Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thập địa

PHẬT THUYẾT KINH THẬP ĐỊA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi La Đạt Ma, Đời Đường
 

PHẨM SÁU

PHẨM ĐỊA HIỆN TIỀN
 

Bồ Tát đã nghe hạnh thù thắng

Tâm đều vui mừng rải hoa thơm

Phóng ánh sáng đẹp, mưa châu báu

Cúng dường Như Lai và xưng tán

Trăm ngàn Thiên Chúng cùng vui vẻ

Ở trong hư không rải bảo vật

Vòng hoa anh lạc và cờ phướn

Hương xoa, lọng báu cúng dường Phật

Thiên Vương Tự Tại và quyến thuộc

Vui mừng an trụ trong hư không

Cúng dường vô số các vật báu

Khen ngợi Phật tử đã thuyết giảng.

Vô số Thiên Nữ nơi không trung

Trỗi nhạc ca hát tán thán Phật

Cất tiếng êm dịu ca ngợi rằng:

Phật Pháp trừ sạch bệnh phiền não

Tánh pháp vắng lặng không hình tướng

Ví như hư không, lìa phân biệt

Vượt khỏi chấp trước, dứt ngôn từ

Bình đẳng, chân thật, luôn thanh tịnh

Những ai thông đạt các tánh các pháp

Tâm ý kiên định trước có không

Vì độ chúng sinh siêng tu tập

Khẩu Phật sinh Phật tử chánh chân

Không chấp các tướng tu bố thí

Dắt hẳn pháp ác, giữ tịnh giới

Hiểu pháp không sinh luôn an nhẫn

Tánh pháp xa lìa, nên tinh tấn

Đoạn trừ phiền não, an trụ định

Thông đạt tánh không pháp phân biệt

Đầy đủ trí lực rộng độ sinh

Trừ sạch nghiệp ác thành Bồ Tát

Thiên Nữ dùng đủ lời vi diệu

Khen xong im lặng, chiêm ngưỡng Phật.

Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt thưa hỏi: Làm sao an nhập địa thứ sáu?

Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng nói với chúng Bồ Tát: Phật Tử! Bồ Tát ở địa thứ năm, đã tu tập đầy đủ đạo lành, muốn nhập địa thứ sáu, phải dùng mười pháp tánh bình đẳng.

Mười pháp ấy là gì?

Đó là tất cả pháp không tướng, không tự tướng, không phát khởi. Không sinh. Không vắng lặng. Xưa nay thanh tịnh. Không hý luận. Không lấy. Không bỏ. Như mộng, như bóng, như tiếng vang, như trăng trong nước, như cảnh trong gương, như sóng nắng, như huyễn hóa. Có không chẳng hai.

Bồ Tát tùy thuận, quán sát tánh bình đẳng của các pháp đó mà thông đạt địa hiện tiền thứ sáu. Bồ Tát dùng tâm lợi ích, dũng mãnh tu chứng, nhưng chưa đạt vô sinh pháp nhẫn. Khi Bồ Tát tùy thuận thực hành tự tánh của các pháp bình đẳng, phải lấy từ bi làm gốc, đi đầu để làm tăng trưởng đại từ. Vì muốn đủ đại từ bi, thì phải quán thế gian hợp tan sinh diệt.

Lúc quán sự sinh diệt của thế gian, Bồ Tát nghĩ: Tất cả sự thọ sinh của chúng sinh đều do chấp ngã mà ra. Nếu bỏ chấp ngã thì không có thọ sinh ở thế gian.

Bồ Tát lại nghĩ: Chúng sinh vì ngu si, không trí, chấp trước ngã, bị vô minh che lấp, tìm kiếm có không, tùy thuận pháp giả, vọng tâm giong ruổi, bôn ba trong đường tà, tích tụ các việc phước, phi phước nơi các hành bất động.

Chúng sinh gieo hạt giống hữu lậu, chấp thủ, đưa đến sự sinh già chết ở đời sau, chứa giữ trong ruộng nghiệp trung hữu hậu hữu, bị vô minh che lấp, trôi dạt trong sông ái, tưới mát ngã mạn, rộng lưới tà kiến, tạo mầm danh sắc. Danh sắc càng lớn, năm căn trôi dạt lưu chuyển, hợp cùng thức có xúc, từ xúc có thọ, vui say thọ có ái, ái nặng thành thủ, thủ đă đến hữu, từ hữu có năm uẩn.

