Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thái Tử đức Quang

PHẬT THUYẾT

KINH THÁI TỬ ĐỨC QUANG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN BA
 

Này Lại Tra Hòa La, bấy giờ Thái Tử Đức Quang ở trên giảng đường cùng những người có tâm buông lung, khi họ đã nhàm chán sự ô trược, Thái Tử thể hiện ba phẩm hạnh.

Những gì là ba?

1. Đứng thẳng.

2. Kinh hành.

3. Ngồi thiền.

Thái Tử không hề ngủ nghỉ và thực hành tinh tấn các hạnh trên nên đạt đến Bát Trụ. Nửa đêm hôm ấy, Thái Tử nghe trên không trung có tiếng của Chư Thiên nơi Cõi Trời Tịnh cư tán thán công đức của Đức Phật đầy đủ, rộng khắp, ca ngợi pháp và Tăng.

Thái Tử Đức Quang nghe xong toàn thân rúng động, rơi lệ, sầu ưu không vui, chắp tay dùng kệ hỏi Chư Thiên:

Con ở trong ách nạn

Xin Chư Thiên xót thương

Nay con vừa nghe nói

Có điều con muốn hỏi:

Ngang qua trong không trung

Vì ai khen công đức

Con nghe âm thanh này

Tâm con đầy hân hoan.

Đức Phật dạy Lại Tra Hòa La:

Khi ấy Chư Thiên nói Kệ cho Thái Tử Đức Quang:

Nay thế gian có Phật

Thái Tử không nghe sao?

Phật Hiệu là Cát Nghĩa

Cứu giúp hộ quần sinh,

Phụng hành các pháp thiện

Khai hóa công đức cao

Chúng Tăng đến học hỏi

Có cả ngàn ức triệu.

Thái Tử Đức Quang dùng kệ hỏi Chư Thiên:

Nếu con thấy Thế Tôn

Làm sao biết là Phật

Xin thuyết công đức Từ

Muốn biết nơi Chánh Giác.

Giả sử đến gặp Phật

Sẽ hỏi đạo thế nào?

Bồ Tát hành pháp gì

Cứu hộ được tất cả?

Chư Thiên đáp Thái Tử Đức Quang:

Trên đỉnh tóc mềm mại

Xoắn phải và tươi sáng

Trên đảnh tướng oai thần

Đẹp như đĩnh núi cao.

Tướng giữa mày chói sáng

Rực rỡ như mặt trời

Mịn màng xoắn bên phải

Sắc như tuyết trắng đẹp.

Ý giác là thanh tịnh

Mắc thì màu xanh biếc

Là Vua trong cõi người

Dung nghi đoan chánh đẹp.

Diện mục thường an vui

Phóng muôn ngàn ánh sáng

Chiếu khắp Cõi Tam Thiên

Diệt trừ các nẻo ác.

Răng ở trong miệng Phật

Trong trắng và bằng phẳng

Tươi sạch như hoa sen

Ngọc đẹp như cây sáng.

Mỗi hàm hai mươi cái

Đều khít thành bốn mươi

Tướng miệng, lưỡi mềm mại

Có thể che khắp mặt

Miệng thường thuyết Diệu Âm

Khiến người nghe hoan hỷ

Không nói lời dua nịnh

Phạm âm rất thanh tịnh.

Những điều Phật giảng thuyết

Vượt trăm ngàn âm nhạc

Dứt trừ các hồ nghi

Người nghe được lợi lạc.

Các đức đều khống thiếu

Khéo léo quyết đạo nghĩa

Giải thông hoa pháp sáng

Như trăm ngàn anh lạc.

Âm thanh của cõi ấy

Phát ra như Thiên nhạc

Thí như âm hưởng Trời

Lời Phật cũng như thế.

