Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô Tri

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH VÔ TRI 
 

PHẦN SÁU
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Chúng sanh, đối với sanh tử vô thỉ, vì bị vô minh che khuất, ái kết buộc ràng, luân hồi trong lâu dài, mà không biết được biên tế tối sơ của khổ.

Này các Tỳ Kheo, giống như con chó bị dây cột vào trụ. Dây trói không đứt, nó xoay chuyển quanh cây trụ, khi đứng, khi nằm, không rời khỏi trụ.

Cũng vậy, chúng sanh phàm phu ngu muội, đối với sắc không lìa tham dục, không xa lìa ái, không lìa niệm, không xa lìa khát, luân hồi theo sắc, chuyển xoay theo sắc, khi đứng, khi ngồi, không rời khỏi sắc.

Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, theo thọ, tưởng, hành, thức chuyển xoay, khi đứng, khi nằm không rời khỏi thức.

Này các Tỳ Kheo, hãy khéo quán sát tư duy tâm.

Vì sao?

Vì trong lâu đời tâm bị tham dục làm nhiễm ô, bị sân nhuế, ngu si làm nhiễm uế.

Này các Tỳ Kheo, vì tâm não nên chúng sanh não. Vì tâm thanh tịnh nên chúng sanh thanh tịnh.

Này các Tỳ Kheo, ta không thấy có một sắc mà đa dạng như chim có sắc đốm, tâm mình lại còn hơn thế nữa.

Vì sao?

Tâm chúng sanh kia đa dạng, nên sắc cũng đa dạng. Cho nên này Tỳ Kheo, hãy tư duy quán sát rõ tâm mình.

Này các Tỳ Kheo, trong lâu đời tâm bị tham dục làm nhiễm ô, bị sân nhuế, ngu si làm nhiễm uế.

Này các Tỳ Kheo, vì tâm não nên chúng sanh não. Vì tâm thanh tịnh nên chúng sanh thanh tịnh.

Tỳ Kheo, nên biết, ngươi có thấy chim Ta Lan Na có nhiều màu sắc không?

Đáp: Thế Tôn, đã từng thấy.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, như loài chim Ta Lan Na có nhiều màu sắc, Ta nói tâm của chúng cũng có nhiều như vậy.

Vì sao?

Vì tâm của chim Ta Lan Na đa dạng, nên màu sắc đa dạng. Cho nên này Tỳ Kheo, hãy tư duy quán sát rõ tâm mình.

Này các Tỳ Kheo, trong lâu đời tâm bị tham dục làm nhiễm ô, bị sân nhuế, ngu si làm nhiễm uế.

Này các Tỳ Kheo, vì tâm não nên chúng sanh não. Vì tâm thanh tịnh nên chúng sanh thanh tịnh.

Giống như người thợ vẽ, hay học trò của người thợ vẽ, khéo dọn sạch đất, rồi dùng các thứ màu, theo ý mình vẽ nên các loại hình tượng khác nhau.

Cũng vậy Tỳ Kheo, chúng sanh phàm phu ngu si, không biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc.

Không biết như thật về sắc nên thích thú đắm nhiễm sắc. Vì thích thú đắm nhiễm sắc, nên lại sanh ra các sắc vị lai.

Cũng vậy, phàm phu ngu si, không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức.

Về sự tập khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về vị ngọt của thức, về sự tai hại của thức, về sự xuất ly của thức.

Không biết như thật nên thích thú đắm nhiễm thức. Thích thú đắm nhiễm thức, nên lại sanh ra các thức vị lai. Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức vị lai sẽ sanh nên đối với sắc không giải thoát.

Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng không giải thoát. Ta nói người này không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

Có đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc.

Biết như thật rồi nên không đắm nhiễm sắc. Không đắm nhiễm nên không sanh ra sắc vị lai. Biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức.

Về sự tập khởi của thức, về sự diệt tận của thức, về vị ngọt của thức, về sự tai hại của thức, về sự xuất ly của thức. Biết như thật nên không nhiễm đắm thức, vì không đắm nhiễm nên không sanh ra các thức vị lai.

Không thích nhiễm sắc, thọ, tưởng, hành, thức nên đối với sắc sẽ được giải thoát và đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sẽ được giải thoát. Ta nói những người này sẽ giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***