Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Thánh Thiện Trụ ý Thiên Tử Sở Vấn
PHẬT THUYẾT
KINH THÁNH THIỆN TRỤ
Ý THIÊN TỬ SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN NĂM
Đức Thế Tôn hỏi: Này Văn Thù Sư Lợi! Ông theo Đức Phật thuở ấy, lãnh hội được pháp môn tam muội này.
Vậy Đức Phật, Như Lai thuyết giảng pháp môn tam muội thuở ấy danh hiệu là gì?
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Về thời quá khứ, trải qua vô lượng, vô số Hằng hà sa kiếp không thể tính kể có Đức Phật xuất thế tên là Mạn Đà La Bà Hoa Hương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật ấy đã thuyết giảng pháp môn tam muội này, con đã lãnh hội pháp môn tam muội phá trừ ma quân từ Đức Phật ấy.
Đức Thế Tôn hỏi: Này Văn Thù Sư Lợi! pháp môn tam muội này làm thế nào mà đạt được?
Bạch Thế Tôn! Có hai mươi pháp, Đại Bồ Tát nào thành tựu đầy đủ hai mươi pháp ấy thì đạt được tam muội có thể phá trừ ma quân này.
Bạch Thế Tôn! Hai mươi pháp ấy là:
1. Bồ Tát phá trừ tham dục, phá trừ tâm tham.
2. Phá trừ sân hận, phá trừ tâm sân hận.
3. Phá trừ ngu si, phá trừ tâm si.
4. Phá trừ ganh ghét, phá trừ tâm ganh ghét.
5. Phá trừ kiêu mạn, phá trừ tâm kiêu mạn.
6. Phá trừ cấu uế, phá trừ tâm cấu uế.
7. Phá trừ nhiệt não, phá trừ tâm nhiệt não.
8. Phá trừ tưởng niệm, phá trừ tâm tưởng niệm.
9. Phá trừ kiến chấp, phá trừ tâm kiến chấp.
10. Phá trừ phân biệt, phá trừ tâm phân biệt.
11. Phá trừ chấp giữ, phá trừ tâm chấp giữ.
12. Phá trừ chấp trước, phá trừ tâm chấp trước.
13. Phá trừ chấp tướng, phá trừ tâm chấp tướng.
14. Phá trừ pháp hữu, phá trừ tâm hữu.
15. Phá trừ pháp thường, phá trừ tâm chấp thường.
16. Phá trừ pháp đoạn, phá trừ tâm chấp đoạn.
17. Phá trừ pháp ấm, phá trừ tâm chấp ấm.
18. Phá trừ pháp giới, phá trừ tâm chấp giới.
19. Phá trừ nhập, phá trừ tâm chấp nhập.
20. Phá trừ ba giới, phá trừ tâm tham đắm nơi ba giới.
Như vậy là hai mươi pháp. Bồ Tát nào thành tựu đầy đủ hai mươi pháp ấy thì đạt được tam muội kia.
Lại nữa, thưa Thế Tôn! Có bốn pháp, Bồ Tát nào thành tựu hoàn toàn bốn pháp ấy thì chứng đắc tam muội này.
Bốn pháp ấy là:
1. Tâm thanh tịnh.
2. Tâm không dua nịnh.
3. Tâm sâu xa.
4. Bố thí tất cả.
Như vậy là bốn pháp. Bồ Tát nào thành tựu đầy đủ bốn pháp ấy thì chứng đắc tam muội này.
Lại có bốn pháp, Đại Bồ Tát nào thành tựu trọn vẹn bốn pháp ấy thì chứng đắc tam muội này.
Bốn pháp ấy là:
1. Không trái với lòng tin.
2. Hoàn toàn nói lời chân thật.
3. Tùy thuận theo tư duy để hành hóa.
4. Không chấp giữ tất cả các pháp.
Lại có bốn pháp, Đại Bồ Tát nào thành tựu trọn vẹn bốn pháp ấy thì chứng đắc tam muội này.
