Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH TẬP NHẤT THIẾT

PHƯỚC ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật cư ngụ ở thành Tỳ Xá Ly, nơi vườn cây Am La, trong giảng đường Đại Pháp, cùng với mười ngàn vị Đại Tỳ Kheo, đều là các bậc A La Hán, đã hết các lậu hoặc, không còn phiền não, tâm được tự tại giải thoát, tuệ được giải thoát.

Tâm của các vị ấy điều hòa, nhu nhuyến như đại Long Vương. Việc phải làm đã hoàn thành, buông gánh nặng, được phần tự lợi, trừ hết hữu lậu kiết sử, đạt đến bờ bên kia.

Còn có hai vạn các Đại Bồ Tát, đều không thoái chuyển, được các pháp Đà La Ni và vô ngại biện tài, được đại thần thông, hay thành tựu các tam muội mầu nhiệm, niệm tuệ vững chắc, dùng trí tuệ làm phương tiện đến bờ bên kia.

Tên của các vị Đại Bồ Tát: Bồ Tát Hạnh Chí, Bồ Tát Sư Tử Chí, Bồ Tát Diệu Sắc Chí, Bồ Tát Pháp Chí, Bồ Tát Tăng Trưởng Chí, Bồ Tát Vô Lượng Chí, Bồ Tát Pháp Chí, Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử, Bồ Tát Na La Diên. Như vậy các vị này là bậc thượng thủ của hai vạn Bồ Tát.

Lại có bốn vạn Thiên Tử đều hướng đến Đại Thừa và còn vô lượng Thích, Phạm, Hộ Thế.

Khi ấy, Đức Thế Tôn được vô lượng trăm ngàn vạn ức đại chúng cung kính vây quanh, Ngài vì họ mà giảng nói pháp, sau ba tháng nữa Đức Thế Tôn sẽ xả bỏ thân mạng mà vào Niết Bàn. Đương lúc này pháp Phật thắng diệu rất được thịnh hành, che mờ tất cả các hàng ngoại đạo.

Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên chủ của cả ngàn Thế Giới, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Không bao lâu nưã Thế Tôn sẽ xả bỏ thân mạng vào cảnh giới rốt ráo Niết Bàn.

Nay giáo pháp cao tột của Như Lai che mờ tất cả pháp của ngoại đạo, họ không có người tin kính.

Lành thay Thế Tôn! Xin nguyện Như Lai hộ trì các vị Bồ Tát, khiến cho họ trong hiện đời được tất cả thiện căn.

Khi căn lành đã tăng trưởng thì tâm kia rất hân hoan vui mừng, tăng trưởng oai đức, không đoạn dứt chủng tánh Phật, hộ trì pháp nhãn cùng với tăng nhãn. Xin nguyện Như Lai cứu giúp tất cả chúng sinh, khéo diễn thuyết phân biệt để hướng họ đến đạo quả Niết Bàn.

Chánh Pháp đã giảng nói, sau khi Phật diệt độ, khiến các Bồ Tát làm cho giáo pháp lưu truyền không bị gián đoạn, cho đến đạt quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, tồn tại ở đời, khiến chúng sinh không xa lìa việc thấy Phật, nghe Pháp và cúng dường Chúng Tăng.

Tăng trưởng niệm lực không quên các pháp, tăng thêm tuệ lực hiểu rõ pháp mầu nhiệm, tăng trưởng tấn lực nghĩa giải càng tỏ rõ, có đủ tàm lực thanh tịnh tự tâm, có đủ quý lực xa lìa tất cả pháp ác, được kiên cố lực oai nghi đầy đủ, có năng lực dũng mãnh mới đoạn trừ được tất cả các kiết sử, có tâm đại hùng mãnh mới an trú không còn sợ hãi.

Thưa Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát không làm mất công đức, không mất chánh pháp, không mất tuệ, không mất trí, không mất tâm bồ đề, chí niệm vững chắc, thân hữu rốt ráo, khiến các chúng sinh đạt đến Niết Bàn, làm đúng như lời nói, không lừa dối chúng sinh, được an trú trong pháp Phật, không mong cầu được bố thí mà xả thí cho tất cả, tự mình nương giáo pháp mà an trú tam tịnh giới. Tự mình thanh tịnh nhẫn nại tâm không thô tháo.

Tâm các vị bình đẳng với tất cả chúng sinh, tự mình thường tinh tấn tạo các nghiệp lành, tự mình an trú cảnh giới thiền định đầy đủ ba thiện giới, khéo an trú tâm từ không chấp trước cảnh giới thiền định, tự an trú vào trí tuệ sáng suốt lìa các tà kiến.

