Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Thánh Thiện Trụ ý Thiên Tử Sở Vấn
PHẬT THUYẾT
KINH THÁNH THIỆN TRỤ
Ý THIÊN TỬ SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN SÁU
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Gọi là Đại Bồ Tát tức biết rõ hành của chúng sinh.
Biết rõ như thế nào?
Nghĩa là chúng sinh này hành theo dục, hành theo sân, hành theo si hay hành theo bình đẳng, tất cả mọi hành đều khéo nhận biết rõ. Biết rõ căn cơ của mỗi chúng sinh rồi thuyết giảng đúng pháp khiến cho họ đạt được giải thoát.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Gọi là Đại Bồ Tát tức biết rõ tất cả chúng sinh.
Biết rõ như thế nào?
Tất cả chúng sinh là không chỉ có tên gọi, nhưng không thể xa lìa tên gọi ấy mà có chúng sinh. Tất cả chúng sinh là một chúng sinh. Chúng sinh ấy chẳng phải là chúng sinh. Nếu biết như thế mà không phân biệt, nên gọi là Đại Bồ Tát.
Biết rõ tất cả các pháp như thế nào?
Biết rõ tất cả các pháp là Bồ Đề nên gọi là Bồ Tát. Biết rõ nhãn, nhĩ là không, tâm không phân biệt ngã. Biết rõ như vậy nên gọi là Bồ Tát. Biết rõ tỷ, thiệt là không, tâm không phân biệt ngã. Biết rõ như vậy nên gọi là Bồ Tát.
Dùng trí tuệ biết rõ thân, biết rõ ý vốn là không. Biết rõ như vậy nên gọi là Bồ Tát. Biết rõ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ý, lạc, tất cả đều là không, nên gọi là Bồ Tát. Biết rõ bản tánh của sắc, thọ, tưởng, hành là không, biết rõ thức như huyễn, nên gọi là Bồ Tát.
Biết rõ năm ấm như mộng, tất cả tướng là vô tướng, không chấp ngã nên gọi là Bồ Tát. Biết rõ nội pháp không sinh, không hý luận, các pháp hữu vi đều gọi nhưng tên gọi ấy là không vật. Biết rõ tham dục, sân hận từ tâm phân biệt sinh nhưng nó vốn không phân biệt, thường là không, không vật.
Vì si nên phát sinh phân biệt, nhân nơi phân biệt phát sinh, nhân kiến chấp phát sinh nên không thủ đắc kiến ấy. Biết ba cõi là không, tất cả là vô chủ, chẳng có pháp nhỏ nào để hành, nên gọi là Bồ Tát. Phát khởi phân biệt về Dục Giới ở vị lai, quá khứ, Sắc Giới, Vô Sắc Giới tất cả đều vô chủ.
Có ít chúng sinh theo trí tuệ đều nhận biết hành tham, sân, si. Tất cả chúng sinh tức một chúng sinh. Chúng sinh ấy không hiểu biết pháp, không nhớ nghĩ, Bồ Tát biết rõ tất cả các pháp sinh tâm điên đảo, biết tướng không thật, tất cả trí tuệ phát sinh thiện ngay trong đó, không một âm thanh nào có thể nhớ, có thể vui, không có tướng chướng ngại, tùy nghiệp mà hành động.
Bồ Tát phân biệt như vậy gọi là Bồ Tát. Xả nhục thân mình, không bị lệ thuộc, lần lượt hiểu biết rõ nên gọi là Bồ Tát, được giới dẫn đến giải thoát, không còn nhớ nghĩ về giới của Phật. Nếu vật không sinh thì không hòa hợp.
Tâm từ ban khắp chúng sinh nhưng không chấp nơi chúng sinh, giác ngộ rồi tạo mọi lợi ích nên nói là đại từ. An trụ nơi tinh tấn, tư duy về các hành hữu vi, biết thế gian là không. Đó là Bồ Tát tối thượng. Thiền có nương tựa, chẳng phải là thiền có trí tuệ, không con chỗ vướng vin dựa mới là thiền có trí tuệ. Tu tập dùng con dao trí tuệ cắt đứt phiền não, kiến chấp, quán sát pháp tánh chẳng hoại, chẳng dứt.
Khi ấy, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Bồ Tát mới phát tâm bồ đề, thế nào gọi là mới phát tâm?