Bốn pháp ấy là:
1. Thân cận tri thức thiện.
2. Chánh niệm tư duy.
3. Như pháp tu hành.
4. Không dua theo người ác.
Đó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp, Đại Bồ Tát nào thành tựu đầy đủ bốn pháp ấy thì chứng đắc tam muội này.
Bốn pháp ấy là:
1. Giới không bị thiếu sót.
2. Giới không bị xâm phạm, thất thoát.
3. Giới không hề có chỗ nghỉ.
4. Giới không bị ô uế.
Đó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp, Đại Bồ Tát nào thành tựu hoàn toàn bốn pháp ấy thì chứng đắc tam muội này.
Bốn pháp ấy là:
1. Xả bỏ tâm Thanh Văn.
2. Không thọ tâm Phật Bích Chi.
3. An trụ nơi pháp nhẫn.
4. Không lìa bỏ chúng sinh.
Đó là bốn pháp.
Lại có bốn pháp, Đại Bồ Tát nào thành tựu đầy đủ bốn pháp ấy thì chứng đắc tam muội này.
Bốn pháp ấy là:
1. Tu tập pháp không, không chấp nơi chúng sinh.
2. Tu tập pháp vô tướng, không chấp nơi tướng.
3. Tụ tập pháp vô nguyện, không chấp nơi nguyện.
4. Tâm không tham vướng, xả bỏ tất cả.
Đó là bốn pháp.
Thưa Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào thành tựu trọn vẹn những pháp như vậy thì chứng đắc tam muội phá trừ ma quân.
Như vậy, thưa Thế Tôn! Đức Như Lai Mạn Đà La Bà Hoa Hương kia đã thuyết giảng pháp môn tam muội này, con đã lãnh hội và chứng đắc từ Đức Phật ấy.
Lại có Đức Như Lai hiệu Nhất Thiết Châu Bảo Điện Tế Nhật Nguyệt Quang Như Lai, Ứng Chánh Biến Tri, con ở nơi Đức Phật ấy nghe và thành tựu đầy đủ pháp môn tam muội này. Khi Đức Phật ấy thuyết giảng pháp môn tam muội này, trong chúng hội thời bấy giờ có mười ngàn Bồ Tát đều thành tựu pháp môn tam muội đó.
Bấy giờ, Trưởng Lão Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hy hữu thay Thế Tôn, nay Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi đã chứng đắc pháp môn này, nên khiến cho Ma Ba Tuần phải suy biến.
Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ý ông thế nào, Xá Lợi Phất?
Sự việc các Ma Ba Tuần trong tam thiên đại thiên Thế Giới này bị suy biến, ông chớ nghĩ như vậy.
Vì sao?
Này Xá Lợi Phất! Tất cả Ma Ba Tuần nơi vô số Thế Giới của Chư Phật trong mười phương thảy đều bị suy biến như vậy đều do oai lực của Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi tạo ra.
Đức Thế Tôn nói như vậy xong, lại bảo Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Văn Thù Sư Lợi! Ông hãy thu hồi thần lưc nơi pháp tam muội đã nhập để Ma Ba Tuần được hoàn toàn đầy đủ sắc diện như trước.
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi liền thu hồi thần lực, ngay khi ấy sắc tướng, diện mạo của Ma Ba Tuần đều trở lại như cũ.
Bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi hỏi Ma Ba Tuần:
Ma Ba Tuần! Nhãn của Ba Tuần ở đâu?
Nhãn tưởng ở đâu?
Nhãn chấp trước ở đâu?
Nhãn tướng ở đâu?
Nhãn duyên dựa ở đâu?
Nhãn chướng ngại ở đâu?
Nhãn ức niệm ở đâu?
Nhãn ngã ở đâu?
Nhãn nương cậy ở đâu?
Nhãn hỷ lạc ở đâu?
Nhãn hý luận ở đâu?
Nhãn ngã sở ở đâu?
Nhãn cứu hộ ở đâu?
