Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Tâm địa Pháp Môn Thành Tựu Nhất Thế Tam Chủng Tất địa đà La Ni

PHẬT THUYẾT

KINH THANH TỊNH PHÁP THÂN

TỲ LÔ GIÁ NA TÂM ĐỊA PHÁP MÔN

THÀNH TỰU NHẤT THẾ

TAM CHỦNG TẤT ĐỊA ĐÀ LA NI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Viện Bảo Thắng, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cát Tường Kim Cang
 

PHẦN MỘT
 

Lúc bấy giờ Đức Phật Tỳ Lô Giá Na Vairocana tại Liên Hoa Tạng Thế Giới Padma kośa lokadhātu cùng với trăm ngàn ức hóa thân Phật Thích Ca Mâu Ni Śākyamuṇi nói Tâm Địa Thi La Tịnh Hạnh Phẩm Giáo Bồ Tát Pháp chứng Bồ Đề Đạo.

Bấy giờ trăm ngàn ức hóa thân Phật Thích Ca Mâu Ni khác miệng cùng lời bạch rằng: Pháp thân Thế Tôn! Tất cả chúng sanh tuy được tâm địa pháp môn, nhưng không hay tinh cần tu học, dẫu có nhớ tới nhưng lại bỏ qua, buông lung tâm ý, làm các việc không lành.

Hoặc có nhớ nghĩ: Ta được pháp môn thâm diệu của Chư Phật nhưng lại không tinh tấn, lại hay thoái chuyển đại nguyện đạo ý, không thường ngày đêm một lòng tu học cầu đạo vô thượng, hoặc thoái thất, tạo các nghiệp ác nên lưu chuyển trong biển sanh tử không có ngày ra khỏi, không nhớ được tâm địa pháp môn, bị luân hồi trong nẻo ác.

Các chúng sanh như vậy, làm sao điều phục được?

Bấy giờ Phật Tỳ Lô Giá Na bảo: Trăm ngàn ức hóa thân Phật Thích Ca Mâu Ni! Ông hãy lắng nghe! Ta sẽ vì ông mà nói pháp môn điều phục khiến cho tất cả chúng sanh đều được an lạc. Ở nơi tâm địa pháp môn này hoặc nghe hoặc không nghe đều được điều phục.

Nếu nghe được thì tăng thêm tinh tấn, chưa nghe sẽ phát sanh đạo ý. Ông nên biết, nếu có các chúng sanh được nghe tâm địa pháp môn, nhưng không ân cần tinh tấn, hay tạo các ác, ở trong nơi tốt đẹp mà tạo các nạn khiến cho tâm không an. Tất cả chúng sanh đó bị các khổ bức não, nếu phát đạo ý, một lòng suy nghĩ và ngày đêm tinh cần một lòng tu học.

Vì sao vậy?

Cũng như con ngựa hoang khó trị, cần phải đánh đập mới có thể sai khiến được.

Có chúng sanh chưa được nghe Phật Pháp, nhờ chút phước của đời trước nay dẫu được thân người, ăn mặc thiếu thốn, lại ưa tạo ra các nghiệp ác, không cầu nhân giải thoát xuất thế.

Các chúng sanh này vô minh sâu dày, không biết thân này như huyễn như hóa, thoạt sống thoạt chết, chỉ tạo nghiệp ác. Chết rồi phải đọa địa ngục, thọ các khổ độc không ngày ra khỏi. Những hạng người này, Phật rất thương xót.

Các ông nên biết, các người tạo ác đó, các ông cần phải điều phục có phương pháp, luôn luôn tạo ra các bệnh nặng mà phương pháp của thế gian không thể cứu chữa nổi, để các chúng sanh đó bị các khổ bức bách mà phát đạo ý, cho nên dẫn họ đi vào Phật Đạo.

Phật Thích Ca Mâu Ni nghe nói vậy xong, lấy làm thẹn thùng, đảnh lễ rồi lui về chỗ cũ, ngồi ở Đạo Tràng mà suy nghĩ: Cảnh giới của Chư Phật thật là khó giải khó vào, không thể nghĩ bàn, đủ các phương pháp cứu độ chúng sanh. Phàm phu ngu si thật khó điều phục!

Lại bảo Đại Chúng rằng: Các ông nên biết, Thi La Tịnh Hạnh pháp môn Tâm Địa rất là khó nghe khó thấy. Đại Bồ Tát các ông cùng những người nghe pháp, hoặc Trời hoặc Rồng hoặc quỷ thần… cần nên tu học, một lòng tinh cần gìn giữ không được xao lãng, về sau sẽ thành Phật.