Năm uẩn phát sinh ở trong năm cõi, dần dần suy yếu, hoại diệt. Vì hoại diệt nên có khổ não, từ đó đưa đến sầu than, đủ thứ buồn đau. Những ưu khổ ấy đều tập hợp lại. Nếu không có tập thì diệt cũng chẳng có. Bồ Tát phải tùy thuận vào hành tướng mà quán sát pháp duyên sinh.

Bồ Tát lại nghĩ: Vì không hiểu biết thật nghĩa nên gọi là vô minh, vô minh tạo nghiệp quả gọi là hành, hành là chỗ nương để sinh thức, bốn uẩn cùng sinh với thức là danh sắc, danh sắc tăng trưởng thành sáu xứ, căn cảnh cùng thức, ba sự ấy hòa hợp gọi là xúc hữu lậu, rồi cùng sinh ra thọ, tham đắm nơi thọ là khát ái, khát ái lắm thì có thủ, từ thủ tạo nghiệp hữu lậu là hữu. Do nghiệp hữu đẳng lưu các uẩn khởi lên là sinh, uẩn suy yếu là già, uẩn hoại diệt là chết.

Lúc sắp chết, kẻ mê tham luyến buồn khổ là sầu, vì sầu đau nên cất tiếng buồn than, năm căn không vui là khổ, ý thức không vui là ưu. Từ ưu khổ đưa đến đau buồn là não. Trong khổ đau ấy không có người tạo khổ và người chịu khổ. Vì chấp có người tạo khổ nên có công dụng.

Đã không có người tạo khổ thì về phương diện thật nghĩa nó không có công dụng.

Bồ Tát lại nghĩ: Gọi là ba cõi ấy hoàn toàn từ tâm sinh.

Đức Phật đã dùng tâm diễn thuyết phân biệt mười hai chi, tất cả đều dựa vào một tâm ấy mà ra, cớ sao lại tham đắm nó?

Từ tâm thức có hành động, hành động mê mờ là vô minh. Hành thức, vô minh hòa hợp có danh sắc. Danh sắc tăng trưởng là sáu nhập, sáu nhập phân biệt là xúc, sinh với xúc là thọ, tham thọ không chán là ái, ái thọ không bỏ là thủ, từ thủ có hữu, hữu có sinh, sinh suy yếu là già, già hoại diệt là chết.

Trong đó vô minh có hai cách tạo tác:

Do đối tượng duyên làm mê hoặc chúng sinh.

Các hành phát khởi làm nhân.

Hành cũng có hai loại tạo tác: Sinh quả ở đời sau.

Làm nhân cho thức phát sinh.

Thức cũng có hai hoạt động: Tạo nghiệp liên tục.

Làm nhân cho sự phát sinh danh sắc.

Danh sắc cũng có hai hoạt động: Giúp đỡ nối kết nhau. Nhân của sáu nhập.

Sáu nhập cũng có hai hoạt động: Hiển hiện cảnh giới sai khác của chính mình. Nhân của xúc.

Xúc cũng có hai hoạt động: Tiếp xúc cảnh nơi đối tượng duyên. Nhân của thọ.

Thọ cũng có hai hoạt động: Nhận sự khổ vui, không khổ vui. Nhân của ái.

Ái cũng có hai hoạt động: Tham đắm cảnh ưa thích. Nhân của thủ.

Thủ cũng có hai hoạt động: Tạo tạp nhiễm liên tục. Nhân của hữu.

Hữu cũng có hai hoạt động: Làm phát sinh cảnh giới đời sau. Nhân của sinh.

Sinh cũng có hai hoạt động: Tạo ra uẩn.

Nhân của già.

Già cũng có hai hoạt động: Làm các căn suy yếu, thay đổi. Nhân của chết.

Chết cũng có hai hoạt động: Hoại các hành.

Chẳng phải là đoạn biến tri.

Lại nữa, vô minh duyên hành là điều kiện để hành không đoạn.

Hành duyên thức là điều kiện để thức không đoạn.

Thức duyên danh sắc là điều kiện để danh sắc không đoạn.

Danh sắc duyên sáu nhập là điều kiện để sáu nhập không đoạn.

Sáu nhập duyên xúc là điều kiện để xúc không đoạn.

Xúc duyên thọ là điều kiện để thọ không đoạn.

Thọ duyên ái là điều kiện để ái không đoạn.

Ái duyên thủ là điều kiện để thủ không đoạn.

Thủ duyên hữu là điều kiện để hữu không đoạn.

Hữu duyên sinh là điều kiện để sinh không đoạn.

Sinh duyên già là điều kiện để già, chết không đoạn.