Chân Đà La, chim Trĩ

Câu Kỳ và Uyên Ương

Lô tư và chim Nhạn

Cưu Na La hỏi rằng:

Tiếng nào như phạm âm

Êm dịu rất an vui

Không khúc mắc cộc cằn

Thấu rõ tất cả nghĩa,

Trong trẻo và sâu lắng

Vừa lòng các bậc thí

Lìa phỉ báng, thanh tịnh

Không có các tưởng nguyện,

Ban bố nghĩa hạnh đức

Không nghe làm điều xấu

Chánh Giác hành pháp kia

Nói công đức như thế,

Thân thể Đức Thế Tôn

Đủ các loại tướng hảo

Cánh tay dài quá gối

Bảy chỗ đều tròn đầy.

Ngón tay thon dài đẹp

Có bao tướng tuyệt diệu

Thân thể sắc vàng tía

Tâm như ngọc minh nguyệt.

Lông trên thân mịn đẹp

Xoắn phải và hướng trên

Tròn bằng như cuộn lên

Mã âm tàng không lộ.

Lòng bàn chân bằng phẳng

Có tướng bánh xe tròn

Gối Phật đẹp và thẳng

Các màu sắc như nhau.

Kinh hành như Rồng chúa

Bước đi như Sư Tử

Khi đi lặng cúi đầu

Nếu người tung hoa cúng

Biến thành những lọng hoa

Cứ mãi không tăng giảm.

Đó là chánh pháp Phật

Dù được lợi hay không

Vẫn tinh tấn an lạc

Ngợi khen hay phỉ báng

Cũng giống như hoa sen

Sư tử chính như thế

Không ai sánh bằng Ngài.

Này Lại Tra Hòa La, lúc ấy Thái Tử Đức Quang nghe kệ ca ngợi công đức của Phật, Pháp và Tỳ Kheo Tăng thì vô cùng hoan hỷ.

Thí như người nghèo nàn đói lạnh được kho tàng châu báu nên người ấy rất vui mừng, thí như người mù gặp được ánh sáng, hoặc như kẻ tù tội giam cầm được phóng thích, người ấy vui sướng vô hạn, Thái Tử Đức Quang nghe kệ ca ngợi công đức của Đức Phật, Pháp và Tỳ Kheo Tăng cũng hoan hỷ như thế.

Thái Tử Đức Quang bèn suy nghĩ: Ta nay nghe Kinh Pháp chứng minh oai thần Đức Phật, Chúng Tăng đầy đủ các hạnh tôn quý. Các ngài ở trong sinh tử đã đi ngược lại nẻo tà vạy, kẻ phàm phu phần nhiều không biết suy xét, họ tham thân, tự thấy điều sai cho là đúng, sống nơi gia đình làm nhiều điều nhơ xấu.

Người đắm say trong tham dục phải rơi vào đường đau khổ. Người sống buông lung, bậc trí lìa xa, nên bị ngu si che khuất. Ta phải ở những nơi ấy làm ngọn đèn sáng bình đẳng.

Lòng người khó điều phục, đắm mẽ danh sắc, không nhàm chạy theo căn trần, không đoạn trừ những tập khí phải gặp nhiều đau khổ. Thọ nhận bất an, ân ái là cội nguồn phải bị xiềng xích trói buộc, khó thoát ra được.

Chúng cùng với các nghiệp khổ hợp lại thành một chuỗi oan gia, đường sinh tử triền miên làm rối rắm bao người, lại thêm tật bệnh vây quanh, thân người chẳng chút bền chắc. Đến lúc sắp chết gần kề thì khổ nhiều vui ít, chỉ có Pháp Phật là an ổn đệ nhất. Không thể dùng hạnh trần lao, tâm buông lung, tham dục mà lập được hạnh công đức.

Ta nay ở trong ngu si, không thể nhất tâm định ý, không thể dùng ý sinh tử làm vui, cùng người ác hội họp để sống đúng theo con đường thiện, huống gì là muốn đạt đạo vô thượng chánh chân. Ta thà từ trên lầu cao ở hướng Đông gieo mình xuống đất, chứ không để cho các gia đình quyến thuộc nơi ta ở trong cửa làm việc chướng ngại, khiến ta không ra khỏi được.