Lúc bấy giờ Đại Phẫn Nộ Kim Cang Mahā krodha vajra từ chỗ ngồi đứng dậy, hiện tướng đẹp đẽ phóng hào quang khó nghĩ bàn nan tư quang chiếu mười vạn cõi nước.

Cúi đầu đảnh lễ bạch với Kim Cang Vajradhāra rằng: Đại Sĩ! Tôi nghe Chư Phật ngồi ở Đạo Tràng hay diễn nói pháp môn Tổng Trì Đà La Ni, dựng nên vô lượng những sự không thể nghĩ bàn, thương các chúng sanh phần nhiều ít phước, dầu có thọ trì cũng không thành tựu. Cúi mong Đại Sĩ vì những người đó mà nói đại phương tiện khiến cho thành tựu.

Làm sao sẽ được ba món Tất Địa?

Làm sao tạo được chín loại Đàn?

Làm sao an trí thân tâm tụng niệm Thần Chú?

Làm sao từ lúc mới niệm tụng được thấy tướng gì, tự biết sẽ được Tất Địa Siddhi?

Làm sao chọn được chỗ ở?

Làm sao chọn lựa món ăn uống?

Làm sao dâng hiến các món cúng dường?

Làm sao đầu đủ các oai nghi đi đứng nằm ngồi, luôn luôn nhớ nghĩ các chúng sanh nghèo khổ không có vật gì cúng dường?

Nên giữ lại tồn tướng thế nào sẽ được Ma Ha Tất Địa Mahā siddhi?

Thời Chấp Kim Cang Vajradhāra bảo: Này Phẫn Nộ Quân Trà Lợi Krodha kuṇḍali! Hãy thưa hỏi Phật, ta không đáp được.

Thời hai vị Kim Cang đồng thanh bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Ngài nói tổng trì pháp môn, chúng sanh làm sao tu học?

Mỗi mỗi đầy đủ như trên đã hỏi.

Bấy giờ Đức Phật bảo hai vị Kim Cang rằng: Các ông có thể hỏi Đức Tỳ Lô Giá Na, Ngài hay biết việc này.

Tức thời Đức Phật nhập vào tam muội Samādhi tác đại thần thông khiến cho đại chúng hoặc Trời hoặc Rồng hoặc quỷ hoặc thần, tất cả chúng hội thảy đều đến Liên Hoa Tạng Thế Giới.

Cúi đầu đảnh lễ, bạch rằng: Pháp thân Thế Tôn! Nay con và chúng sanh tổng trì pháp yếu, phần nhiều không thành tựu, được ít công lực, hay bị Tỳ Na Dạ Ca Vināyaka tạo mọi loại chướng nạn khiến cho pháp chẳng thành, lại khiến cho người đó trở về tánh cũ, sanh tâm chán ghét, thoát thất ý niệm mà vứt bỏ.

Chúng sanh của nhóm này không biết được cảnh giới diệu pháp tâm địa của Chư Phật, do đó không thành tựu ba loại Tất Địa. Cúi mong Đức Thế Tôn thương xót chúng sanh mà vì chúng con nói pháp yếu thọ trì các nghi tắc thanh tịnh.

Làm thế nào được ba loại Tất Địa?

Làm thế nào an trí thân tâm niệm tụng không bị các quỷ thần phá hoại?

Bấy giờ Đức Phật Tỳ Lô Giá Na bảo rằng: Các ông nên biết, ta nhớ khi xưa mới phát đạo ý ở tại chốn A Luyện Nhã Araṇya: Nơi thanh tịnh vắng vẻ ngồi suy nghĩ tu tập tâm địa pháp môn. Vì không có trí nên tâm không an định, các pháp không hiện tiền, các thứ vọng tưởng nổi lên đầy dẫy.

Do vậy bị các quỷ thần gây não hại, lạc vào ma cảnh cho là Phật Pháp, sanh tâm tham ái cho là cứu cánh, không hay không biết. Trải qua vô số kiếp bị ma làm hại, sau đó bỗng nhớ được bổn tâm mới biết đó là việc ma không phải là Phật Pháp.

Tuy biết là vậy mà không có cách gì trừ được, mới la lớn lên nói với Chư Phật rằng: Phật có Huệ Nhãn, vì sao lại không thấy con bị ma gây não hại?

Tức thời trong hư không có vô số Hóa Phật bảo ta rằng: Lành thay Bồ Tát! Ngươi hãy lắng nghe! Ta vì ngươi nói phương pháp đuổi ma.

