Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Thánh Thiện Trụ ý Thiên Tử Sở Vấn

PHẬT THUYẾT

KINH THÁNH THIỆN TRỤ

Ý THIÊN TỬ SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN MƯỜI
 

Lại nữa, này Thiên Tử! Người nào yêu mến Phật, yêu mến Pháp, yêu mến Tăng, thì người ấy nhiễm nơi Phật, nhiễm nơi Pháp, nhiễm nơi Tăng. Nếu không thấy Phật, không yêu mến Phật thì không nhiễm nơi Phật.

Nếu không nghe pháp, không yếu mến pháp thì không nhiễm nơi pháp. Nếu không biết Tăng, không yếu mến Tăng thì không nhiễm nơi Tăng. Người nào không nhiễm vướng đối với câu tham dục, câu không hòa hợp, câu nêu dẫn, câu suy xét không thật, câu không thật, câu quyết định không thật, câu không lìa dục, do đó gọi là lìa dục tịch tĩnh.

Thiên Tử! Vì nghĩa ấy nên tôi nói nếu Thiên Tử đối với Phật không nhiễm, Pháp, Tăng không nhiễm thì tôi với Thiên Tử đồng phạm hạnh.

Khi ấy, Thiên Tử Thiện Trụ Ý nói với Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Thật là hy hữu, Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả nói đến chỗ hết sức thâm diệu như vậy, tôi phải báo ân.

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Thiên Tử chớ báo ân.

Thiên Tử hỏi: Vì sao không báo ân?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Đúng vậy, Thiên Tử! Không báo ân tức là báo ân.

Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả không báo ân chăng?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Đúng như vậy! Tôi không báo ân, cũng chẳng phải là tôi báo ân.

Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả nói như vậy nghĩa là thế nào?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Người ngu si tạo nhiều pháp khác nhau, người ngu si tạo nhiều kiến chấp khác nhau, người ngu si hành nhiều hạnh khác nhau. Vì tạo tác nhiều pháp, nhiều hạnh, nhiều kiến chấp khác nhau nên nói là báo ân.

Thiên Tử nên biết, đây chẳng phải là thiện nam hành chân chánh. Người hành chân chánh cho đến một sự việc ít ỏi, hoặc làm, hoặc không làm. Đó gọi là không báo ân.

Như Phật, Thế Tôn thuyết pháp bình đẳng. Nghĩa là tất cả pháp đều không tạo tác, cũng không thể tạo tác, tâm bình đẳng không giữ lấy cái khác, không tạo tác cái khác. Đó gọi là không báo ân.

Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả trụ nơi pháp nào mà nói như vậy.

Trụ nơi nhẫn mà nói hay trụ nơi pháp mà nói?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Chẳng phải là nhẫn, chẳng phải là pháp.

Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả trụ nơi nào mà nói như vậy?

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Thân của người huyễn hóa trụ nơi nào?

Thiên Tử hỏi: Vậy nơi nào có thân của người huyễn hóa trụ?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Như chân như an trụ. Thân của người huyễn hóa kia cũng an trụ như vậy.

Thiên Tử nên biết, nếu vậy thì nói trụ nơi nào?

Hoặc như vậy thì tại sao còn hỏi trụ nơi nhẫn hay trụ nơi pháp?

Thiên Tử nên biết, nhẫn chỉ có danh, danh đó là không nơi trụ, pháp không dời đổi, cũng không phân biệt, lại không nơi chốn.

Thiên Tử! Tất cả chúng sinh trụ nơi chốn tức trụ nơi đã nói. Đức Phật thuyết giảng như vậy.

Vì sao?

Như Phật dạy, như chân như an trụ, tất cả chúng sinh cũng an trụ như vậy. Chân như bất động, như tất cả chúng sinh chân như, Như Lai chân như, không hai chân như, không khác chân như.

Thiên Tử Thiện Trụ Ý nói với Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Văn Thù Sư Lợi! Nói Sa Môn Na vậy Sa Môn Na ấy có nghĩa gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Tức chẳng phải là Sa Môn, chẳng phải là Bà La Môn.

Vì sao?

