Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thái Tử đức Quang

PHẬT THUYẾT

KINH THÁI TỬ ĐỨC QUANG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại đỉnh núi Linh Điểu thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị và năm trăm vị Bồ Tát.

Bấy giờ, Hiền giả Lại Tra Hòa La vừa mãn ba tháng kiết hạ tại nước Xá Vệ. Sau khi may đầy đủ ba y mới, Hiền giả đắp y, mang bát cùng với một trăm Tỳ Kheo tân học du hóa đến các nước. Các thầy Tỳ Kheo cùng đến đỉnh núi Linh Điểu ở đại thành Vương Xá.

Hiền giả Lại Tra Hòa La liền tới chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi đứng qua một bên.

Lại Tra Hòa La hỏi Đức Thế Tôn: Đại Sĩ Bồ Tát phụng hành những gì mà được tất cả pháp công đức kỳ diệu, cho đến trí tuệ siêu việt không sợ hãi và lay động, phát huy biện tài quang minh soi chiếu thấu triệt, hội nhập nơi nhất thiết trí để giáo thọ chúng sinh, làm cho họ được giải thoát, chấm dứt sự hồ nghi.

Khéo dùng phương tiện quyền biến thể hiện nhất thiết trí, lời nói và hành động tương ưng, thường dùng phương cách khéo léo lúc thỉnh vấn hợp ý Chư Phật, khiến cho mọi người được nghe giáo pháp đều có thể thọ trì và chóng đạt đến nhất thiết trí?

Rồi Hiền giả Lại Tra Hòa La dùng kệ tán thán hỏi Phật:

Thế nào Bồ Tát mãn sở hạnh

Làm sao hành động hợp chân lý

Vẹn toàn nguyện trí tuệ công đức

Xin Đấng Tôn quý giải nói cho.

Thân sắc vàng ròng đẹp vi diệu

Là Đấng Nhân Tôn chứa đức cao

Hộ trì cứu giúp khắp mọi loài

Xin Phật giải nói hạnh vô thượng.

Thế nào chứng đắc trí vô tận

Vô lượng Tổng Trì Phật Đạo cao?

Thế nào đạt được hạnh bình đẳng

Giải quyết hoài nghi cho chúng sinh?

Vô số ức kiếp ưa sinh tử

Ý họ mãi không muốn chán nhàm

Đã thấy kiếp người muôn nỗi khổ

Khéo dùng phương tiện khiến mở bày

Tịnh hóa nước Phật quyến thuộc đủ.

Quang minh thọ mạng cũng như vậy

Tất cả cho rằng là tịch mặc

Cúi xin Đức Phật thuyết hạnh trên

Hàng ma, quyến thuộc, đoạn các kiến.

Thoát vòng ái dục, vượt tưởng hành

Thế nào thuyết giảng nghĩa pháp Kinh?

Xin Phật giải nói các thật hạnh

Đấng biện tài tướng hảo đoan nghiêm

Vì chúng sinh thuyết âm vi diệu

Phủ khắp cõi đời như mưa thấm.

Xin Phật giải nói các hạnh giác

Lời nói vi diệu như Ca Lăng

Tiếng Phạm không nghi tuệ âm rõ

Chúng hội khát khao nghe pháp Kinh.

Ngài đem cam lộ rưới quần sinh

Nếu ai muốn học Phật Đạo quý

Chí phải năng tinh tấn hành pháp

Pháp Như Lai dạy đều bình đẳng.

Cúi xin Pháp Vương thuyết đúng thời

Con mong nghe nói đạo chánh chân

Phật, Thiên Trung Thiên biết ý con

Nay con không dám quấy nhiễu Ngài

Chỉ xin Phật giảng hạnh Vô Thượng.

Đức Phật dạy Lại Tra Hòa La: Lành thay! Lành thay! Chỉ ông mới có thể hỏi Như Lai những nghĩa này, vì nghĩ nhớ và muốn đem lại an ổn cho nhiều người, vì thương tưởng đến Chư Thiên và mọi người trong cuộc đời, lại vì các Bồ Tát nơi đời vị lai mà ban bố để được hành trì. Lại Tra Hòa La, hãy lắng nghe và nhớ nghĩ kỹ, ta sẽ giảng nói cho ông.

