Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Thánh Thiện Trụ ý Thiên Tử Sở Vấn

PHẬT THUYẾT

KINH THÁNH THIỆN TRỤ

Ý THIÊN TỬ SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN HAI
 

Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp bèn từ tòa đứng dậy, sửa y, bày vai phải, gối bên phải chấm đất thâu giữ thân, chắp tay hướng về Đức Phật, nói kệ:

Hoan hỷ thường an vui

Đấng thanh tịnh thuyết pháp

Đủ mười lực dũng mãnh

Công đức có trăm ngàn.

Khắp cả trong Trời người

Đều không thể sánh kịp

Cũng không thể suy lường

Đấng đoạn tận ý ác.

Trải qua vô số kiếp

Tu tập bố thí, giới

Giữ giới rất hoàn hảo

Bậc Thiện Thệ vô sư.

Lực, lực nhẫn, lực thiện

Lại có lực mười lực

Vô tâm làm công đức

Xin dứt lưới nghi con.

Thấy chúng sinh khổ não

Trăm kiếp tu khổ hạnh

Tâm không hề mỏi mệt

Đều khiến được an vui.

Bỏ ngôi nước, vợ con

Đầu, mắt bố thí hết

Tâm vui vẻ ban cho

Xin dứt lưới nghi lòng.

Thế Tôn đã xả bỏ

Voi ngựa và xe cộ

Y phục cùng các thứ

Vô số kiếp xả bỏ.

Ăn, uống, nhà, các vật

Cho hết Mâu Ni Na

Bố thí thường vui vẻ

Nên thành bậc Thiện Thệ.

Khi cắt cho thân thể

Nhẫn, vui, không sân hận

Đáp tùy người hỏi pháp

Khéo nói nhẫn, thiện, lực.

Tu hành nơi pháp không

Khéo suy nghĩ tịnh thí

Công đức được viên mãn

Con hỏi pháp thanh tịnh.

Tham, sân, si đều diệt

Thấy chúng sinh khổ não

Bị tham, sân, si, che

Ngã tưởng tự trói buộc.

Tâm từ thương chúng sinh

Trăm kiếp tu đắc đạo

Khai ngộ loài hữu tình

Vì thế con quy y.

Do trí tuệ tăng trưởng

Đấng thực hành hạnh thiện

Luôn vì các chúng sinh

Thuyết pháp không, khiến vui.

Nhân hành động ngay thẳng

Thành Thiện Thệ, Thế Tôn

Thiền thanh tịnh của Phật

Xin dứt lưới nghi con.

Tu hành thí, giới, nhẫn

Tinh tấn thảy hoàn bị

Định, tuệ đều đầy đủ

Luôn vui, tu tâm từ.

Công đức không ai bằng

Như biển không nghĩ bàn

Như nước biển vô tận

Vì thế con quy y.

Thuở xưa Đức Thế Tôn

Có chim đến nương tựa

Tự cắt thịt thân mình

Miếng miếng cân cho bằng.

Tự ngồi trên bàn cân

Mới nặng bằng thịt chim

Rồi bố thí bình đẳng

Tâm từ thật cao cả

Xin dứt lưới nghi con.

Thái sơn có thể chuyển

Hư không có thể lường

Phước đức của Chư Thiên

Cũng có ngày cùng tận.

Nước biển có thể cạn

Cung Tu La còn đổ

Nhật, nguyệt có thể rơi

Nhưng lời Phật không khác.

Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp dùng kệ tán thán Như Lai xong thì thưa: Bạch Thế Tôn! Nhân duyên gì mà có ánh sáng lớn, màu sắc vi diệu chiếu soi khắp Thế Giới như vậy, xưa chưa từng có, mà nay thấy được điềm tốt đẹp như vậy?

Đức Phật bảo Tôn Giả Đại Ca Diếp: Thôi, thôi, này Ca Diếp! Nay ông tại sao cho nêu về việc như vậy. Đừng hỏi những việc như thế. Việc này chẳng phải là chỗ tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác có thể đo lường tính được. Hết thảy hàng trời, người nghe sẽ rơi vào chỗ mê muội vì đấy chỉ là chỗ nhan biết của Chư Phật Như Lai.

Tôn Giả Đại Ca Diếp thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai nếu thuyết giảng tất có nhiều lợi ích, đem lại an lạc cho nhiều chúng sinh.