Có Thần Chú tên là Tâm Địa Chú Pháp, nếu có người trì tụng tức mau được nhất thiết chủng trí, không bị các ma sai khiến ta nghe như vậy, tâm rất vui vẻ bạch rằng: Nguyện xin Chư Phật vì con mà nói.

Thời các vị Hóa Phật liền vì ta mà nói. Ta nghe được rồi, nhớ giữ không quên, tức thời các ma bỏ chạy. Ngay lúc đó ta được vô sanh pháp nhẫn, đạo lớn Bồ Đề tự nhiên đầy đủ.

Các ông nên biết, Tâm Địa Thần Chú Citta bhūmi mantra này, tất cả Chư Phật tu Tâm Địa Pháp Citta bhūmi dharma không trì tụng mà thành tựu là điều không có. Chư Phật không tụng Chú này mà đầy đủ Nhất Thiết Trí Sarva jñā là điều không có. Nếu không tụng Chú này mà các pháp được tự tại là điều không có.

Nếu Trời người dùng các Chú khác, nếu không tụng Chú này mà được Tất Địa là điều không có. Nếu trước tụng Chú này, sau mới tụng các Chú khác mà không thành tựu là điều không có. Tụng Chú này mà bị Tỳ Na Dạ Ca gây não hại là điều không có.

Vì sao vậy?

Vì Chú này là tâm địa pháp yếu của tất cả Chư Phật. Các pháp thế gian, xuất thế gian đều do Tâm Địa mà ra. Đây là cảnh giới rất sâu xa của Chư Phật, khó có thể vào được.

Bấy giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tất cả đại chúng cúi đầu bạch rằng: Mong Đức Thế Tôn nói cho.

Thời Đức Phật Tỳ Lô Giá Na nói Tâm Địa Thần Chú Citta bhūmi mantra cho Phật Thích Ca Mâu Ni.

Tức nói Chú rằng: Úm, tô để sắt tra, phộc chiết la.

Nói Chú này xong, Trời tuôn mưa hoa báu. Mười phương Thế Giới, hết thảy các hương hoa tốt đẹp cùng các loại âm nhạc đều vân tập mà cúng dường, Chư Thiên trỗi nhạc đầy khắp hư không, tất cả Trời Rồng đều nói chưa từng có như vậy.

Tuy Đức Phật nói pháp, nhưng chúng Hội có người nghe người không.

Vì sao vậy?

Nếu người có tâm được giải thoát, người ngộ được ba không, người được pháp nhãn dharma cakṣu: Con mắt pháp, người nhập vào cảnh giới của Chư Phật không có sợ sệt, người đối với tâm địa pháp môn không có chướng ngại… đều nghe được. Người khéo biết các phương tiện do Chư Phật đã nói, hiểu rõ tất cả các pháp như tướng huyễn thì mới nghe được.

Nếu không đủ những việc đó thì không thể nghe được, cũng giống như người uống rượu say nằm mê man không hay không biết.

Bấy giờ Đức Phật Tỳ Lô Giá Na nói Chú này xong, đột nhiên chẳng hiện, nhập vào nơi pháp giới thanh tịnh, đồng nột thân biến mười phương cõi như đại hư không, ngang bằng không có sai khác. Tất cả Chúng Hội đều không thể thấy.

Lúc đó Đức Phật Thích Ca Mâu Ni y theo Đức Phật Tỳ Lô Giá Na nhập vào pháp giới đồng một chân thể, tất cả Chúng Hội đều không thể thấy.

Thời Văn Thù Mañjuśrī, Phổ Hiền Samanta bhadra, Quán Âm Avalokiteśvara, Di Lặc Maitreya, Kim Cang Tạng Vajra garbha năm vị Đại Bồ Tát theo hầu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập vào pháp giới nghe Đức Phật Tỳ Lô Giá Na nói Môn Tâm Địa Pháp Yếu, cảnh giới thâm sâu. Tất cả Chúng Hội đều không biết Thầy mình là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các Đại Bồ Tát đang ở nơi nào.

Bấy giờ Đức Phật Tỳ Lô Giá Na ngự ở pháp giới thanh tịnh nào, nhập vào chỗ không có xứ sở Vô Sở Xứ?

Chỉ cùng với năm vị Đại Bồ Tát, nói trì Tâm Địa Thần Chú pháp môn, quỹ tắc, oai nghi, tướng Tất Địa.

