Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Thánh Thiện Trụ ý Thiên Tử Sở Vấn
PHẬT THUYẾT
KINH THÁNH THIỆN TRỤ
Ý THIÊN TỬ SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN TÁM
Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi lại nói với Thiên Tử Thiện Trụ Ý: Thiên Tử! Tôi sẽ vì người kia nói pháp xuất gia, thọ giới đúng như pháp.
Nói như vậy: Này thiện nam! Tất cả tín tâm của đàn việt trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều cúng dường vật dụng ăn uống cho ông, tâm ông không suy nghĩ, không sinh phân biệt thức ăn này khó tiêu, thức ăn này dễ tiêu. Như thế là giới tịnh của ông.
Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Ý đó như thế nào mà nhân giả nói như vậy?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Nếu chấp giữ nơi người thí, người nhận và tài vật, phân biệt như vậy gọi là ngã tịnh. Nếu chấp giữ hoặc khen ngợi, hoặc cho là tịnh hoặc thủ đắc, thì người kia có tịnh. Nếu tâm nhớ nghĩ thì người kia có tịnh. Nếu tâm phân biệt thì người kia có tịnh.
Thiên Tử! Nếu không chấp giữ, không khen ngợi, không cho là tịnh, hoặc không thủ đắc, không suy nghĩ, không phân biệt, thì lấy đâu mà gọi người kia là tịnh.
Vì sao?
Vì hoàn toàn là tịnh.
Thiên Tử! Nếu chấp giữ, hoặc khen ngợi, hoặc có thủ đắc, có ý niệm phân biệt được thanh tịnh để thọ thực thì đó là phàm phu, chẳng phải là A La Hán.
Vì sao?
Vì hàng phàm phu còn chấp giữ, còn khen ngợi, tâm có thủ đắc, nhớ nghĩ phân biệt, chấp giữ nơi ngã phân biệt: Người này cúng dường cho ta.
Người kia được gọi là tịnh thì tịnh ấy như thế nào?
Hành động của hàng phàm phu là còn chấp giữ nơi ba cõi mà phát sinh, nên tịnh của người kia là như vậy.
Thiên Tử! A La Hán không có một vật nào ngoài thân hành, không chấp giữ nơi thân khác, nên không còn tái sinh, thì có chỗ nào là tịnh?
Nếu ông nhận việc cúng dường ấy để ba việc thanh tịnh viên mãn thì Thiên Tử nên biết, ba việc thanh tịnh viên mãn là gì?
Nghĩa là không có người thí, người nhận và tài vật. Đó là ba việc thanh tịnh viên mãn. Nếu đã tịnh như vậy thì người kia không còn tịnh nữa.
Thiên Tử! Ý tôi là như thế nên nói như vậy. Tất cả tín tâm của đàn việt trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới cúng dường vật dụng ăn uống, người kia không suy nghĩ về tịnh thì người ấy được gọi là phước điền trong Thế Giới. Đó mới là xuất gia đích thực.
Đồng tử Văn Thù Sư Lợi lại nói với Thiên Tử Thiện Trụ Ý: Thiên Tử! Đối với người kia tôi sẽ đúng như pháp xuất gia, truyền giới đúng như pháp và nói như vậy: Thiện nam! Ông không ở nơi A Lan Nhã, không ở nơi xóm làng, không gần xóm làng, không xa xóm làng, không ở một mình, không đi khất thực, không ăn thức ăn của người thỉnh.
Không đắp y phấn tảo, không đến nhà Trưởng Giả nhận bát và ba y, không ngồi nơi khoảng đất trống, không ít ham muốn, không biết đủ, không thường biết đủ, không có hạnh xa lìa, không ở nơi gốc cây, không ở đêm trong phòng, không ăn thức ăn cách đêm, không ăn bơ mật.
Này thiện nam! Đó là tất cả công đức Đầu Đà được tích tụ, luôn thực hành những pháp ấy, nhưng không nhớ nghĩ đến chúng.
Vì sao?
Vì như vậy là cùng thực hành với người có tâm ngã mạn.
Thiên Tử! Nếu nghĩ như vậy: Ta đắp y phấn tảo, ta nghỉ nơi gốc cây, ta đi khất thực, ta vui ăn thức ăn thừa, ta vui ít ham muốn, ta vui biết đủ, ta ở nơi A Lan Nhã, ta ngồi nơi khoảng đất trống, ta thường hành Đầu Đà, ta vì người khác giảng nói. Thiên Tử nên biết, nếu có những ý nghĩ như vậy phát sinh thì đó chẳng phải là pháp chánh hạnh.
Vì sao?
