Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thâu Lũ Na

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH THÂU LŨ NA 
 

PHẦN BA
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà trong thành Vương Xá.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất ở trong núi Kỳ Xà Quật.

Lúc ấy có con của một trưởng giả tên là Thâu Lũ Na, hằng ngày du hành đến núi Kỳ Xà Quật và ghé chỗ Tôn Giả Xá Lợi Phất, sau khi chào đón thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất nói với Thâu Lũ Na: Nếu có Sa Môn, Bà La Môn nào mà không biết như thật về sắc, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, không biết như thật về sự diệt tận của sắc, không biết như thật về vị ngọt của sắc, không biết như thật về sự tai hại của sắc, không biết như thật về sự xuất ly của sắc, thì sẽ không đủ khả năng để siêu việt sắc.

Cũng vậy, nếu có Sa Môn, Bà La Môn nào mà không biết như thật về sự thọ, tưởng, hành và thức.

Không biết như thật về sự tập khởi của chúng, không biết như thật về sự diệt tận của chúng, không biết như thật về vị ngọt của chúng, không biết như thật về sự tai hại của chúng, không biết như thật về sự xuất ly của chúng, thì Sa Môn, Bà La Môn này sẽ không đủ khả năng để siêu việt chúng.

Nếu có Sa Môn, Bà La Môn nào mà biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc, thì Sa Môn, Bà La Môn này có đủ khả năng vượt qua khỏi sắc.

Cũng vậy, nếu có Sa Môn, Bà La Môn nào mà biết như thật về thọ, tưởng, hành và thức, về sự tập khởi của chúng, về sự diệt tận của chúng, về vị ngọt của chúng, về sự tai hại của chúng, về sự xuất ly của chúng, thì Sa Môn, Bà La Môn này có đủ khả năng siêu việt khỏi chúng.

Này Thâu Lũ Na, ý ông thế nào?

Sắc là thường hay vô thường?

Đáp: Là vô thường.

Vậy vô thường là khổ phải không?

Đáp: Là khổ.

Này Thâu Lũ Na, nếu sắc vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch.

Thánh đệ tử ở trong đó có nên thấy có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Đáp: Không.

Này Thâu Lũ Na, ý ông thế nào?

Như vậy thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?

Đáp: Là vô thường.

Vậy vô thường là khổ phải không?

Đáp: Là khổ.

Này Thâu Lũ Na, nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch.

Thánh đệ tử ở trong đó có nên cho là có ngã, khác ngã, ở trong nhau không?

Đáp: Không.

Này Thâu Lũ Na, nên biết rằng đối với sắc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần.

Tất cả những sắc này không phải là ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.

Này Thâu Lũ Na, cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần.

Tất cả chúng không phải là ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Đó gọi là biết như thật.

Này Thâu Lũ Na, là Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này phải quán chân chánh là chẳng phải ngã, chẳng phải sở hữu của ngã.

Quán sát chân chánh như vậy đối với thế gian không có gì để nhiếp thọ. Khi không có gì để nhiếp thọ, thì sẽ không có gì để chấp trước.

Khi đã không có gì để chấp trước, thì sẽ tự đạt được Niết Bàn: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết sẽ không còn tái sanh đời sau nữa.

Khi Thâu Lũ Na con của một trưởng giả đã được nghe những gì Tôn Giả Xá Lợi Phất dạy rồi, phấn khởi vui mừng, làm lễ mà lui.

***