Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH TẬP NHẤT THIẾT

PHƯỚC ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN BỐN
 

Những gì là ba?

1. Không mong cầu tự tại nơi địa vị Vua chúa.

2. Không mong cầu được giàu có lớn để tự hưởng lạc.

3. Không hướng đến giác ngộ của Thanh Văn, Duyên Giác.

Như vậy, bố thí để đầy đủ bốn thứ thanh tịnh.

Những gì là bốn?

1. Cõi Phật thanh tịnh.

2. Bồ Tát Tăng thanh tịnh.

3. Đại chúng được giáo hóa thanh tịnh.

4. Hồi hướng nhất thiết thanh tịnh.

Bồ Tát nên như vậy hướng về bốn thứ thanh tịnh.

Lại nữa, Đại Bồ Tát bố thí an trụ vô tận.

Thế nào là Bồ Tát thí trụ?

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có bốn pháp bố thí, pháp ấy có lúc cùng tận.

Những gì là bốn?

1. Bố thí mà không hồi hướng.

2. Không có phương tiện.

3. Hành động thấp kém.

4. Gần tri thức ác.

Đây là bốn pháp bố thí hữu tâm.

Này thiện nam! Bồ Tát có bốn pháp bố thí mà pháp thí ấy an trụ vô tận.

Những gì là bốn?

1. Bố thí mà hồi hướng về Bồ Đề Vô Thượng.

2. Có phương tiện khéo léo.

3. Vì thành đấng Pháp Vương.

4. Thân gần thiện tri thức.

Này thiện nam! Đây là bốn pháp bố thí của Bồ Tát không cùng tận.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát nhớ nghĩ ba pháp mà hành bố thí.

Những gì là ba?

1. Ý niệm không xa lìa tâm giác ngộ.

2. Luôn thương xót tất cả chúng sinh.

3. Không trái với lời dạy của Phật, không mong quả báo.

Này thiện nam! như vây gọi là Bồ Tát nghĩ đến ba pháp mà thực hành bố thí.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát đặt chúng sinh vào trong ba pháp mà thực hành bố thí.

Những gì là ba?

1. An trú chúng sinh trong đạo giác ngộ mà thực hành bố thí.

2. Vì an trú chúng sinh trong giáo pháp đã được khéo tán thán mà thực hành bố thí.

3. Vì muốn đặt chúng sinh vào chốn cao thượng mà thực hành bố thí.

Này thiện nam! Như vậy gọi là Đại Bồ Tát đặt chúng sinh trong ba pháp mà thực hành bố thí.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát hy vọng một pháp mà thực hành bố thí.

Những gì là một?

Hy vọng có được phong ấp rộng lớn, mà hay tu tâm xả thí.

Này thiện nam! Như vậy gọi là Bồ Tát hy vọng một pháp mà thực hành bố thí.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát vì đầy đủ hai pháp mà thực hành bố thí.

Nghĩa là: Đủ trí và đủ tuệ. Như vậy gọi là Đại Bồ Tát đầy đủ hai pháp mà thực hành bố thí.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát đạt đến hai pháp mà thực hành bố thí.

Những gì là hai?

1. Tận trí.

2. Vô sinh trí.

Như vậy gọi là Đại Bồ Tát đạt đến hai pháp mà thực hành bố thí.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát tu hành bốn pháp thí.

Những gì là bốn?

1. Dùng tâm bình đẳng thực hành bố thí.

2. Không mong cầu quả báo mà bố thí.

3. Vì hướng đến giác ngộ mà bố thí.

4. Ưa khen ngợi cảnh vắng lặng mà bố thí.

Này thiện nam! Như vậy gọi là Bồ Tát tu hành bốn pháp bố thí.

Vì vậy, này thiện nam! Bồ Tát muốn thành tựu phước đức không cùng tận, cần nên tu học và thực hành cách bố thí như vây.

Khi ấy, Lực Sĩ Tịnh Oai liền bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Thật là ít có. Như Lai nói về bố thí mà như thâu gồm tất cả chánh pháp của Phật.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát thành tựu pháp bố thí này, thì phước đức của Bồ Tát đó không thể so lường hết được.

Phật dạy: Đúng như vậy! Đúng như vậy!

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát thành tựu đầy đủ pháp bố thí như vậy, biết rằng Bồ Tát ấy thành tựu đầy đủ phước đức không cùng tận, phước đức như biển cả, không nghèo thánh pháp, có phong ấp rộng lớn, an trú trong dòng pháp, có nhiều tiền tài, đầy đủ thất tài, thành đại phước đức, đem hình tướng trăm phước làm ruộng phước rộng lớn để nuôi dưỡng tất cả chúng sinh một cách bình đẳng.

Khi ấy, Phật bảo Lực sĩ Tịnh Oai: Này thiện nam! Thế nào là Đại Bồ Tát dùng tịnh giới để trang nghiêm?