Lại Tra Hòa La thưa: Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, con mong muốn được lãnh hội. Lại Tra Hòa La, Bồ Tát có bốn pháp đạt đến hạnh thanh tịnh.

Những gì là bốn pháp?

1.Thực hành tâm bình đẳng mà không xu nịnh.

2. Tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

3. Hiểu tường tận về pháp không.

4. Lời nói và hành động đi đôi với nhau.

Đây là bốn pháp mà Bồ Tát tu tập chóng đắc hạnh thanh tịnh.

Đức Phật dạy Lại Tra Hòa La: Bồ Tát lại có bốn pháp để đạt đến an ổn, tinh tấn.

Những gì là bốn pháp?

1. Được pháp tổng trì.

2. Được thiện tri thức.

3. Được pháp nhẫn.

4. Việc làm bình đẳng, giới luật thanh tịnh.

Đức Phật dạy Lại Tra Hòa La: Bồ Tát lại có bốn pháp đi vào cảnh giới trần lao mà vẫn an nhiên nơi pháp sinh tử.

Những gì là bốn pháp?

1. Bồ Tát thị hiện thân Phật đi vào sinh tử, khuyên các chúng sinh đối với pháp sinh diệt luôn đạt hoan hỷ.

2. Vì chúng sinh thuyết pháp nhu thuận.

3. Không yêu tiếc mọi sở hữu.

4. Thường được vô sinh pháp nhẫn.

Đức Phật dạy Lại Tra Hòa La: Bồ Tát lại có bốn pháp không tham đắm.

Những gì là bốn pháp?

1. Bồ Tát không nên tham đắm về đất đai, nhà cửa.

2. Bồ Tát xuất gia không nên tham tài lợi.

3. Bồ Tát không cầu các quả báo về công đức.

4. Bồ Tát không nên tiếc thân mạng.

Này Lại Tra Hòa La, Bồ Tát lại có bốn pháp đối với pháp không nhàm chán.

Những gì là bốn pháp?

1. Đối với giới không có sự khuyết giảm.

2. Thường sống nơi vắng vẻ, tịch tĩnh.

3. Phụng hành bốn hạnh Thánh Hiền.

4. Được học rộng nghe nhiều.

Này Lại Tra Hòa La, Bồ Tát lại có bốn pháp đạt được vô niệm hiện hữu khắp nơi.

Những gì là bốn pháp?

1. Được sinh vào chốn lành, thường gặp Phật ra đời.

2. Nghe lời dạy bảo của bậc Tôn Trưởng mà không xu nịnh.

3. Vui nhận sự dạy bảo, tâm không tham đắm tài lợi.

4. Được biện tài thâm nhập pháp yếu.

Này Lại Tra Hòa La, Bồ Tát có bốn pháp được hạnh thanh tịnh.

Những gì là bốn pháp?

1. Bồ Tát sống không có ý làm tổn hại người.

2. Dứt bỏ các hạnh tà ngụy, dối trá, ưa thích ở chỗ vắng vẻ.

3. Bố thí tất cả mọi sở hữu mà không tham tiếc và mong cầu quả báo.

4. Ngày đêm thường quyết chí mong cầu giáo pháp, thấy người thuyết pháp không tìm cầu sở đoản của họ.

Đây là bốn pháp của Đại Bồ Tát đạt được hạnh thanh tịnh.

Khi ấy, Đức Phật nói Kệ:

Tâm ai không đắm pháp trần cấu

Tức là không còn ghét tội lỗi

Chí ý không chán giảng dạy pháp

Có thể đạt đến đạo vô thượng.

Dầu gặp chẳng lành tâm thường định

Vào khắp tà hạnh gốc ác đạo

Xuất gia học đạo không tiếc nuối

Ở tại núi rừng mong giải thoát

Sống nơi vắng vẻ không móng khởi

Tâm không say đắm sắc, lợi tài

Xả bỏ thân mình không tham tiếc

Hạnh như sư tử sợ gì ai.

