Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thân Quán Trụ
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH THÂN QUÁN TRỤ
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Vì để đoạn trừ vô thường, hãy tùy thuận tu tập an trụ quán thân trên nội thân.
Những gì là pháp vô thường?
Sắc là vô thường. Vì để đoạn trừ vô thường, hãy tùy thuận tu tập an trụ quán thân trên nội thân. Cũng vậy, thọ tưởng, hành, thức là vô thường. Vì muốn đoạn trừ chúng nên hãy tùy thuận tu tập an trụ quán thân trên nội thân.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như Kinh Vô Thường, cũng vậy, với nội dung tương tự:
1. Sắc quá khứ là vô thường.
2. Sắc vị lai.
3. Sắc hiện tại.
4. Sắc quá khứ, vị lai.
5. Sắc quá khứ, hiện tại.
6. Sắc vị lai, hiện tại.
Sắc quá khứ, vị lai, hiện tại là vô thường. Vì muốn đoạn trừ chúng, nên tùy thuận tu quán trụ nội thân trên thân. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Cũng như tùy thuận tu tập với sự quán trụ thân trên nội thân, có các Kinh với nội dung tương tự:
1. Quán thân trên ngoại thân.
2. Quán thân trên nội ngoại thân.
3. Quán thọ trên nội thọ.
4. Quán thọ trên ngoại thọ.
5. Quán thọ trên nội ngoại thọ.
6. Quán tâm trên nội tâm.
7. Quán tâm trên ngoại tâm.
8. Quán tâm trên nội ngoại tâm.
9. Quán pháp trên nội pháp.
10. Quán pháp trên ngoại pháp.
11. Quán pháp trên nội ngoại pháp.
Cũng như Kinh với nghĩa. Đoạn trừ vô thường, hãy tu bốn niệm xứ.
Cũng vậy các Kinh: Tri nghĩa, tận nghĩa, thổ nghĩa, chỉ nghĩa, xả nghĩa, diệt nghĩa, một nghĩa nên tùy thuận tu tứ niệm xứ cũng dạy như trên.
***