Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH TẬP NHẤT THIẾT

PHƯỚC ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN BẢY
 

Khi ấy, Đại đức A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, trịch vai áo bên phải, gối phải quỳ chấm đất, chắp tay hướng về Đức Phật dùng kệ thưa hỏi: Thưa Thế Tôn! Phật không vô cớ mỉm cười, nay Thế Tôn vì duyên gì mà mỉm cười?

Được vô thượng trí, vô cấu nhãn

Các căn vắng lặng đến bờ kia

Tu Di rực sáng sắc núi vàng

Vì nhân duyên gì Đạo Sư cười?

Khéo biết căn hạnh các chúng sinh

Tịnh tuệ tương ưng biết ba đời

Chứng được vô tướng tối thượng trí

Mặt như trăng tròn nói duyên cười?

Như Phật quá khứ và vị lai

Hiện tại các Đức Phật cũng vậy

Tất cả hạnh chân thật thanh tịnh

Khéo biết tất cả nghĩa như thật.

Thân kia khắp cùng các Cõi Phật

Âm thanh cũng vậy vang cõi kia

Tâm từ rải khắp các chúng sinh

Nguyện nói ai cùng trí tương ưng.

Tự tại biết pháp như trăng nước

Như tướng huyễn hóa, cũng như mộng

Như không, như điện, pháp thanh tịnh

Nay đấng Sư Tử duyên gì cười?

Hiểu pháp: Không, vô tướng, vô nguyện

Khéo biết thật tánh thường điều tâm

Như gió bay đi trong hư không

Xin nguyện diễn nói duyên gì cười?

Nay trí huê Phật biết tâm ai?

Ai đáng ngồi gốc cây hàng ma?

Ai sẽ ngồi trên tòa kim cang?

Đấng nhân tiên vì duyên gì cười?

Đây không phải cảnh giới Thanh Văn

Cũng chẳng phải Duyên Giác biết được

Là cảnh giới trí Phật rộng lớn

Nguyện nói nhân duyên Ngài biểu hiện.

Khi ấy, Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông có thấy Lực sĩ Tịnh Oai trụ trong hư không chăng?

Này A Nan! Lực sĩ Tịnh Oai trải qua ba trăm ức vô số kiếp sẽ được thành Phật Hiệu là Đa Trang Nghiêm Vương xuất hiện ở đời là đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự, Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nước ấy ở phương Đông tên là Nghiêm Tịnh, kiếp tên là Phạm Thán.

A Nan nên biết! Đức Đa Trang Nghiêm Vương, ở trong nước Nghiêm Tịnh sẽ được thành Phật. Nước đó rất nhiều an vui, ổn định, người trong nước cần đến vật phẩm thọ dùng đều có nhiều như ở Trời Đâu Suất.

Đức Trang Nghiêm Vương không nói các pháp khác, chỉ diễn nói Bồ Tát thừa, không có tên gọi các thừa Thanh Văn, Duyên Giác, chỉ có Bồ Tát thánh tăng đều được pháp nhẫn. Không có tám nạn, không có ma oán và các ngoại đạo. Đức Phật kia thọ mạng không có hạn lượng, dùng lưu ly làm đất, có hoa bằng vàng Diêm phù na đề xen vào trong đó.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai từ hư không hiện xuống đảnh lễ dưới chân Đức Phật, chắp tay hướng về Đức Phật cầu xin xuất gia, Phật liền hứa cho.

Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên thưa: Bạch Thế Tôn, rất là ít có! Bạch Thiện Thệ, rất là ít có! Thế Tôn thường dùng pháp thiện thù thắng vi diệu này để khéo điều phục chúng sinh, đến cả những chúng sinh tranh cạnh, háo thắng, kiêu mạn.

Những người này khi thấy Phật liền được hoan hỷ, xả bỏ kiêu mạn, đảnh lễ dưới chân Như Lai. Như Lực sĩ Tịnh Oai rất kiêu mạn này, khi xả bỏ hết kiêu mạn rồi liền được pháp thù thắng vi diệu, lại còn điều phục vô lượng chúng sinh xả bỏ kiêu mạn khác.