Tại sao vì nghĩa đó nên gọi là mới phát tâm?
Đức Phật dạy: Văn Thù Sư Lợi! Những Bồ Tát nào quán sát Ba Cõi là do tất cả tưởng phát sinh, như vậy gọi là mới phát tâm.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Như con hiểu theo lời Phật dạy thì tâm tham phát sinh, tâm sân phát sinh, tâm si phát sinh. Đó gọi là Bồ Tát mới phát tâm.
Thiên Tử Thiện Trụ Ý nói với Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Thưa Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi! Khi Bồ Tát mới phát tâm có tham dục, sân hận, ngu si phát sinh thì hàng phàm phu đều có tâm mới phát ấy phải nên gọi là Bồ Tát.
Vì sao?
Vì chấp giữ nên tham, sân, si phát sinh.
Văn Thù Sư Lợi nói: Không phải vậy, Thiên Tử! Hàng phàm phu không có năng lực nên phát sinh tham, sân, si.
Vì sao?
Này Thiên Tử! Chư Phật, Như Lai, Duyên Giác, Thanh Văn, Bồ Tát không thoái chuyển đều có phát sinh tham, sân, si.
Thiên Tử hỏi: Thưa Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi! Ý nghĩa đó như thế nào mà nói như vậy?
Chúng trong hội này đều sinh tâm nghi ngờ vì không hiểu lời Nhân giả nói.
Tại sao vậy?
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Ý ông thế nào, trong hư không có chim bay qua, dấu chân của chim ấy có đi hay không đi?
Thiên Tử đáp: Có đi.
Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng vậy, Thiên Tử! Nói về tướng ấy, ngôn từ như thế nào nên tôi đã nêu bày như thế. Chư Phật, Như Lai, Duyên Giác, Thanh Văn, Bồ Tát bất thoái đều phát sinh tham, sân, si. Thiên Tử nên biết, bất cứ nơi nào, không nương dựa là phát sinh, không có chỗ để chấp giữ đó là phát sinh. Nơi nào không có sai biệt là phát sinh.
Thiên Tử! Nơi nào không có chỗ để nương dựa, không có chỗ để chấp, không có sai biệt là phát sinh, không bình đẳng là phát sinh, không dấu, không vết, không gọi là dấu, không gọi là vết, như vậy gọi là phát sinh. Câu không phân biệt gọi là phát sinh. Câu không dựa vào cái khác sinh ra, đó gọi là phát sinh.
Câu không vật thể, đó gọi là phát sinh. Câu không vật gì để nói, đó gọi là phát sinh. Vì câu không đến, nên gọi là phát sinh. Vì câu không đi, nên gọi là phát sinh. Câu không thọ trì, đó gọi là phát sinh. Vì câu không sinh, nên gọi là phát sinh. Vì câu vô ky, nên gọi là phát sinh. Vì câu vi trần, nên gọi là phát sinh. Câu không ghi nhớ, đó gọi là phát sinh. Câu không có vật hành, đó gọi là phát sinh.
Câu không thể nêu bày, nên gọi là phát sinh. Câu không hủy hoại, đó gọi là phát sinh. Câu không chữ nên gọi là phát sinh. Câu không nắm giữ nên gọi là phát sinh. Câu không A lê da đó gọi là phát sinh. Vì câu không chọn lấy nên gọi là phát sinh. Vì những câu phủ định trên nên gọi là phát sinh.
Thiên Tử nên biết! Tâm ban đầu của Bồ Tát phát tâm bồ đề đối với các pháp như vậy là không ghi nhớ, không quán sát, không xét nghĩ, không khởi, không thấy, không nghe, không biết, không thủ, không xả, không sinh, không diệt.
Thiên Tử! Như vậy là Đại Bồ Tát nương dựa vào những gì?
Đó là Pháp Giới, bình đẳng, thật tế, phương tiện. Tâm tham phát sinh, tâm sân phát sinh, tâm si phát sinh, nương dựa nơi nhãn phát sinh. Như vậy cho đến nương dựa nơi ý phát sinh. Không có chỗ chấp thủ, sắc phát sinh, cho đến không có chỗ chấp thủ, thức phát sinh.
