Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Thập địa
PHẬT THUYẾT KINH THẬP ĐỊA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi La Đạt Ma, Đời Đường
PHẨM BA
PHẨM ĐỊA PHÁT QUANG
Phật Tử đã nghe hạnh địa ấy
Cảnh giới Bồ Tát khó nghĩ bàn
Thảy đều hoan hỷ tâm cung kính
Rải hoa cúng dường từ hư không
Khen ngợi: Lành thay! Đại tiên chủ tâm
Từ thương xót các chúng sinh
Bậc Đại trí giảng pháp nghi
Hành tướng an trụ địa thứ hai
Là hạnh vi diệu của Bồ Tát
Chân thật, không đổi, không sai khác
Vì muốn lợi ích các chúng sinh
Diễn thuyết hạnh nghiệp thanh tịnh nhất
Tất cả Trời, Người đều cúng dường
Xin hãy giảng thuyết địa thứ ba
Các nghiệp trí tương ưng cùng pháp
Xiển dương đầy đủ cảnh giới ấy
Thí, giới, thanh tịnh của Đại Tiên
An ổn, siêng năng, tuệ, thiền định
Các pháp từ bi và phương tiện
Xin hãy thuyết đại thanh tịnh Phật Bồ Tát
Giải Thoát Nguyệt lại thưa:
Kim Cang Đại Sư, bậc vô úy
Xin hãy giảng thuyết các công đức
Nhập địa thứ ba, tâm nhu hòa.
Bồ Tát Kim Cang Tạng nói với chúng Bồ Tát: Phật Tử, Bồ Tát ở đại thứ hai đã tinh tấn, thanh tịnh, tâm ý, tăng thượng muốn nhập trụ địa thứ ba của Bồ Tát thì phải phát mười loại tâm.
Mười tâm ấy là gì?
Đó là:
1. Tâm thanh tịnh.
2. An trụ.
3. Xa lìa.
4. Bỏ dục.
5. Không thoái lui.
6. Kiên cố.
7. Mạnh mẽ.
8. Dũng mãnh.
9. Thù thắng.
10. Rộng lớn.
Nhờ mười tâm này, Bồ Tát nhập địa thứ ba. Phật Tử, lúc Bồ Tát trụ ở địa thứ ba, quán sát tất cả hạnh hữu vi đều là vô thường, khổ bất tịnh, không thể nương tựa, cuối cùng bị hư hoại, không tồn tại lâu, sinh diệt trong từng sát na, không từ quá khứ đến, chẳng đi về vị lai, hiện tại không dừng. Bồ Tát không điên đảo khi quán sát tất cả các hành.
Lại quán sát thân này không ai cứu giúp, không chỗ nương tựa, luôn bị buồn lo khổ não, yêu ghét trói buộc, khổ đau buồn chán hoài không dứt bị lửa tham, sân, si thiêu đốt, các bệnh thêm nhiều. Thấy như vậy, Bồ Tát tu tập tất cả hạnh, khiến thăng tiến đến trí ấn của Phật.
Bồ Tát thấy trí Như Lai là không thể nghĩ bàn, chẳng gì sánh bằng, không thể xét lường, khó đạt được, không tạp loạn, không tai họa, khổ não, đến thành vô úy cũng chẳng thoái lui, cứu độ vô số chúng sinh khổ não. Bồ Tát thấy trí Như Lai, có vô số lợi ích, mà các hành thì có vô số tai họa. Vì thế ở trong chúng sinh, Bồ Tát phát khởi mười loại tâm nhằm cứu độ.
Mười tâm đó là gì?
Đó là:
1. Thấy chúng sinh cô độc không nơi nương tựa dốc tâm cứu độ.
2. Luôn nghèo khổ.
3. Bị lửa dữ tham, sân, si thiêu đốt.
4. Bị nhốt trong lao ngục.
5. Luôn bị rừng rậm phiền não che lấp tâm.
6. Không thể quán sát.
7. Không thích pháp lành.
8. Quên Phật Pháp.
9. Trôi theo dòng sinh tử.
10. Mất đạo giải thoát.
Phát mười tâm nhằm cứu độ như thế, Bồ Tát thấy cõi chúng sinh đầy dẫy tai họa, nên phát khởi sự tinh tấn lớn, suy nghĩ: Đối với các chúng sinh, nay ta phải cứu độ khiến họ được giải thoát, khiến họ được thanh tịnh, được ra khỏi, được hướng nhập, được an trụ, được hoan hỷ, được vui thích, được điều phục, được vắng lặng. Bồ Tát chán lìa các hành, phát tâm thương yêu chúng sinh, thấy lợi ích thù thắng của trí Phật, nương tựa trí Như Lai. Vì cứu chúng sinh mà siêng tu tập.
