Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH TẬP NHẤT THIẾT

PHƯỚC ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN CHÍN
 

Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Đại Bồ Tát vì duyên và pháp gì mà đạt được pháp nhẫn vô sinh?

Đức Phật dạy: Này Văn Thù Sư Lợi! Duyên nơi ấm, giới, nhập mà đạt được nhẫn vô sinh, người này nhẫn được tất cả các pháp, lại còn nương nơi thường, lạc, ngã, tịnh mà đạt được pháp nhẫn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nói là nhẫn, do duyên nơi các pháp không cùng tận, nói là nhẫn, cũng còn gọi là chánh.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nhân duyên của nhẫn là chẳng cùng với thế pháp mà chung tu hành, vì chẳng phải pháp phàm phu, chẳng phải pháp học, chẳng phải pháp không học, chẳng phải pháp Duyên Giác, chẳng phải pháp Bồ Tát, chẳng phải pháp Phật mà cùng chung tu hành. Không cùng tất cả các pháp chung tu hành, gọi là đạt được pháp nhẫn, là xả bỏ tất cả các pháp tướng chấp trước, đó gọi là nhẫn.

Pháp nhẫn này cũng không ở trong mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý theo pháp, nói không cùng không tận gọi đó là nhẫn, nhưng nhẫn lại cũng không lìa những vấn đề nêu trên, như vậy gọi là nhẫn.

Khi nói về pháp nhẫn này có năm trăm vị Bồ Tát, vốn trước đây đã gieo trồng thiện căn với Phật, nên được nhẫn vô sinh.

Liền thưa: Kinh tập nhất thiết phước đức tam muội này rất hay khiến cho chúng con trú chỗ đáng trú, cũng khiến cho chúng con đầy đủ vô lượng pháp.

Thưa Thế Tôn! Đại Bồ Tát nên hết lòng lắng nghe các pháp sâu xa này và chuyên cần tu tập.

Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thế nào là Bồ Tát với pháp sâu xa mầu nhiệm này tu hành để được gọi là việc làm đã xong?

Văn Thù Sư Lợi nói: Nếu Bồ Tát biết hết thảy pháp là không làm mà không có gì là không làm, như vậy gọi là Bồ Tát này việc làm đã xong.

Nếu biết hết thảy pháp là không làm, nếu làm rồi thì không chấp, không làm thì không quên, như vậy gọi là Bồ Tát việc làm đã xong.

Nếu Bồ Tát tùy việc đáng làm, là làm mà không mong đền ân, như vây gọi là tri ân. Với hữu vi hay vô vi đều không sinh tâm phân biệt chúng cao thấp, không làm mà cũng có chỗ để làm. Nghĩa là làm việc bố thí mà trú trước nơi việc hồi hướng, cũng không được thí, không được Bồ Đề, không vì cho mình và người, ấy gọi là Bồ Tát này việc làm đã xong.

Giữ gìn tịnh giới hồi hướng đến bồ đề cũng không được giới. Tu hạnh nhẫn, tấn, thiền định, trí tuệ cũng không được tuệ, nên biết Bồ Tát này việc làm đã xong.

Nếu không chấp được thân, miệng, ý, các nghiệp thiện, thì nên biết vị Bồ Tát này việc làm đã xong.

Nếu không vì được cho thân, không được cho miệng và ý về việc tu tập trang nghiêm, thì biết vị Bồ Tát này việc làm đã xong.

Khi ấy, Bồ Tát Thường Tinh Tấn nói với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Tôi cũng muốn nói các vị Bồ Tát này việc làm đã xong.

Văn Thù Sư Lợi nói: Này thiện nam! Nay đã đúng lúc ông nên diễn nói.

Bồ Tát Thường Tinh Tấn nói với Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Nếu Bồ Tát hay hướng dẫn cho một chúng sinh vào trong pháp Phật, như vậy Bồ Tát này trong việc tu hành việc làm đã xong.