Đức Phật bảo Tôn Giả Đại Ca Diếp: Ông nay lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Như Lai sẽ vì ông thuyết giảng rõ.

Đại Ca Diếp thưa: Hay thay! Bạch Thế Tôn! Con rất muốn nghe.

Đức Phật dạy Tôn Giả Ca Diếp: Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi nhập Tam Muội Phổ Quang Ly Cấu Trang Nghiêm, do diệu lực của lực tam muội ấy nên phóng ra ánh sáng này, chiếu khắp vô lượng, vô biên Hằng hà sa số A tăng kỳ, không thể nghĩ bàn.

Không thể tính kể các Cõi Phật trong mười phương, để triệu tập hàng trăm ngàn Bồ Tát nơi vô lượng, vô biên ức na do tha không thể tính kể, không thể nghĩ bàn các cõi nước kia vân tập đến Thế Giới Ta Bà. Nay chư Bồ Tát ấy đều đến đông đủ cung kính đảnh lễ sát chân Như Lai, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi an tọa nơi tòa sen trên hư không cách mặt đất không xa, chỉ bằng một cây Đa La.

Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Do lực từ oai thần của chư Bồ Tát kia đã khiến cho trời tuôn mưa hoa, mưa hương, mưa hương bột v.v… và trăm ngàn thứ âm nhạc phát ra những âm thanh vi diệu như vậy.

Đức Phật bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Này Ca Diếp! Diệu lực từ oai thần của chư Bồ Tát kia là như thế, đã làm trời tuôn mưa hoa, mưa hương, mưa hương bột v.v… và trăm ngàn thứ âm nhạc vang lên vô số âm thanh vi diệu.

Đại Ca Diếp thưa: Không thể nghĩ như vậy, bạch Thế Tôn! Nơi nào có thể thấy được chư Bồ Tát kia?

Đức Phật dạy: Này Ca Diếp! Việc ấy hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể thấy được?

Vì sao?

Này Ca Diếp! Cảnh giới của Bồ Tát là nơi chốn có đại bi, nơi chốn có đại từ, nơi chốn có lợi ích, nơi chốn có tu hành, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Cảnh giới của Bồ Tát thì hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể tin hiểu hành trì.

Tôn Giả Ca Diếp nên biết! Tất cả chư Bồ Tát kia đều nhập Tam Muội Ẩn Nhất Thiết Thân Bồ Tát. Hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể thấy, chỉ có Như Lai mới thấy.

Như vậy, này Ca Diếp! Bồ Tát nào trụ địa này thì mới có thể thấy được. Bồ Tát trụ địa hãy còn không thể thấy, chỉ nhờ vào lòng tin để tu hành huống chi là hàng Thanh Văn, Duyên Giác làm sao thấy được.

Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát tu hành thành tựu bao nhiêu pháp, có những thiện căn như thế nào, thành tựu các công đức gì có thể nhập tam muội ẩn tất cả thân của Bồ Tát?

Đức Phật dạy Ca Diếp: Chư Đại Bồ Tát thành tựu đầy đủ mười pháp nên có thể nhập vào tam muội ẩn tất cả thân của Bồ Tát.

Mười pháp đó là:

1. Tín hạnh kiên cố.

2. Tâm đại bi luôn viên mãn không hề lìa bỏ tất cả chúng sinh.

3. Dứt trừ hết thảy mọi ràng buộc.

4. Thọ trì pháp Phật nhưng không chấp trước.

5. Không thọ nhận trí tuệ của hàng Thanh Văn, Duyên Giác.

6. Tất cả những gì thuộc sở hữu đều xả bỏ kể cả thân mạng, huống chi là những vật khác.

7. Thực hành vô số việc làm hữu vi nhưng tâm không chấp vào các việc làm ấy.

8. Hành trì đầy đủ vô số hạnh Ba la mật về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, nhưng không phân biệt.

9. Khởi tâm không phân biệt đối với tất cả chúng sinh, đưa họ vào với Pháp Phật hướng đến bồ đề.

10. Không chấp nơi chúng sinh, không chấp vào Bồ Đề.

Ca Diếp nên biết! Chư Đại Bồ Tát thành tựu đầy đủ mười pháp như thế nên có thể nhập vào tam muội ẩn tất cả thân của Bồ Tát.

Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp thưa: Bạch Thế Tôn! Lời của Thế Tôn dạy thật là vi diệu, chính Như Lai mới có khả năng giảng nói như vậy.

Hàng Thanh Văn, Duyên Giác không từng chuyên tâm phát khởi ý nguyện như vậy: Ta khiến cho tất cả chúng sinh đều có thể chứng đắc A La Hán. Hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể khởi tâm để đưa họ vào trong pháp La Hán, huống nữa là pháp Phật.

Đức Phật bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Này Ca Diếp! Hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể nhập tam muội ẩn tất cả thân của Bồ Tát.

Tên Tam Muội ấy hãy còn không biết đến, huống nữa là có thể biết để chứng đắc, làm sao hội nhập được?

Nếu có thể hội nhập thì thật là phi lý.

Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Nay con muốn được diện kiến chư Bồ Tát kia?

Vì sao?

Vì Bồ Tát như pháp khó có thể diện kiến được.

Đức Phật dạy: Này Ca Diếp! Tôn Giả hãy tìm Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi thì sẽ được diện kiến. Chư Bồ Tát kia khi ra khỏi tam muội, ông sẽ được diện kiến ngay.

Lại nữa, này Ca Diếp! Ông đã đạt được tất cả tam muội, nên thâu giữ tam muội để tìm cầu xem chư Bồ tat kia chuyên tâm tu hành pháp gì.

Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp nghe Đức Thế Tôn nói xong như thế, nhờ thần lực của Chư Phật và thần lực của chính mình, nên liền nhập vào hai vạn các môn tam muội, nhập rồi lại xuất, hy vọng được thấy các vị Bồ Tát kia đang chuyên tâm tu hành pháp gì, nhưng không thể nhận biết được.

Chẳng phải vì các vị Bồ Tát kia hoặc đến, hoặc đi nên không thể biết, hoặc chẳng phải trụ một chỗ, hoặc nương vào nơi nào, hoặc làm việc gì, hoặc nói điều gì. Tất cả đều không thấy, tất cả đều không biết.

Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, thưa Thế Tôn! Lạ thay thưa Thiện Thệ! Con đã nhập vào hai vạn môn tam muội, muốn được thấy chư Bồ Tát kia đang chuyên tâm tu hành pháp gì nhưng không thể thấy.

Bồ Tát như vậy hãy còn không thấy được, huống nữa là Như Lai. Đây là Bồ Tát chưa chứng đắc Nhất thiết trí mà đã đạt được pháp môn tam muội như thế. Đại Bồ Tát chưa chứng đắc Nhất thiết trí hãy còn như vậy, huống nữa là đã chứng đắc.

Thưa Thế Tôn! Với trí tuệ như thế nào, những thiện nam, thiện nữ nào hoặc thấy, hoặc nghe sự việc này mà không thể phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác?

Người nào thấy, nghe mà không phát tâm?

Như vậy, thưa Thế Tôn! Diệu lực từ oai thần của tam muội ẩn vào tất cả thân Bồ Tát hãy còn không thể lường tính được, huống nữa lại có những pháp tam muội khác.

Đức Phật bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Này Tôn Giả Ca Diếp! Đó chẳng phải là cảnh giới của tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác, huống nữa là chúng sinh khác.

Lúc ấy, Trưởng Lão Xa lợi phất suy nghĩ: Đức Phật nói ta là người trí tuệ đệ nhất trong hàng đệ tử Thanh Văn. Nếu ta tìm các Đại Bồ Tát kia đang chuyên tâm tu tập pháp gì thì có thể biết được.

Trưởng Lão Xá Lợi Phất suy nghĩ rồi, nhờ thần lực của Phật và thần lực của chính mình liền nhập vào ba vạn môn tam muội. Nhập rồi lại xuất, hy vọng được thấy biết chư Bồ Tát kia đang chuyên tâm tu hành pháp gì, nhưng không thể thấy được các Bồ Tát kia, dù chỉ là một tướng nhỏ.

Bấy giờ, Trưởng Lão Tu Bồ Đề suy nghĩ: Ta phải biết Chư Bồ Tát kia đang chuyên tâm tu hành pháp gì?