Danh phát sinh, sắc phát sinh, nhẫn phát sinh, tất cả kiến hành phát sinh, vô minh phát sinh, hữu ái phát sinh, cho đến mười hai phần nhân duyên lưu chuyển đều phát sinh. Năng lực nơi năm dục phát sinh, ba cõi phát sinh. Ngã, ngã sở phát sinh. Tự thân phát sinh. Biến chấp nơi tự thân phát sinh.
Tự thân căn bản, sáu mươi hai kiến phát sinh, Phật tưởng, Pháp tưởng, Tăng tưởng phát sinh. Ngã tưởng, tha tưởng phát sinh. Địa tưởng, thủy tưởng, hỏa tưởng, phong tưởng, không tưởng, thức tưởng phát sinh. Bốn điên đảo phát sinh. Năm thứ ngăn che phát sinh. Bốn thức trụ, tám tà, chín phiễn não, mười nghiệp bất thiện phát sinh.
Thien tử nên biết! Như vậy cho đến tất cả phân biệt, tất cả không phân biệt, tất cả phân biệt không phân biệt, tất cả tướng, tất cả hý luận, tất cả mong cầu, tất cả chấp trước, tất cả hỷ lạc, tất cả tưởng, tất cả ức niệm, tất cả chướng ngại, Bồ Tát đều sinh khởi.
Thiên Tử! Môn này nên biết như vậy.
Thiên Tử! Nếu đối với pháp này không chấp giữ, không hỷ lạc thì pháp không có chỗ chấp giữ như vậy gọi là phát sinh.
Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Lành thay! Lành thay! Văn Thù Sư Lợi!
Ông đã từng cúng dường hằng hà sa số Chư Phật, Thế Tôn nên mới nêu bày được nơi chốn nào mới phát tâm Bồ Đề của Bồ Tát.
Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi đã nói về Bồ Tát mới phát tâm bồ đề và chứng đắc pháp nhẫn vô sinh. Hai tâm này sinh bình đẳng không khác.
Đức Phật dạy: Đúng vậy, Xá Lợi Phất! Như ông đã nói.
Xá Lợi Phất! Đức Như Lai Nhiên Đăng thọ ký cho Ta vào đời vị lai, trải qua A tăng kỳ kiếp sẽ thành Phật Hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Chánh Biến Tri.
Xá Lợi Phất! Lúc ấy Ta không xả bỏ hai tâm này đạt được pháp nhẫn Vô sinh. Như vậy Xá Lợi Phất, tâm mới phát của Bồ Tát đúng như Văn Thù Sư Lợi đã nói.
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Như con hiểu lời Phật dạy, thì tất cả Bồ Tát đều có tâm mới phát.
Vì sao?
Như Thế Tôn nói, tất cả các tâm sinh đều là không sinh. Nếu là không sinh tức Bồ Tát ấy sinh khởi tâm mới phát, như vậy gọi là sinh.
Khi thuyết giảng pháp này, có hai vạn ba ngàn Bồ Tát chứng đắc pháp nhẫn vô sinh, năm ngàn Tỳ Kheo không chấp thủ nơi các pháp, lậu dứt hết, tâm được giải thoát, sáu mươi ức Thiên Tử xa lìa trần cấu, ngay nơi các pháp đạt được pháp nhãn thanh tịnh.
Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi có thể làm được việc khó làm. Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi thuyết pháp như vậy khiến cho chúng sinh có được lợi ích lớn.
Văn Thù Sư Lợi nói: Trưởng Lão Đại Ca Diếp! Đây chẳng phải là tôi làm được việc khó làm. Tất cả các pháp đều không thể làm được, không có việc đã làm, không có việc đang làm, không có việc sẽ làm.
Này Trưởng Lão Đại Ca Diếp! Tôi cũng không như vậy, chẳng có pháp làm, chẳng làm, cũng chẳng không làm, chẳng có chúng sinh, chẳng trói, chẳng mở.
Vì sao?
Vì không có pháp để chấp giữ mới là Thánh pháp. Nếu Tôn Giả Đại Ca Diếp nói như vậy tức là làm được việc khó làm. Trưởng Lão chớ nói tôi làm được việc khó làm. Chẳng phải tôi làm được việc khó làm, chẳng phải Như Lai làm, chẳng phải A La Hán, chẳng phải Phật Bích Chi.
Trưởng Lão Đại Ca Diếp! Nói đúng ra, người nào làm được việc khó làm, thì hàng phàm phu mới là người đáng nói.
