Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH TỲ DA LY
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật trú trong giảng đường Trùng Các, bên bờ ao Di Hầu, tại Tỳ Da Ly.

Bấy giờ, Thế Tôn, nói với các Tỳ Kheo: Ða văn Thánh đệ tử ở nơi cái gì thấy chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau mà quán chánh xác bình đẳng như vậy, và tri kiến như thật?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói. Sau khi nghe xong các Tỳ Kheo sẽ y như những lời dạy mà thực hành.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì các ngươi mà nói. Ða văn Thánh đệ tử ở nơi sắc thấy chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Ðó gọi là quán chánh xác như thật. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Sắc là thường hay là vô thường?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn, là vô thường!

Lại bảo các Tỳ Kheo: Vô thường là khổ chăng?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn, là khổ!

Tỳ Kheo, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy thì là đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thế Tôn, không!

Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ Kheo, những gì là các sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần.

Tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Ðó gọi là quán chánh xác như thật. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. 

Ða văn Thánh đệ tử quán sát như vậy đối với sắc được giải thoát, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng được giải thoát. Ta nói người này giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, cùng tụ khổ thuần lớn.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

***