Đức Phật dạy: Này Lại Tra Hòa La, khi ấy Thái Tử Đức Quang hướng đến Cát Nghĩa Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác kia, tự nói: Giả sử Đức Thế Tôn có nhất thiết trí tất có thể thấy khắp tất cả, ngay lúc này xin Đấng Thiên Trung Thiên cứu độ con. Tức thì Đức Cát Nghĩa Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác liền đưa cánh tay phải phóng hào quang chiếu đến chỗ Thái Tử Đức Quang.

Trong ánh sáng ấy tự nhiên có hoa sen ngàn cánh to như bánh xe, từ hoa sen đó phát ra ức trăm ngàn ánh sáng chiếu soi khắp chốn. Thái Tử Đức Quang liền đứng trên hoa sen này, muốn đến chỗ Đức Cát Nghĩa Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, từ xa Thái Tử chắp tay đảnh lễ, tự Quy Y ba lần.

Đức Cát Nghĩa Như Lai thu nhiếp ánh sáng trở lại, Thái Tử tìm theo ánh sáng để đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Ngài.

Thái Tử trông thấy Thế Tôn các căn tịch định, liền dùng Kệ ca ngợi Đức Cát Nghĩa Như Lai:

Con vừa nghe tiếng Đức Y Vương

Nay liền được thấy dung nhan Phật

Vì sao lập hạnh nơi nhơ uế

Có thể đạt đến nhất thiết pháp?

Vào lúc nửa đêm đêm vừa rồi

Từ Chư Thiên nghe Phật vô tưởng

Nghe xong buồn bã chẳng còn vui

Người ở nơi nào không phóng dật

Người vừa lạc đường chỉ đường chân

Như người mù mắt nhìn thấy hết.

Xin nguyện vì con hiện đạo cả

Lòng từ chữa trị sinh tịnh tín

Khiến chúng bần cùng được giàu vui

Giam cầm tù ngục liền thoát khỏi,

Đoạn nghi, trừ kết sử nơi con

Cúi xin giải nói đạo hạnh này

Vì con hiển chánh lìa ngoại đạo

Trong tối tăm làm ngọn đèn sáng.

Vì các tổn hại trừ cấu uế

Nguyện Đại Y Vương đoạn nghi con

Xin cứu thoát con, đường sinh tử

Đoạn tuyệt cho con các dục ái,

Khiến vượt qua khỏi biển sầu lo

Và dùng bát đạo nhập đại thừa

Nay pháp hết, mạng người ngắn ngủi

Phần nhiều bỏ bê hạnh công đức.

Người vô phước thường không như ý

Nay con xin khai nguyện giải nghi

Nghe Đạo Sư chỉ bày pháp yếu

Tại sao Bồ Tát nơi phóng dật

Có thể phụng trì Phật diệu đạo

Độ thoát sinh tử khổ muôn loài?

Đức Phật bảo Lại Tra Hòa La: Bấy giờ, Đức Cát Nghĩa Như Lai biết tâm niệm của Thái Tử Đức Quang, mới giải thích rộng các hạnh Bồ Tát. Thái Tử Đức Quang nghe lời Đức Phật dạy, liền chứng đắc Pháp Môn vô tận tổng trì, đạt năm thần thông, liền bay vụt lên hư không, hóa ra những đóa hoa đẹp để tung lên chỗ Đức Cát Nghĩa Như Lai.

Lúc ấy, trời vừa sáng, Vua Át Chân Vô đã nghe trong cung của Thái Tử tiếng khóc của các thể nữ vang ra, vội vàng đi đến hỏi lý do.