Vì sao?
Này Trưởng Lão Đại Ca Diếp! Tất cả Chư Phật chẳng đã chứng đắc, đang chứng đắc, sẽ chứng đắc. Tất cả Thanh Văn, tất cả Duyên Giác đều không đã chứng đắc, đang chứng đắc, sẽ chứng đắc. Tất cả hàng phàm phu thì đều chứng đắc.
Tôn Giả Đại Ca Diếp hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Tất cả Chư Phật đều không chứng đắc pháp gì?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thưa Trưởng Lão Đại Ca Diếp! Tất cả Chư Phật đều không thủ đắc ngã, không thủ đắc chúng sinh, không thủ đắc thọ mạng, không thủ đắc nhân, không thủ đắc đoạn, không thủ đắc thường, không thủ đắc ấm, không thủ đắc giới, không thủ đắc nhập.
Không thủ đắc tâm, không thủ đắc sắc, không thủ đắc Dục Giới, không thủ đắc Sắc Giới, không thủ đắc Vô Sắc Giới, không thủ đắc phân biệt, không thủ đắc vô phân biệt, không thủ đắc nhân sinh, không thủ đắc điên đảo, không thủ đắc tham, sân, si, không thủ đắc cõi này, không thủ đắc cõi kia, không thủ đắc ngã, không thủ đắc ngã sở, cho đến không thủ đắc tất cả các pháp.
Này Trưởng Lão Đại Ca Diếp! Tất cả các pháp ấy thảy đều không được, không mất, không thoát, không lấy, không bỏ, không gần, không xa.
Tôn Giả Đại Ca Diếp nên biết! Các pháp môn như vậy, tất cả Chư Phật đều không thủ đắc, còn tất cả hàng phàm phu đều thủ đắc. Như vậy mới là khó tạo tác, chẳng phải Phật tạo tác, chẳng phải Thanh Văn tạo tác, chẳng phải Duyên Giác tạo tác, hàng phàm phu mới là người tạo tác.
Tôn Giả Đại Ca Diếp hỏi: Tạo tác như thế nào?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Tạo tác về đoạn, thường, tạo tác A lê da, tạo tác nhớ nghĩ về dục, tạo tác về lấy, bỏ, hý luận, phân biệt, tùy thuận cao thấp.
Trưởng Lão Đại Ca Diếp! Chư Phật, Thế Tôn không tạo tác các pháp ấy, đều không đã làm, không đang làm, không sẽ làm. Còn hàng phàm phu thì tạo tác, như vậy gọi là khó tạo tác.
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Thế Tôn có nói đến nhẫn vô sinh. Nay con xin hỏi về nhẫn vô sinh ấy.
Vì sao gọi là nhẫn vô sinh?
Thưa Thế Tôn! Vì nghĩa nào mà nói nhẫn vô sinh?
Nhẫn nơi pháp gì mới được gọi là pháp nhẫn?
Bồ Tát tu tập pháp gì để đạt pháp nhẫn vô sinh?
Đức Phật dạy: Này Văn Thù Sư Lợi! Thật sự là không có người ở trong sinh, trong pháp chứng đắc nhẫn vô sinh, thật sự không chứng đắc nhẫn. Nói chứng đắc nhẫn chỉ là lời nói.
Vì sao?
Vì sự là không thể thủ đắc nơi pháp nhẫn ấy. Không thủ đắc pháp nhẫn, đắc nơi không thể thủ đắc, không được không mất, như vậy gọi là đắc nhẫn vô sinh.
Này Văn Thù Sư Lợi! Pháp nhẫn vô sinh là không sinh. Tất cả pháp nhẫn không đến. Tất cả pháp nhẫn không đi. Tất cả pháp nhẫn không có chủ.
Tất cả pháp nhẫn không lấy. Tất cả pháp nhẫn không bỏ. Tất cả pháp nhẫn không vật. Tất cả pháp nhẫn không thật thể. Tất cả pháp nhẫn không bằng nhau. Tất cả pháp nhẫn không ngang nhau. Tất cả pháp nhẫn không giống nhau.