Nếu Bồ Tát thọ nhận đồ ăn của chúng sinh hoặc bố thí cho người khác, không sợ hãi cho nên đều hướng về bồ đề vô thượng, như vậy gọi là Bồ Tát phước điền thanh tịnh. Nếu người bố thí kia và người thọ đúng như pháp mà làm, như vậy gọi là Bồ Tát làm cho cả hai đều được thanh tịnh.

Nếu Bồ Tát dùng tiếng của Đức Phật khiến cho người khác được nghe, tự mình an trú trong thí, giới, nhẫn, tấn, thiền, tuệ luôn nhớ nghĩ chân chánh, ở trong đại chúng nói sáu pháp Ba la mật, khiến cho người khác được nghe, nhớ nghĩ thọ trì, người có thiện căn này, biết là Bồ Tát tu hành việc làm đã xong, có thể tiêu ích được của tín thí đã cúng dường.

Nếu Bồ Tát tu hành nhẫn nhục, nếu bị giặc oán hoặc Chiên Đà La nhục mạ, không sân hận, không phiền não, vì chúng sinh này làm cho họ sinh niềm tin hoan hỷ, siêng tu tinh tấn, trú trong năng lực tinh tấn, nên biết Bồ Tát này tu hành việc làm đã xong.

Nếu Bồ Tát dùng vàng bạc của báu chính đáng đầy khắp bốn thiên hạ, không tham của báu này mà nói lời hư dối, nếu có người khác hỏi pháp không cùng bạn đảng nói lời phi pháp, nên biết Bồ Tát này việc làm đã xong.

Nếu có Bồ Tát nhịn ăn bảy ngày, có người đến nói: Nếu ông bỏ tâm bồ đề, giết các chúng sinh làm đồ ăn, ta sẽ cùng ăn với ông, Bồ Tát hoàn toàn không chịu làm theo, nên biết Bồ Tát này việc làm đã xong.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát thấy cả dao sắc và lửa dữ đầy cả Thế Giới nên từ nơi nguy hiểm đó vượt qua, đến chỗ nghe pháp, không tiếc thân mạng vì việc tu học. Do nghĩ đến thân này từ ấm, nhập, giới cũng dễ được, còn Đức Phật rất khó gặp, giáo pháp của Ngài cũng khó được nghe, chúng sinh cũng biết tôn kính pháp cũng khó có, do nghĩ như vậy nên mới quyết tâm nhập chúng để nghe pháp, nên biết Bồ Tát này việc làm đã xong.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát từ người khác được nghe một bài kệ bốn câu, nói đến hoặc trì giới hoặc bố thí tâm sinh hoan hỷ, còn thù thắng hơn được Vua Chuyển luân lập lên làm vị Đại Vương, nếu đem bài kệ này nói cho một người nghe còn thù thắng hơn được làm Đế Thích và ở cõi Phạm Thiên, nên biết Bồ Tát này việc làm đã xong.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu Bồ Tát này ở trong đại chúng, học được đa văn, tâm rất mừng vui, dùng khả năng đa văn này hướng về nhất thiết trí, tuy không được ba ngàn đại thiên Thế Giới của báu, vẫn sinh tâm rất hoan hỷ, dùng thiện căn của mình vì một chúng sinh, hồi hướng về Phật Đạo, lấy làm hân hoan, nên biết Bồ Tát này việc làm đã xong.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát vì giáo hóa chúng sinh nên tinh tấn, cố gắng tự trang nghiêm tu tập đa văn, dù phải xả bỏ chi tiết của tự thân, đối với tám pháp ở đời tâm không sai khác. Bồ Tát vì trí tuệ của Phật, thà bỏ thân mạng không bỏ trì giới. Bồ Tát cần nên tu hành nhẫn nhục, thường nhịn các điều ác, các âm thanh bất thiện.

Bồ Tát cần nên gia tâm tinh tấn để trang nghiêm Cõi Phật. Bồ Tát cần một mình ở chỗ vắng lặng, vì không làm mất tâm đạo Bồ Đề.