Các thể nữ tâu Vua: Chúng thần không thấy Thái Tử Đức Quang, không biết là Thái Tử đang ở đâu. Vua Át Chân Vô nghe tâu như thế liền ngã quỵ xuống đất, cùng muôn ngàn người đều khóc lóc thảm thiết.

Lúc ấy, vị thần giữ thành đi đến nội cung, bảo Vua Át Chân Vô: Đại Vương chớ nên ưu sầu, Thái Tử đã đi về hướng Đông để gặp Đức Cát Nghĩa Như Lai, quỳ gối đảnh lễ vâng thọ lời dạy của Ngài.

Vua Át Chân Vô nghe tiếng vị Thần nói, bèn cùng các Đại Thần, đám quyến thuộc và thể nữ trong hậu cung, cùng với tám mươi bốn ức na do tha trăm ngàn người, đi ra hướng Đông, đến chỗ Đức Như Lai Cát Nghĩa đảnh lễ nơi chân Ngài rồi đứng qua một bên.

Này Lại Tra Hòa La, Đức Như Lai Cát Nghĩa biết tâm ý của Quốc Vương Át Chân Vô, tùy theo đó mà thuyết pháp, làm cho tất cả hội chúng đều được pháp bất thoái chuyển nơi đạo vô thượng chánh chân.

Thái Tử Đức Quang bạch Đức Phật Cát Nghĩa: Cúi xin Ngài nhận bữa cơm thanh tịnh của con dâng cúng. Đức Phật yên lặng nhận lời.

Thái Tử Đức Quang thưa với cha mẹ và các thân bằng quyến thuộc: Xin quý vị hỗ trợ cho con, dùng anh lạc trang trí nơi các thành quách, cung điện để dâng cúng Đức Như Lai, không nên có tâm tham tiếc, bỏn sẻn.

Ngay khi ấy mọi người đều đồng lòng khuyên trợ để Thái Tử bố thí rộng rãi. Lúc ấy Vua, Thái Tử Đức Quang và quyến thuộc đem anh lạc trang trí nơi Cung Điện, thành quách, tâm không còn tham tiếc, rồi cùng nhau dâng cúng Đức Như Lai Cát Nghĩa.

Mỗi ngày họ làm năm trăm món ăn để cúng dường Đức Phật và chúng Tỳ Kheo Tăng, lại dùng gỗ thơm Chiên Đàn đỏ và bảy báu làm phòng thất cho các thầy Tỳ Kheo ở, dùng Ma Ni làm chỗ kinh hành ở phía trên dùng châu báu làm màn trướng giăng bày khắp.

Các nơi đều có cây hoa thẳng hàng, mỗi bên có ao tắm, trong ao có hoa Ưu Bát, dọc hai bên bờ đều sạch sẽ thanh tịnh. Hoa Ưu Bát ấy có trăm ngàn cánh được bày trăm ngàn tòa, mỗi thầy Tỳ Kheo đều có tòa ngồi đầy đủ.

Thái Tử Đức Quang khiến cho các thầy Tỳ Kheo không còn lo về y phục, cũng không còn nghĩ đến các thầy Tỳ Kheo khác riêng được y phục. Như thế, trong hàng ức năm Thái Tử chưa từng ham việc ngủ nghỉ, không nhớ tới ái dục, không tiếc đến thân mạng của mình. Thái Tử đã cúng dường Đức Phật cũng với tinh thần vô niệm như thế. 

Khi ấy, Thái Tử Đức Quang chưa từng có sự nghĩ tưởng về dục vọng cũng như những sự tranh chấp tà vạy, không có tâm tổn hại, không tham đắm về đất nước, ngôi vị, không yêu tiếc bất cứ việc gì, nội thân và ngoại thân đều không vướng mắc. Bấy giờ, Thái Tử lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, thọ trì tất cả lời Phật dạy, không phải hỏi lại Đức Như Lai.