Lại nghĩ: Ta phải dùng pháp gì để cứu độ chúng sinh: Những kẻ đang ở trong đau khổ, phiền não, nhiễm ô, để chúng sinh được an trụ nơi Niết Bàn rốt ráo an lạc.
Bồ Tát lại nghĩ: Pháp đó không ngoài trí vô ngại và sự giải thoát. Trí giải thoát không chướng ngại này, không ngoài sự hiểu biết như thật về các pháp. Sự hiểu biết này, không ngoài việc thực hành tuệ không hành, không sinh. Tuệ sáng này, không ngoài sự quán sát diệu tuệ, Thiền định phương tiện chắc thật.
Sự quán sát đó, không ngoài sự học rộng khéo léo, tinh xảo. Bồ Tát dùng trí khéo quán sát, chuyên tâm tìm cầu, thực hành pháp chân chánh. Luôn thích nghe pháp. Vui vẻ nương tựa pháp. An trụ, tu tập, quy y và tùy thuận thực hành pháp. Bồ Tát khi mong cầu Phật Pháp, tu hạnh chân chánh, bố thí tất cả mọi vật cần dùng dù nhỏ, hoặc tiền của, lúa gạo, kho lẫm. Xem những vật ấy không khó tìm, chỉ thấy khó gặp người thuyết pháp.
Vì Phật Pháp mà bố thí tất cả mọi vật bên ngoài và cả thân mạng, nguyện phụng sự Thầy Tổ, trừ bỏ kiêu mạn, quá mạn, khiêm nhường, gắng hành trì, nguyện chịu đựng tất cả khổ đau của thân. Nếu nghe được một bài kệ bốn câu Phật Pháp, thì vui vẻ hơn là được kho châu báu tràn đầy trong Tam Thiên Đại Thiên. Nghe ai giảng pháp chân chánh thì vui sướng hơn được làm Đế Thích, Phạm Thiên hay ngàn kiếp ở ngôi vị tối cao.
Nếu có ai nói: Ta có một bài kệ Phật Pháp, có thể đạt quả Phật, thanh tịnh hạnh nghiệp của Bồ Tát. Nếu ông chịu nhảy vào hầm lửa lớn, chịu nhiều khổ đau, thì ta sẽ giảng thuyết cho.
Nghe vậy, Bồ Tát nghĩ: Vì nghe một câu Phật Pháp để đạt quả Phật, thanh tịnh hạnh nghiệp của Bồ Tát.
Cho dù phải ở từ cõi Phạm Thiên nhảy vào hầm lửa lớn, bằng Tam Thiên Đại Thiên cõi cũng làm được, huống gì hầm lửa nhỏ!
Lại nữa, ta vì cầu Phật Pháp, cho dù phải ở mãi trong địa ngục, chịu khổ não lớn cũng được, huống gì khổ nhỏ trong cõi người mà không chịu được sao?
Bồ Tát phát tâm siêng năng cầu chánh pháp rồi, quán sát đúng lý những gì đã nghe. Chánh pháp đã nghe phải tìm chỗ vắng tự tâm dũng mãnh suy nghĩ. Vì tùy pháp mà tu hành đúng chánh pháp, nên gọi là tùy thuận Phật Pháp, chứ chẳng phải chỉ vì thuần giảng thuyết mà được thanh tịnh.
Bồ Tát khi trụ địa Phát quang này, luôn tùy pháp mà tu hành đúng pháp thì phải bỏ dục, bỏ các pháp ác, có tầm, có tứ, đạt ly sinh hỷ lạc, an trụ đầy đủ ở Thiền thứ nhất.
Tầm, tứ đều vắng, bên trong bình đẳng, thanh tịnh, chuyên nhất. Không tầm, không tứ, đạt định ly sinh hỷ lạc, an trụ đầy đủ ở Thiền thứ hai.
