Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Thánh Thiện Trụ ý Thiên Tử Sở Vấn

PHẬT THUYẾT

KINH THÁNH THIỆN TRỤ

Ý THIÊN TỬ SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN BA
 

Bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi suy nghĩ: Ở những Quốc Độ khác còn có vô lượng na do tha trăm ngàn chúng Bồ Tát, ta nên triệu tập đến đấy.

Đồng tử Văn Thù Sư Lợi suy nghĩ xong, liền như pháp hiện thần thông. Hiện thần thông rồi lại hóa ra tám vạn bốn ngàn hoa sen, cùng với vô số trăm ngàn hoa sen quyến thuộc lớn như bánh xe, cánh vàng, cọng bạc, lưới bọc đài rất thù thắng, tua hoa là tỳ lưu ly.

Trong những hoa sen ấy có hóa thân Bồ Tát đang ngồi kiết già trên đài hoa, thân màu hoàng kim, đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, đầy đủ công đức, đầy đủ diệu sắc, đầy đủ sự tốt đẹp, đầy đủ ánh sáng.

Khi ấy, những hoa sen kia bay đến trụ xứ của Tứ Thiên Vương, Trời Tam Thập Tam, Dạ Ma, Đâu Suất, rồi lại bay đến Trời Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại.

Những hoa sen được biến hóa này bay đi khắp tất cả mọi nơi, triệu tập trăm ức Tu Di, Trời Tứ Thiên Vương, cho đến Trời Sắc Cứu Cánh trong tam thiên đại thiên Thế Giới. Những hoa sen ấy cũng bay đến khắp vô số cung điện các Thiên Tử ở Cõi Dục, các Thiên Tử ở Cõi Sắc, phát ra âm thanh triệu tập khiến tất cả đều nghe.

Chư Bồ Tát hóa thân biến khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, nói kệ triệu tập:

Thế Tôn Mặt Trời tuệ

Khi xuất hiện ở đời

Như hoa Ưu Đàm nở

Là điều rất khó gặp.

Sư tử hùng họ Thích

Xuất hiện thế gian này

Y chánh pháp giáo hóa

Diệt trừ hết khổ não.

Người nào hưởng phước Trời

Buông tâm vui năm dục

Hạnh ác vẫn theo mình

Ở bất cứ chỗ nào.

Thọ biết bao ái dục

Hạnh ác luôn tăng trưởng

Chúng sinh hành hữu vi

Trong ba cõi bất an.

Được gặp việc khó gặp

Đó là Phật xuất thế

Ngu si cùng ngã mạn

Không biết, không diệt khổ.

Các ông hãy mau đến

Nghe Phật thuyết chánh pháp

Chớ để Phật Niết Bàn

Hối hận đều quá muộn.

Rơi vào lưới Ma Vương

Nơi chốn sợ hãi lớn

Mãi ngu si thọ dục

Bao giờ được giải thoát?

Chỉ có nghe chánh pháp

Tạo phước cho chúng sinh

Mau đến chỗ Đức Phật

Đại nhân ba hai tướng.

Cứu khổ cho muôn loài

Quy y Phật hơn hết

Phật là chủ thế gian

Đại từ không nghĩ bàn.

Tu hành không tính kể

Trải qua vô số kiếp

Đạt trí tuệ vô thượng

Thích sư tử thành Phật.

Khai thị pháp bậc nhất

Sâu tĩnh khó được gặp

Nơi nào không chúng sinh

Chẳng mạng, chẳng trượng phu.

Tất cả đều xả bỏ

Đoạn hết không còn nữa

Trừ bỏ tất cả tướng

Vì chúng sinh thuyết pháp.

Hiện thật tế khắp nơi

Thế gian không tâm hành

Phật dùng không, vô tướng

Vô nguyện cùng vô tác.

Không nhiễm, không tướng mạo

Chẳng sinh cũng chẳng khởi

Chẳng đến cũng chẳng đi

Diễn thuyết pháp sáng tỏ.

Chẳng sinh cũng chẳng tận

Không nhớ tiếc vật gì

Không tướng mạo thấy được

Không suy nghĩ, nói năng.

Không ít chúng sinh sinh

Không ít chúng sinh tử

Không chúng sinh Niết Bàn

Nơi nào chúng sinh hiện.

Thuyết pháp như tiếng vang

Tiếng vang không nắm bắt

Người tin hiểu tự tướng

Nghe thuyết pháp như vậy.

Ở bất cứ nơi nào

Có địa, thủy, hỏa, phong

Mà bậc mắt trí tuệ

Lại không nói rõ được?

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức

Tất cả đều là không

Tuy Phật nêu năm ấm

Nhưng không vật tích tu.

Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân

Ý, tự tướng đều không

Tuy thuyết pháp ấy không

Nhưng không, không thủ đắc.

Sắc, thanh, hương, vị, xúc

Là sở thích của ý

Hư vọng khởi pháp ấy

Không tự tánh, vốn không.

Các chúng sinh như vậy

Hiểu rõ pháp Phật dạy

Muốn thoát khỏi khổ não

Hãy đến chỗ y sư.

