Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

 PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH TIÊN NI
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở trong Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà, tại thành Vương Xá.

Bấy giờ có một ngoại đạo xuất gia tên là Tiên Ni đến chỗ Phật, cung kính thăm hỏi, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

 Ngày hôm qua, có các Sa Môn, Bà La Môn, Giá La Ca, cùng nhau tập trung tại giảng đường Hy Hữu, khen ngợi như vậy: Phú Lan Na Ca Diếp, là người lãnh đạo đồ chúng, có năm trăm đệ tử vây quanh trước sau. Trong số họ có người cực thông minh, có người đần độn, nhưng đến khi họ chết đi, không được xác nhận là họ sẽ tái sanh ở đâu.

Lại có Mạc Ca Lê Cù Xá Lợi Tử là người lãnh đạo đồ chúng, có năm trăm đệ tử vây quanh trước sau. Trong số họ có người cực thông minh, có người đần độn, nhưng đến khi họ chết đi, không được xác nhận là họ sẽ tái sanh ở đâu.

Cũng vậy, Tiên Xà Na Tỳ La Chi Tử, A Kỳ Đa Xí Xá Khâm Bà La, Ca La Câu Đà Ca Chiên Diên, Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử v.v… mỗi người đều có năm trăm đệ tử vây quanh trước sau, như đã nói trên.

Sa Môn Cù Đàm lúc bấy giờ cũng được thảo luận trong đó, rằng: Sa Môn Cù Đàm là thủ lãnh của đại chúng. Trong số đệ tử của Ngài nếu có ai mạng chung thì liền được ghi nhận là sẽ sanh vào chỗ này, sẽ sanh vào nơi kia.

Trước đây tôi có sanh nghi, vì sao Sa Môn Cù Đàm đạt được pháp như vậy?

Phật bảo Tiên Ni: Ông chớ sanh nghi ngờ. Vì có mê lầm nên sanh ra nghi hoặc. Tiên Ni nên biết, có ba hạng Tôn Sư.

Những gì là ba?

Có một hạng tôn sư thấy đời hiện tại chân thật là ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết, nhưng không thể biết những việc sau khi chết. Đó là hạng thầy thứ nhất xuất hiện ở thế gian.

Lại nữa, này Tiên Ni có một hạng tôn sư, thấy đời hiện tại chân thật là ngã, sau khi chết cũng thấy là ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết.

Lại nữa, này Tiên Ni có một hạng tôn sư, không thấy đời hiện tại chân thật là ngã, sau khi mạng chung cũng lại không thấy chân thật là ngã.

Này Tiên Ni, hạng tôn sư thứ nhất thấy đời hiện tại chân thật là ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết, thì đó gọi là đoạn kiến.

Hạng tôn sư thứ hai, thấy đời hiện tại và đời vị lai chân thật là ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết, thì đó gọi là thường kiến.

Hạng tôn sư thứ ba, không thấy đời hiện tại chân thật là ngã và sau khi chết cũng không thấy ngã, thì đó là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác nói, hiện tại cắt đứt ái, ly dục, diệt tận, chứng Niết Bàn.

Tiên Ni bạch Phật: Bạch Thế Tôn, tôi nghe những gì Đức Thế Tôn nói càng thêm nghi ngờ.

Phật bảo Tiên Ni: Càng nghi ngờ thêm là đúng.

Vì sao?

Vì đây chính là chỗ sâu xa khó thấy khó biết, cần phải quán chiếu sâu xa, vi diệu mới thấu đáo được, chỉ có bậc thông tuệ mới hiểu rõ, còn loại chúng sanh thường tình thì chưa có khả năng biết được.

Vì sao?

Vì chúng sanh lâu đời có những kiến giải dị biệt, nhẫn thọ dị biệt, sự mong cầu dị biệt, những ước muốn dị biệt.

Tiên Ni bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con đối với Thế Tôn có lòng tin thuần tịnh, xin Đức Thế Tôn vì con mà nói pháp, để ngay nơi chỗ ngồi này Tuệ Nhãn của con được thanh tịnh.