Bỏ vui hỷ dục, an trụ xả, chánh niệm, chánh tri, thọ nhận lạc của thân. Ở đó dùng trí biết đúng theo chỗ nêu bày của các Thánh, đầy đủ xả niệm cùng chánh tri, trụ thân thọ lạc, nhập thiền thứ ba.
Dứt hết vui khổ mừng lo. Không khổ, không vui đạt xả niệm thanh tịnh, an trụ đầy đủ, nhập thiền thứ tư.
Bồ Tát lại phải vượt tất cả vọng tưởng về sắc, dứt hết tưởng có đối, vì không vọng tưởng, nên biết về hư không vô biên, an trụ đầy đủ nhập không vô biên xứ.
Vượt hết thảy Không vô biên xứ, biết thức vô biên, an trụ đầy đủ, nhập Thức vô biên xứ.
Vượt hết thảy Thức vô biên xứ, biết về không sở hữu, an trụ đầy đủ nhập Vô sở hữu xứ.
Vượt hết thảy Vô sở hữu xứ, biết về Phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trụ đầy đủ nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tùy thuận thực hành đúng pháp, không vì tham chấp, nơi đầy đủ sự an ổn. Bồ Tát tu tâm từ bi rộng lớn, không hai, không hạn lượng, không oán giận, không chướng ngại, làm hại, rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không, an trụ trong tất cả thế gian để che chở chúng sinh, đều bằng tâm từ, tu tâm bi, hỷ, xả cũng như vậy.
Đều rộng lớn, không hai, không hạn lượng, không oán giận, không chướng ngại, làm hại, rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không, an trụ trong tất cả thế gian để che chở chúng sinh đều bằng tâm xả. Bồ Tát được sử dụng vô số sự biến hóa thần thông chấn động các cõi. Biến một thân thành nhiều thân. Nhiều thân thành một thân.
Hoặc ẩn hiện nhanh lẹ không chướng ngại, xuyên qua cả tường vách đá núi, như đi trong hư không. Ở trong hư không, an tọa qua lại như chim bay. Ra vào đất như ra vào nước. Đi trên nước như đi trên đất. Thân phóng lửa lớn. Tuôn nước như mưa lớn. Dùng oai thần công đức lớn chạm tay đến mặt trời, mặt trăng, tự tại đi lại đến cõi Phạm Thiên.
Dùng tai nghe xa, nghe cả tiếng Cõi Trời, Người, dù xa hay gần cho đến nghe cả tiếng ruồi muỗi vo ve, các loài côn trùng… dùng tha tâm trí, biết đúng như thật về tâm chúng sinh: Có tâm tham, tâm không tham. Có sân, không sân. Có si, không si.
Có nhiễm ô, không ô nhiễm, nhỏ hẹp, rộng lớn, vô lượng, tán, tụ, trụ định, xuất định, đã giải thoát, chưa giải thoát, có cố gắng, không cố gắng, thô, tế tất cả đều biết đúng như thật. Với Tha tâm trí, Bồ Tát còn biết những suy nghĩ trong tâm của các loại hữu tình khác nữa.
Bồ Tát dùng túc trụ trí tùy niệm. Nghĩa là tùy niệm biết được vô số việc ở quá khứ, biết rõ việc của mình, của người trong một, hai, ba, bốn, năm cho đến mười, hai mươi, ba, bốn, năm mươi cho đến trăm ngàn đời, biết kiếp thành, kiếp hoại, kiếp thành hoại, cho đến tùy niệm biết rõ về vô số, vô số kiếp thành hoại. Biết mình từng sinh ở đó, tên họ đó, dòng họ đó, hình dáng, ăn uống, đời sống, thọ mạng dài lâu khổ vui như vậy.
Ở đó chết, sinh về đây. Chết ở đây, sinh về chỗ kia. Có hình dáng, có ngôn ngữ biết hết mọi việc lớn nhỏ ở quá khứ đều tùy niệm. Dùng Thiên nhãn thông, thấy chúng sinh lúc sống, lúc chết, đẹp xấu, ở cõi ác, ở cõi lành, yếu mạnh, đều hành động theo nghiệp… Biết chúng tạo hành động do thân, khẩu, ý ác. Đọa vào cõi ác địa ngục.
