Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Thánh Thiện Trụ ý Thiên Tử Sở Vấn

PHẬT THUYẾT

KINH THÁNH THIỆN TRỤ

Ý THIÊN TỬ SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN MƯỜI MỘT
 

Đắc pháp nhẫn rồi, liền hết sức vui mừng bèn bay vụt lên không trung, cách đất không quá bảy cây Đa La, nói kệ:

Tất cả pháp như huyễn

Đều từ phân biệt sinh

Trong đó quyết không có

Tất cả pháp đều không.

Tâm phân biệt không thật

Ngu si chấp ngã tưởng

Nhớ lại kiếp đã qua

Tạo những nghiệp ác gì.

Quá khứ từng giết hại

Cha mẹ, ruộng phước tốt

Giết La Hán, Tỳ Kheo

Tạo nghiệp ác cực trọng.

Do quả báo nghiệp ác

Chúng tôi thọ khổ não

Nay ở chỗ Thế Tôn

Nghe pháp trừ nghi, hối.

Tâm không xả hối hận

Vâng giữ lời Thế Tôn

Giác ngộ được pháp giới

Nơi nào không phiền não.

Phật dùng phương tiện khéo

Phương tiện biết Mâu Ni

Dùng lực phương tiện nào

Trừ nghi hối chúng sinh.

Các pháp không, vô thể

Chẳng Phật, chẳng Pháp, Tăng

Cha mẹ không thể có

Chẳng có A La Hán.

Không thể có pháp giết

Cũng không có pháp đọa

Các pháp tướng bình đẳng

Như kia bình đẳng trụ.

Văn Thù đại trí tuệ

Đã chứng pháp như vậy

Tay cầm dao sắc bén

Chạy nhanh hướng đến Phật.

Như dao bén, như Phật

Hai tướng ấy không khác

Chẳng sinh, cũng chẳng thật

Trong ấy không giết người.

Lúc thuyết giảng pháp môn cầm dao ấy, khắp hằng sa Thế Giới của Chư Phật trong mười phương đều chấn động đủ sáu cách, đại địa trong các Thế Giới rung chuyển mạnh. Chư Phật trong mười phương Thế Giới lúc ấy đang thuyết pháp, thị giả của mỗi Đức Phật đều thưa với Phật của mình.

Bạch Thế Tôn! Do oai lực của bậc nào mà đại địa chấn động như vậy, Thế Giới đều rung chuyển?

Mỗi Đức Phật đều đáp: Này thiện nam! Có Thế Giới tên là Ta Bà, trong ấy có Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri đang thuyết pháp. Cõi Ta Bà ấy có Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi, nơi đạo bồ đề đắc pháp bất thoái chuyển, có diệu lực tự tại, tự biết có khả năng hành hóa, vì muốn mở bày dẫn dắt hàng Bồ Tát nên cầm gươm bén trí tuệ, chạy nhanh đến chỗ Phật, do đó mà đại địa chấn động.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhân nơi gươm trí tuệ ấy thuyết giảng đúng như pháp, làm cho vô số chúng sinh đạt được nhãn tịnh, tâm giải thoát, nhẫn sinh, muốn hành trì đạo bồ đề.

Lúc này, Đức Thế Tôn dùng năng lực hộ trì những người mới phát tâm trong pháp hội được khởi chút thiện căn. Đối với các chúng sinh, họ còn phân biệt hư vọng với các loại phân biệt nên khiến họ không thấy gươm báu, cũng không nghe, không biết về pháp môn cầm gươm này.

Khi ấy, Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói với Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả tạo nghiệp sinh tử cực ác, muốn giết bậc y vương, nghiệp này đến lúc chín muồi, không biết nhân giả thọ tội nơi nào?

Văn Thù Sư Lợi nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Từ trước đến nay tôi đều tạo nghiệp ác, chẳng từng như vậy, chẳng rõ về hành ấy.

Nhưng này Đại Đức Xá Lợi Phất! Nơi nào có huyễn nhân thì nghiệp chín muồi cũng huyễn hóa. Tôi thọ tội cũng như vậy.

Vì sao?

Vì người huyễn hóa không sinh phân biệt, không hư vọng.

Đại Đức Xá Lợi Phất! Tất cả các pháp đều như huyễn hóa.

Lại nữa, này Đại Đức Xá Lợi Phất! Nay tôi xin hỏi Tôn Giả, tùy ý Tôn Giả đáp.

Ý Tôn Giả thế nào, Tôn Giả thấy gươm bén không?