Nếu như không có tâm phân biệt thì người kia không có thủ đắc về ngã chứ đừng nói gì thủ đắc về công đức của hạnh Đầu Đà. Hoàn toàn không thể có sự thủ đắc.
Thiên Tử! Hòa hợp tu hành theo công đức Đầu Đà như vậy mà tâm không suy nghĩ, không phân biệt, tôi nói người ấy thường giảng nói về hạnh Đầu Đà.
Vì sao?
Thiên Tử! Tỳ Kheo đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân hận, đoạn trừ ngu si, thoát khỏi ba cõi, đoạn trừ sáu nhập trong ngoài, tôi nói vị ấy thường giảng nói về sự đoạn trừ. Đoạn trừ như vậy mà không lấy, không bỏ, không tu, không tham đắm, chẳng phải là không tham đắm, tôi nói người ấy thường thuyết giảng về hạnh Đầu Đà.
Lại nữa Thiên Tử! Tôi vì người xuất gia kia truyền giới như vậy và nói: Thiện nam! Nếu hiểu biết như thế chẳng phải là nhận biết về bốn đế, chẳng tu bốn niệm xứ, chẳng tu bốn chánh cần, chẳng tu bốn như ý túc, chẳng tu năm căn, chẳng tu năm lực, chẳng tu bảy giác phần, chẳng tu tám Thánh Đạo phần, chẳng tu ba mươi bảy pháp phần bồ đề, chẳng chứng ba môn giải thoát.
Vì sao?
Thiên Tử! Như vậy gọi là hiểu biết về tướng không sinh, không tu, không chứng.
Vì sao?
Vì chẳng phải là không sinh nên có thể chứng đắc về niệm xứ.
Thiên Tử! Thế vì sao nói chẳng nhớ nghĩ, chẳng quán sát đúng đắn về tất cả pháp, được gọi là niệm xứ?
Thiên Tử! Nếu Tỳ Kheo không trụ nơi Dục Giới, không trụ nơi Sắc Giới, không trụ nơi Vô Sắc Giới, vị Tỳ Kheo ấy được gọi là không trụ nơi bốn niệm xứ để tu tập.
Tại sao tu tập như vậy tức là không tu?
Đã không tự tu, lại không khiến người khác tu. Tu như vậy mới gọi là tu. Tu thứ lớp như thế cho đến ba mươi bảy pháp phần bồ đề, nên nhận biết như vậy.
Thiên Tử! Tỳ Kheo tọa thiền như thế nào?
Thiền Sư đối với tất cả pháp đều không thủ đắc, không nhớ nghĩ. Không nhơ nghĩ tức là không tu. Không tu tức là không chứng.
Thiên Tử! Do nhân duyên gì mà chỉ có tên gọi?
Nghĩa là ba mươi bảy pháp phần bồ đề đều gọi là không vật.
Vì ý thích theo nhân duyên gì sinh ra tên gọi ấy?
Nhất tướng, vô tướng đều như vậy mà nêu bày, hoặc nói, hoặc không nói đều chỉ là tên gọi. Những hành động, hiểu biết đều không thủ đắc. Tri kiến thật đúng như vậy nên hành động, hiểu biết về ba mươi bảy pháp phần bồ đề cũng đều không thủ đắc.
Thiên Tử hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nói Thiền Sư, vậy thì những Tỳ kheo như thế nào mới được gọi là Thiền Sư?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Thiền Sư đối với tất cả pháp chỉ có một hành là lường xét, nghiã là không sinh. Nếu nhận biết như vậy thì gọi là Thiền Sư, cho đến không có một chút pháp nào để chấp giữ nên gọi là Thiền Sư.
Không chấp giữ về pháp gì?
Đó là không chấp giữ về Thế Giới này, Thế Giới kia, không chấp giữ ba cõi, cho đến tất cả các pháp đều không chấp giữ. Nghĩa là tất cả các pháp đều không có chúng sinh, không chấp giữ như vậy nên gọi là Thiền Sư.
Thiên Tử! Thiền Sư ấy không có một pháp nào để chấp giữ, chẳng phải là chấp giữ là không chấp giữ. Vì ý nghĩa đó nên gọi là Thiền Sư.
Khi thuyết giảng pháp này, trong chúng hội có vô lượng trăm ngàn chúng sinh đều sinh tâm nghi ngờ.
Vì sao?
Vì sao?
Thế nào là chấp giữ?
Thế nào là không chấp giữ?
Như Lai thuyết giảng ai hiểu biết ba môn giải thoát thì chứng đắc Niết Bàn, tu ba mươi bảy pháp phần bồ đề thì chứng đắc Niết Bàn, nhưng nay Đồng Tử Văn Thù sưlợi lại nói tu pháp phần bồ đề không chứng đắc Niết Bàn.