Thưa Thế Tôn! Lực sĩ Tịnh Oai đã từng cúng dường, gieo trồng thiện căn với Đức Phật Thế Tôn nào, mới có thể mau chóng khai ngộ liễu giải như vây?

Khi ấy, Đức Phật bảo Bồ Tát Na La Diên: Này Na La Diên! Lực sĩ Tịnh Oai ở đời quá khứ đã từng cúng dường sáu mươi hai ức các Đức Phật, gieo trồng căn lành, từ nay trở về sau sẽ gặp vô lượng, vô biên, vô số các Đức Phật, cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán, tịnh tu phạm hạnh.

Na La Diên thưa: Bạch Thế Tôn! Lực sĩ Tịnh Oai lại do nhân duyên gì ôm lòng kiêu mạn, muốn cạnh tranh hơn thua với Đức Phật.

Đức Phật bảo: Này Na La Diên! Đại Bồ Tát có bốn pháp làm quên mất tâm bồ đề.

Những gì là bốn?

1. Kẻ tăng thượng mạn.

2. Không kính trọng pháp.

3. Khinh thường bậc thiện tri thức.

4. Nói lời không thành thật.

Na La Diên, Bồ Tát có bốn pháp ấy sẽ làm quên mất tâm bồ đề.

Này Na La Diên! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp làm quên mất tâm bồ đề:

1. Tán thán người hướng về Thanh Văn, Duyên Giác thừa.

2. Quở trách người hướng đại thừa.

3. Làm hủy tổn Bồ Tát.

4. Lẫn tiếc pháp.

Na La Diên, Bồ Tát có bốn pháp ấy sẽ làm quên mất tâm bồ đề.

Này Na La Diên! Bồ Tát lại có bốn pháp làm quên mất tâm bồ đề.

Những gì là bốn?

1. Đối với các chúng sinh thi hành các thuật huyễn hoặc.

2. Thân cận người trong sự dối trá hư ngụy.

3. Đối với thiện tri thức nói năng không cẩn trọng.

4. Sống nặng về lợi dưỡng.

Na La Diên, Bồ Tát có bốn pháp ấy sẽ làm quên mất tâm bồ đề.

Này Na La Diên! Bồ Tát lại có bốn pháp quên mất tâm bồ đề.

Những gì là bốn?

1. Không rõ việc ma.

2. Không trừ nghiệp chướng.

3. Ý chí nhu nhược.

4. Không có trí tuệ phương tiện.

Na La Diên, Bồ Tát có bốn pháp ấy sẽ làm quên mất tâm bồ đề.

Này Na La Diên! Lực sĩ Tịnh Oai vốn tạo nghiệp ác quên mất tâm bồ đề, ta nay sẽ nói, người khéo lắng nghe: Về đời quá khứ, trong hiền kiếp này, có Đức Phật ra đời hiệu là Ca Ca Tôn, ở trong pháp Phật có đại Bà La Môn tên là Thiện Tài, sinh tâm kiêu mạn, vướng lỗi tăng thượng mạn không đến viếng Phật, lòng kiêu mạn tăng cao, tự cho mình nói pháp như Phật, với các Bà La Môn cùng nhau cạnh tranh.

Do kiêu mạn mà bị quả báo, hiện tại tổn thương rất nhiều: Không thấy Phật, không nghe Chánh Pháp.

Cũng không được nghe pháp để hướng đến đại thừa Bồ Tát.

Cũng không được nghe tịnh pháp của Chư Thiên.

Cũng không được nghe nói về công đức của thiện căn.

Tuy có hồi hướng về bồ đề nhưng không vững chắc. Do năm pháp ác này ngăn che, nên xa lìa tâm bồ đề.

Na La Diên, ý ông nghĩ thế nào?

Bà La Môn Thiện Tài thời ấy đâu phải người nào lạ, ông chớ có nghi, chính nay là Lực sĩ Tịnh Oai. Do kiêu mạn nên quên mất tâm bồ đề, song nhờ tâm thiện căn bản nên không đọa vào đường ác.