Đáp: Không thấy.

Tôn Giả tạo nghiệp ác có thể được chăng?

Đáp: Không được.

Có quả báo chăng?

Đáp: Không có.

Đại Đức Xá Lợi Phất! Nếu không gươm, không nghiệp, không quả báo thì nơi nào có nghiệp được chín muồi?

Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả nói vậy có nghĩa gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Cho đến không có một pháp dù là ít ỏi nào là nghiệp báo dị thục.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp là không nghiệp, không báo, không nghiệp báo dị thục.

Khi ấy, chư Đại Bồ Tát đến từ mười phương Thế Giới đều thưa với Phật: Bạch Thế Tôn! Ngưỡng mong Thế Tôn dùng thần lực gia bị, khiến Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi đến Thế Giới của Chư Phật trong mười phương thuyết giảng pháp này như chúng con đến Thế Giới của Đức Phật ở đây.

Bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi nói với chư Đại Bồ Tát kia: Này các thiện nam! Các ông hãy quan sát Thế Giới của Phật mình.

Lúc này chư Đại Bồ Tát kia, đều trở lại mười phương, quan sát Thế Giới của Phật mình, đều nghe âm thanh của Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi ngay tại mỗi mỗi Thế Giới kia, đều thấy Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi đến trước Phật của mình, vì đại chúng diễn nói pháp môn này, thấy có Thiên Tử Thiện Trụ Ý tham vấn pháp môn ấy, cũng thấy có chư Bồ Tát vân tập, cũng có Thiên Tử. Sự việc nghe thấy như vậy thật là hy hữu.

Chư Bồ Tát chưa từng thấy những việc như vậy nên đồng ca ngợi: Hy hữu thay! Hy hữu thay! Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi an trụ bất động ngay nơi Thế Giới của Đức Phật ở đây, nhưng có thể hiện thân khắp nơi chốn, khiến cho tất cả đều thấy.

Đồng tử Văn Thù Sư Lợi vì chư Bồ Tát kia nói: Này các thiện nam! Ví như nhà ảo thuật học giỏi về pháp ảo thuật, ngồi yên bất động, nhưng có thể hiện ra nhiều hình sắc. Cũng vậy, Bồ Tát học giỏi pháp huyễn bát nhã Ba la mật, ở trong pháp huyễn, nơi tất cả Thế Giới của Chư Phật đều có thể tùy tâm nhớ nghĩ, hiện thân khắp chốn.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều như huyễn. Nên biết như vậy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Này Văn Thù Sư Lợi! Như chư Như Lai xuất hiện ở đời nghe pháp môn này cũng như vậy. Như người chứng quả Tu Đà Hoàn nghe pháp môn này cũng như vậy.

Như người chứng quả Tư Đà Hàm nghe pháp môn này cũng như vậy. Như người chứng quả A Na Hàm nghe pháp môn này cũng như vậy. Như người chứng quả A La Hán nghe pháp môn này cũng như vậy. Người nghe pháp môn này sinh tâm tin hiểu, như người tu hành ngồi nơi cội bồ đề nghe pháp môn này cũng như vậy.

Đồng tử Văn Thù Sư Lợi thưa: Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Như không không khác, như vô tướng không khác, như vô nguyện không khác, như chân như không khác, như pháp giới không khác, như thật tế không khác, như bình đẳng không khác, như giải thoát không khác, như xa lìa không khác.

Đồng tử Văn Thù Sư Lợi lại thưa: Bạch Thế Tôn! Vào thời kỳ mạt pháp sau năm mươi năm, ngưỡng mong Thế Tôn hộ trì pháp môn này được lưu hành khắp cõi Diêm Phù Đề, khiến cho các thiện nam, thiện nữ đều được nghe biết.

Khi ấy, trong tam thiên đại thiên Thế Giới, tất cả các thứ âm nhạc ở Cõi Trời, cõi người đều vang lên, hết thảy cây cỏ đều sum suê tươi tốt, trăm hoa đua nhau nở, cả tam thiên đại thiên Thế Giới đều chấn động, phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp mọi nơi chốn, khiến ánh sáng mặt trời, mặt trăng đều bị che lấp, không thể thấy được.

Sáu mươi bốn ức trăm ngàn Chư Thiên đều vô cùng vui mừng, sinh tâm cho là ít có, trụ nơi không trung, tuôn vô số hoa thơm cùng hương bột, hương xoa rơi xuống như mưa, trống trời cùng âm nhạc trỗi lên.

