Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội

PHẬT THUYẾT

KINH TẬP NHẤT THIẾT

PHƯỚC ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN NĂM
 

Này thiện nam! Bồ Tát trì giới thời được gặp tất cả pháp Phật, cho đến thành tựu Bồ Đề Vô Thượng.

Vì sao?

Nếu có trì giới liền có chánh định, nếu có trì giới liền có trí tuệ, nếu có trì giới liền có giải thoát, nếu có trì giới liền có giải thoát tri kiến.

Này thiện nam! Thế nào gọi là giới?

Giới còn gọi là điều hòa tịch tĩnh các kiết sử.

Vì nhân duyên gì mà gọi là kiết sử?

Do vì làm nhiễm ô chúng sinh trong ba cõi, nên gọi là kiết sử.

Thế nào gọi là vắng lặng?

Không vọng tưởng, không phân biệt, không sinh tâm chấp trước, vĩnh viễn không nghĩ nhớ tất cả các pháp.

Như vậy gọi là vắng lặng điều hòa tất cả kiết sử.

Này thiện nam! Nếu Đại Bồ Tát không thể vắng lặng điều hòa các kiết sử như vậy, thì không thể gọi là giữ giới thanh tịnh.

Vì sao?

Nếu không biết vắng lặng điều hòa các kiết sử, tuy được sinh lên Cõi Trời Phạm Thiên cũng còn kiết sử nhiễm ô, cho đến sinh lên cõi Phi tưởng, phi phi tưởng cũng còn kiết sử.

Này thiện nam! Vì vậy dứt trừ hết kiết sử trong ba cõi, gọi là thanh tịnh giữ giới.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Nếu lìa các kiết sử nhiễm ô trong ba cõi gọi là giữ giới thanh tịnh.

Vì sao Đức Thế Tôn khi làm Bồ Tát đã hết kiết sử trong ba cõi lại còn sinh vào trong ấy?

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Lực sĩ Tịnh Oai: Này thiện nam! Đại Bồ Tát không phải do kiết sử của mình mà sinh trong ba cõi. Do phương tiện mà cùng ở chung trong ba cõi, tuy không có kiết sử mà vẫn ở, là vì hóa độ chúng sinh đó vậy.

Này thiện nam! Giả sử người hay Trời có thể vẽ trong hư không các màu sắc, hình tượng, ý ông nghĩ thế nào?

Là việc hy hữu phải không?

Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Đúng vậy, thưa Thiện Thệ! Việc làm của người đó rất là hy hữu.

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Bồ Tát xa lìa tất cả kiết sử mà vẫn ở trong tam giới, hiện bày ba thừa giáo hóa chúng sinh như vây mới là hy hữu.

Lực sĩ Tịnh Oai thưa: Bạch Thế Tôn! Là Bồ Tát thành tựu an trú trong cửa giải thoát, vì thương xót chúng sinh nên trở lại vào ở trong ba cõi.

Thưa Thế Tôn! Ví như có người từ bi phanh thây xẻ thịt mà trở lại được toàn thân mạng.

Sau khi thoát ra rồi nhưng trở lại vào trong chỗ ấy, nói: Ông nay nên giết ta, chớ giết người khác.

Thưa Thế Tôn! ba cõi này cũng như lò sát sinh, tất cả chúng sinh giống như người đáng tội chết, bị rơi vào trong sinh tử, như rơi vào nơi chém giết mà được thoát ra.

Cũng như Bồ Tát đã ra khỏi ba cõi vì giáo hóa chúng sinh, vì giải thoát cho chúng sinh mà lại vào ở trong ba cõi.

Thưa Thế Tôn! Bồ Tát có tâm đại bi, các Thanh Văn, Duyên Giác không thể bằng được.

Vì sao?

Vì Thanh Văn, Duyên Giác không có tâm đại bi như vậy, không dùng phương tiện khéo léo, không dùng tịnh giới để trang nghiêm.

Đức Thế Tôn bảo Lực sĩ Tịnh Oai: Này thiện nam! Thế nào là Đại Bồ Tát thường tu tập đa văn để trang nghiêm mà cầu học đa văn?

