Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH THẤT THÂN
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo:

Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến cho chúng sanh thấy như vậy, nói như vậy: Có bảy thân, chẳng phải tạo tác, chẳng phải là được tạo tác. Chẳng phải biến hóa, chẳng phải là được biến hóa, là chắc thật, không dao động, không giết.

Những gì là bảy?

Đó là: Thân đất, thân nước, thân lửa, thân gió, khổ, lạc, mạng. Bảy loại thân này chẳng phải tạo tác, chẳng phải là được tạo tác. Chẳng phải biến hóa, chẳng phải là được biến hóa, là chắc thật, không dao động, không giết, không chuyển, không biến, không bức bách nhau.

Hoặc phước, hoặc ác, hoặc phước ác. Hoặc khổ, hoặc vui, hoặc khổ vui. Hoặc người bị bêu đầu, hoặc người chém đầu, cũng không bức bách thế gian. Hoặc mạng, hoặc thân, trong khoảng bảy thân, chịu đựng đao đâm qua lại cũng không hại mạng.

Ở đây không giết, không người giết. Không trói buộc, không người trói buộc. Không nhớ nghĩ, không người nhớ nghĩ.

Không dạy dỗ, không người dạy dỗ?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là sở y của pháp.

Chi tiết như Kinh trên. Theo thứ tự như ba Kinh trên Kinh một trăm ba mươi chín, một trăm bốn mươi, một trăm bốn mươi mốt.

***