Chư Bồ Tát hóa thân hiện đến khắp tam thiên đại thiên Thế Giới. Lúc nói bài kệ này, có chín mươi sáu ức Chư Thiên ở Cõi Dục, Thiên Tử ở Cõi Sắc, xa lìa trần cấu, đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Mười ngàn Thiên Tử tu tập theo Bồ Tát thừa, tất cả đều được pháp nhẫn vô sinh.

Khi các vị Bồ Tát kia triệu tập vô số hằng hà sa chúng Thiên Tử, chỉ trong khoảng một sát na, trong khoảng một la bà, trong khoảng một ma hầu đa, chư vị đã đến chỗ Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri.

Cúi đầu đảnh lễ nơi chân Phật, nhiễu quanh theo phía bên phải ba vòng rồi đứng sang một bên, dùng các thứ hương, hoa Trời như: Hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Vật Đầu, hoa Phân Đà Lợi, hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, hương bột, hương xoa, tung lên cúng dường Như Lai.

Hầu hết Chư Thiên đều trụ giữa hư không ca vịnh, tán thán. Có vô số Chư Thiên từ khắp nơi đến đây, đông đến nỗi không chỗ chen chân. Khi ấy, Thiên Tử Đại Thân Thắng Diệu tuôn mưa hoa khắp bốn cõi thiên hạ nơi Thế Giới này, chốn nào hoa cũng ngập quá đầu gối.

Bấy giờ, Thiên Tử Thiện Trụ Ý, Thiên Tử Thiện Tịch, Thiên Tử Tàm Quý Trì cùng chín mươi sáu ức Chư Thiên Tử ưa thích tất cả hành nơi đạo Bồ Tát, cùng nhau đến trụ xứ của Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi. Đến nơi, ở bên ngoài trụ xứ ấy, đi nhiễu quanh theo phía bên phải bảy vòng.

Tuôn mưa Hoa Mạn Đà La trùm khắp hư không, cao mười do tuần, tạo thành đài lưới hoa lớn, hình như ngôi Tháp, có ánh sáng tỏa chiếu khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, nơi nơi đều sáng rực, và mưa hoa Trời Mạn Đà La xuống khắp trụ xứ của Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi.

Khi ấy, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi như pháp suy nghĩ: Khắp hư không nơi tam thiên đại thiên Thế Giới đều có lưới hoa trùm khắp. Lưới hoa đều có ánh sáng chiếu cả tam thiên đại thiên Thế Giới, mọi chốn đều sáng rực. Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi ra khỏi trụ xứ của mình, tùy theo ý muốn, liền có tòa báu vi diệu và an tọa trên ấy.

Bấy giờ, Thiên Tử Thiện Tru Ý cúi đầu kính lễ nơi chân Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi, Chư Thiên Tử khác cũng kính lễ nơi chân Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi.

Đồng tử Văn Thù Sư Lợi suy nghĩ: Những vị nào có thể theo ta đến trước Đức Thế Tôn để hỏi đáp biện luận?

Hoặc giảng nói những câu nghĩa không thể nghĩ bàn, những câu nghĩa khó lãnh hội, câu không xứ sở, câu chẳng hý luận, câu dứt hết mọi hý luận, câu không thể nêu bày, câu thâm diệu, câu đúng thật, câu không chướng ngại, câu không phá hoại, câu không, câu vô tướng, câu vô nguyện.

Câu nói về chân như, câu thật tế, câu pháp giới, vô vô tương tự, câu không lấy, câu chẳng bỏ, câu Phật, câu Pháp, câu Tăng, câu chứng đắc trí tuệ viên mãn, câu ba cõi bình đẳng, câu tất cả các pháp là không thể đắc, câu nói về hết thảy pháp là chẳng sinh, câu sư tử, câu quyết chắc, câu không câu nghĩa.

Nói như vậy rồi, nghĩ: Có những vị nào được xem là pháp khí để có thể nghe pháp và lãnh thọ.

Đồng tử Văn Thù Sư Lợi suy nghĩ tiếp: Thiên Tử Thiện Trụ Ý đã từng cúng dường Chư Phật quá khứ, biện tài vô ngại, có thể cùng theo ta đến trước Đức Thế Tôn để hỏi đáp biện luận.

Suy nghĩ như vậy rồi, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi bảo Thiên Tử Thiện Trụ Ý: Thiên Tử Thiện Trụ Ý! Ông đã đạt được pháp nhẫn sâu xa, biện tài vô ngại, có thể theo ta đến trước Đức Thế Tôn để hỏi đáp biện luận.

Thien tử Thiện Trụ Ý thưa Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Thưa Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi! Tôi đã nêu như vậy các pháp, đối với tôi là không nghe, không đọc, không thọ, không trì, không suy nghĩ, không ghi nhớ, không lấy, không bỏ, không hiểu, không biết, không nghe tôi giảng nói, không giảng nói cho người khác.

Vì sao?

