Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH THỦ TRƯỚC
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Chấp thủ nên sanh đắm trước. Không chấp thủ, không đắm trước. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì các ông mà nói.
Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thưa vâng, chúng con xin theo lời dạy.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Thế nào là do chấp thủ nên sanh đắm trước?
Phàm phu ngu si không học, đối với sắc thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Thấy sắc là ngã, hay ngã sở để mà chấp thủ. Khi đã chấp thủ, nếu sắc kia chuyển biến hay đổi khác, thì tâm cũng chuyển theo.
Khi tâm đã chuyển theo, thì sanh ra sự chấp thủ, nắm giữ tâm mà trụ. Sau khi trụ, sanh ra sợ hãi, chướng ngại tâm loạn, do thủ trước vậy.
Phàm phu ngu si vô học, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Thấy thức là ngã, hay ngã sở để mà chấp thủ.
Khi đã chấp thủ, nếu thức kia chuyển biến hay đổi khác, thì tâm cũng chuyển theo. Khi tâm đã chuyển theo, thì sanh ra sự chấp thủ, nắm giữ tâm mà trụ.
Sau khi trụ, sanh ra sợ hãi, chướng ngại tâm loạn. Do thủ trước vậy. Đó gọi là thủ trước.
Thế nào là không thủ, thì không đắm?
Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc không thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Ở nơi sắc không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ.
Không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ, khi sắc kia chuyển biến, hay đổi khác, thì tâm cũng không chuyển theo. Tâm không chuyển theo, không sanh thủ trước, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ, không sanh sợ hãi, chướng ngại, tâm loạn. Do không thủ trước vậy.
Cũng vậy, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức không thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Ở nơi thức không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ.
Không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ, khi thức kia chuyển biến, hay đổi khác, thì tâm cũng không chuyển theo.
Tâm không chuyển theo, không sanh thủ trước, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ, không sanh sợ hãi, chướng ngại, tâm loạn. Do không thủ trước vậy. Đó gọi là không thủ trước. Đó gọi là thủ trước và không thủ trước.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***