Tuy thành đại lực nhưng còn có tâm kiêu mạn, sau nhờ Phật lực gia trì nên ông mới được nghe năng lực của Phật và Bồ Tát, xa lìa được kiêu mạn, sẽ thường được thấy Phật, không còn tạo các điều ác. Nhờ căn lành này, nay mới hiện phát, mau chóng đạt được pháp nhẫn vô sinh.

Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên nói với Lực sĩ Tịnh Oai: Ông nương vào pháp gì mà đạt được pháp nhẫn vô sinh, lại được thọ ký?

Tịnh Oai đáp: Tôi do sinh khởi từ các pháp phàm phu mà được thọ ký.

Na La Diên nói: Thế nào là sinh?

Tịnh Oai đáp: Sinh như không sinh, như vậy là sinh. Diệt như không diệt, như vây là diệt. Như thế mà sinh tâm nhưng lại không trú trước.

Na La Diên nói: Này Thiện Nam! Nếu như vậy thì pháp Phật và pháp phàm phu khác nhau như thế nào?

Tịnh Oai đáp: Trên phương diện văn tự thì có sai biệt, nhưng trên ý nghĩa thì không sai biệt.

Na La Diên nói: Như vậy pháp phàm phu có ý nghĩa gì?

Tịnh Oai đáp: Tâm không vọng tưởng, không phân biệt là ý nghĩa của các pháp phàm phu.

Na La Diên nói: Nghĩa này hướng về đâu?

Tịnh Oai đáp: Với ý nghĩa này, hành giả sẽ lìa pháp phàm phu hướng đến pháp Phật.

Na La Diên nói: Pháp Phật này có nghĩa thế nào?

Tịnh Oai đáp: Không chấp hai bên là ý nghĩa của pháp Phật.

Na La Diên nói: Này thiện nam!

Như Phật dạy: Y pháp bất y nhân.

Lại còn dạy: Hữu nhị nhân duyên khởi ư chánh kiến.

Những gì là hai?

1. Nương lời nói, âm thanh bên ngoài.

2. Khéo tư duy bên trong.

Nếu theo nghĩa này chỉ là văn tự.

Tịnh Oai đáp: Này Na La Diên! Nương nơi pháp của Bồ Tát thì không chấp nơi văn tự cũng không chấp nơi chẳng phải văn tự, nếu chấp nơi văn tự mà hiểu ý nghĩa, hiểu như vậy là chưa hiểu được nghĩa, vì vậy nên không thể nương theo nghĩa này, vì hết thảy các pháp đều không có thật nghĩa.

Vì sao?

Vì hết thảy các pháp đều không sở đắc, chẳng phải phương hướng mà cũng không lìa phương hướng, tùy nơi mỗi chỗ, từ nơi chỗ ấy mà tự diệt.

Như Phật dạy: Hoàn toàn diệt trừ vọng tưởng, như vậy gọi là thật nghĩa.

Vì vậy, này Na La Diên! Người muốn nương vào nghĩa, thì không có pháp nào có thể nương, nhưng đều có thể nương, nếu nương nơi chẳng phải nương thì mới gọi là thật nghĩa.

Na La Diên nói: Này thiện nam! Nếu có người nương nơi thật nghĩa tức là nương nơi hết thảy pháp vậy.

Tịnh Oai nói: Đúng như vậy.

Này Na La Diên! Hết thảy pháp là không, hết thảy pháp đều vắng lặng. Nếu hết thảy các pháp đều không, khi nương vào nó cũng nhận thấy như vậy. Nếu hết thảy các pháp đều vắng lặng, thì người nương vào pháp ấy cũng vậy.

Như vậy, này Na La Diên! Nếu nương vào nghĩa này tức nương vào các thật pháp.

Na La Diên nói: Này Tịnh Oai! Nếu người được như vậy, thì đối với tất cả các pháp thường tự như vậy mà nương về.

Tịnh Oai đáp: Như vậy, đúng như vậy.