Phật bảo Tiên Ni: Nay ta sẽ tùy thuộc vào chỗ ưa thích của ông mà nói.

Phật bảo Tiên Ni: Sắc là thường, hay là vô thường?

Đáp: Là vô thường.

Đức Thế Tôn lại hỏi: Này Tiên Ni, vô thường là khổ chăng?

Đáp: Là khổ.

Đức Thế Tôn lại hỏi Tiên Ni: Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Đáp: Bạch Thế Tôn, không!

Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

Lại hỏi: Thế nào, Tiên Ni, sắc có phải là Như Lai không?

Đáp: Bạch Thế Tôn, không!

Thọ, tưởng, hành, thức có phải là Như Lai không?

Bạch Thế Tôn, không!

Lại hỏi Tiên Ni: Ngoài sắc có Như Lai không?

Ngoài thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?

Đáp: Bạch Thế Tôn, không!

Lại hỏi Tiên Ni: Trong sắc có Như Lai không?

Trong thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?

Đáp: Bạch Thế Tôn, không!

Lại hỏi Tiên Ni: Trong Như Lai có sắc không?

Và trong Như Lai có thọ, tưởng, hành, thức không?

Đáp: Bạch Thế Tôn, không!

Lại hỏi Tiên Ni: Phi sắc, phi thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai không?

Đáp: Bạch Thế Tôn, không!

Phật bảo Tiên Ni: Các đệ tử của ta nghe những gì ta đã nói mà không hiểu nghĩa lý để khởi vô gián đẳng đối với mạn. Vì phi vô gián đẳng nên mạn không bị đoạn trừ. Vì không dứt trừ được mạn, nên khi bỏ ấm này thì ấm khác tiếp nối sinh. Do vậy, này Tiên Ni, ta ký thuyết cho các đệ tử, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào chỗ này hay chỗ kia.

Vì sao?

Vì mạn còn sót lại. Này Tiên Ni, các đệ tử của ta đối với những gì ta đã nói, có khả năng hiểu rõ, thì đối với các mạn mà đạt được vô gián đẳng. Nhờ đạt được vô gián đẳng nên các mạn dứt trừ.

Vì các mạn được dứt trừ nên sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn có tương tục. Này Tiên Ni, những người đệ tử này, ta không bảo là khi bỏ ấm này rồi, họ sẽ sinh vào chỗ này hay chỗ kia.

Vì sao?

Vì không có nhân duyên để có thể ký thuyết. Nếu muốn ta ký thuyết, ta sẽ ký thuyết rằng, họ đã đoạn trừ các ái dục, vĩnh viễn xa lìa kết sử hữu, chánh ý giải thoát, tận cùng mé khổ.

Từ xưa tới nay và ngay trong hiện tại, ta thường nói, mạn quá, mạn tập, mạn sanh, mạn khởi. Nếu đối với mạn mà thường xuyên quán sát thì các khổ sẽ không sanh.

Khi Phật nói pháp này, Tiên Ni Sa Môn ngoại đạo xa lìa trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Bấy giờ, Tiên Ni thấy pháp, đắc pháp, đoạn trừ các nghi hoặc, không do người khác mà biết, không do người khác để được độ thoát. Ở trong chánh pháp, tâm đạt được vô sở úy.

Ông từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con có được phép ở trong chánh pháp xuất gia tu phạm hạnh không?

Phật bảo Tiên Ni: Ông có thể xuất gia, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ Kheo ở trong chánh pháp.

Sau khi Tiên Ni đã được phép xuất gia rồi, một mình ở nơi vắng vẻ tu tập không buông lung, tự suy nghĩ về lý do nào mà người có dòng họ quý cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, tu hành phạm hạnh, thấy pháp, tự biết đã chứng đắc: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Đã đạt được quả A La Hán. 

Sau khi đã nghe những gì Đức Phật đã nói, hoan hỷ phụng hành.

***