Ban đầu Thái Tử không tắm gội, cũng không rửa chân, cũng chẳng dùng hương thơm xoa thân, không có ý mỏi mệt và chưa từng ngồi xuống, ngoại trừ những lúc thọ thực. Sau khi Đức Như Lai Cát Nghĩa nhập Niết bàn, Thái Tử dùng gỗ Chiên Đàn đỏ để xây dựng Chùa Tháp, cúng dường trong trăm ngàn năm.

Ở nơi hỏa táng Đức Như Lai, Thái Tử đem tất cả những loại hoa và hương như hương bột, hương tạp trong thiên hạ cùng các thứ kỹ nhạc để cúng dường Phật. Lại xây chín mươi bốn ức cái Tháp, đều dùng bảy báu và các vật quý giá để làm cờ phướng, lọng báu che trên Tháp.

Lại dùng năm trăm ức lọng báu bằng bảy báu, trăm ngàn thứ kỹ nhạc cùng tất cả những hoa, cây quý nhất nơi cõi Diêm Phù Lợi để cúng dường nơi các Tháp.

Ở trước mỗi Tháp, luôn đốt trăm ngàn ngọn đèn, mỗi một ngọn đèn đốt đều dùng loại dầu quý, lại rưới tất cả các loại hoa thơm, đầy đủ tất cả các vật quý như thế để cúng dường trong một ức năm.

Sau đó, Thái Tử Đức Quang từ bỏ gia đình đi học đạo làm Sa Môn, mặc ba pháp y, thường đi khất thực, không dự vào thế sự, cũng không ngủ nghỉ, không còn lệ thuộc về ăn mặc.

Trong suốt bôn ức năm thường ban bố giáo pháp, chưa từng chấp có ngã, cũng không nghi ngờ về người khác, huống gì là mong sự cúng dường, cũng không nói đến sinh tử.

Thái Tử thuyết pháp cho mọi người nhưng không khuyên họ tu tập để sinh lên Cõi Trời. Ngài học theo hạnh như thế rồi, truyền trao giáo pháp cho tất cả và quyến thuộc ở trong cung, khiến họ trở thành Sa Môn.

Này Lại Tra Hòa La, bấy giờ Chư Thiên Cõi Trời Tịnh Cư suy nghĩ: Thái Tử Đức Quang đã giáo hóa tất cả mọi người trở thành Sa Môn, nay chúng ta phải thực hiện việc cúng dường Tam Bảo, nhờ đấy Tam Bảo được tồn tại, không bị đoạn tuyệt. Sau khi Đức Như Lai Cát Nghĩa nhập Niết Bàn rồi, giáo pháp của Ngài trụ ở đời cho đến sáu mươi bốn ức năm, tất cả đều do Tỳ Kheo Đức Quang ủng hộ.

Như thế Thái Tử Đức Quang đã cúng dường chín mươi bốn ức trăm ngàn Đức Phật.

Này Lại Tra Hòa La, ông có biết Quốc Vương Át Chân Vô lúc bấy giờ là ai không?

Bạch Đức Thế Tôn, không biết.

Chính là Như Lai Vô Lượng Thọ.

Ông có biết Thái Tử Đức Quang lúc ấy là ai không?

Bạch Đức Thế Tôn, không biết. Chính là ta.

Vị thần trong thành lúc ấy nay là Như Lai Vô Nộ Giác. Này Lại Tra Hòa La, thế nên Đại Sĩ Bồ Tát muốn được đạo vô thượng chánh chân Tối Chánh Giác, cần phải học hạnh của Thái Tử Đức Quang chỉ dạy về sự tịch tĩnh, xả bỏ ân ái, không sống buông lung.

Khi ta cầu đạo vô thượng chánh chân, đã tinh tấn theo khổ hạnh mới được như thế. Hạng người vô hạnh chi biết tham đắm y phục, thực phẩm, sầu lo không dứt, thọ dụng sự cúng dường, tự xa pháp Phật, sở học vô ích, làm rối loạn Sa Môn, phá hoại pháp Bồ Tát, buông lung thân, khẩu, ý, dối tạo thệ nguyện.