Này Na La Diên! Hết thảy các pháp đều là đệ nhất nghĩa, nếu y theo đệ nhất nghĩa thì người ấy sẽ được an lạc, ông nên mong cầu pháp đệ nhất nghĩa.

Nếu có thể không khởi tâm phân biệt pháp và phi pháp, không mong cầu pháp nhị và bất nhị, như vậy gọi là lựa chọn phân biệt của Bậc Thánh, như vậy lựa chọn pháp không làm mà làm tất cả. Nếu đã không làm mà làm tất cả, ấy gọi là làm theo chỗ mong cầu, mà người mong cầu ý nghĩa không bị chống trái.

Lực sĩ Tịnh Oai khi nói pháp này, năm trăm Tỳ Kheo không còn cảm thọ đối với các pháp, các lậu đã hết, tâm được giải thoát. Tám ngàn Thiên Tử xa lìa trần cấu đạt được pháp nhãn thanh tịnh.

Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên nói với Lực sĩ Tịnh Oai: Như Phật dạy: Nương vào nghĩa, không nương vào văn tự, nhưng chúng sinh không rõ nghĩa này, tu hành theo hai hạnh, là không hiểu rõ văn tự cũng không hiểu rõ thật nghĩa, là người không hiểu rõ. Nếu nói nương theo ý nghĩa, không nương nơi văn tự thì cũng chỉ nương nơi văn, nơi nghĩa mà thôi. Nghĩa này vượt qua các văn tự.

Này thiện nam! Như Phật chỉ dạy: Có hai nhân duyên hay sinh chánh kiến. Nghĩa là có người không được nghe chánh pháp, thân tâm không được điều phục bởi chánh pháp, chỉ do một duyên nhỏ với pháp Phật mà sinh tâm hoan hỷ.

Vội tuyên bố: Ta đã ra khỏi sinh tử, kẻ đó là tăng thượng mạn. Đã là tăng thượng mạn, nên vì người này khuyên họ siêng năng tu hành. Kẻ kia khi đã được nghe pháp rồi, nếu họ đem ra áp dụng tu hành, sẽ được thành tựu chánh kiến.

Vì vậy, Đức Phật dạy:

Nghe pháp rồi hiểu biết.

Nghe rồi không làm ác.

Nghe rồi được lợi ích.

Nghe rồi được Niết Bàn.

Na La Diên nói: Thế nào là Tỳ Kheo tương ưng với niệm pháp?

Tịnh Oai đáp: Không tương ưng mà không thứ gì là không tương ưng, nếu hay như vậy là niệm pháp tương ưng.

Na La Diên nói: Người tu hành kia mới tương ưng trên lời nói.

Lại nữa, này Na La Diên! Nếu có Tỳ Kheo cùng tương ưng với niệm pháp thì không sinh tâm sân, tâm kiêu mạn, như vậy gọi là chánh tư duy.

Nếu quán sát về quá khứ, hiện tại, vị lai mà nói pháp, nếu hiểu điều mình nói, vì chấm dứt hý luận mà nói, vì hiểu rõ ràng cho nên mới nói, vì muốn tu hành cho nên mới nói, không được nói hay làm vì đời quá khứ, không được nói hay làm vì đời sau này, không được nói hay làm vì đời hiện tại, như vậy mới gọi là chân chánh tu hành.

Nếu chân chánh quán sát tất cả pháp tánh thường diệt, như vậy gọi là tu hành chánh tư duy mà thấy được.

Nếu chân chánh quán sát tất cả pháp tánh thường định, như vậy gọi là tu hành chân chánh tư duy mà thấy được.

Nếu chân chánh quán sát các pháp rốt ráo không sinh, như vậy gọi là tu hành chánh tư duy mà thấy được.

Nếu chân chánh quán sát tất cả pháp thật sự là vô thường, như vậy gọi là tu chánh tư duy mà thấy được.

Nếu chân chánh quán sát tất cả pháp vô thường sinh diệt, như vậy gọi là tu hành chánh tư duy mà thấy được.

Nếu người kia hay thấy và có cái bị thấy đều không thể thấy, đó là danh xưng nói về tư duy.

***