Trong tất cả pháp tâm được sáng tỏ, dùng bốn nhiếp pháp giáo hóa chúng sinh không biết mỏi mệt, không cầu báo ân, thường hộ niệm tu hành cho tất cả Trời, người nơi các cõi lành, trú tâm nhất thiết trí như cửa được phòng hộ, tâm không hướng về Thanh Văn, Duyên Giác, tâm thường hướng về pháp, không hướng về dục, vì đấng Pháp Vương không vì lợi lộc trong hàng Trời, Người.

Tu hành theo hạnh trí tuệ, nương trí của Phật mà nói, dùng pháp để trưởng dưỡng thân mạng, chẳng phải sống vì ăn uống, xa lìa tham dục, thâu nhận tất cả, xa lìa sân hận, nên đối với chúng sinh không có tâm xâm phạm tổn hại, tránh xa ngu si, lìa các pháp mờ ám, vượt qua ma chướng trừ các kiết phược phiền não, dùng phương tiện thiện xảo để khiến hướng đến các pháp môn. Như vậy con đã thưa hỏi xong.

Khi ấy, Đức Thế Tôn khen Bồ Tát Na La Diên chủ của ngàn Thế Giới.

Hay thay! Hay thay! Này Na La Diên! Chỉ có ông mới có thể vì các Bồ Tát hỏi Như Lai những ý nghĩa như vậy.

Này Na La Diên! Ông nay lắng nghe, khéo suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì ông mà giảng nói, hạnh nguyện của các vị Đại Bồ Tát được các công đức, lại còn vượt hơn như vậy.

Khi ấy, Bồ Tát Na La Diên rất hoan hỷ bạch Phật: Lành thay Thế Tôn! Chúng con xin lắng nghe.

Đức Phật bảo Bồ Tát Na La Diên: Này Na La Diên! Đại Bồ Tát có pháp tam muội tên là tập nhất thiết phước đức.

Bồ Tát nào thành tựu được tam muội này, sẽ không mất công đức, không mất chánh pháp, không mất tuệ, cũng không mất trí, không mất sự thấy Phật, nghe pháp và cúng dường Chúng Tăng, siêng tu bốn nhiếp pháp, tự mình tu hành bốn nhiếp pháp, tự mình thực hành bố thí, cho đến tự mình đối với các pháp phương tiện khéo thành tựu công đức này và những công đức khác nữa.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nêu bày giảng nói tên Kinh Tập Nhất Thiết Phước Đức tam muội xong rồi, liền lặng yên.

Bấy giờ, đại Lực sĩ tên là Tịnh Oai, có năng lực lớn đang ở trong thành Tỳ Xá Ly.

Ông ta nghĩ: Ta là đại Lực sĩ có năng lực lớn, tất cả chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề, không ai có năng lực bằng ta. Ta trước đây nghe Sa Môn Cù Đàm đã thành tựu năng lực lớn, có đủ mười lực, thân Na La Diên.

Ông ta lại nghĩ: Ta nên đến xem Sa Môn Cù Đàm như thế nào, có như ta không.

Khi ấy, đại Lực sĩ Tịnh Oai ra khỏi thành lớn Tỳ Xá Ly, đến vườn cây Am La, trong giảng đường đại pháp. Khi đến rồi, chiêm ngưỡng Đức Như Lai, Ứng Chánh Biến Giác, đấng đại oai đức, cùng trăm ngàn vạn đại chúng vây quanh đang vì họ diễn nói chánh pháp. Cũng như núi Tu Di hiện rõ trong biển lớn, bao quanh đoan nghiêm rất là vi diệu.

Khi ấy, vừa nhìn thấy Đức Như Lai, lòng rất tin, tâm càng kính mến, liền đến trước Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Như Lai, đi nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi bước qua một bên, Lực sĩ chắp tay trên đảnh, một lòng quán tưởng Đức Phật.

Lúc này, Đức Thế Tôn biết tâm của Lực sĩ Tịnh Oai đã cảm phục, nên bảo Đại Mục Liên: Này Mục Liên! Tôn Giả đi lấy cho ta mũi tên mà khi còn là Bồ Tát, ta vì người nữ dòng họ Thích đã dùng nó để giao đấu.

Khi ấy, Tôn Giả Mục Liên bạch Thế Tôn: Thưa con không thể thấy, biết nó ở đâu.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn, từ chân phải phóng ra ánh sáng lớn tên là Chiếu Minh, chiếu khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, trong Cõi Phật này, thời phía dưới ba ngàn đại thiên Thế Giới, trong đại kim cang luân mũi tên đặt ở đó.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Đại Mục Liên: Tôn Giả có thấy nơi Thế Giới này, trong đại kim cang luân, mũi tên đang đặt ở đó không?

