Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Thánh Thiện Trụ ý Thiên Tử Sở Vấn

PHẬT THUYẾT

KINH THÁNH THIỆN TRỤ

Ý THIÊN TỬ SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN BẢY
 

Thiên Tử! Vì thế tôi nói địa chuyển hành. Nói không chuyển hành tức chẳng phải là chuyển hành.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều không chuyển hành. Chẳng phải cho là trong pháp, các pháp chuyển hành. Chẳng phải sắc, thọ chuyển hành. Chẳng phải thọ, sắc chuyển hành. Chẳng phải tưởng, hành chuyển hành. Chẳng phải hành, tưởng chuyển hành. Chẳng phải thức, sắc chuyển hành. Chẳng phải sắc, thức chuyển hành.

Cho đến tất cả pháp đều cũng như vậy, đều có bốn cách diễn đạt. Chẳng phải nhãn, nhĩ chuyển hành. Chẳng phải nhĩ, nhãn chuyển hành. Chẳng phải tỷ, thiệt chuyển hành. Chẳng phải thiệt, tỷ chuyển hành. Chẳng phải thân, ý chuyển hành. Chẳng phải ý, thân chuyển hành. Tất cả các pháp ấy mỗi mỗi đều tự hành, tự phân cảnh giới.

Pháp độn, vô dục, vô tâm ý hành, không nghĩ, không nhớ, cho đến không suy tính, lượng xét, như cỏ, như tường, như huyễn, vô ký, chẳng có ký khởi nhất tướng là vô tướng. Vì nghĩa đó, nên các pháp chẳng chuyển hành, chẳng đến, chẳng đi.

Thiên Tử nên biết! Bồ Tát nào thấu tỏ được như vậy là Bồ Tát đó không có pháp chuyển hành, chẳng có phân biệt địa, chẳng thấy có địa chuyển hành, chẳng phải là bỏ địa, chẳng phải là thoái chuyển. Bồ Đề chuyển hành chẳng phải là diệt mất.

Vì sao?

Vì người nào thấy có thể của ấm, giới, nhập tức chẳng phải là chuyển hành, chẳng phải là diệt mất, vì tất cả pháp tánh vốn thanh tịnh.

Lại nữa, Thiên Tử! Bồ Tát với địa chuyển hành như thế, ví như nhà ảo thuật dùng năng lực ảo thuật làm ra mười lớp cung điện, người kia tự làm ra rồi ngồi trên đó.

Ý ông thế nào, người kia thật có ngồi đó không?

Thiên Tử đáp: Thật không có chỗ ngồi trong đó.

Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng vậy Thiên Tử! Bồ Tát thấy có mười địa chuyển hành cũng như vậy.

Thiên Tử Thiện Trụ Ý hỏi Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Văn Thù Sư Lợi!

Như có người đến gặp Nhân Giả, muốn cầu xuất gia, thưa: Xin Bồ Tát độ con, cho con được xuất gia.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi!

Nhân Giả nói như thế nào?

Tác pháp tế độ, khiến cho xuất gia như thế nào?

Truyền giới như thế nào?

Giới phẩm như thế nào?

Chỉ dạy ra sao?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử!

Nếu có người đến gặp tôi xin xuất gia, tôi sẽ nói: thiện nam! Nay ngươi thật có tâm xuất gia chăng?

Nếu ngươi thật có tâm xuất gia thì ta sẽ theo pháp độ, cho ngươi xuất gia.

Vì sao?

Này Thiên Tử! Nếu xuất gia mà còn tham đắm Dục Giới, hoặc tham đắm Sắc Giới, hoặc tham đắm Vô Sắc Giới, hoặc tham đắm năng lực của năm dục nơi thế gian và hành nghiệp trong chín nơi chốn, thì thiện nam ấy như vậy là còn chấp pháp.

Thiên Tử! Chín nơi chốn ấy là: Không chấp trước chỗ nào nên người kia đạt tâm không thể thủ đắc.

Nếu có tâm không thể thủ đắc thì người kia không cầu xuất gia.

Nếu không cầu xuất gia thì người kia không sinh tâm xuất gia.

Nếu không sinh tâm xuất gia thì người kia gọi là không sinh.

Nếu không sinh thì người kia đoạn hết khổ.

Nếu đoạn hết khổ thì người kia đạt được cứu cánh.

Nếu đạt được cứu cánh thì người kia không còn gì để đoạn.

Nếu không còn gì để đoạn, thì người kia không đoạn.

Nếu không đoạn thì người kia là không.

Thiên Tử! Tôi sẽ nói với thiện nam kia như vậy.

Lại nữa, Thiên Tử! Nếu có người đến gặp tôi cầu xuất gia thì tôi sẽ nói: Thiện nam! Nay ông chớ phát tâm xuất gia.