Bỏ đi bản hạnh của mình, tham y phục, giường chõng, nệm ngồi và thuốc thang trị bệnh, không có tâm xấu hổ, không thích chánh hạnh và pháp vô thường, không phụng trì giáo pháp, xa lìa hạnh Phật.

Đối với đạo, tự ý buông bỏ, không ưa hạnh giải thoát. Này Lại Tra Hòa La, thế nên đã nghe được giáo pháp này cần phải học cho rốt ráo, xa lìa ác tri thức, không sống theo người vô hạnh, dứt bỏ các tham dục.

Đức Phật thuyết kệ:

Người học đạo, tham ăn, tham lợi

Tức là chẳng ưa hạnh thập lực

Bỏ đi trăm đức lời Phật dạy

Vì lợi cúng dường đọa nhà người

Cang cường tệ ác, không hổ thẹn

Buông lung sa đọa các chỗ tham

Nên phiền não đọa hạnh tà

Liền tự cho rằng ta đức hạnh

Thong thả nhàn cư dạo khắp thành

Lợi cúng dường nên làm quấy,

Xa lìa giải thoát, chốn không môn

Thế nên hãy lìa bỏ các nghiệp

Ví không kính Phật và chánh pháp

Viễn ly Tăng Chúng nhiều công đức

Đánh mất đường lành, đọa ba ác

Làm mất tám trăm các hạnh cao.

Nếu nghe người thuyết về Kinh Pháp

Tinh tấn lắng lòng với định tâm

Vô số kiếp ức Phật khó gặp

Phải nên tu tập đúng pháp hành.

Người nào nới được đại thừa Phật

Nhớ nghĩ gẫm suy nghĩ công đức

Nhớ rồi ghi khắc trụ nhất tâm

Đạt đạo an lành đạt vô ngại

Lập hạnh Thánh Hiền tu quán đức

Ý nghĩa nhàm chán tự chế tâm.

Các ngươi không được bỏ pháp thiện

Sẽ đọa năm đường như người si

Sống tịch tĩnh và thường tinh tấn

Chớ tự khinh, chớ xem thường người

Biết trách mình, tâm thường an tịnh

Ta làm theo ức người Phật dạy

Ý chất phác, thân mình không tiếc

Pháp hạnh này tốn kính tinh cần

Những điều này ta thường thuyết dạy.

Đạo mầu dễ gặp nếu hành thâm

Người nghe pháp ấy ưa đại thừa

Không thể tinh tấn, không ưa nghe

Người mà có trí thích lời này

Oán kết ác tà sau dứt sạch.

Này Lại Tra Hòa La, nếu có vị Bồ Tát thực hành năm Độ Vô Cực, thì không bằng học tập trì tụng theo lời dạy của Kinh này, công đức của vị Bồ Tát đó không bằng một phần trăm người học tập Kinh này.

 Khi Đức Phật Thuyết Kinh giảng này có ba mươi ức Trời, người phát ý đạo vô thượng chánh chân, đều lập được quả vị bất thoái chuyển. Có bảy ngàn thầy Tỳ Kheo được lậu tận ý giải, đắc vô sinh nhẫn.

Hiền giả Lại Tra Hòa La bạch Đức Phật: Kinh này đặt tên là gì?

Thực hành như thế nào?

Đức Phật bảo Lại Tra Hòa La: Kinh này đặt tên là Ly Si Nguyện Hạnh Thanh Tịnh. Hãy học tập và trì tụng đúng như Bồ Tát đã hành, chắc chắn là đầy đủ các nghĩa về Bồ Tát hạnh.

Đức Phật dạy như thế, Lại Tra Hòa La, Chư Thiên, Dân Chúng, Rồng, Quỷ, Thần… trong thế gian rất hoan hỷ, đến trước Đức Phật đảnh lễ và lui ra.

***