Chúng sinh nào hành động bằng thân, khẩu, ý lành, khen ngợi Hiền thánh, thành tựu chánh kiến. Nhờ nghiệp chánh kiến, sau khi chết, được sinh lên Cõi Trời, thọ hưởng diệu lạc. Bồ Tát tùy ý ra vào thiền định, giải thoát, không do oai lực thọ sinh. Thấy nơi nào sớm viên mãn pháp bồ đề thì dùng nguyện lực sinh ra ở đó. Với sự hiểu biết và sự thệ nguyện rộng lớn.
Bồ Tát trụ địa Phát quang này gặp vô số trăm ngàn câu chi Phật. Gặp Phật rồi, Bồ Tát dùng tâm rộng lớn, thanh tịnh, tăng thượng mà cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường các thứ y phục, thức ăn, đồ ngồi, thuốc men, những vật cần dùng, trổi nhạc cúng dường Bồ Tát, cung kính Chúng Tăng, hồi hướng căn lành về đạo vô thượng bồ đề, ân cần tôn trọng phụng sự Như Lai.
Còn ở chỗ Phật thì cung kính nghe pháp, nghe rồi tùy thuận tu tập. Bồ Tát quán tất cả pháp không dời đổi, cũng không hoại diệt, do nhân duyên mà có.
Bồ Tát phải dần dần trừ diệt các thứ dục, sắc, hữu, vô minh đang trói buộc. Trước phải đoạn trừ kiến chấp. Bồ Tát trụ nơi địa này, trải qua trăm trăm ngàn vô vô lượng vô số kiếp, chẳng những không chứa nhóm mà phải đoạn trừ tà kiến, tham dục, sân hận, ngu si, thì những căn lành đã có mới dần dần thanh tịnh.
Phật Tử! Ví như vàng, được người thợ giỏi tôi luyện, trừ bỏ tạp cấu mà không giảm lượng. Bồ Tát trụ nơi địa này cũng thế, trải qua vô số kiếp, vì không chứa nhóm nên đoạn trừ hết tham, sân, si, và căn lành có được lại càng thanh tịnh.
Bồ Tát lại thành tựu tâm gắng nhận, hòa nhã, vui vẻ, không sân, chẳng động, trong sạch, không cao thấp, chẳng thấy chúng sinh thấp kém, không mong báo đáp, không dua dối, mê mờ. Trong bốn nhiếp pháp, Bồ Tát tu nhiều về lợi hành. Trong mười Ba la mật, Bồ Tát tu nhiều về nhẫn, các Ba la mật khác thì tùy sức tùy phần mà tu tập.
Phật Tử! Đó là lược nói về địa Phát quang thứ ba. Bồ Tát an trụ ở đấy, thọ sinh thường làm Đế Thích, có đủ uy lực giáo hóa chúng sinh, khiến chúng lìa tham dục. Cứu vớt những kẻ chìm trong bùn dục.
Làm mọi việc như bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự đều không rời sự suy nghĩ về Phật, về Pháp, về Tăng, về Bồ Tát, về hạnh Bồ Tát, về giải thoát, về các trụ địa, về pháp không sợ, về pháp Bất cộng của Phật, cho đến không rời hình tướng thắng diệu tương ưng với trí nhất thiết trí.
Lại nguyện, ở trong chúng sinh, ta luôn là người đứng đầu, thù thắng, vi diệu, vô thượng. Là người dẫn đường, là tướng soái, cho đến nguyện làm chỗ nương tựa để đạt trí nhất thiết trí. Nếu xuất gia, thì không bao lâu chứng được trăm ngàn tam muội của Bồ Tát.
Gặp trăm ngàn Đức Phật, được Phật gia hộ khiến thông hiểu tất cả. Làm chuyển động trăm ngàn Thế Giới, đi khắp trăm ngàn cõi nước, soi chiếu trăm ngàn cảnh, thành tựu cho trăm ngàn loại chúng sinh, sống trăm ngàn kiếp, nơi ngằn mé trước sau đều vào trong trăm ngàn kiếp. Suy xét rõ trăm ngàn pháp, thị hiện trăm ngàn thân, mỗi thân hiện trăm ngàn Bồ Tát bạn.