Tâm được an vui và biết đủ

Chẳng khác chim bay chẳng sợ gì

Tất cả cõi đời không thường tại

Chí cầu Phật Đạo hành tuệ lớn.

Ưa trú một mình như tê giác

Không gì sợ hãi như sư tử

Tâm không lo sợ, không lãng chí

Nếu được cúng dường vẫn an nhiên.

Dứt trừ lời quấy và ác kiến

Trí rõ hạnh lớn, chí hiểu đạo

Ta vì thế gian, hộ tất cả

Khéo dùng phương tiện chẳng buông lung.

Ý chuyên trì giới vì độ chúng

Tâm không loạn đắm trong ái ân

Chánh hạnh cẩn trì như cứu lửa

Thường cầu hạnh mầu Đấng Thế Tôn.

Đã thoát không rồi không có tướng

Mỗi mỗi đầy đủ vắng lặng yên

Trí tuệ rạng ngời trong tỉnh thức

Được vị Cam Lộ thường hoan hỷ.

Giả sử giác ngộ được ý Phật

Thường hay thanh tịnh chẳng nghi nan

Tổng trì, tài biện tâm chuyên nhất

Chịu tất cả khổ chẳng màng báo.

Nếu có Bồ Tát nghe hạnh này

Muốn cầu Phật Đạo phải hân hoan

Chí luôn tinh tấn không lười mỏi

Rõ uế vô tri ý không hại.

Đức Phật bảo Lại Tra Hòa La: Bồ Tát có bốn pháp khiến tự đọa lạc.

Những gì là bốn pháp?

1. Bồ Tát kiêu mạn, không cung kính là tự đọa lạc.

2. Bồ Tát không báo ân, thường hành động dua nịnh là tự đọa lạc.

3. Bồ Tát tham lợi dưỡng, cầu cúng dường là tự đọa lạc.

4. Bồ Tát hành tà hạnh, dua nịnh cầu sự cúng dường là tự đọa lạc.

Này Lại Tra Hòa La, Bồ Tát có bốn pháp khiến rơi vào hào tà hạnh.

Những gì là bốn pháp?

1. Biếng trễ là pháp rơi vào hào tà.

2. Không có tịnh tín.

3. Khởi vọng tưởng.

4. Thấy người được cúng dường sinh tâm ganh ghét.

Này Lại Tra Hòa La, Bồ Tát không nên học tập bốn pháp.

Những gì là bốn?

1. Bồ Tát không nên thân cận với những người tà kiến.

2. Bồ Tát không nên thân cận với người phỉ báng chánh pháp.

3. Bồ Tát không nên thân cận với kẻ tri thức xấu ác.

4. Bồ Tát không nên thân cận với người tham lam về y phục, ăn uống.

Này Lại Tra Hòa La, Bồ Tát có bốn pháp bị tội dẫn đến đau khổ.

Những gì là bốn pháp?

1. Dựa vào trí tuệ, tự cao ngạo và ôm lòng ganh ghét.

2. Tâm không vui vẻ, không có hạnh thanh tịnh.

3. Không thể nhẫn nhục, chỉ tham muốn tài vật của người khác.

4. Chấp trước pháp ngã, nhân.

Này Lại Tra Hòa La, Bồ Tát lại có bốn pháp tự ràng buộc.

Những gì là bốn pháp?

1. Bồ Tát thích khinh mạn đối với người, đó là tự ràng buộc.

2. Bồ Tát sống trong thế gian làm những nghề buôn bán, chính trị sinh ra những tư tưởng xảo trá, đó là tự ràng buộc.

3. Bồ Tát với ý tưởng không chấp nhận pháp tuệ mà sống buông lung, đó là tự ràng buộc.

4. Bồ Tát với tâm ý bị lệ thuộc nơi dòng dõi, đó là tự ràng buộc.

Này Lại Tra Hòa La, vào đời sau này, người học đạo Bồ Tát, sẽ có những kẻ xấu xa vô hạnh. Sẽ cúng dường cho những kẻ vô hạnh ấy, là những kẻ dua nịnh. Sẽ cúng dường cho những kẻ dua nịnh là những kẻ vô trí.