Nhãn tu tập ở đâu?
Nhãn chọn lấy ở đâu?
Nhãn xả bỏ ở đâu?
Nhãn phân biệt ở đâu?
Nhãn lượng xét ở đâu?
Nhãn quyết định ở đâu?
Nhãn diệt ở đâu?
Nhãn sinh ở đâu?
Nhãn nắm giữ ở đâu?
Nhãn đi đến ở đâu?
Những pháp như thế là cảnh giới của ngươi, là ma nghiệp tạo chướng ngại. Như thế mắt cho đến ý nên biết như vậy, sắc cho đến pháp nên biết như vậy.
Chẳng phải là nhãn của Ba Tuần ở đâu?
Chẳng phải là nhãn tưởng, chẳng phải là nhãn chấp trước, chẳng phải là nhãn tướng, chẳng phải là nhãn duyên dựa, chẳng phải là nhãn chướng ngại, chẳng phải là nhãn ức niệm, chẳng phải là nhãn ngã, chẳng phải là nhãn nương cậy, chẳng phải là nhãn hỷ lạc.
Chẳng phải là nhãn hý luận, chẳng phải là nhãn ngã sở, chẳng phải là nhãn cứu hộ, chẳng phải là nhãn tu tập, chẳng phải là nhãn chọn lấy, chẳng phải là nhãn xả bỏ, chẳng phải là nhãn phân biệt, chẳng phải là nhãn lượng xét, chẳng phải là nhãn quyết định, chẳng phải là nhãn diệt, chẳng phải là nhãn sinh, chẳng phải là nhãn nắm giữ, chẳng phải là nhãn đi đến.
Những pháp như thế không phải là cảnh giới của ngươi. Ngươi ở trong đó không chủ, không lực, không tự tại, không tự tại chọn lấy. Như thế, mắt cho đến ý nên biết như vậy, sắc cho đến phap nên biết như vậy.
Khi Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi như pháp thuyết giảng xong, có mười ngàn chúng ma trong vô số chúng sinh kia phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Tám vạn bốn ngàn quyến thuộc của ma xa lìa trần cấu, đạt được pháp nhãn thanh tịnh.
Lúc ấy, Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Con muốn được diện kiến Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi cùng chư vị Đại Bồ Tát kia.
Vì sao?
Thưa Thế Tôn! Vì thiện nhân khó có thể được gặp.
Đức Thế Tôn bảo Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Này Văn Thù Sư Lợi! Ông hãy hiện bày thân tướng của chư Đại Bồ Tát trong mười phương đã được chiêu tập về đây, đại chúng trong pháp hội này rất muốn được diện kiến.
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi nói với chư vị Bồ Tát: Bồ Tát Danh Pháp, Bồ Tát Hy Hữu Nhật Quang, Bồ Tát Ma Phục, Bồ Tát Diệu Âm, Bồ Tát Định Ác, Bồ Tát Tịch Trị, Bồ Tát Thắng Trị, Bồ Tát Pháp Vương Hống v.v…
Chư vị hãy hiện bày bản than đúng như thân tướng Bồ Tát của chư vị ở Thế Giới Phật của mình.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói như vậy xong, chư Bồ Tát kia liền ra khỏi pháp tam muội, ra khỏi tam muội rồi, mỗi vị đều hiện bày bản thân, tất cả chư vị trong chúng hội đều thấy. Có Bồ Tát thân lớn như núi Tu Di, có Bồ Tát thân tám vạn do tuần, có Bồ Tát thân trăm ngàn do tuần.
Có Bồ Tát thân chín mươi, tám mươi, bảy mươi, sáu mươi, năm mươi, bốn mươi, ba mươi, hai mươi, mười ngàn do tuần. Lại có Đại Bồ Tát thân một ngàn do tuần, có Bồ Tát thân năm trăm do tuần, có Bồ Tát thân một trăm do tuần.