Bồ Tát cần không mất chánh niệm, tu tập sáu Ba La Mât. Bồ Tát cần không có tâm chấp trước, ân cần siêng năng giữ giới, sau mới làm các nghiệp thiện, không xả bỏ tất cả các chúng sinh.

Bồ Tát cần nên thề nguyện vững tu tập trang nghiêm, vì tồn tại hạt giống pháp Phật.

Bồ Tát cần nên xa lìa nịnh hót dối trá, để thân, miệng, ý ở trong pháp lành ngay thẳng. Bồ Tát cần nên tự mình trong sạch ý chí và lòng ham muốn, vì cứu giúp và hướng về các chúng sinh. Bồ Tát cần nên không quá xét nét trong việc làm, vì không chấp trước thân mạng. Bồ Tát nên ngọt dịu và tốt đẹp trong lời nói, khéo đến thăm hỏi mọi người. Bồ Tát nên thường có ý thức thưa hỏi người khác, không sân giận trách móc, cũng không nói nhiều.

Bồ Tát cần giống như đất, không có thương ghét. Bồ Tát cần nhu hòa khéo uyển chuyển, tâm cùng vui vẻ. Bồ Tát nên khéo sửa trị dạy dỗ, mau tiếp nhận lời chỉ dạy. Bồ Tát cần nên trừ bỏ kiêu mạn, khiêm tốn với tất cả các chúng sinh. Bồ Tát nên giống như loài chó trung thành không lừa dối tất cả chúng sinh, không trái thề xưa.

Bồ Tát cần nên đối với các chúng sinh khởi tâm đại từ thấy tất cả đều không. Bồ Tát nên đối với các chúng sinh khởi tâm đại bi, vì các chúng sinh làm việc lợi ích lớn. Bồ Tát nên sinh tâm đại hỷ, vui vẻ tu tập các căn lành. Bồ Tát cần nên tu hành đại xả, không để tâm vào năm thứ dục lạc.

Bồ Tát không nên tham lam keo kiệt mà tự bỏ thân mạng vì các chúng sinh. Bồ Tát không nên chấp trước sở hữu của bản ngã, không nên tham tất cả các tiền tài vật chất. Bồ Tát cần tu tâm đại xả, xả bỏ tất cả vọng tưởng.

Bồ Tát cần đầy đủ tài vật lớn, là bảy tài sản thánh. Bồ Tát cần có ý chí vững vàng củng cố tất cả căn lành. Bồ Tát không nên có tâm tự thỏa mãn, mà cần tu tập vô lượng công đức của Phật. Bồ Tát cần có trí tuệ dũng mãnh, bẻ dẹp bốn thứ ma. Bồ Tát cần làm bâc đại y Vương, khéo trị bệnh phiền não của tất cả chúng sinh.

Bồ Tát cần làm bậc xứng đáng ứng cúng, không bỏ tâm Bồ Đề. Bồ Tát cần nên tạo ruộng phước, vì các chúng sinh làm ánh quang minh. Bồ Tát nên như là hoa sen, không bị bùn nhơ ở đời làm ô nhiễm. Bồ Tát nên giống như thuyền bè, để chuyên chở các chúng sinh.

Bồ Tát nên giống như chiếc cầu đối với tất cả chúng sinh, không có tư tưởng phân biệt là bậc thượng, trung, hạ. Bồ Tát cũng giống như ao lớn, chuyên tâm chú ý vào nước chánh pháp không cùng tận. Bồ Tát nên giống như biển lớn, một mực hướng về đa văn không bao giờ biết đủ. Bồ Tát nên giống như núi lớn, không ai có thể làm lay động.

Bồ Tát nên khéo an ổn dừng trú, như cửa đã được cài then kỹ càng. Bồ Tát cần nên không bị nhiễm trước tất cả sở hữu tiền tài vật chất. Bồ Tát nên khiến tâm được tự tại, tu hành không được thoái chuyển. Bồ Tát cần nên như bậc Đại Vương, vì đáng tôn quý và thù thắng.