Vì sao?

Vì tâm cũng không thể do người khác sinh ra, chớ bảo hộ tâm ấy.

Lại nữa, Thiên Tử! Nếu có người đến gặp tôi cầu xuất gia thì tôi sẽ nói: Thiện nam! Người đừng cạo tóc, là khéo xuất gia. Như vậy mới gọi là xuất gia.

Thiên Tử hỏi Văn Thù Sư Lợi: Ý Nhân Giả như thế nào mà nói vậy?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Như Lai thuyết pháp chẳng đoạn, chẳng hoại.

Thiên Tử hỏi: Pháp gì là chẳng đoạn chẳng hoại?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Sắc chẳng đoạn, chẳng hoại. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng đoạn, chẳng hoại.

Thiên Tử! Những người nào có ý niệm như vậy mà tôi cạo tóc sẽ làm cho họ ngã mạn. Nếu người nào hành theo kiến giải bình đẳng tức chẳng ngã mạn thì người ấy sẽ được tôi cạo tóc. Người được cạo tóc như vậy tức đạt được chúng sinh, đạt được chúng sinh tức đạt được đoạn trừ tưởng.

Thiên Tử! Nếu không đắc ngã thì không đắc nơi kẻ khác. Nếu không đắc nơi kẻ khác thì không ngã mạn. Nếu không ngã mạn thì người kia được ngã tịch tĩnh. Nếu ngã được tịch tĩnh thì người kia không phân biệt. Nếu không phân biệt thì không khởi động.

Nếu không khởi động thì không hý luận. Nếu không hý luận thì không lấy, không bỏ. Nếu không lấy, không bỏ thì người kia chẳng tạo tác, cũng chẳng không tạo tác, không đoạn, không hoại, không có chấp tưởng, chẳng phải là chấp có tưởng, chẳng lấy, chẳng bỏ, chẳng giảm, chẳng tăng, không tụ, không tán, không tâm tưởng niệm, không nói, không đáp, người kia thật sự an trụ.

Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Gọi thật là nêu bày như thế nào?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Thật như hư không nên gọi là thật, chẳng phải là hư không cùng tận, chẳng cùng tận, chẳng tăng trưởng, hoặc có, hoặc không. Vì thế được gọi hư không là thật tánh không, chân như là thật, pháp giới là thật, thực tế là thật. Chính vì thật ấy nên được gọi là không thật.

Vì sao?

Vì hiện nay chẳng phải là thật có, về sau chẳng phải là thật có. Thế nên nói điều ấy là thật.

Lại nữa, Thiên Tử! Có người đến gặp tôi cầu xin xuất gia, tôi sẽ nói: Thiện nam! Ngươi không nhận Ca Sa, không mặc Ca Sa, tức là ngươi xuất gia. Được như vậy gọi là xuất gia.

Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Ý đó như thế nào mà Nhân Giả nói như vậy?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Như Lai thuyết pháp, tất cả đều không chấp giữ.

Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Không chấp giữ những gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Nghĩa là không chấp sắc, hoặc thường, hoặc vô thường. Như vậy không chấp thọ, tưởng, hành, thức hoặc thường, hoặc vô thường. Cũng không chấp nhãn hoặc thường, hoặc vô thường.

Không chấp sắc, không chấp nhĩ, không chấp thanh, không chấp tỷ, không chấp hương, không chấp thiệt, không chấp vị, không chấp thân, không chấp xúc, không chấp pháp, không chấp ý, không chấp tham, không chấp sân, không chấp si, không chấp điên đảo. Như vậy cho đến tất cả các pháp đều không chấp.

Thiên Tử! Tất cả pháp không lấy, không bỏ, không ly, không tán.

Thiên Tử! Người nào thấy biết như vậy mà còn chấp giữ về Ca Sa là có ý niệm sai.

Thiên Tử! Thế nên tôi nói không chấp giữ nơi Ca Sa là giải thoát thanh tịnh.

Vì sao?

Thiên Tử! Ca Sa là màu đục, nhưng đạo Bồ Đề của Như Lai, Thế Tôn là trong sáng.

Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Những pháp gì là đục?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Tham dục là đục, sân hận là đục, ngu si là đục, nhân đục, kiến đục, danh đục, sắc đục, tưởng đục, thủ đục, tướng đục, hý luận đục.

Thiên Tử! Nếu quán sát đúng đắn thì những pháp bất thiện ấy thảy đều không đục. Nếu không đục thì cho đến không có một pháp nhỏ nào có nơi an trụ. Không có nơi an trụ gọi là không xứ, là không có người tạo tác.

Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Nhân Giả nói không có pháp tạo tác, không có người tạo tác, lời nói ấy là thế nào?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Nói không có pháp tạo tác, lời nói như thế cho đến không có một pháp nào là tạo tác cả, như vậy gọi là không có pháp tạo tác. Nếu có pháp tạo tác mà Như Lai giảng nói là không có pháp tạo tác. Như thế gọi là không pháp tạo tác.

Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi!

Tôi chưa rõ pháp nào là pháp tạo tác?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Rất bình đẳng! Rất bình đẳng! Pháp nào không thủ đắc thì chẳng phải nay thủ đắc, chẳng phải sau thủ đắc, chẳng phải nay có phát sinh, chẳng phải sẽ phát sinh. Pháp ấy hư vọng an trú nơi pháp tạo tác đó là ngã tức pháp tạo tác phân biệt. Chúng sinh, thọ mạng, ngã, nhân, ma na bà, đoạn, thường, là pháp tạo tác phân biệt.

Ấm, xứ, nhập v.v… là pháp tạo tác phân biệt. Phật, Pháp, chúng Tăng là pháp tạo tác phân biệt. Đây là người trì giới, kia là người phá giới, đó là pháp tạo tác phân biệt. Phiền não, nhiễm tịnh, đạt được chứng quả là pháp tạo tác phân biệt.

Quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, pháp A La Hán, pháp Phật Bích Chi là tao tác phân biệt. Không, vô tướng, vô nguyện, trí tuệ giải thoát, vô dục là pháp tạo tác phân biệt.

Thiên Tử! Pháp như vậy là pháp tạo tác phân biệt, hàng phàm phu chưa từng nghe Như Lai giảng nói pháp tạo tác phân biet, nên tâm muốn đắc pháp, đó là hư vọng, chấp trước. Kẻ phàm phu ngu si kia phân biệt, và chuyển theo phân biệt nên dù là vọng tưởng, chấp trước, nhưng vẫn muốn trừ diệt.

Như Lai khen ngợi về không có tạo tác.

Khi ấy, Thiên Tử Thiện Trụ Ý ca ngợi Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Hay thay! Hay thay! Văn Thù Sư Lợi! Nhân Giả khéo giảng nói về pháp môn tạo tác như vậy.

Như Lai cũng khen ngợi Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi.

Lành thay! Lành thay! Văn Thù Sư Lợi! Ông đã hết sức khéo nêu bày pháp ấy.

Bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi lại nói với Thiên Tử Thiện Trụ Ý: Này Thiên Tử!

Có người nào đến gặp tôi xin cầu xuất gia tôi sẽ nói: thiện nam! Nếu người không thọ giới tức là người đã xuất gia.

Người như vậy gọi là xuất gia.

Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Ý đó là như thế nào mà Nhân Giả nói như vậy?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Như Đức Phật đã dạy, có hai loại thọ giới.

Đó là: Đẳng thọ giới và Bất đẳng thọ giới.

Thế nào gọi là Bất đẳng thọ giới?

Nghĩa là rơi vào Bất đẳng.

Rơi vào Bất đẳng là như thế nào?

Nghĩa là rơi vào chấp trước ngã. Rơi vào chấp trước chúng sinh. Rơi vào chấp trước thọ mạng, rơi vào chấp trước nhân. Rơi vào chấp trước đoạn, thường. Rơi vào chấp trước tà kiến. Rơi vào chấp trước tham, sân, si.

Rơi vào chấp trước Dục Giới. Rơi vào chấp trước Sắc Giới, Vô Sắc Giới.

Thiên Tử! Như vậy, cho đến rơi vào tất cả phap bất thiện, gặp tri thức ác, không biết vượt khỏi pháp nên chấp nơi tất cả pháp. Thiên Tử nên biết, như vậy gọi là bất đẳng thọ giới.

Thiên Tử! Thế nào gọi là bình đẳng thọ giới?

Nghĩa là thể hiện sự bình đẳng.

The hiện sự bình đẳng như thế nào?

Nghĩa là không là bình đẳng, vô tướng là bình đẳng, vô nguyện là bình đẳng.

Thiên Tử! Như thế là chứng đắc ba môn giải thoát. Như thật mà hội nhập là không phân biệt, không có chỗ phân biệt là không thoái chuyển.

Thiên Tử! Như vậy gọi là bình đẳng thọ giới.

Lại nữa Thiên Tử! Hoặc ai thực hành tu sửa tham dục, sân hận, ngu si, hoặc tu sửa tự thân, sáu mươi hai kiến chấp căn bản nơi tự thân. Hoặc tu sửa điên đảo, hoặc tu sửa ba nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý. Tám nẻo tà, chín phiền não. Mười nghiệp đạo bất thiện. Như vậy gọi là chánh thọ giới.

Thiên Tử! Ví như tất cả hạt giống đều nhờ nơi đất mà phát sinh, cỏ cây lùm rừng đều nương đất mà sinh trưởng, bình đẳng đầy đủ nên gọi là cụ túc.