Này thiện nam! Đại Bồ Tát đối với Hòa Thượng, A Xà Lê luôn cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán theo lời dạy mà tu hành, trừ bỏ kiêu mạn nhanh chóng tiếp nhận lời chỉ dạy, ở trong chánh pháp sinh tâm ưa thích.

Đối với Hòa Thượng, A Xà Lê cung kính tưởng như Phật, đối với tự thân tưởng như người bệnh, với người giảng nói Pháp Phật tưởng như thầy thuốc sáng suốt. Vì tu tâp Pháp Phật không tiếc thân mạng, đối với tiền tài vật chất, y bát v.v… sinh tư tưởng như là những thứ có thể tạo phiền não, trói buộc.

Tuy có đủ ruộng vườn, phước lộc cũng không sinh tâm đắm trước. Vì tôn trọng pháp cho nên tất cả đều xả bỏ. Vì hộ trì chánh pháp nên xả bỏ tất cả châu báu của thế gian. Vì muốn có được niềm vui trong pháp Phật cho nên xả bỏ danh dự, khen ngợi.

Vì muốn thành tựu Pháp Vương nên xả bỏ Vương vị. Vì muốn bỏ tất cả các kiết sử cho nên phải siêng năng tu tập những pháp tương ưng. Vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh, cho nên cũng cần tu tập các pháp ứng hợp với công việc ấy. Đại Bồ Tát khi tu tâp theo chánh pháp thì tất cả thiện căn tự nhiên khai phát.

Vì vậy, này thiện nam! Đại Bồ Tát muốn thành tựu giác ngộ, muốn đứng vững, nương vào cột trụ lý trí nên tu tập đa văn.

Này thiện nam! Như cung điện của Vua Trời Đế Thích cũng nhờ nương vào trụ cột mà đứng vững. Các vị Trời ở cõi Tam Thập Tam ở trong đó vui chơi.

Như vậy, này thiện nam! Do Bồ Tát nương nơi trụ cột lý trí, mà tất cả Chư Thiên, người đời đều được an lạc.

Này thiện nam! Nếu có Bồ Tát phát tâm bồ đề là bước đầu của việc giác ngộ, nói muốn thành Phật, mà đối với pháp đa văn không siêng năng tu tâp thì người này đối với các chúng sinh là kẻ vô trí tột cùng.

Như vậy gọi là Bồ Tát thanh tịnh trì giới nên tinh tấn tu tập đa văn. Tất cả chúng sinh đều lấy đa văn làm cột trụ để nương dựa.

Khi ấy, Chư Thiên đều rất hoan hỷ mừng rỡ.

Đây là thiện trượng phu, vững chắc tinh tấn tu tập trí tuệ, quyết chắc sẽ được mười lực của Phật.

Đây là thiện trượng phu, sẽ dùng năng lực trí tuệ chặt đứt lưới phiền não trói buộc.

Đây là thiện trượng phu, sẽ diễn nói chánh pháp đoạn trừ tất cả kiết sử cho chúng sinh.

Đây là thiện trượng phu, sẽ đi đến ngồi dưới gốc cây Bồ Đề nơi Chư Phật đã ngồi.

Đây là thiện trượng phu, sẽ dùng năng lực của chính mình để hàng phục tất cả ma.

Đây là thiện trượng phu, sẽ vận chuyển bánh xe pháp, ba chuyển mười hai hành.

Này thiện nam! Nếu có Bồ Tát khi tu phép đa văn, tất cả cung điện của ma đều bị mờ tối, Ma Vương trong ba ngàn đại thiên Thế Giới thảy đều u sầu phiền não nói: Người này thù thắng hơn chúng ta.

Ngoài ra các thiên ma còn nói: Người này có khả năng hàng phục và làm chủ chúng ta. Tất cả chúng ta đều thuộc về người này.

Vì sao?

Này thiện nam! Do Bồ Tát này tu tập đa văn có trí tuệ có thể dứt trừ các kiết sử phiền não, do không còn kiết sử nên ma không thể thuận tiện quấy nhiễu. Đã có đa văn thời khéo phân biệt, đã khéo phân biệt thời hay tu hành, đã hay tu hành thì ma không thể thuận tiện quấy nhiễu.