Bồ Tát cũng giống như Vua Trời Đế Thích, tất cả chúng sinh thảy đều tôn quý. Bồ Tát cần giống như Trời Phạm Vương, vì là Vua tự tại trong các pháp. Bồ Tát nên an lạc tất cả chúng sinh đạt đến an lạc rốt ráo Niết Bàn. Bồ Tát nên làm cha mẹ chúng sinh, cho họ những thứ y phục và điều lợi ích.

Bồ Tát cần nên không làm tổn thương tất cả pháp thiện và bất thiện. Bồ Tát cần nên không làm việc xâm hại, người thân hoặc không thân luôn ở trong tâm bình đẳng. Bồ Tát cần nên không thân không tín vì là chỗ sinh ra các nhập. Bồ Tát cần vì pháp mà làm thí chủ, vì tất cả điều xả ly, Bồ Tát cần xa lìa các buông lung, biếng nhác, tu tập đạo Bồ Đề.

Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát thường nên nỗ nực siêng năng tu tập tất cả các hạnh về giới đức, vì đạt được đạo chánh chân vô thượng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn tán thán Đại Bồ Tát Thường Tinh Tấn: Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Ông khéo nói các hành, chúng là pháp cần an trú quán tưởng.

Này Thiện Nam! Nếu Đại Bồ Tát muốn mau đạt được tam muội tập nhất thiết phước đức này, cần nên huân tu tất cả các phước đức, không nên xa lìa tất cả phước đức.

Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu có người được tam muội tập nhất thiết phước đức, không bị đọa vào đường ác, rơi vào tám nạn, không còn nghèo cùng, tâm thường tự tại, các căn đầy đủ, dùng ba mươi hai tướng đại trượng phu khéo tự trang nghiêm, được đại biện tài và giáo pháp vô tận, được Đà La Ni, được không quên chánh niệm, khởi sinh tất cả phước đức, chuyển bánh xe pháp, được vị quán đảnh. Thích, Phạm hộ đời tất cả chúng sinh đều nên cúng dường.

Được đầy đủ các thần thông và thông đạt tất cả việc chết đây sinh kia, rất được tự tại, hoặc sinh ra hoặc thị hiện ở đâu đều được sung túc, tăng trưởng các pháp lành, được trí tuệ sáng suốt, xa lìa ác tà kiến, rất được xưng tụng tán thán. Tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác đã được đại điều phục, đều khéo phân biệt các căn để giáo hóa chúng sinh, được thần thông tự tại, các cảnh giới thiền và cửa giải thoát tam muội.

Được bố thí vô tác, do hiểu biết về bố thí. Được giới mà không trú nơi giới, nên thành ba tụ tịnh giới. Có nhẫn vô lượng nên tâm từ phổ biến khắp các chúng sinh. Do tu hành tinh tấn nên tâm không mỏi mệt. Được thiền Ba la mật, nên rõ biết được cảnh giới tịch tĩnh, vì hóa độ chúng sinh nên sinh vào cõi dục. Do thanh tịnh trí tuệ trang nghiêm nên khéo quán sát âm thanh.

Như vậy gọi là có mắt thanh tịnh có thể thấy đạo, không lìa việc thấy Phật và cùng với việc nghe pháp. Cũng không xa lìa với pháp không, vô tướng, vô tác. Hay thọ trì tất cả các pháp của Phật mà vẫn không lìa việc quán và thấy pháp.

Được làm vị Tăng Bồ Tát không còn thoái chuyển, đi đến tất cả Cõi Phật đầy đủ công đức, không có chướng ngại. Hàng phục các ma, thắng bốn loại ma. Được pháp nhẫn sâu xa không thoái chuyển trong pháp Phật. Nhanh chóng thông đạt đầy đủ pháp Phật, những pháp chưa nghe nay được nghe.

Muốn nguyện đầy đủ thâu giữ tất cả công đức của các Cõi Phật, họ được an ổn lìa các tập khí. Được thân tự tại, ở cùng khắp ba cõi mà không thị hiện. Với tất cả ngoại đạo không thể hàng phục được thì khéo giữ gìn giáo pháp của Chư Phật đã dạy. Xả bỏ thân mạng vì thủ hộ chánh pháp, thấy cảnh giới của Phật mà không vào Niết Bàn rốt ráo.

