Kinh Đại thừa

Bộ Kinh Tập

PHẬT THUYẾT

KINH THẮNG NGHĨA KHÔNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật đang ở tại nước Câu lô số cùng đông đủ các Bí Sô.

Đức Phật bảo các Bí Sô: Này các Bí Sô! Có các pháp môn như ta đã nói ở trước. Lại có chánh pháp tên là Thắng nghĩa không, các vị hãy lắng nghe và tác ý cực thiện, nay ta vì các vị mà nói.

Này các Bí Sô! Pháp này sao gọi là thắng nghĩa không?

Nghĩa là khi nhãn sinh không có một pháp nhỏ nào đến, khi nhãn diệt cũng không có một pháp nhỏ nào đi.

Này các Bí Sô! Nhãn ấy không thật, xa lìa thật pháp.

Nói tóm lại: Có nghiệp, có báo thì tác giả không thể thủ đắc. Uẩn này diệt lại thâu lấy uẩn khác, tập hợp pháp riêng khác nhân duyên sinh ra. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Khi ý ấy sinh không có một pháp nhỏ nào đến, lại khi ý ấy diệt cũng không có một pháp nhỏ nào đi.

Này các Bí Sô! Ý ấy không thật, xa lìa thật pháp cũng như đã nói ở trước.

Tập hợp pháp riêng khác, pháp hợp tập này không thật có thể được, do nhân duyên sinh, nhân duyên này nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu bi khổ não. Như vậy tức là một đại khổ uẩn sinh.

Pháp sở sinh này không thật thủ đắc, sinh rồi liền diệt. Do vậy, vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục xứ diệt, lục xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử, ưu bi khổ não diệt.

Như vậy, tức là một đại khổ uẩn diệt. Những lời ta nói trên đây chính là thắng nghĩa không.

Này các Bí Sô! Các pháp môn như trước đã nói, nay chánh pháp này các vị nên học.

***