cái gì sanh, cái gì chuyển?

Ái này lấy thọ làm nhân, thọ là tập khởi. Do thọ sanh, do thọ chuyển. Thọ này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi.

Cái gì sanh, cái gì chuyển?

Thọ này lấy xúc làm nhân, xúc là tập khởi. Do xúc sanh, do xúc chuyển. Xúc này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi.

Cái gì sanh, cái gì chuyển?

Xúc này lấy sáu nhập xứ làm nhân, sáu nhập xứ là tập khởi. Do sáu nhập xứ sanh, do sáu nhập xứ chuyển. 

Sáu nhập xứ này là pháp hữu vi vô thường, là pháp duyên khởi của tâm.

Xúc thọ, hành thọ này là pháp hữu vi vô thường, là pháp duyên khởi của tâm.

Người nào đã quán sát như vậy mà còn thấy sắc là ngã.

Hay không thấy sắc là ngã mà còn thấy sắc là ngã sở.

Hay không thấy sắc ngã sở mà còn thấy sắc ở trong ngã.

Hay không còn thấy sắc ở trong ngã mà thấy ngã ở trong sắc.

Hay không thấy ngã ở trong sắc mà còn thấy thọ là ngã.

Hay không thấy thọ là ngã mà còn thấy thọ là ngã sở.

Hay không thấy thọ là ngã sở mà còn thấy thọ ở trong ngã.

Hay không thấy thọ ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong thọ.

Hay không thấy ngã ở trong thọ mà còn thấy tưởng là ngã.

Hay không còn thấy tưởng là ngã mà còn thấy tưởng là ngã sở.

Hay không thấy tưởng ngã sở mà còn thấy tưởng ở trong ngã.

Hay không thấy tưởng ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong tưởng.

Hay không thấy ngã ở trong tưởng mà còn thấy hành là ngã.

Hay không thấy hành là ngã mà còn thấy hành là ngã sở.

Hay không thấy hành là ngã sở mà còn thấy hành ở trong ngã.

Hay không thấy hành ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong hành.

Hay không thấy ngã ở trong hành mà còn thấy thức là ngã.

Hay không thấy thức là ngã mà còn thấy thức là ngã sở.

Hay không còn thấy thức là ngã sở mà còn thấy thức ở trong ngã.

Hay không thấy thức ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong thức.

Hay không thấy ngã ở trong thức mà lại khởi lên đoạn kiến, hoại hữu kiến.

Hay không khởi đoạn kiến, hoại hữu kiến, nhưng không xa lìa ngã mạn.

Người nào không xa lìa ngã mạn, thì lại thấy ngã. Thấy ngã, đó là hành. Hành này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi.

Cái gì sanh, cái gì chuyển?

Thì như trước đã nói, cho đến, ngã mạn. Người nào biết như vậy, thấy như vậy, nhanh chóng chứng đắc lậu tận.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***