Người tu đa văn xa lìa tà kiến, đươc nương chánh kiến. Đã an trú chánh kiến, ma không tiện quấy phá, thì có thể chân chánh tu hành. Đã chân chánh tu hành thời cũng có thể phân biệt được ý nghĩa. Đã xa lìa các điều phi nghĩa thì có thể chính đáng vượt qua cả nghĩa và phi nghĩa.

Này thiện nam! Do nhân duyên này cho nên đáng biết điều cần biết.

Này thiện nam! Khi Bồ Tát tu pháp đa văn này sẽ trừ được bốn thứ ma.

Nghĩa là:

1. Ấm ma.

2. Phiền não ma.

3. Tử ma.

4. Thiên ma.

Này thiện nam! Như khi xưa các Bồ Tát tu tập đa văn, mong muốn lợi ích nơi pháp này và khéo an trú nơi pháp này, ta nay chỉ nêu một ít chuyện.

Này thiện nam! Trải qua nhiều đời về quá khứ vô số kiếp, vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.

Thời ấy, có một vị đại tiên tên là Tối Thắng, ở trong rừng núi có đầy đủ năm phép thần thông, thường tu hành tâm từ, ông nghĩ: Ta nay ở trong núi tu hành tâm từ không có lợi ích, không chỉ tâm từ có thể diệt trừ các phiền não cho chúng sinh trong vô lượng kiếp, nhưng không phải tâm từ có thể sinh khởi chánh kiến.

Lại suy nghĩ: Do nhân duyên gì có thể sinh khởi chánh kiến?

Lại suy nghĩ: Có hai nhân duyên có thể sinh chánh kiến.

Nghĩa là: Một là: Từ người khác mà được nghe.

Hai là: Nghe rồi chân chánh suy nghĩ. Do hai pháp này hay sinh chánh kiến.

Khi ấy liền sinh tâm cầu đa văn, nên tìm chỗ nào để được nghe pháp lành này, do nhân duyên vì pháp, tìm cầu pháp tương ưng để tu tập.

Khi ấy, Tiên Nhân đi đến các xóm làng, thành ấp, quận huyện, Vương thành. Đi đến những chỗ ấy để tìm cầu học hỏi đa văn, nhưng cuối cùng cũng không tìm được vị thầy giảng nói pháp Phật.

Thời ấy, có thiên ma đi đến chỗ vị tiên kia mà nói: Ta nay có nghe được một bài kệ do Đức Phật nói.

Vị tiên Tối Thắng nghe nói đến bài kệ của Phật liền bảo: Hãy vì ta diễn nói.

Thiên ma ấy bảo: Nếu ông có thể cắt da làm giấy, dùng máu làm mực, chẻ xương làm viết để chép bài kệ, tôi mới giảng cho ông bài kê của Phật.

Này thiện nam! Khi ấy, vị tiên Tối Thắng nghĩ: Ta nay bị sinh tử nhiều kiếp với thân này ở những chỗ sinh ra bị lính, bị giặc chém chặt.

Trong trăm ngàn kiếp thường chẳng vì mục đích gì, mà phải rơi vào bàn tay sinh sát của họ: Dùng dao sắt chém chặt, phân từng phần nhỏ. Hoặc vì tham dục hoặc vì tiền tài, lợi lộc mà bị giết, trói, đánh đâp, giam cầm, nhục mạ, bị chịu cực khổ quá nhiều, đều không có lợi ích gì mà phải chịu sự chém chặt. Ta nay nên dùng cái thân không chắc thật này mà đổi lấy pháp vi diệu.

Nên lòng rất hoan hỷ mừng vui cho rằng: Ta sẽ được lợi ích lớn vì được nghe pháp ngữ.

Đối với vị Trời kia, sinh tử tưởng như là bậc tôn sư, liền dùng dao sắt lột da nơi thân phơi làm giấy, chích lấy máu dùng làm mực, lại còn chẻ xương để dùng làm bút, rồi chắp tay hướng về vị thiên ma kia mà thưa: Ông nên vì tôi mà nói bài kệ được nghe Phật dạy như trước đã hứa. Tôi đã cắt da làm giấy, lấy máu làm mực, chẻ xương làm viết, tôi nay đều đã làm xong.

Này thiện nam! Khi vị thiên ma kia thấy tiên Tối Thắng cung kính vì cầu pháp, biết như vây lòng rất sầu lo liền ẩn mất.

