Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH TY HẠ
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Người đời làm nghề thấp hèn, bằng đủ mọi cách mưu sinh tìm cầu của cải, mà được giàu sang. Điều đó người đời ai cũng biết. Như điều mà người đời biết, ta cũng nói như vậy.
Vì sao?
Chớ nghĩ ta khác người đời. Tỳ Kheo, giống như cùng một món đồ, có nơi người ta gọi là Kiền Tỳ, có nơi gọi là bát, có nơi gọi là Chủy Chủy La, có nơi gọi là Giá Lưu, có nơi gọi là Tỳ Tất Đa, có nơi gọi là Bà Xà Na, có nơi gọi là Tát Lao, theo sự hiểu biết chỗ này hay chỗ kia. Ta cũng nói như vậy.
Vì sao?
Đừng nghĩ ta khác người đời. Như vậy, này các Tỳ Kheo, có pháp thế gian mà ta đã tự chứng tri, đã tự giác ngộ, rồi vì mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết, không thấy.
Đối với những kẻ mù, không mắt, không biết, không thấy kia, ta làm gì được.
Tỳ Kheo, những gì là pháp thế gian ở trong thế gian mà ta đã tự chứng tri, tự giác ngộ, rồi vì mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết, không thấy?
Tỳ Kheo, đó là, sắc là pháp vô thường, khổ, biến dịch, nó là pháp thế gian ở trong thế gian. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, là pháp thế gian ở trong thế gian.
Tỳ Kheo, đó là pháp thế gian ở trong thế gian, mà ta đã tự biết, tự thấy,… cho đến, những kẻ mù không mắt, không biết không thấy, thì ta làm gì được.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***