Thiên Tử! Nếu không đắm chấp nơi Dục Giới, không đắm chấp nơi Sắc Giới, không đắm chấp nơi Vô Sắc Giới, đó gọi là Sa Môn. Tôi nói như vậy, nếu mắt không vướng nơi lậu, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều không vướng nơi lậu, đó gọi là Sa Môn.

Thiên Tử! Nếu không nương dựa thì nói là không nương dựa. Nơi không nương dựa thì nói là nơi không nương dựa. Ta nói như vậy là Sa Môn. Nếu không một chút tâm tham, thích. Không có một nơi nào đến, không tổn, không hại. Thì ta gọi đó là Sa Môn. Những câu nói đó hoặc chẳng phải là Sa Môn, chẳng phải là Bà La Môn.

Bấy giờ, trong chúng hội có năm Bồ Tát đã đắc thiền thứ tư, chứng năm thần thông. Chư Bồ Tát ấy nhập tam muội, rồi từ tam muội xuất, nhưng chưa đắc pháp nhẫn.

Chư Bồ Tát ấy tự nhớ lại kiếp trước mình đã từng giết cha, từng giết mẹ, giết A La Hán, nhớ nghĩ về nghiệp còn sót lại ấy, tâm không an ổn, nên không chứng nhập pháp nhẫn sâu xa. Vì còn nương nơi ngã phân biệt, nên tâm nhớ lại tội ác kiếp trước, không thể lìa bỏ, vì thế không đắc pháp nhẫn sâu xa.

Khi ấy, Đức Thế Tôn biết rõ tâm niệm của chư Bồ Tát kia có thể mở bày, tỏ ngộ, nên dùng diệu lực từ oai thần gia bị cho Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi. Nương thần lực của Phật, Văn Thù Sư Lợi rời tòa ngồi đứng dậy, sửa y phục, bày vai phải, tay phải cầm gươm sắc bén, chạy nhanh đến chỗ Đức Phật.

Lúc đó, Đức Thế Tôn liền bảo Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Đứng lại! Đứng lại! Này Văn Thù Sư Lợi! Ta đã bị giết từ trước và bị giết nhiều rồi.

Vì sao?

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì từ xa xưa đến nay, lúc nào có người sinh tâm giết ta, nếu sinh tâm giết, thì ngay khi ấy đã giết rồi.

Lúc ấy, năm Bo tát kia suy nghĩ: Tất cả các pháp đều như huyễn, chẳng phải là ngã, chẳng phải là chúng sinh, chẳng phải là mạng, chẳng phải là nhân, chẳng phải là ma na bà, chẳng phải là cha, chẳng phải là mẹ, chẳng phải là A La Hán, chẳng phải là Phật, Pháp, Tăng, chẳng phải có nghịch, không người tạo nghịch.

Vì sao?

Vì hiện tại Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi là bậc trí tuệ, hiểu sâu, suy xét, tinh tế, thông tỏ biện tài sắc bén, được Chư Phật khen ngợi là đã đắc pháp nhẫn thâm diệu, đã từng cúng dường vô số Chư Phật quá khứ, trí tuệ tự tại, thông đạt tất cả các pháp, khéo thuyết giảng pháp chân thật, cung kính Như Lai, nhưng nay lại cầm dao bén chạy nhanh đến chỗ Đức Phật.

Đức Phật nói: Đứng lại! Đứng lại! Văn Thù Sư Lợi! Ta đã bị giết từ trước, và bị giết nhiều lần rồi. Nếu có một chút pháp hòa hợp, tụ tập, thì quyết định gọi là Phật, là Pháp, là Tăng, là Mẹ, là Cha, là A La Hán, có nghịch, có thể nắm lấy, thì không thể xa lìa.

Nên biết pháp ấy là vô thể, chẳng có, chẳng phải là như, chẳng phải là thật, không sinh, không khởi, là không, như huyễn hóa. Vì thế pháp này không có người mắc tội, không có tội bị mắc.

Suy nghĩ biết rõ như vậy rồi, năm Bồ Tát ấy liền chứng đắc pháp nhẫn vô sinh.

***