Nghĩa là giữ giới thanh tịnh không có khiếm khuyết, không bỏ học giới, thương người phá giới và rất kính trọng việc trì giới. Thanh tịnh thân gồm ba nghiệp, thanh tịnh khẩu có bốn lỗi lầm, thanh tịnh ý lại cũng ba nghiệp.

Tự thành tựu mười điều thiện cho mình, đem mười điều thiện dạy cho mọi người, không tự khen ngợi, không sinh tâm kiêu mạn vì giữ giới, siêng gắng tu giới. Trong khi tu hạnh Đầu Đà tâm không lay động, nương nơi Thánh chủng tự hộ tâm mình, không thấy lỗi của người, không làm các điều ác, không nguyện sinh các cõi, cũng không ham vui.

Khuyên người tu thiện, siêng giúp đỡ người khác, khuyên người bố thí không mong cầu đền đáp, không từ bỏ chỗ ở vắng lặng, vì người bệnh cung cấp sự cần dùng, làm xong lòng rất hoan hỷ, làm đúng như lời nói. Mất lợi không lo buồn, được lợi không có tâm cao ngạo.

Bị phỉ báng, khen ngợi, xưng dương, quở trách cùng với việc khổ vui tâm không điên đảo dao động. Đoạn trừ thương ghét, tâm không oán giận hiềm nghi. Tu hành tâm từ, xem kẻ oán cũng như người thân. Không lấy việc giữ giới mà tự cao, không hướng đến các thừa khác, không lễ bái Trời thần, xả bỏ các kiến chấp, che lấp kiết sử triền phược, đoạn trừ tâm hối hận.

Xả bỏ tiền tài không hối tiếc, tâm sinh hoan hỷ, mâm không nguyện ưa sinh các cõi vui sướng mà nhẫn nại với cảnh lao khổ, khéo hộ trì cho tâm luôn tinh tấn, xa lìa tâm chấp trước, không sợ hãi pháp nhẫn vô sinh.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát tu tập giới này, cho đến phải mất thân mạng trọn không hủy phạm.

Không vì địa vị Vua chúa mà thọ trì giới cấm. Không vì sinh lên Trời, không vì Đế Thích, không vì Phạm Vương mà hộ trì giới cấm. Không vì phong ấp, không vì tự tại, không vì sắc thân tốt đẹp mà hộ trì giới cấm.

Không vì thân thể đoan chánh, không vì danh dự, không vì khen ngợi, không vì được lợi dưỡng, không vì cung kính, không vì nuôi dưỡng thân mạng, không vì đồ ăn uống, không vì đồ nằm, không vì thuốc trị bệnh mà hộ trì giới cấm.

Không vì mắt thấy sắc, không vì tai nghe tiếng, không vì mũi ngửi hương, không vì lưỡi mếm vị, thân xúc chạm, tâm đối với tất cả pháp mà hô trì giới cấm. Không nương vào sắc, không nương vào thọ, tưởng, hành, thức mà hộ trì giới cấm.

Không nương vào Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới mà hộ trì giới cấm. Không sợ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không vì được cứu hộ mà hộ trì giới cấm. Không sợ trong nhân đạo bần cùng khốn khổ mà hộ trì giới cấm.

Không sợ thiên đạo bần cùng khốn khổ mà hộ trì giới cấm. Không sợ Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ca Lâu La, Ma Hầu La Già ở trong các loài ấy bần cùng khổ não cho nên mới hộ trì giới cấm.

Vì giống Phật nên hộ trì giới cấm, vì nghe pháp như điều đã nghe mà hành trì nên hộ trì giới cấm. Vì chư tăng mà hộ trì giới cấm. Vì muốn vượt qua sinh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não mà hộ trì giới cấm.

Vì muốn giải thoát cho tất cả chúng sinh cho nên hộ trì giới cấm. Vì muốn an lạc lợi ích cho tất cả chúng sinh nên hộ trì giới cấm. Vì muốn pháp Phật trụ lâu ở đời nên hộ trì giới cấm.

Vì muốn chuyển vận bánh xe pháp nên hộ trì giới cấm. Vì muốn tu tập gieo trồng Bậc Thánh mà hộ trì giới cấm. Vì không muốn đoạn dứt hạt giống Phật, Pháp, Tăng mà hộ trì giới cấm. Vì thần thông vi diệu mà hộ trì giới cấm. Vì giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến mà hộ trì giới cấm. Vì thần túc biến hóa ứng hiện cùng khắp mà hộ trì giới cấm.

Như vậy, trì giới không hủy phạm, không khiếm khuyết, không rò chảy mà chắc thật. Ra làm bất cứ việc gì, người này cũng được đầy đủ thành tựu, thường rất tinh diệu không nhiễm, thanh tịnh thơm sạch, được người trí khen ngợi, Chư Phật hoan hỷ, như pháp tu hành kiên cố chân thật.

