Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thắng Man

PHẬT THUYẾT KINH THẮNG MAN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
 

PHẦN HAI

PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
 

2. Mười điều nhận lãnh

Bấy giờ, Hoàng Hậu Thắng Man nghe Đức Thế Tôn thọ ký cho rồi, thì tức khắc chắp tay đứng trước Ngài, phát mười lời thề rộng lớn, bằng cách tác bạch như vậy:

Thứ 1: Bạch Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không dấy khởi tư tưởng vi phạm đối với giới pháp đã thọ.

Thứ 2: Bạch Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không dấy khởi tư tưởng khinh thường đối với cac bậc Sư Trưởng.

Thứ 3: Bạch Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không dấy khởi tư tưởng giận dữ đối với mọi người.

Thứ 4: Bạch Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không dấy khởi tư tưởng ganh ghét đối với những người và những việc hơn mình.

Thứ 5: Bạch Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không dấy khởi tư tưởng keo kiệt dầu lúc chỉ có một ít thực phẩm.

Thứ 6: Bạch Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không vì bản thân mà nhận lãnh cùng cất chứa của cải. Con có nhận lãnh gì cũng chỉ vì giúp đỡ những người nghèo khổ.

Thứ 7: Bạch Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con không mong trả ơn mà thực thi bốn nhiếp pháp. Con thu nhận mọi người với tâm lý không ham lợi, không chán đủ, không hạn chế.

Thứ 8: Bạch Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con thấy những ai không nơi nương tựa, bị giam cầm, bệnh tật, và bao nhiêu nguy khốn, thì không bao giờ con bỏ họ, nguyện đem lại yên ổn cho họ, tạo lợi ích cho họ ra khỏi mọi khốn đốn.

Thứ 9: Bạch Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con thấy những ai thề làm giới ác, phá hủy giới tịnh của Đức Thế Tôn, thì, trong thành thị và thôn xóm thuộc trách nhiệm của con, đáng chế ngự thì con chế ngự, đáng thu phục thì con thu phục.

Tại sao, vì chế ngự và thu phục thì chánh pháp tồn tại lâu dài, chánh pháp tồn tại lâu dài thì Chư Thiên, nhân loại tăng lên mà các nẻo đường ác giảm xuống. Có nghĩa con làm cho bánh xe chánh pháp của Đức Thế Tôn luôn luôn chuyển tới phía trước.

Thứ 10: Bạch Thế Tôn, từ nay cho đến ngày toàn giác, con nhận lãnh chánh pháp mà không bao giờ quên mất, tại sao, vì quên mất chánh pháp là quên mất đại thừa, quên mất đại thừa là quên mất các pháp Ba la mật, mà quên mất các pháp Ba la mật thì thế là bỏ mất đại thừa. Nếu Bồ Tát không quyết định về đại thừa thì nhận lãnh chánh pháp không có bền chắc, và như thế thì không đủ khả năng vượt ra ngoài lĩnh vực phàm phu, mất mát thật là lớn lao.

Bạch Thế Tôn, hiện tại và vị lai có những vị Bồ Tát nhận lãnh chánh pháp, thực hiện đầy đủ nhiều sự ích lợi rộng lớn, phát nguyện rộng lớn như trên, và được Đức Thế Tôn, bậc pháp chủ của Thánh Hiền, chứng biết cho.

Nhưng người thiện căn kém cỏi, có thể có kẻ hoài nghi. Vì mười nguyện rộng lớn khó mà thành đạt, nên có thể có kẻ đã phát mười nguyện ấy rồi mà quay lại với những thói bất thiện, lãnh lấy khổ não. Vì tạo lợi ích cho những người như vậy mà hôm nay, đối trước Đức Thế Tôn, con xin phát nguyện chân thành.

Bạch Thế Tôn, ngày nay con phát mười nguyện rộng lớn như thế này, nếu chắc thật, không hư dối, thì ngay bây giờ con cầu nguyện trên đại hội này sẽ mưa xuống bông hoa của Chư Thiên, tấu lên âm nhạc của Chư Thiên.

Hoàng Hậu Thắng Man đối trước Đức Thế Tôn tác bạch như vậy thì trong không gian tức thì mưa thiên hoa, tấu thiên nhạc, tán dương như vậy: Tốt lắm, Hoàng Hậu Thắng Man, đúng như Hoàng Hậu đã nói, chắc thật chứ không thể khác được.

Bấy giờ đại hội nhìn thấy quang cảnh linh diệu như vậy thì hết cả hoài nghi, tâm hết sức hoan hỷ, đồng thanh nói lớn: Chúng tôi nguyện cùng Hoàng Hậu Thắng Man sinh ra ở đâu cũng đồng nhất chí nguyện và hoạt động. Đức Thế Tôn, ngay lúc đã thọ ký cho cả đại hội đều được như ý.