Vì Phật đạo là không chữ, không tâm, giác ngộ chỉ nêu về tên gọi. Tên gọi như thế thì không thể tu hành.

Đồng tử Văn Thù Sư Lợi! Nay ở nơi này, các pháp được nêu giảng, Chư Thiên Tử đối với Bồ Tát đều có ý muốn nghe, vậy Bồ Tát sẽ vì họ mà thuyết giảng pháp chăng?

Đồng tử Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Nếu có người suy nghĩ: Tôi nghe pháp thì tôi không giảng nói cho họ. Người muốn không chấp giữ, tôi cũng không giảng nói cho họ.

Vì sao?

Vì có ngã là có chấp giữ. Cho là có thể nói, nghe, như vậy là chấp giữ về chúng sinh, về thọ mạng, về trượng phu. Người chấp giữ như vậy thường cho là có thể nói, nghe.

Này Thiên Tử! Như thế là khiến họ có ngã mạn, tâm chấp nơi ngã, ngã sở.

Người chấp trước như vậy mà thuyết pháp có ba chướng ngại đó là:

1. Thủ đắc về ngã.

2. Thủ đắc về chúng sinh.

3. Thủ đắc về pháp.

Thiên Tử nên biết, người nào không có tâm ngã mạn, không chấp ngã, ngã sở mà nghe pháp thì có ba điều thanh tịnh viên mãn, tâm không phân biệt, không mong cầu, không nhớ nghĩ.

Ba điều thanh tịnh viên mãn là:

1. Không thủ đắc về ngã, nên tâm không phân biệt, không mong cầu, không nhớ nghĩ.

2. Không thủ đắc về chúng sinh, nên tâm không phân biệt, không mong cầu, không nhớ nghĩ.

3. Không thủ đắc về pháp, nên tâm không phân biệt, không mong cầu, không nhớ nghĩ.

Thiên Tử nên biết, người nào nghe pháp như vậy là nghe một cách bình đẳng, chứ không phải là không bình đẳng.

Khi ấy, Thiên Tử Thiện Tru Ý ca ngợi: Hay thay! Hay thay! Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như thế nào gọi là bất thoái chuyển?

Xin Bồ Tát giải bày.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Thôi! Thôi! Này Thiên Tử! Ông chớ phân biệt hoặc cho là Bồ Tát có thoái chuyển, hoặc bồ đề chánh giác chẳng phải là thủ đắc về bồ đề.

Thiên Tử hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, nơi nào thoái chuyển?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Tham dục thoái chuyển, sân hận thoái chuyển, ngu si thoái chuyển, hữu ái thoái chuyển, vô minh thoái chuyển, cho đến mười hai chi phần đều thoái chuyển, nhân thoái chuyển, kiến đạo thoái chuyển, danh thoái chuyển, sắc thoái chuyển, Dục Giới thoái chuyển, Sắc Giới thoái chuyển, Vô Sắc Giới thoái chuyển.

Hành Thanh Văn thoái chuyển, hành Duyên Giác thoái chuyển, phân biệt thoái chuyển, chấp trước thoái chuyển, thể thoái chuyển, chấp thể thoái chuyển, đoạn thoái chuyển, thường thoái chuyển, thủ thoái chuyển, xả thoái chuyển, tưởng ngã thoái chuyển, tưởng chúng sinh thoái chuyển.

Tưởng mạng thoái chuyển, tưởng trượng phu thoái chuyển, ý nghĩ thoái chuyển, chướng ngại thoái chuyển, điên đảo thoái chuyển, tự thân thoái chuyển, kiến chấp về thân thoái chuyển, sáu mươi hai thứ kiến chấp căn bản của tự thân thoái chuyển, năm thứ ngăn che thoái chuyển, năm thủ ấm thoái chuyển.

Tất cả nội ngoại nhập thoái chuyển, giới thoái chuyển, tưởng Phật thoái chuyển, tưởng pháp thoái chuyển, tưởng Tăng thoái chuyển, tưởng ngã thành Phật, ngã thuyết pháp, ngã độ chúng sinh, ngã phá trừ Ma Vương, ngã chứng đắc trí tuệ thoái chuyển, tưởng có kia thoái chuyển.

Không phân biệt về mười lực, không phân biệt về mười tám pháp bất cộng của Phật, không phân biệt về căn, vô úy, không phân biệt về tướng, không phân biệt về Thế Giới trang nghiêm của Phật, không phân biệt về công đức của hàng Thanh Văn, tất cả phân biệt đều thoái chuyển.

Như vậy này Thiên Tử! Nếu Bồ Tát ở nơi đây thoái chuyển thì ở nơi kia không thoái chuyển.

Thiên Tử Thiện Trụ Ý hỏi: Nơi nào không thoái chuyển?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Trí tuệ của Phật là không thoái chuyển, không chẳng thoái chuyển, vô tướng chẳng thoái chuyển, vô nguyện chẳng thoái chuyển, chân như chẳng thoái chuyển, Pháp Giới chẳng thoái chuyển, thật tế chẳng thoái chuyển, bình đẳng chẳng thoái chuyển.

***