Nhờ nguyện lực thù thắng, nên mọi việc đi lại, thần thông, ánh sáng thân tướng, mắt, cảnh giới, âm thanh, hành động, trang nghiêm, sự hiểu biết, gìn giữ, tạo tác cho dù trải qua trăm ngàn câuchi kiếp cũng không thể nói hết.
Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng muốn lặp lại ý nghĩa trên bèn nói kệ rằng:
Thanh tịnh, an trụ, tâm chán lìa
Rời dục, vững chắc không thoái lui
Mạnh mẽ, thù thắng, lớn, vi diệu
Nhờ mười tâm này nhập ba địa
Bồ Tát an trụ trong địa ấy
Quán hành vô thường, khổ, bất tịnh
Không bền, hư hoại, chẳng tồn tại
Thay đổi không ngừng chẳng đến đi
Xét thân khổ não, không chỗ tựa
Đau buồn sầu khổ do ghét thương
Lửa khổ hừng hực không ngừng đốt
Sống trong bệnh hoạn chẳng nghỉ ngơi
Chán xa ba hữu cầu trí Phật
Trí đó vi diệu không nghĩ bàn
Cao tột, khôn lường, khó chứng ngộ
Không loạn, chẳng hoạn, chẳng khổ não
An trụ vắng lặng, không thoái chuyển
Cứu độ vô số chúng sinh khổ
Thấy trí Phật rồi thương chúng sinh
Cô độc, bơ vơ, không người cứu
Ba độc thiêu đốt, thường nghèo thiếu
Ở trong địa ngục, luôn chịu khổ
Phiền não che đậy, mắt không trí
Tâm chí yếu kém, mất pháp bảo
Tùy thuận sinh tử, sợ Niết Bàn
Vì cứu chúng sinh, ta siêng năng
Mong cầu trí tuệ lợi chúng sinh
Xét tìm phương tiện khiến giải thoát
An trụ trí Phật, không chướng ngại
Nhờ hiểu thật lý, giáo Phật Pháp
Trí tuệ vô sinh từ vô hành
Tuệ sinh từ định, định từ nghe
Suy xét như thế tự tinh tấn
Ngày đêm tu tập tôn trọng pháp
Phát tâm cung kính, nghe chánh pháp
Bố thí đất nước cùng trân bảo
Vợ con, quyến thuộc và ngôi Vua
Đầu, mắt, tai, mũi, lưỡi và răng
Tay, chân, xương, tùy, tim, máu, thịt
Bố thí tất cả mọi vậy ấy
Nhưng chẳng xem đó là khó làm
Chỉ thấy khó được gặp Pháp Sư
Giả sử có người bảo Bồ Tát
Tự nhảy vào trong hầm lửa lớn
Ta sẽ thuyết giảng pháp báu Phật
Nghe thế nhảy vào không kinh sợ
Dù cho lửa đốt ba ngàn cõi
Từ cõi Phạm Thiên nhảy vào lửa
Vì cầu chánh pháp không thấy khó
Huống gì tí khổ của thế gain
Từ lúc phát tâm đến giác ngộ
Dù phải chịu khổ não vô gián
Vì nghe chánh pháp nên cam nhận
Huống gì tí khổ của cõi người
Nghe rồi suy xét đúng thật lý
Đạt bốn thiền định, bốn tam muội
Bốn tâm vô lượng, năm thần túc
Không theo uy lực mà thọ thân
Bồ Tát địa này gặp nhiều Phật
Cúng dường, nghe pháp, tâm bền vững
Đọan trừ tà hoặc được thanh tịnh
Như vàng tôi luyện thể không giảm
Bồ Tát địa này làm Đế Thích
Giáo hóa vô lượng, vô số chúng
Khiến bỏ tâm tham, trụ pháp lành
Tất cả đều cầu công đức Phật
Nếu siêng tu tập chẳng bao lâu
Đạt được trăm ngàn môn tam muội
Gặp trăm ngàn Phật, thân tướng đẹp
Nếu đủ nguyện lực thì hơn đây
Lợi ích tất cả các chúng sinh
Là hạnh tối thượng của Bồ Tát
Tất cả hành tướng địa thứ ba
Tôi theo thật nghĩa đã giải bày.
***