1. Ba điều đại nguyện

Bấy giờ, đối trước Đức Thế Tôn, Hoàng Hậu Thắng Man lại lập ra ba nguyện vĩ đại, và bằng sức mạnh cua ba nguyện ấy mà tạo lợi ích vô biên cho các loại chúng sinh: Nguyện thứ nhất là con đem thiện căn của con mà nguyện đời nào cũng được cái trí về chánh pháp.

Nguyện thứ hai là con sinh ra ở đâu cũng được cái trí về chánh pháp rồi thì con nguyện diễn nói cho chúng sinh một cách không mỏi mệt. Nguyện thứ ba là con vì thu nhận, giữ gìn chánh pháp mà nguyện không tiếc thân mạng.

Nghe ba lời nguyện như vậy, Đức Thế Tôn nói với Hoàng Hậu Thắng Man, rằng như mọi hình sắc đều ở trong không gian, hằng sa các nguyện của Bồ Tát đều gồm trong ba nguyện như vậy. Ba nguyện như vậy thật là chân thật, vĩ đại.

2. Thu nhận chánh pháp

Hoàng Hậu Thắng Man, lúc ấy, lại thưa, bạch Thế Tôn, nay con muốn dựa vào sức mạnh nơi uy thần và biện tài của Đức Thế Tôn mà trình bày về một trong ba đại nguyện nói trên. Kính xin Đức Thế Tôn cho phép.

Đức Thế Tôn bảo, Thắng Man, Hoàng Hậu cứ nói theo ý mình.

Hoàng Hậu Thắng Man bạch Thế Tôn, rằng hằng sa các nguyện của Bồ Tát tất cả đều nhập vào một đại nguyện. Một đại nguyện ấy chính là nguyện thu nhận chánh pháp của Đức Thế Tôn. Thu nhận chánh pháp, cái nguyện như vậy thật sự là vĩ đại.

Đức Thế Tôn dạy, tốt lắm, Thắng Man. Hoàng Hậu từ lâu thật đã tu tập trí tuệ, và phương cách của trí tuệ, một cách sâu xa, tinh tế. Ai hiểu được lời Hoàng Hậu nói thì người ấy đã từ lâu xa gieo trồng gốc rễ điều lành. Cái nguyện thu nhận chánh pháp mà Hoàng Hậu nói, thì chư vị Như Lai quá khứ, vị lai và hiện tại đã nói, sẽ nói và đang nói.

Như Lai được Bồ Đề Vô Thượng, cũng thường nói bằng nhiều dạng thức về sự thu nhận chánh pháp. Tuệ giác của Như Lai không có giới hạn, Như Lai tán dương công đức của sự thu nhận chánh pháp cũng không có giới hạn, tại sao, vì sự thu nhận chánh pháp thật sự có công đức vĩ đại, có lợi ích vĩ đại.

Hoàng Hậu Thắng Man lại thưa, bạch Thế Tôn, con xin dựa vào sức mạnh nơi uy thần của Ngài mà trình bày thêm nữa về tính cách vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp.

Đức Thế Tôn bảo, Như Lai cho phép Hoàng Hậu trình bày.

Hoàng Hậu Thắng Man nói, tính cách vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp là thủ đắc tất cả vô lượng pháp Phật, cho đến thu nhập tám vạn hành uẩn.

Một, bạch Thế Tôn, như khi kiếp thành mở đầu, thì không gian nổi lên những sắc mây và mưa xuống những châu ngọc, sự thu nhận chánh pháp cũng vậy, nó là đám mây thiện căn mưa xuống vô lượng phước báo.

Hai, bạch Thế Tôn, lại như kiếp thành mở đầu, nước lớn tạo ra đại thiên Thế Giới và bốn trăm ức đại lục, sự thu nhận chánh pháp cũng vậy, xuất sinh vô lượng pháp tạng đại thừa, cùng với thần lực của Bồ Tát, các loại pháp môn, sự yên vui đầy đủ của thế gian và xuất thế, sự chưa từng có của Chư Thiên, nhân loại.

Ba, bạch Thế Tôn, lại như địa cầu gánh vác được bốn gánh nặng, đó là biển cả, núi non, cây cỏ và sinh vật, những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp cũng vậy, có sức gánh vác bốn trọng trách quá hơn địa cầu, ấy là đem thiện căn thuộc nhân loại và Chư Thiên mà tạo mọi thành tựu đầy đủ cho những kẻ xa rời bạn tốt, không có đa văn, sống phi chánh pháp.