Như vậy, Thiên Tử! Trong pháp của Đức Phật, ai chân chánh thọ giới thì được gọi là thọ giới.

Thiên Tử! Ví như tất cả hạt giống, cỏ thuốc, cây rừng đều nương nơi mặt đất mà được đứng vững.

Thiên Tử! Như vậy là đầy đủ chánh giới.

Vì sao?

Vì an trụ nơi giới, có pháp hòa hợp. Như những hạt giống, cỏ thuốc, cây rừng được sinh trưởng đầy đủ. Như thế được gọi là bình đẳng cụ túc.

Thiên Tử! Giới nương theo niềm tin mà trụ, thế nên tất cả pháp phần Bồ Đề đều nương nơi giới mà tăng trưởng đầy đủ.

Thiên Tử! Chư Phật, Thế Tôn và tất cả Thanh Văn ở quá khứ, hiện tại, vị lai đều chánh thọ giới nên chứng đắc ba môn giải thoát, tất cả mọi thứ hý luận đều bị trừ hết. Thiên Tử nên biết, thọ giới như vậy là chánh thọ giới, chẳng phải là bất bình đẳng thọ giới.

Lại nữa, Thiên Tử! Tôi độ một người xuất gia như vậy, thọ giới như vậy.

Thiện Nam! Phải học như thế này, chớ có khởi ý niệm chấp giữ, học được như vậy là đã xuất gia.

Thiên Tử hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi!

Ý đó như thế nào mà Nhân Giả nói như vậy?

Van thù sư lợi đáp: Thiên Tử! Tất cả pháp đều không chấp giữ.

Thiên Tử! Chấp giữ nơi giới cũng là chấp giữ nơi ba cõi.

Thiên Tử! Ý ông thế nào, người ấy cần học những gì?

Thiên Tử đáp: Đó là đầy đủ Ba La Đề Mộc Xoa.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Đầy đủ Ba La Đề Mộc Xoa là như thế nào?

Thiên Tử đáp: Tên gọi đầy đủ được gọi là thân đầy đủ, được gọi là khẩu đầy đủ, được gọi là ý đầy đủ. Như vậy gọi là có đầy đủ Ba La Đề Mộc Xoa.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Ý ông thế nào, thân, khẩu, ý không tạo tác ở những nơi nào?

Chưa từng tạo tác, đang tạo tác, sẽ tạo tác, có hình tướng gì giống nhau, hoặc màu sắc xanh, vàng, trắng, đỏ, pha lê?

Thiên Tử đáp: Không có.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Nói như vậy là sao?

Thiên Tử đáp: Chẳng phải có tạo tác mới nói như vậy, hoặc chẳng phải có tạo tác mà không nói đến thân, khẩu, ý nghiệp.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Ý ông thế nào, nếu chẳng có tạo tác thì việc ấy có thể chấp giữ không?

Thiên Tử đáp: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Không thể chấp giữ được.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Đó cũng là ý của tôi nên tôi mới nói như vậy, chớ có ý niệm cho rằng tôi đã học khéo đấy.

Thiên Tử! Hoặc học về thắng giới, hoặc học về thắng tâm, hoặc học về thắng tuệ, đó là học nơi thực tế. Như vậy nên biết, giới không thủ đắc là thắng học về giới, tâm không thủ đắc là thắng học về tâm, tuệ không thủ đắc là thắng học về tuệ. Tâm không phân biệt, tâm không nhớ nghĩ, nên không sinh tâm hơn kém, đó là học về tâm, học về giới, học về tuệ, nên nhận biết như vậy.

Thiên Tử! Nếu tâm không thủ đắc thì không nhớ nghĩ về giới. Nếu không nhớ nghĩ về giới thì tam muội không thủ đắc. Nếu tam muội không thủ đắc thì tuệ không thủ đắc. Nếu tuệ không thủ đắc thì tất cả nghi hoặc không còn. Nếu tất cả nghi hoặc không còn thì sự học không chấp giữ. Sự học không chấp giữ như vậy gọi là học nhớ nghĩ.

Học nhớ nghĩ ấy là A Na Hàm. A Na Hàm ấy là thanh tịnh. Thanh tịnh ấy là không hòa hợp. Không hòa hợp ấy là chẳng còn lậu. Chẳng còn lậu là chánh hạnh. Thực hành như vậy là không có sắc giống nhau, không có sắc giống nhau ấy là hư không.

Vì sao?

Vì hư không kia là không hình sắc.

Thiên Tử! Học như vậy tức là không học. Không học ấy được gọi là học. Học ở nơi nào không có nơi chốn. Không có nơi chốn như vậy gọi là an trụ nơi chánh học.

***