Trưởng Lão Tu Bồ Đề suy nghĩ rồi, nhờ thần lực của Phật và thần lực của chính mình liền nhập vào bốn van môn tam muội. Nhập rồi lại xuất, hy vọng được thấy biết chư Bồ Tát kia đang chuyên tâm tu hành pháp gì, nhưng cũng không thể thấy. Chẳng phải chư Bồ Tát kia hoặc đến, hoặc đi, nên không thể biết, hoặc chẳng phải trụ một chỗ hay trụ một chỗ, hoặc ở nơi kinh hành, hoặc chẳng phải là nơi nằm, ngồi. Tất cả đều không thấy, tất cả đều không biết.

Trưởng Lão Tu Bồ Đề đảnh lễ Phật, rồi thưa: Bạch Thế Tôn! Như Lai nói con đạt hạnh A Lan Nhã bậc nhất. Pháp môn tam muội tịch tĩnh đó con đã chứng đắc.

Như vậy, thưa Thế Tôn! Khắp bốn châu thiên hạ nơi Thế Giới này con thấy rõ ràng như trên một mặt trống. Thế Giới thứ hai con cũng thấy rõ ràng như trên hai mặt trống.

Thưa Thế Tôn! Ví như khi con nhập tam muội, có người tìm cách cầm gậy lớn như núi Tu Di đến trước mặt con đánh trống không hề dừng nghỉ, suốt cả một kiếp, người ấy không làm việc gì khác, chỉ mỗi việc đánh trống. Trong hoàn cảnh như vậy, nhưng con vẫn chứng đắc vô số Tam Muội, lại đạt được hạnh A Lan Nhã rốt ráo.

Trải qua một kiếp, tiếng trống kia hãy còn không ảnh hưởng đến nhĩ thức của con huống nữa là làm cho con ra khỏi tam muội. Hoàn toàn không có việc tiếng trống kia có thể khiến con ra khỏi tam muội.

Thưa Thế Tôn! Như vậy pháp ấy đã gồm đủ tịch tĩnh. Pháp ấy cũng gồm đủ trí tuệ, con nên được nhập vào bốn vạn môn tam muội, nhập rồi lại xuất, hy vọng được diện kiến chư Bồ Tát kia, nhưng cho đến một vị cũng không thể thấy được, lại không thể biết được chỗ ở của những vị ấy.

Thưa Thế Tôn! Chư Đại Bồ Tát biết rõ pháp ấy đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên trải qua vô số kiếp dù sinh vào địa ngục lớn, dù ở trong chốn địa ngục, chư Bồ Tát kia cũng không xả bỏ pháp ấy. Thật là hàng trí tuệ sâu xa không thể nghĩ bàn.

Thưa Thế Tôn! Nếu phiền não nơi tâm con chưa được giải thoát, vào đời vị lai thường sinh trong sinh tử, thì con cũng không xa lìa pháp đại thừa ấy.

Đức Thế Tôn ngợi khen Tôn Giả Tu Bồ Đề: Hay thay! Hay thay! Tu Bồ Đề! Ông có lòng tin nên mới nêu bày như vậy. Hiện tai ông không chứng Niết Bàn thì quyết chắc cũng được thọ ký. Thiện căn của ông sẽ làm Chuyển Luân Vương trong vô số kiếp, sau đó tất chứng đắc đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Lại nữa Tu Bồ Đề! Chúng sinh trong tam thiên Đại Thiên Thế Giới có nhiều chăng?

Tu Bồ Đề thưa: Rất nhiều, thưa Thế Tôn! Rất nhiều, thưa Thiện Thệ!

Đức Phật bảo: Đúng vậy, Tu Bồ Đề! Giả như những chúng sinh ấy đều đạt được trí tuệ như Tu Bồ Đề, như Xá Lơi Phất, chỗ thấy biết của chư đại Thanh Văn đều cùng hòa hợp, cho đến trải qua một kiếp hoặc trăm ngàn kiếp, tìm cầu các vị Bồ Tát kia nhằm được diện kiến, nhưng không đủ năng lực để đạt đến.

Vì sao?

Vì đấy chẳng phải là cảnh giới thấy biết của Tu Bồ Đề, của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Việc làm của chư Đại Bồ Tát kia, tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác không thể làm được.

Khi Đức Phật thuyết giảng pháp này xong, trong chúng hội có tám vạn bốn ngàn Thiên Nhân đều phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

***