Đức Phật dạy rằng: Các ông nên biết! Nếu muốn thọ trì Tâm Địa Thần Chú, muốn thiền định trí tuệ nhập vào các thứ Tam Muội, chứng vô sanh pháp nhẫn thì trước nên tụng Thần Chú một trăm vạn biến, sau đó ngồi Kiết Già, tay trái đè tay phải, nhắm mắt quán nơi không có xứ sở vô sở xứ, diệt tất cả niệm lại không lìa niệm, đoạn tất cả duyên lại không rời duyên.

Trước quán bốn đại, năm ấm không có sở hữu. Quán như vậy xong, tụng Tâm Địa Chú hai mươi mốt biến, tức tự nhiên được nhập vào vô lượng Tam Muội, được vô sanh pháp nhẫn. Cảnh Giới tự chứng như vậy, tự biết lấy không được nói. Tụng Chú này không cho miệng lưỡi, cổ họng động đậy, dùng tâm mà tụng niệm, lại phải nhập vào niệm vô niệm. Đây gọi là chân niệm.

Lại nữa các ông nên biết, người ham thích Đại Thừa, tu học thiền định trí tuệ, nếu kiếp trước không có nhân duyên, ngu si, độn căn, không thể y như trước an tâm niệm, nên cố tụng Tâm Địa Thần Chú mãn một trăm vạn biến thì tánh trí tuệ tự nhiên sanh, mau chứng vô sanh pháp nhẫn.

Nếu đời trước đã từng tu học, bây giờ đầy đủ trí tuệ, không cần phải trì tụng nhiều, chỉ y như trước an tâm trì tụng Thần Chú hai mươi mốt biến tức đưỡc thiền định trí tuệ. Người này hay nhập vào các cảnh giới không có sợ sệt, bát nhã Ba la mật Prajñā pāramitā tự nhiên đầy đủ, các cảnh giới tự chứng biết lấy.

Lại nữa, nếu có người trì tụng ba Bộ Thần Chú, muốn được Tâm Địa Thần Chú giúp pháp mau thành.

Nay Ta vì người phân biệt giải nói: Nếu trì Phật Bộ Buddhakulāya trước Trì Chú này một trăm vạn biến. Nếu Trì Chú của Bồ Tát Bodhisatva, tụng Thần Chú này hai trăm vạn biến. Nếu Trì Chú của Kim Cang Bộ Vajra kulāya nên tụng Chú này ba trăm vạn biến. Nếu y như vậy, đầy đủ biến số xong trì Bổn Chú tức được thành tựu.

Vì sao vậy?

Tâm Chú này là mẹ của tất cả Chú. Do đó các Chú Thần Mantra Devatā không dám trái nghịch. Nếu có làm việc gì không yên tâm, chỉ tâm niệm Tâm Địa Chú hai mươi mốt biến tức được đại nghiệm. Tất cả các Chú Thần mau lại, tùy ý sai khiến không dám trái.

Lại nữa, các ông nên biết. Người trì ba Bộ Thần Chú chưa được thành tựu, nên biết người đó là hạng phàm phu bị vô minh che lấp, sanh tâm thoái chuyển, làm các điều Phi Pháp, tham đắm năm Dục. Đối với Thần Chú, trì tụng gián đoạn, hoặc trải qua nhiều thời gian, sau đó đột nhiên phát tâm nguyện bồ đề, tụng trì Thần Chú.

Ta sẽ vì tất cả các người đó nói Tự Huân Tâm Thần Chú Liền nói Chú là:

Nẵng mưu ba già phạt đế, ô sắt ni sa. Úm, bộ lâm, bàn đà duệ, sa bà ha. Đát tha yết đô sa bà duệ, sa bà ha. Bát đầu ma ni, sa bà duệ, sa bà ha. Bạt chiết la ma ni, sa bà duệ, sa bà ha. Ma ni, ma ni, ma ni câu la duệ, sa bà ha.

Đát điệt tha: Hàm, hồng, bá tra, ma ni đạt lý, hàm bá tra. Úm, hàm hàm, ca ca bá tra, ma ni, phạt chiết lý, hàm bá tra.

Đây là Tự Huân Tâm Thần Chú, còn gọi là Tâm Địa Căn Bản Thần Chú hay trừ tội nặng. Nếu có tội nghiệp, tụng Chú này thảy đều tiêu diệt. Lại hay phá công năng của tất cả Chú, hay thành tựu công năng các Chú, không thể nói đủ được. Nếu có trì tụng, được hiệu nghiệm vô lượng.