Tất cả Chư Thiên đều chắp tay đồng thanh xướng: Hay thay! Đã diễn nói pháp tối thắng vi diệu đặc biệt. Nay Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi thuyết giảng pháp môn ấy, chúng tôi được lãnh hội, sau được sinh vào loài người ở Thế Giới này, lại được thấy chuyển pháp luân.

Hoặc có chúng sinh nào nghe pháp môn này, sinh tâm tin hiểu, không kinh hoàng sợ hãi, nên biết người đó đã có công đức không phải là nhỏ. Hoặc có chúng sinh nào đã từng cúng dường Chư Phật quá khứ, vừa được nghe pháp môn thâm diệu này liền không kinh hoàng, sợ hãi.

Đồng tử Văn Thù Sư Lợi thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Nay có những hiện tướng này, tức biết vào thời hậu thế sau năm mươi năm, pháp môn này được lưu hành khắp cõi Diêm Phù Đề sẽ còn mãi không diệt.

Đức Phật nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Văn Thù Sư Lợi! Nay có các hiện tướng ấy thì biết được pháp môn này sẽ còn mãi không diệt.

Văn Thù Sư Lợi thưa: Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Phải nên hộ trì để pháp môn này trụ lâu ở thế gian.

Đức Phật dạy: Văn Thù Sư Lợi! Nếu ba môn giải thoát, chứng đắc Niết Bàn là lời chân thật thì vào đời mạt pháp sau năm mươi năm, pháp môn này được lưu hành khắp cõi Diêm Phù Đề, cũng là lời chân thật.

Văn Thù Sư Lợi thưa: Thế Tôn Giảng nói chẳng ngã, chẳng chúng sinh, chẳng mạng, chẳng nhân, chẳng ma na bà, chẳng nhiễm, chẳng tịnh là lời chân thật, thì vào đời mạt pháp sau năm mươi năm, pháp môn này được lưu hành khắp cõi Diêm Phù Đề, cũng là lời chân thật.

Thế Tôn thuyết giảng chẳng tham, sân, si, chẳng danh, chẳng sắc, chẳng nhân, chẳng kiến, chẳng hữu, chẳng hữu thức, chẳng thân, chẳng thân ký, chẳng tâm, chẳng tâm ký, chẳng ức, chẳng ức niệm, chẳng xứ, chẳng xứ hành, chẳng sắc, chẳng thọ, chẳng tưởng, chẳng hành, chẳng thức, chẳng nhãn, chẳng sắc, chẳng nhĩ.

Chẳng thanh, chẳng tỷ, chẳng hương, chẳng thiệt, chẳng vị, chẳng thân, chẳng xúc, chẳng ý, chẳng pháp, chẳng Dục Giới, chẳng Sắc Giới, chẳng Vô Sắc Giới, chẳng đoạn, chẳng thường là lời chân thật thì vào đời mạt pháp sau năm mươi năm, pháp môn này được lưu hành khắp cõi Diêm Phù Đề, cũng là lời chân thật.

Thế Tôn Giảng nói chẳng Tu Đà Hoàn, chẳng quả Tu Đà Hoàn, chẳng Tư Đà Hàm, chẳng quả Tư Đà Hàm, chẳng A Na Hàm, chẳng quả A Na Hàm, chẳng A La Hán, chẳng quả A La Hán, chẳng Phật Bích Chi, chẳng pháp Phật Bích Chi, chẳng Như Lai, chẳng pháp Như Lai.

Chẳng lực, chẳng vô úy, chẳng tưởng, chẳng thức, chẳng không, chẳng vô tướng, chẳng vô nguyện, chẳng vô dục, chẳng bản tánh, chẳng đắc, chẳng chứng, chẳng tập, chẳng minh, chẳng giải thoát, chẳng bỉ ngạn, chẳng trung gian, chẳng thử ngạn, chẳng Niết Bàn, chẳng danh, chẳng vô ký là lời chân thật, thì vào đời mạt pháp sau năm mươi năm, pháp môn này được lưu hành khắp cõi Diêm Phù Đề, cũng là lời chân thật.

Thế Tôn thuyết giảng thật không có người tương ưng, chẳng tương ưng, không hợp, không tan, là lời chân thật, thì vào đời mạt pháp sau năm mươi năm, pháp môn này được lưu hành khắp cõi Diêm Phù Đề, cũng là lời chân thật.

Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri thời quá khứ đã nói không có một pháp nào làm cho chúng sinh được giải thoát, không chứng đắc Niết Bàn, chẳng có chúng sinh, chẳng có pháp sinh, chẳng có pháp diệt, chẳng mất, chẳng động. Như quá khứ đã nói, vị lai, hiện tại cũng đều nói như vậy, là lời chân thật, thì vào đời mạt pháp sau năm mươi năm, pháp môn này được lưu hành khắp cõi.

Diêm Phù Đề, cũng là lời chân thật.

Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai giảng nói trong pháp này không có một pháp nào để nói, chẳng lời, chẳng nói, chẳng nói bằng lời, chẳng nói rốt ráo, chẳng nói vào thời gian sau.

Chẳng nói vào lúc hiện tại, chẳng nghe nói bằng tiếng vang, chẳng luôn luôn nói, chẳng nói pháp ấy, cho đến không nói tới một chữ, không nói pháp ấy, hiện tại không có người nghe, vị lai không có người nghe, không có người được giải thoát, là lời chân thật, thì vào đời mạt pháp sau năm mươi năm, pháp môn này được lưu hành khắp cõi Diêm Phù Đề, cũng là lời chân thật.

Đức Thế Tôn Giảng nói giới này chẳng phải là giới, chẳng quả phải là của giới, chẳng tam muội, chẳng tam muội xứ, chẳng bát nhã, chẳng căn trí bát nhã, chẳng giải thoát, chẳng trí giải thoát, là lời chân thật, thì vào đời mạt pháp sau năm mươi năm, pháp môn này được lưu hành khắp cõi Diêm Phù Đề, cũng là lời chân thật.

Đức Thế Tôn giảng nói trong pháp Bồ Tát, chẳng xả bỏ bố thí, chẳng giữ gìn giới, chẳng tu tập nhẫn, chẳng phát tinh tấn, chẳng thiền định, chẳng hành bát nhã, chẳng cầu bồ đề, chẳng thật hành chuyển, chẳng đắc bồ đề, chẳng đắc lực, chẳng đắc vô úy, chẳng căn, chẳng chánh, chẳng chuyển pháp luân, chẳng giải thoát chúng sinh, chẳng nói bằng lời nói, là lời chân thật, thì vào đời mạt pháp sau năm mươi năm, pháp môn này được lưu hành khắp cõi Diêm Phù Đề, cũng là lời chân thật.

Khi thuyết giảng pháp này, tam thiên đại thiên Thế Giới chấn động đủ sáu cách.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Thế Giới này chấn động mạnh như vậy?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Di Lặc: Này Di Lặc! Ông nay chớ hỏi như vậy, vì chúng sinh ít lòng tin nghe được thì không tin hiểu, lại sinh tâm sợ hãi.

Đại Bồ Tát Di Lặc thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Thế Tôn nói rõ thì sẽ khiến cho nhiều người có được năng lực, tạo nhiều lợi ích an ổn cho hàng trời và người.

Đức Phật nói: Này Di Lặc! Quá khứ có bảy mươi bốn ức na do tha trăm ngàn Chư Phật thuyết giảng pháp môn này, ngay nơi đây lại có Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi và Thiên Tử Thiện Trụ Ý cùng nhau vấn đáp, luận nghị.

Đại Bồ Tát Di Lặc thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Thiên Tử Thiện Trụ Ý cùng lãnh hội pháp môn này đã lâu như thế, vậy nghe pháp môn ấy ở nơi Đức Phật nào?

Đức Phật bảo: Này Di Lặc! Về thời quá khứ cách đây bảy A tăng kỳ trăm ngàn kiếp, có Đức Phật xuất thế, hiệu là Phổ Hoa Sư Tử Du Bộ Thắng Công Đức Tập Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Thiên Tử Thiện Trụ Ý nghe pháp môn này từ nơi Đức Phật ấy.

Lúc thuyết giảng pháp này, có hằng hà sa số chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, lại có vô số người nhiều gấp bội, chứng đắc nhẫn không thoái chuyển, lại có vô số người nhiều gấp bội nữa, đạt được pháp nhẫn lìa mọi cấu uế.

Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp môn này rồi, chư Tỳ Kheo, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi và Thiên Tử Thiện Trụ Ý cùng Chư Thiên, Nhân, A Tu La, Càn Thát Bà v.v… nghe Phật thuyết giảng đều rất hoan hỷ.

Kinh Thánh Thiện Trụ Ý Thiên Tử Sở Vấn.

***