Ai cầu Thanh Văn thì chỉ dạy pháp Thanh Văn. Ai cầu Duyên Giác thì chỉ dạy pháp Duyên Giác.

Ai cầu đại thừa thì chỉ dạy pháp đại thừa. Như thế đó gọi là thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp có sức gánh vác bốn trọng trách hơn cả địa cầu. Tựa như địa cầu, những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp có sức gánh vác bốn trọng trách ấy, làm người bạn không mời cho cả mọi người, tâm bi to lớn thương xót và đem lại lợi ích cho mọi người, làm người mẹ chánh pháp cho đời.

Bốn, bạch Thế Tôn, lại như địa cầu sinh ra bốn loại ngọc: Ngọc vô giá, ngọc giá cao, ngọc giá vừa, ngọc giá thấp, những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp cũng như vậy, y như địa cầu xây dựng cho người.

Mọi người gặp họ thì được bốn thứ ngọc lớn, hơn hết trong mọi thứ ngọc, ấy là mọi người gặp được người bạn tốt này thì có kẻ thu đạt thiện căn nơi Chư Thiên Nhân loại, kẻ có thu đạt thiện căn của Thanh Văn, có kẻ thu đạt thiện căn của Duyên Giác, có kẻ thu đạt thiện căn của đại thừa. Như thế đó gọi là những thiện nam hay thiện nữ tựa như địa cầu xây dựng cho người, ai gặp cũng được thu đạt mot trong bốn thứ ngọc lớn.

Bạch Thế Tôn, sản xuất ngọc lớn nói trên là do thu nhận chánh pháp một cách chân thật. Bạch Thế Tôn, thu nhận chánh pháp là không có chánh pháp nào khác, không có sự thu nhận chánh pháp nào khác, mà chánh pháp chính là sự thu nhận chánh pháp. Bởi vì, bạch Thế Tôn, không có Ba la mật nào khác, không có sự thu nhận chánh pháp nào khác, mà sự thu nhận chánh pháp chính là Ba la mật.

Tại sao, vì những thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp đối với ai đáng đem bố thí mà tạo mọi thành tựu đầy đủ thì đem bố thí mà tạo mọi thành tựu đầy đủ cho, đến nỗi hy sinh cả thân mạng, tùy thuận ý họ mà tạo mọi thành tựu đầy đủ, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế đó gọi là bố thí Ba la mật.

Đối với ai đáng đem trì giới mà tạo mọi thành tựu đầy đủ, thì giữ sáu căn, sạch ba nghiệp, cho đến hoàn chỉnh uy nghi, tùy thuận ý họ mà tạo mọi thành tựu đầy đủ, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế gọi là trì giới Ba la mật.

Đối với ai đáng đem nhẫn nhục mà tạo mọi thành tựu đầy đủ, thì dẫu họ mắng nhiếc lăng nhục, phỉ báng, quấy phá, cũng đem tâm không giận và tâm lợi ích, đem sức mạnh nhẫn nhục tối thượng, đến nỗi thần sắc cũng không biến đổi, tùy thuận ý họ mà tạo mọi thành tựu đầy đủ, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế gọi làm nhẫn nhục Ba la mật.

Đối với ai đáng đem tinh tiến mà tạo mọi thành tựu đầy đủ, thì không có tâm biếng nhác, lơ là, mà lại khởi lên ý muốn mãnh liệt, siêng năng thượng thặng, bốn cử động đi đứng nằm ngồi đều tùy thuận ý họ mà tạo mọi thành tưu đầy đủ, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế đó gọi là tinh tiến Ba la mật.

Đối với ai đáng đem thiền định mà tạo mọi thành tựu đầy đủ, thì đem sự không rối loạn mà thành tựu chánh niệm, không bao giờ quên mất những việc đã làm, tùy thuận ý họ mà tạo mọi thành tựu đầy đủ, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế gọi là thiền định Ba la mật.

Đối với ai đáng đem trí tuệ mà tạo mọi thành tựu đầy đủ, thì họ vì lợi ích mà hoi pháp nghĩa, mình phải không mỏi mệt mà giảng giải một cách trọn vẹn về các học thuyết, các minh xứ, cho đến mọi thứ kỹ thuật, tuỳ thuận ý họ mà tạo mọi thành tựu đầy đủ, làm cho họ an trú trong chánh pháp, như thế đó gọi là trí tuệ Ba la mật.

Do vậy, bạch Thế Tôn, không có Ba la mật nào khác, không có sự thu nhận chánh pháp nào khác, mà thu nhận chánh pháp chính là Ba la mật.