Tất cả pháp nhẫn giống như hư không. Tất cả pháp nhẫn không hoại. Tất cả pháp nhẫn không đoạn. Tất cả pháp nhẫn không nhiễm phiền não. Tất cả pháp nhẫn không tịnh. Tất cả pháp nhẫn là không, vô tướng, vô nguyện. Tất cả pháp nhẫn lìa tham, sân, si. Tất cả pháp nhẫn là chân như, pháp giới, thật tế, an trí.
Tất cả pháp nhẫn chẳng phân biệt, không còn phân biệt, không nhớ nghĩ, không hý luận, không suy xét, không tạo tác, không sức lực hay yếu ớt, hậu thời không vật, không thay đổi nhau, không không, hoàn toàn không, như huyễn, như hóa, như tiếng vang, như bóng, như sóng nắng, như cây chuối, như bọt nước. Đó là tất cả pháp nhẫn. Những pháp nhẫn ấy chẳng phải là pháp, chẳng phải là phi pháp, chỉ có tên gọi. Tên gọi ấy không nơi chốn, không giữ lấy, bản tánh tự xa lìa.
Như vậy, nói nhẫn tức là đã có tâm tin hiểu hội nhập, không nhớ, không nghi, không kinh, không sợ, không hãi. Thân tiếp xúc thọ nhưng không hành chánh thủ đắc nơi thân.
Văn Thù Sư Lợi! Những pháp như vậy gọi là pháp nhẫn vô sinh.
Bồ Tát đạt được, lại cũng không hành nơi tất cả pháp tướng.
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi thưa: Thưa Thế Tôn! Gọi là nhẫn, nhưng do đâu đều gọi là nhẫn?
Nếu như không bị cảnh giới kia làm tổn thương như thế mới gọi là nhẫn.
Lúc ấy, Thiên Tử Thiện Trụ Ý hỏi Văn Thù Sư Lợi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Những pháp gì bị tổn thương?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Đó là làm tổn thương nhãn.
Pháp nào làm tổn thương nhãn?
Đó là ái sắc, không ái sắc. Như vậy tai nghe tiếng, mũi biết mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý xét pháp.
Thiên Tử! Ái, không ái pháp. Làm tổn thương ý cũng vậy.
Này, Thiên Tử! Bồ Tát nào nhãn thấy sắc mà không chấp tướng, không chấp vẻ đẹp, chẳng phân biệt, không còn phân biệt, không tùy thuận, không phân biệt về tướng, biết bản tánh là không, không nhớ, không làm thương tổn. Sắc cho đến pháp, cũng nên biết như vậy.
Thiên Tử! Không chấp trước nơi sáu nhập thì không làm tổn thương, không làm tổn thương thì không chấp trước, đó gọi là nhẫn. Bồ Tát như vậy là chứng đắc pháp nhẫn vô sinh, pháp không phân biệt. Không phân biệt pháp sinh, chẳng sinh, vô lậu, chẳng vô lậu. Không phân biệt hoặc tốt hoặc xấu, hữu vi, vô vi. Như vậy gọi là pháp nhẫn vô sinh.
Khi thuyết giảng pháp này, có sáu vạn hai ngàn người phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, một vạn hai ngàn Bồ Tát đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Bấy giờ, Thiên Tử Thiện Trụ Ý hỏi Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Văn Thù Sư Lợi! Địa địa chuyển hành.
Thế nào là địa địa chuyển hành của Bồ Tát?
Văn Thù Sư Lợi hỏi lại: Thiên Tử! Người nào hành trì địa địa chuyển hành ấy?
Thiên Tử đáp: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát không thấy địa địa chuyển hành, cho đến cũng không thấy mười địa chuyển hành.
Văn Thù Sư Lợi nói: Không phải vậy, Thiên Tử! Đức Phật dạy các pháp đều như huyễn hóa, ông tin chăng?
Thiên Tử đáp: Văn Thù Sư Lợi! Tôi tin lời Phật dạy.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Thiên Tử! Địa địa chuyển hành của người huyễn là như thế nào, cho đến mười địa chuyển hành?
Thiên Tử đáp: Văn Thù Sư Lợi! Người huyễn hóa không có địa địa chuyển hành, cho đến không có mười địa chuyển hành.
Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng vậy Thiên Tử! Nếu người huyễn hóa có chuyển hành, thì họ sẽ chuyển hành theo ngã.
Vì sao?
Như lời Phật dạy, tất cả các pháp đều như huyễn.
***