Nếu có người Trì Chú mà nửa chừng bỏ dở, sau lại tiếp tục, tùy lực trước tụng Thần Chú Căn Bản theo số nhiều ít, phát nguyện đảnh lễ Tỳ Lô Giá Na: Đệ tử… trước tụng Chú… được một số, nửa chừng gián đoạn.

Nay con trì tụng lại, cầu xin Chư Phật ban cho con công lực trở lại. Và bấy giờ nguyện trì tụng không gián đoạn… liền tụng các Thần Chú đó một ngàn không trăm tám mươi biến. Lại y như trước phát nguyện, tức đồng công lực như xưa nay không gián đoạn vậy.

Đức Phật Tỳ Lô Giá Na dạy rằng: Thần Chú này hãy tự trì tụng, không được lưu truyền cho người vô trí không có trí.

Vì sao vậy?

Vì những người này thấy các Chư Phật nói các phương tiện, tức sanh tham trước, giải đãi, không chuyên cần tinh tấn, sanh ra tưởng nhớ năm dục, thoái thất tâm bồ đề.

Vì sao vậy?

Vì người này do căn tánh không kiên cố, ít trí tuệ, lưu lạc sanh tử, dầu có tu học cũng không lợi ích gì.

Vì sao vậy?

Như người đem áo mới làm cho dơ bẩn, sau đó đem giặt sạch sao bằng từ trước đừng làm dơ. Chú này cũng y hệt như vậy, nếu trước kia không thoái thất, trì tụng Chú này tức mau thành tựu vậy.

Lúc bấy giờ Bồ Tát Quán Thế Âm bạch rằng: Pháp thân Thế Tôn! Người Trì Chú cầu tướng trạng của ba món Tất Địa như thế nào?

Thượng Tất Địa, tướng thế nào?

Trung Tất Địa, tướng thế nào?

Hạ Tất Địa, tướng thế nào?

Cúi mong Đức Thế Tôn vì chúng con mà nói khiến cho tất cả Đại Bồ Tát cùng các Trời người đều được thành tựu, không còn thoái chuyển đại thiền định, chứng Đạo Bồ Đề, thành Đẳng Chánh Giác. Các Trời người khiến nhập Niết Bàn, vĩnh viễn ra khỏi biển sanh tử, không thọ các khổ.

Thời Đức Phật Tỳ Lô Giá Na bảo rằng: Các ông nên biết, ba bộ đều có tướng Tất Địa: Thượng, trung, hạ. Mỗi một Bộ đều có ba loại Tất Địa.

Nếu có Thiện Nam Tử muốn thành tựu Thượng Tất Địa, cần phải thanh tịnh trong ngoài. Thanh tịnh thân có ba, khẩu bốn, ý ba. Ba Nghiệp phải thanh tịnh, trước tụng Thần Chú chánh, y trong Kinh đầy đủ biến số. Lại tụng Tâm Địa Thần Chú đầy đủ biến số. Ở nơi kín đáo thanh tịnh, dùng tòa cỏ sạch mà ngồi Kiết Già, đốt các loại hương thật tốt cúng dường.

Phát đại thệ nguyện cầu thỉnh mười phương Chư Phật, chư Đại Bồ Tát, chư Đại Kim Cang, tất cả Chư Thiên, Chư Thánh trong cõi U Minh làm chứng cho đệ tử… vì muốn thọ trì Thần Chú… nguyện mong Đức Thế Tôn, Bồ Tát, Kim Cang, Chư Thiên … chứng cho con mau thành tựu.

Ba lần phát nguyện như vậy xong, liền nhắm mắt mà ngồi. Trước tụng Thần Chú thường trì tụng tám trăm biến, tự tưởng thân mình thành thân của Chú Thần, tất cả thân phần trang nghiêm đầy đủ đẹp đẽ, trên thân có hào quang hay không có hào quang, hình thế đứng ngồi mừng giận, cử động, tất cả đều y như Kinh tả.

Tưởng như vậy xong, tưởng tự thân mình cho thật rõ ràng. Lại tưởng các Thần bộ lạc, Sứ Giả trước sau cung kính vây đầy chung quanh y như trong Bản Thổ đã nói.

Quán tưởng như vậy thật rõ ràng xong, tâm niệm Thần Chú căn bản hai mươi mốt biến, mỗi biến các chữ đều có ánh sáng phát ra nhập vào miệng các Thần. Xong tưởng tất cả Chư Thần nhập vào miệng mình, xuống nơi tim an trí tại đó.

Như vậy ngày ba thời, quán tưởng cần cho rõ ràng. Mãn hai mươi mốt ngày, ngày ngày y như vậy mà làm tất được thành tựu Thượng Tất Địa.

***