Này thiện nam! Khi tiên Tối Thắng thấy thiên ma ẩn mất liền nghĩ: Ta nay vì pháp sinh tâm cung kính, cắt da làm giấy, chẻ xương làm bút, ta cung kính như vậy chỉ vì cầu pháp, với thiện căn này sẽ không bị thất bại.

Ta nói lời này thành thật không hư dối: Nguyện sinh tâm từ bi vì các chúng sinh không tiếc thân mạng nên cắt da làm giấy, lấy máu làm mực, chẻ xương làm bút. Nếu ta hết lòng thành thật không hư dối, xin đức đại từ đại bi khắp các phương trên Thế Giới, có thể giảng nói pháp Phật hãy hiện ra trước mặt con.

Này thiện nam! Đại tiên Tối Thắng kia nói xong lời ấy, trong khoảng một niệm, về phía Đông cách Cõi Phật này ba mươi hai Cõi Phật, cõi đó Quốc Độ tên là Phổ Vô Cấu. Trong cõi ấy có Phật Hiệu là Tịnh Danh Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Giác.

Ngay khi ấy, Ngài biết tâm niệm và việc làm của tiên Tối Thắng và cũng muốn giáo hóa chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề, ví như trong khoảnh khắc khảy móng tay của tráng sĩ, nương hư không đến trước vị tiên Tối Thắng cùng với năm trăm Bồ Tát.

Đức Phật Tịnh Danh Vương Như Lai phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp núi rừng, Trời mưa các loại hoa. Khi ấy, trong rừng cây tất cả cành, lá, hoa, quả đều phát ra âm thanh pháp Phật. Lúc này cũng có vô lượng trăm ngàn vạn ức Chư Thiên đến dự.

Khi vị tiên kia thân được tiếp xúc với hào quang của Đức Phật Tịnh Danh Vương, tất cả nỗi thống khổ đều được diệt trừ, thân thể hoàn phục lại như cũ, không còn thương tích vết sẹo nữa.

Khi ấy, vị Tiên Nhân kia đầu mặt kính lễ dưới chân Đức Thế Tôn, đi nhiễu quanh bên phải ba vòng, chắp tay lên đảnh bạch với Đức Tịnh Danh Vương Phật: Bạch Thế Tôn! Đấng Thiện Thệ là thầy của con, đấng Thế Tôn là thầy của con.

Con nay xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin nguyện Thế Tôn vì con nói pháp, con nghe pháp rồi, không tin trong chúng sinh có người hành tà kiến mà phá hoại được người chánh kiến, người làm việc hắc ám lại khuyên dạy chỉ bày nói pháp cho người chân chánh.

Này thiện nam! Khi ấy Đức Tịnh Danh Vương vì tiên Tối Thắng, các Thiên Tử, các Bồ Tát v.v… mà diễn nói pháp tam muội tập nhất thiết phước đức.

Trong thiên chúng này có tám ngàn Thiên Tử, vốn đã gieo trồng căn lành nên đều phát tâm cầu đạo chánh chân vô thượng. Đại tiên Tối Thắng tâm rất hân hoan, sinh lòng tin vững chắc được vô ngại biện tài. Đức Như Lai Tịnh Danh lại vì đại chúng diễn nói tám câu kim cang kiên cố.

Những gì là tám?

1. Hết thảy các pháp vốn thanh tịnh.

2. Hết thảy các pháp xa lìa kiết sử, cho nên tất cả pháp đều vô lậu.

3. Do hết các lậu hoặc nên tất cả pháp đều lìa hang ổ.

4. Vượt qua hang ổ, nên tất cả pháp không có cửa ngõ.

5. Vì không có hai nên tất cả pháp rất phổ biến.

6. Chỉ bày cửa giải thoát nên tất cả pháp không chỗ đi.

7. Do không chỗ đi nên tất cả pháp không chỗ trở lại.

8. Đoạn các vấn đề qua lại cho nên tất cả pháp ba đời bình đẳng.

Hiện tại qua lại không có hai tướng cho nên Đức Phật Tịnh Danh Vương kia diễn nói tám câu kim cang kiên cố. Ở trong tám câu này mà khai bày hiểu rõ tất cả pháp nghĩa.

***