Lời giảng của Văn Thù Sư Lợi và Như Lai không tương ưng sao?
Khi ấy, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi biết những Tỳ Kheo kia sinh tâm nghi ngờ, liền hỏi Trưởng Lão Xá Lợi Phất: Đại đức Xá Lợi Phất!
Đại đức có tin Như Lai nói Đại đức là bậc trí tuệ đệ nhất không?
Trong thời gian nào Đại đức chứng đắc pháp vô dục là có chứng đắc pháp gì?
Đại đức lẽ nào không chứng đắc Tứ đế?
Tu ba mươi bảy pháp phần bồ đề, hoặc chứng ba môn giải thoát?
Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Cho đến không có một pháp nào có thể gọi là chứng đắc, hoặc tu, hoặc chứng, hoặc biết, hoặc đắc.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp là không lấy, không sinh, vô ký, không chứng, không phải không không chứng.
Khi thuyết giảng pháp này, có ba ngàn Tỳ Kheo không chấp giữ nơi các pháp, tâm thanh tịnh, đạt được giải thoát.
Bấy giờ, Thiên Tử Thiện Trụ Ý khen ngợi giải thoát tử Văn Thù Sư Lợi: Hay thay! Hay thay! Văn Thù Sư Lợi là bậc trí tuệ sắc bén khéo giảng nói về pháp không nhẫn, rất sâu xa như vậy.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: Này Thiên Tử! Tôi chẳng có trí tuệ sắc bén mà tất cả hàng phàm phu mới là có trí tuệ sắc bén.
Vì sao?
Vì hàng phàm phu nhận biết đúng như có trí tuệ sắc bén.
Những gì là trí tuệ sắc bén?
Đó là trí tuệ sắc bén hiểu biết về địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, về Vua thế gian Diệm Ma, về ba cõi. Trí tuệ như vậy mới gọi là trí tuệ sắc bén. Không biết các hành hữu vi thuở trước, hàng phàm phu có trí tuệ sắc bén về tham dục, sân hận, ngu si, chẳng phải là hàng Thanh Văn, chẳng phải là hàng Duyên Giác chứng đức nhẫn nơi Bồ Tát.
Thiên Tử! Trí tuệ sắc bén hiểu rõ ngu si như vậy nên biết.
Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả đang hý luận chăng?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Không phải vậy.
Thien tử hỏi: Học theo lối nói của người khác chăng?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Không phải vậy.
Thiên Tử hỏi: Hay là chỉ có lời nói?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Đúng vậy! Đúng vậy! Thiên Tử! Tôi chọn lấy lời nói.
Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! Ý nghĩa đó như thế nào mà nhân giả nói như vậy?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Bồ Tát đối với một chữ, một câu, không thay đổi nơi chữ ấy, không thay đổi nơi ý nghĩa. Lần lượt có người đến hỏi đạo theo như thật mà nhận biết, không nhận biết về không, không nhận biết về xa lìa, nhưng nhận biết về vô thể, nhận biết về bất sinh. Nhận biết như vậy tức không biết, chẳng biết, chẳng hiểu, chẳng thọ, chẳng tạo tác. Vì thế nên nói chỉ có ngôn từ.
Khi ấy Đức Thế Tôn tán thán Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Lành thay! Lành thay! Văn Thù Sư Lợi! Ông đã chứng đắc Đà La Ni nên mới giảng nói được như vậy.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thưa: Thưa Thế Tôn! Chẳng phải là con chứng đắc Đà La Ni.
Vì sao?
Thưa Thế Tôn! Người ngu si đắc Đà La Ni, chẳng phải là Phật, Bồ Tát đắc Đà La Ni.
Vì sao?
Thưa Thế Tôn! Phàm phu ngu si đắc Đà La Ni.
Đắc những pháp gì?
Đó là đắc ngã, đắc chúng sinh, đắc mạng, nhân phu, đắc đoạn, đắc thường, đắc tham, sân, si, đắc vô minh, đắc hữu ái, năm ấm, mười tám giới, sáu nội nhập, sáu ngoại nhập, nhận thức phân biệt, không phân biệt, hoàn toàn không phân biệt, không phân biệt nơi hành.
Như vậy, thưa Thế Tôn! Phàm phu ngu si đắc Đà La Ni. Vì chấp giữ nơi tướng nên phân biệt, không phân biệt, không còn phân biệt, không phân biệt nơi hành.
Như vậy, thưa Thế Tôn! Người ngu si đắc Đà La Ni.
***