Tôn Giả Mục Liên bạch Phật: Con đã thấy, thưa Thế Tôn.

Đức Phật bảo: Này Mục Liên! Tôn Giả đến lấy đem lại đây.

Tôn Giả Đại Mục Liên liền đi đến chỗ ấy, nhanh như khoảnh khắc đại lực sĩ khảy móng tay, tất cả đại chúng đều thấy Tôn Giả đi, liền đem tên trở lại dâng lên Đức Như Lai mà thưa: Bạch Thế Tôn! Khi còn làm Bồ Tát, Thế Tôn sử dụng sức lực do cha mẹ sinh hay dùng sức thần thông?

Đức Phật dạy: Khi ấy ta dùng sức lực do cha mẹ sinh, không dùng sức thần thông.

Này Mục Liên! Nếu Bồ Tát dùng sức thần thông, thì mũi tên ấy sẽ vượt qua vô lượng vô biên các Thế Giới của Chư Phật.

Đại đức Mục Liên bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát sử dụng năng lực phước đức do cha mẹ sinh?

Đức Phật bảo Đại đức Mục Liên: Này Mục Liên! Như sức mạnh của mười người, bằng sức mạnh của một con trâu. Sức mạnh của mười con trâu, bằng sức mạnh của một con trâu xanh. Sức mạnh của mười con trâu xanh, bằng sức mạnh của một con voi thường.

Sức mạnh của mười con voi thường, bằng sức mạnh của một con voi La Ca. Sức mạnh của mười con voi La Ca, bằng sức mạnh của một con voi Ca Ny. Sức mạnh của mười con voi Ca Ny, bằng sức mạnh của một con voi Hương Tượng. Sức mạnh của mười con voi Hương Tượng, bằng sức mạnh của một con voi Tỳ Đà.

Sức mạnh của mười con voi Tỳ Đà, bằng sức mạnh của một con voi Vô Đấu. Sức mạnh của mười con voi Vô Đấu, bằng sức mạnh của một con voi Y Sa Đà. Sức mạnh của mười con voi Y Sa Đà, bằng sức mạnh của một con voi An Thiền. Sức mạnh của mười con voi An Thiền, bằng sức mạnh của một con voi Bà ma.

Sức mạnh của mười con voi Bà Ma, bằng sức mạnh của một con voi xanh. Sức mạnh của mười con voi xanh, bằng sức mạnh của một con voi vàng. Sức mạnh của mười con voi vàng, bằng sức mạnh của một con voi đỏ. Sức mạnh của mười con voi đỏ, bằng sức mạnh của một con voi trắng. Sức mạnh của mười con voi trắng, bằng sức mạnh của một con voi hoa sen màu đỏ.

Sức mạnh của mười con voi hoa sen màu đỏ, bằng sức mạnh của một con voi hoa sen màu hồng. Sức mạnh của mười con voi hoa sen màu hồng, bằng sức mạnh của một con Hương Tượng. Sức mạnh của mười con Hương Tượng, bằng sức mạnh của một con đại Hương Tượng.

Sức mạnh của mười con đại Hương Tượng, bằng sức mạnh của một con Sư Tử Chúa Hệ Quyên. Sức mạnh của mười con Sư Tử Chúa Hệ Quyên, bằng sức mạnh của một lực sĩ. Sức mạnh của mười lực sĩ, bằng sức mạnh của một đại lực sĩ. Sức mạnh của mười đại lực sĩ, bằng sức mạnh của một Giá Nậu La. Sức mạnh của mười Giá Nậu La, bằng sức mạnh của một đại Giá Nậu La.

Sức mạnh của mười đại Giá Nậu La, bằng sức mạnh của một Ba Kiền Đề. Sức mạnh của mười Ba Kiền Đề, bằng sức mạnh của một đại Ba Kiền Đề. Sức mạnh của mười đại Ba Kiền Đề, bằng sức mạnh của một Địa Thiên Tử.

Sức mạnh của mười Địa Thiên Tử, bằng sức mạnh của một Đường Thiên Tử. Sức mạnh của mười Đường Thiên Tử, bằng sức mạnh của một Trì Phong Thiên. Sức của mười Trì Phong Thiên, bằng sức một Trì Mang Thiên.

Sức của mười Trì Mang Thiên, bằng sức của một Thường Túy Thiên. Sức của mười Thường Túy Thiên, bằng sức của một Thiên Tử trong Tứ Thiên Vương. Sức mạnh của tất cả Thiên Tử trong Tứ Thiên Vương, bằng sức của một Thiên Vương.