Có Bồ Tát thân năm mươi do tuần, bốn mươi do tuần, ba mươi do tuần, hai mươi do tuần, mười do tuần, năm do tuần đến một do tuần. Lại có Đại Bồ Tát bằng ba khuỷu tay rưỡi, tức bằng thân của chúng sinh ở cõi Ta Bà này. Mỗi vị Bồ Tát đều hiện bày thân tướng của mình như vậy.
Khi ấy, tam thiên Đại Thiên Thế Giới không còn chỗ nào trống, tất cả các Đại Bồ Tát đều vân tập đông đủ. Các Đại Bồ Tát ấy phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp ngàn ức cõi Chư Phật, Như Lai trong mười phương.
Bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi rời khỏi tòa ngồi, sửa lại y, bày vai phải, gối bên phải chấm đất, thân giữ thân, chắp tay hướng đến Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Con biết rõ Như Lai là bậc Ứng Chánh Biến Tri.
Vì thế, thưa Thế Tôn! Nay con muốn thưa hỏi vài điều, xin Thế Tôn giải rõ.
Đức Phật dạy: Văn Thù Sư Lợi! Như Lai Ứng Chánh Biến Tri cho phép ông hỏi, ông tùy ý hỏi, Như Lai sẽ giải thích rõ khiến ông được vui.
Tất cả chúng hội nhất tâm lắng nghe Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hỏi: Đức Thế Tôn nói Đại Bồ Tát, nghĩa đó là thế nào?
Do nghĩa gì mà được gọi là Đại Bồ Tát?
Đức Phật dạy Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Này Văn Thù Sư Lợi! Được gọi là Đại Bồ Tát, là người giác ngộ về tất cả các pháp, vì thế nên gọi là Đại Bồ Tát.
Này Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Đối với tất cả pháp, Bồ Tát đều nhận biết rõ ràng.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát như thế biết rõ nhãn, biết rõ nhĩ, biết rõ tỷ, biết rõ thiệt, biết rõ thân, biết rõ ý.
Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát như thế biết rõ nhãn như thế nào?
Biết rõ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý như thế nào?
Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát như thế biết rõ bản tánh của nhãn là không, biết rõ chẳng phải là hữu ngã, phân biệt. Biết rõ bản tánh của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là không, biết rõ chẳng phải là hữu ngã, phân biệt. Biết rõ bản tánh của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là không, biết rõ chẳng phải là hữu ngã.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Gọi là Đại Bồ Tát tức nhận biết rõ năm thủ uẩn.
Biết rõ những pháp ấy như thế nào?
Biết rõ là không, biết rõ là vô tướng, biết rõ là vô nguyện, biết rõ là không nhiễm, biết rõ là tịch tĩnh, biết rõ là xa lìa, biết rõ là không vật, biết rõ là không bản thể, biết rõ là chẳng động, biết rõ là chẳng sinh, biết rõ là bất lai, biết rõ là bất khứ, biết rõ là vô hữu, biết rõ là không chủ, biết rõ là vô ký, biết rõ là vô tri, biết rõ là vô kiến.
Biết rõ là không người biết, biết rõ là không hý luận, biết rõ là vô ngã, biết rõ là khởi phân biệt, biết rõ là không khởi phân biệt, biết rõ là nhân duyên sinh, biết rõ là như huyễn, biết rõ là như mộng, biết rõ là như dợn nắng, biết rõ là như tiếng vang, biết rõ là như cây chuối, biết rõ là không kiên cố, biết rõ là không vật.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Gọi là Đại Bồ Tát tức biết rõ tham, sân, si.
Biết rõ như thế nào?
Biết rõ tham, sân, si từ phân biệt khởi, biết rõ sự phân biệt kia, thể tánh chẳng phải là có, không chẳng phải là hý luận, chẳng phải là ghi nhớ.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Gọi là Đại Bồ Tát tức nhận biết rõ Dục Giới, biết rõ Sắc Giới, biết rõ Vô Sắc Giới.
Biết rõ như thế nào?
Biết rõ hành vô ngã gọi là không, là xa lìa.
***