Sẽ cúng dường cho những kẻ vô trí là hạng tham cầu về y phục và thực phẩm, tâm không ngay thẳng, chỉ ôm lòng xấu xa, ganh ghét về dòng dõi dua nịnh, không có tâm chất phác thật thà, giỏi lừa dối các bậc tôn trưởng và những người trong gia đình, thọ dụng sự cúng dường, trở lại phỉ báng, ý tham lam tài lợi.

Đi các phố huyện thì không nhớ nghĩ đến việc Thuyết Pháp để dạy bảo cho người với các phương tiện khéo léo.

Đối với những kẻ không có trí tuệ, tự cho mình là có trí tuệ, thấy người khác có trí tuệ, là bậc thầy giỏi, lại tỏ ra khinh thường họ.

Giả như có người vô hạnh, là vật dụng phá hoại, trở lại tìm tòi chỗ hay dở hơn kém, bỏ hạnh tinh tấn, làm người vô trí biếng lười, không nhớ nghĩ nhiều về trí tuệ, trở lại hủy hoại giáo pháp, rời bỏ hội chúng, kết bè oán hại, đưa đến sự tranh chấp với nhau, còn cho rằng người khác là vô hạnh.

Ta mới là người thừa sự giáo pháp, không phụng trì giới cấm, không muốn nghe pháp, cũng không tinh tấn… kẻ ấy tất sẽ sinh trong chốn bần tiện, nơi các gia đình nghèo hèn khốn khổ.

Nếu làm Sa Môn chỉ lo cầu tài lợi, kẻ ấy ở nơi nào cũng không thể an ổn, huống gì còn loạn chí, tuy nhất tâm thực hành công đức của Phật, nhưng lại tiếp tục tham đắm lợi lộc về nhà cửa, rồi tự xưng ta là Sa Môn.

Đức Phật dạy: Ta không gọi hạng người ấy là người thực hành pháp Bồ Tát, hạng người như thế trong trăm ngàn kiếp cũng không thể đạt được pháp nhẫn nhu thuận, huống gì muốn đạt được hạnh Chánh Giác của trí tuệ Phật.

Này Lại Tra Hòa La, ta không những cho rằng hạng người ấy rơi vào hào sâu nơi ba đường dữ mà còn phải bị đọa vào tám nơi chốn xấu ác.

Những gì là tám?

1. Sinh vùng biên địa.

2. Sinh trong nhà bần cùng.

3. Sinh ra nơi nào dung mạo, hình tướng đều xấu ác.

4. Sinh trong nhà tà ác hung dữ.

5. Đời sống thường gặp tri thức tà ác.

6. Nhiều tật bệnh.

7. Sinh ở nơi nào tuổi thọ cũng ngắn ngủi.

8. Chết bất đắc kỳ tử.

Đây là tám nơi chốn xấu ác của Bồ Tát phải bị rơi vào hào rãnh tà vạy.

Vì sao?

Này Lại Tra Hòa La, ta không cho chỉ với lời nói suông có thể tạo nên hạnh nguyện Bồ Tát, không lấy điều xảo dối của người làm hạnh thanh tịnh, không cho lời dua nịnh là hạnh Bồ Tát. Không lấy việc tham đắm về y phục, thực phẩm để cúng dường Phật, không gọi kẻ cao ngạo là bậc trí tuệ thanh tịnh, không cho rằng có trí tuệ hiểu biết là đoạn trừ được nghi hoặc cấu uế.

Ta không cho rằng kẻ ganh ghét là có tâm ý thanh tịnh, kẻ nhiều tham cầu đạt được pháp tổng trì. Ta không cho rằng người không thấy được đức chân thật, luôn có sự trở ngại sẽ sinh vào xứ thiện, kẻ tham đắm về dòng dõi, sắc dục sẽ được thân thanh tịnh.

Ta không cho rằng kẻ loạn tưởng sẽ đạt được định ý như Phật, kẻ, thực hành không chí thành sẽ được tâm trong sạch, kẻ kiêu mạn sẽ được hạnh thanh cao, kẻ không biết đủ sẽ được pháp tốt đẹp. Ta không cho rằng kẻ tham tiếc về thân mạng là có chí cầu pháp.

***