Được vô sở úy nên ở trong chúng không sợ hãi, ở đâu, khi làm việc gì cũng dùng trí lực làm đầu, nhưng tâm không mưu làm việc gì. Hiện các cảnh giới đại trang nghiêm, do thần thông biến hóa vậy. Được thế lực lớn, vượt qua các nguy hại, âm thanh trong sáng vang xa, nghe khắp tất cả các Thế Giới. Tâm rất dũng mãnh hàng phục tất cả ma quân.

Đạt bến bờ các thần thông, làm chấn động các Thế Giới của Phật. Được đại biện tài, nói pháp không bị ngăn ngại bởi từ và nghĩa. Biết rõ không ngại và không buông lung. An trú làm Phật sự để chỉ bày cho chúng sinh thành tựu nhất thiết trí.

Này Na La Diên! Nếu Bồ Tát vào trong tam muội tập nhất thiết phước đức, có hiện tượng và những việc tương tự như vậy là được vô lượng công đức.

Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên bạch: Thưa Thế Tôn! Nguyện các chúng sinh được tam muội tập nhất thiết phước đức này. Bồ Tát được tam muội này có công đức, khiến cho các chúng sinh cũng được công đức như vậy, mà tất cả Thanh Văn và tất cả Duyên Giác đều không thể có.

Thưa Thế Tôn! Nếu Bồ Tát không được nghe tam muội quý báu này hoặc nghe mà không hiểu nên biết người này bị ma nắm giữ.

Đức Phật dạy: Này Na La Diên! Đúng như vậy! Đúng như vậy!

Như ông đã nói, nếu Bồ Tát nghe pháp tam muội này được sinh công đức, hoặc đã sinh hoặc nay sinh hoặc sẽ sinh nhiều vô lượng vô biên.

Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Nếu có Bồ Tát muốn tu tập thực hành pháp tam muội này, nên tu hành pháp gì?

Văn Thù Sư Lợi nói: Nếu Bồ Tát muốn được tam muội này, không bỏ pháp phàm phu vì thọ trì Phật Pháp, như vậy mà tu hành không cùng pháp tương ưng, cũng không cùng với phi pháp tương ưng. Như vậy mà tu hành, tuy lưu chuyển trong sinh tử mà không học pháp sinh tử, không bị nhiễm sinh tử, tuy học Niết Bàn mà không vào trong cảnh giới Niết Bàn của Thanh Văn và Duyên Giác.

Lại nữa, này Na La Diên! Nếu Bồ Tát muốn học tam muội này, nên tăng trưởng tu tập tất cả phước đức, không nên đối với các công đức hữu lậu vô lậu mà sinh khởi vọng tưởng hoặc thiện bất thiện, hữu vi vô vi, thế gian xuất thế gian, hoặc tội hoặc phước mà sinh khởi tâm phân biệt, hiểu rõ tất cả phước đức đều vào pháp tánh.

Hoặc làm phước hoặc tạo tội, hoặc làm việc vô ký đều vào pháp tánh, nên như vậy mà thấy những thứ phước của chúng sinh đều từ nơi không thật mà sinh khởi. Vì vậy, phước của chúng sinh, phước của Phật thảy đều đồng đẳng không thấy sai khác.

Pháp giới cũng không khác nên không thể khởi tâm sai khác. Hoặc phước của phàm phu, phước của hữu học, phước của vô học, phước của Duyên Giác, phước của Bồ Tát, phước của đấng Chánh Giác thảy đều không thật, không có vật thể, không ở một chỗ nào nhưng không chỗ nào là không có. Nên biết tánh của phước chúng sinh đều đồng đẳng.

Này thiện nam! Tất cả hình sắc đều nương nơi bốn đại, phước của Bồ Tát cũng như vậy, cùng khắp tất cả, không nên đối với phước đức mà sinh tâm cuồng loạn buông lung, nên biết nó thuộc pháp vô thường đoạn diệt.

***