Sức mạnh của mười Thiên Vương, bằng sức của một Thiên Tử trong Cõi Trời Tam Thập Tam. Sức mạnh của tất cả Thiên Tử trong Cõi Trời Tam Thập Tam, bằng sức mạnh của một vị Trời Đế Thích. Sức mạnh của mười vị Trời Đế Thích, bằng sức mạnh của một Thiên Tử trong Cõi Trời Diễm Thiên.

Sức mạnh của tất cả Cõi Trời Diễm Thiên, bằng sức của một Diễm Thiên Vương. Sức mạnh của mười Diễm Thiên Vương, bằng sức mạnh của một Thiên Tử ở Cõi Trời Đâu Suất Đà. Sức mạnh của tất cả Thiên Tử nơi Cõi Trời Đâu Suất Đà, bằng sức của một Thiên Vương ở Cõi Trời Đâu Suất Đà.

Sức mạnh của mười Thiên Vương ở Cõi Trời Đâu Suất Đà, bằng sức mạnh của một Thiên Tử trong Cõi Trời Hóa Lạc. Sức mạnh của tất cả Thiên Tử trong Cõi Trời Hóa Lạc, bằng sức của một Thiên Vương ở Cõi Trời Hóa Lạc. Sức mạnh của mười Thiên Vương trong Cõi Trời Hóa Lạc, bằng sức của một Thiên Tử trong Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại.

Sức mạnh của tất cả Thiên Tử trong Cõi Trời Tha Hóa Tự Tại, bằng sức của một Thiên Vương Tha Hóa Tự Tại. Sức của mười Thiên Vương Tha Hóa Tự Tại, bằng sức của một Thiên Tử trong cõi Thiên Ma. Sức mạnh của tất cả Thiên Tử ở cõi Thiên Ma, bằng sức của một Ma Vương.

Sức mạnh của mười Ma Vương, bằng nửa sức của Na La Diên. Sức mạnh của mười nửa Na La Diên, bằng sức của một Na La Diên. Sức mạnh của mười Na La Diên, bằng sức của một đại Na La Diên. Sức mạnh của mười đại Na La Diên, bằng sức của một Bồ Tát tu hành trong một trăm kiếp. Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười trăm kiếp, bằng năng lực của một Bồ Tát tu hành ngàn kiếp.

Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười ngàn kiếp, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành vạn kiếp. Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành một ngàn vạn kiếp. Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười mười vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành một trăm vạn kiếp.

Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười trăm vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành ngàn vạn kiếp. Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành một trăm ngàn vạn kiếp. Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười trăm ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành một ngàn ngàn vạn kiếp.

Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười ngàn ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành một trăm ngàn ngàn vạn kiếp. Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười trăm ngàn ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành một ngàn ngàn ngàn vạn kiếp. Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười ngàn ngàn ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành một trăm ngàn ngàn ngàn vạn kiếp.

Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười trăm ngàn ngàn ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành một vạn ngàn ngàn ngàn vạn kiếp. Năng lực của một Bồ Tát tu hành mười vạn ngàn ngàn ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành pháp nhẫn vô sinh.

Năng lực của mười Bồ Tát tu hành đắc pháp nhẫn vô sinh, bằng năng lực một Bồ Tát tu hành Thập Địa. Năng lực của mười Bồ Tát tu hành Thập Địa, bằng năng lực một vị thọ thân sau cùng của Bồ Tát.

Vì vậy, này Mục Liên! Bồ Tát thành tựu năng lực như vậy, nên khi đản sinh liền đi bảy bước trên hoa sen.

Này Mục Liên! Nếu Thế Giới này, Phật không giữ gìn liền bị hư hoại, không thể tồn tại.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát khi sinh cõi này thường đi bảy bước, mặt đất cõi này ngang rộng sáu mươi tám ngàn do tuần. Bồ Tát giáng sinh khi đặt chân xuống đất liền lún sâu trăm ngàn dotuần. Khi dở chân lên đất trở lên lại trăm ngàn do tuần. Do Phật giữ gìn khiến cho Thế Giới này không chuyển đông, không hư hoại, chúng sinh không bị phiền não. Thân sau cùng của Bồ Tát khi mới thọ sinh, liền có đủ những năng lực như vậy.

Này Mục Liên! Năng lực của mười Bồ Tát sơ sinh bằng năng lực của một Bồ Tát Trưởng Lão.

Này Mục Liên! Đại Bồ Tát thành tựu năng lực này, hướng đến Đạo Tràng giác ngộ Bồ Đề Vô Thượng. Như vậy, khi dùng năng lực hướng đến Đạo Tràng, so với năng lực của các Thượng tọa trong Đạo Tràng vượt hơn trăm ngàn lần. Lại dùng năng lực như vậy vô lượng, vô biên, vô số không thể tính được, không thể làm hư hoại, thành tựu tất cả công đức, cho đến thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

***