Hoàng Hậu Thắng Man lúc ấy lại thưa, bạch Thế Tôn, nay con xin dựa vào uy thần và biện tài của Ngài mà nói về tính chất vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp.

Đức Thế Tôn hỏi, tính chất vĩ đại ấy như thế nào?

Hoàng Hậu thưa, bạch Thế Tôn, thu nhận chánh pháp không biệt lập với sự thu nhận chánh pháp, không biệt lập với người thu nhận chánh pháp. Thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp thì chính họ là sự thu nhận chánh pháp.

Tại sao?

Vì thiện nam hay thiện nữ thu nhận chánh pháp thì họ vì chánh pháp mà hy sinh thân thể, tính mạng và tài sản. Vì họ hy sinh thân thể nên đạt đến cái thì gian cuối cùng của sự sống chết, tách xa già bệnh, được pháp thân cua Đức Thế Tôn, cái thân thường còn không hư hoại, không biến đổi, tuyệt đối vắng lặng, không thể nghĩ bàn.

Vì họ hy sinh tính mạng nên đạt đến cái thì gian cuối cùng của sự sống chết, tách hẳn sự chết, được sự thường còn không giới hạn, thành tựu mọi phẩm chất không thể nghĩ bàn, an trú nơi thần lực của hết thảy pháp Phật.

Vì họ hy sinh tài sản nên đạt đến cái thì gian cuối cùng của sự sống chết, siêu việt chúng sinh, quả báo viên mãn một cách không cùng tận và không giảm bớt, công đức trang nghiêm một cách không thể tư duy để mô tả, được chúng sinh tôn trọng hiến cúng.

Bạch Thế Tôn, thiện nam hay thiện nữ hy sinh thân thể, tính mạng và tài sản mà thu nhận chánh pháp thì được chư vị Thế Tôn thọ ký.

Bạch Thế Tôn, khi chánh pháp sắp mất, có những Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di kết phe kết nhóm với nhau, dấy lên mọi sự tranh chấp, khi đó nếu thiện nam hay thiện nữ nào đem tâm không dua nịnh, quanh co, không lừa đảo, dối trá, ưa thích chánh pháp, thu nhận chánh pháp, thì họ nhập vào trong nhóm thiện hữu. Nhập vào nhóm thiện hữu thì chắc chắn được chư vị Thế Tôn thọ ký.

Bạch Thế Tôn, con thấy sự thu nhận chánh pháp có sức mạnh vĩ đại đến như thế đó. Chính Đức Thế Tôn cũng lấy sức mạnh vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp mà làm con mắt, làm căn bản của pháp, làm sự lãnh đạo của pháp, làm sự thông suốt pháp.

Bấy giờ, khi nghe Hoàng Hậu Thắng Man nói về uy lực vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp, thì Đức Thế Tôn tán dương như vậy: Đúng như vậy, đúng như vậy, tốt lắm, Thắng Man, đúng như Hoàng Hậu đã nói về uy lực vĩ đại của sự thu nhận chánh pháp.

Một đại lực sĩ mà chạm nhẹ vào tử huyệt, người ta cũng đau đớn, bệnh nặng thêm lên: Cũng như vậy, Thắng Man, chút ít sự thu nhận chánh pháp cũng làm cho Ma Vương đau khổ, buồn rau, kêu gào, than thở. Thắng Man, Như Lai không thấy một pháp thiện nào làm cho Ma Vương buồn rầu bằng một chút của sự thu nhận chánh pháp.

Thắng Man, con bò chúa hình đẹp, thân lớn, thì làm mờ cả đàn bò: Cũng y như vậy, Thắng Man, người tu đại thừa thì giả sử mới có chút ít sự thu nhận chánh pháp cũng có khả năng làm khuất mờ tất cả pháp thiện của Thanh Văn, Duyên Giác.

Thắng Man, núi chúa Tu Di cao lớn tráng lệ, làm mờ tất cả núi non: Cũng như vậy, Thắng Man, người mới tới đại thừa, vì lợi ích cao cả mà không kể thân mạng, thu nhận chánh pháp, như thế cũng đã hơn tất cả thiện căn của những người ở lâu trong đại thừa mà đoái hoài thân mạng. Thế nên, Thắng Man, hãy đem sự thu nhận chánh pháp mà mở bày, chỉ rõ nhằm hoán cải mọi người.

Như vậy, Thắng Man, sự thu nhận chánh pháp có phước lợi vĩ đại, có quả báo vĩ đại. Thắng Man, chính Như Lai tán dương công đức của sự thu nhận chánh pháp đến vô số kiếp cũng không thể cùng tận giới hạn, cho nên sự thu nhận chánh pháp để thành tựu vô số công đức như trên đã nói.

***