Nếu Bồ Tát trì giới được thành tựu như vậy sẽ không mất mười pháp.

Những gì là mười?

1. Bồ Tát không mất địa vị Chuyển Luân Vương. Khi đang ở trong địa vị này không sinh tâm buông lung, hy vọng muốn được giác ngộ cao tột, nguyện được thấy Phật.

2. Không mất địa vị Đế Thích, không sinh tâm buông lung, hy vọng muốn được đạt giác ngộ cao tột, nguyện được thấy Phật.

3. Không mất địa vị Phạm Vương, không sinh tâm buông lung, hy vọng muốn được đạt giác ngộ cao tột, nguyện được thấy Phật.

4. Có tín tâm thanh tịnh chân chánh, không mất việc nghe được chánh pháp.

5. Như pháp được nghe, khéo hay phân biệt.

6. Không mất khả năng tiếp nhận được trí tuệ của Bồ Tát.

7. Không mất khả năng vô đoạn, vô ngại, biện tài.

8. Không mất tất cả thiện căn đã được gom tụ.

9. Không mất tất cả Chư Phật, Thanh Văn, Duyên Giác tán thán.

10. Không mất mà còn nhanh chóng thông đạt tất cả trí tuệ của Phật.

Nếu Bồ Tát thành tựu việc trì giới thanh tịnh sẽ không mất mười pháp này.

Bồ Tát thành tựu các công đức trì giới này, Chư Thiên thường lễ bái, loài rồng tôn kính, Dạ Xoa thường cung kính vâng lời, các vị Càn Thát Bà cũng thường cúng dường, A Tu La Cung kính hầu gần, các vị Vua, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ tất cả đều tôn trọng, người trí hướng đến, Chư Phật thường hộ niệm, Chư Thiên và người đời thường phụng sự như là bậc Thầy, thường thương xót chúng sinh.

Nếu Bồ Tát như vậy thanh tịnh trì giới công đức đầy đủ, sẽ không phải sinh vào bốn cõi loại trừ việc giáo hóa chúng sinh.

Những gì là bốn?

1. Không sinh chỗ biên địa.

2. Không sinh vào nước không có Phật.

3. Không sinh vào nhà tà kiến.

4. Không sinh vào đường ác.

Như vậy gọi là Bồ Tát thanh tịnh trì giới công đức đầy đủ, sẽ không sinh vào bốn chỗ.

Lại nữa, này thiện nam! Như vậy Bồ Tát thọ trì tịnh giới không mất bốn pháp.

Những gì là bốn?

1. Không bao giờ quên mất tâm bồ đề.

2. Không bao giờ quên niệm Đức Phật.

3. Không bao giờ quên việc nghe pháp Phật.

4. Đã được nghe pháp, dù trải qua vô lượng, vô số kiếp cũng không quên mất.

Như vậy là bốn pháp, Bồ Tát giữ giới thanh tịnh không quên mất.

Này thiện nam! Bồ Tát thanh tịnh thọ trì giới cấm sẽ không gặp bốn chỗ.

Nghĩa là:

1. Không gặp pháp Phật bị diệt.

2. Không gặp kiếp đao binh.

3. Không gặp kiếp đói khát.

4. Không gặp kiếp đang thiêu cháy.

Như vây là bốn việc mà Bồ Tát thanh tịnh thọ trì giới luật sẽ không gặp bốn chỗ.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát thanh tịnh thọ trì giới luật như vậy được bốn thắng pháp.

Những gì là bốn?

1. Luôn tôn kính Đức Phật.

2. Thường kính mến Chư Thiên.

3. Không bao giờ lừa dối chúng sinh.

4. Không lừa dối chính mình.

Như vậy Bồ Tát thanh tịnh thọ trì giới luật được bốn thắng pháp.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát thanh tịnh thọ trì giới luật, xa lìa mười thứ sợ hãi.

Những gì là mười?

1. Lìa sợ đọa địa ngục.

2. Lìa sợ đọa súc sanh.

3. Lìa sợ đọa ngạ quỷ.

4. Lìa sợ nghèo hèn.

5. Lìa sự sợ không được tán thán.

6. Lìa sợ phiền não trói buộc.

7. Lìa sợ phải rơi vào các địa vị Thanh Văn, Duyên Giác.

8. Lìa sợ rơi vào các loài Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Câu Biện Trà, La Sát V.v…

9. Lìa sợ đồ tể, dao, gậy, lửa, thuốc độc v.v…

10. Lìa sợ do các loài: Sư tử, cọp, beo, gấu lớn và Đa lặc xoa, chồn, chó sói, mãng xà, mèo, chuột, rắn, rết trăm chân, trùng độc, giặc Vua v.v…

Như vậy, Bồ Tát nương giới luật thanh tịnh xa lìa mười thứ sợ hãi.

***