Vô minh diệt thì hành diệt, nghĩa là không có điều kiện cho vô minh, thì hành hoại diệt.

Hành diệt thì thức diệt, nghĩa là không có điều kiện cho hành, thì thức diệt.

Thức diệt thì danh sắc diệt, nghĩa là không có điều kiện cho thức, thì danh sắc diệt.

Danh sắc diệt thì sáu nhập diệt, nghĩa là không có điều kiện cho danh sắc, thì sáu nhập diệt.

Sáu nhập diệt thì xúc diệt, nghĩa là không có điều kiện cho sáu nhập, thì xúc diệt.

Xúc diệt thì thọ diệt, nghĩa là không có điều kiện cho xúc, thì thọ diệt.

Thọ diệt thì ái diệt, nghĩa là không có điều kiện cho thọ, thì ái diệt.

Ái diệt thì thủ diệt, nghĩa là không có điều kiện cho ái, thì thủ diệt.

Thủ diệt thì hữu diệt, nghĩa là không có điều kiện cho thủ, thì hữu diệt.

Hữu diệt thì sinh diệt, nghĩa là không có điều kiện cho hữu, thì sinh diệt.

Sinh diệt thì già chết diệt, nghĩa là không có điều kiện của sinh thì già chết bị đoạn diệt.

Vô minh, ái, thủ làm cho dòng phiền não không đoạn tuyệt. Hành, hữu làm cho dòng nghiệp chảy mãi không đoạn tuyệt. Còn những chi khác làm cho dòng khổ không đoạn tuyệt. Vì sai biệt, cho nên diệt cả trước lẫn sau, thì đoạn tuyệt tất cả dòng ấy. Trong ba dòng đó, không có ngã, lìa ngã và sở hữu của ngã.

Tự tánh sinh diệt giống như lau cỏ bó lại vậy. Vô minh đến hành là xét về quá khứ. Thức đến thọ là xét về hiện tại. Ái đến hữu là xét về vị lai. Cứ vậy lưu chuyển liên tục về sau. Vô minh diệt thì hành diệt, sự quán xét cũng không còn.

Mười hai chi này có ba khổ: Hành đến sáu nhập là hành khổ. Xúc, thọ là khổ khổ. Các chi khác còn lại là hoại khổ.

Vô minh diệt thì hành diệt nghĩa là ba khổ diệt. Vô minh duyên hành, nghĩa là có điều kiện để hành hiện bày, từ nhân từ duyên phát sinh. Các chi khác cũng thế.

Vô minh diệt thì hành diệt, đấy là làm rõ: Hành không có tự tánh. Những chi khác cũng vậy. Vô minh duyên hành là sinh khởi sự trói buộc liên tục. Các chi khác cũng thế. Vô minh diệt thì hành diệt, nghĩa là chấm dứt sự trói buộc liên tục. Các chi khác cũng vậy. Vô minh duyên hành là quán tùy thuận hữu. Các chi khác cũng vậy. Vô minh diệt thì hành diệt là quán tùy thuận tận diệt. Các chi khác cũng vậy.

Bồ Tát dùng mười hành tướng, quán sát thuận nghịch về các pháp duyên khởi nghĩa là các chi liên tục nên nhập thành một. Nghiệp sai khác nên không rời nhau. Ba dòng không đoạn nên quán đời quá khứ, hiện tại, vị lai theo đúng như lý. Ba khổ tập hợp đều do nhân duyên, sinh diệt trói buộc liên tục nên quán có chấm dứt.

Bồ Tát dùng mười thứ hành tướng này để quán các duyên khởi. Nhờ dùng không ngã, không thọ mạng, không chúng sinh, tự tánh rỗng lặng, không người tạo tác, không người thọ nhận để quán pháp duyên sinh. Nên hiển hiện môn giải thoát không. Vì quán tự tánh của chúng là diệt, nên Bồ Tát trụ chứng hiện tiền giải thoát rốt ráo, không còn một pháp nhỏ nào tiếp tục sinh khởi nữa. Do đó môn giải thoát vô tướng hiển hiện.

Lại Bồ Tát này đã an lập nơi không, vô tướng, các nguyện cầu đã rốt ráo nhưng vì tâm đại bi, Bồ Tát phải làm người chỉ dạy tạo mọi thành tựu đầy đủ cho chúng sinh, từ đó hiển hiện môn: Vô nguyện. Khi Bồ Tát tu tập ba môn giải thoát, thì bỏ vọng tưởng mình người, người tạo tác, người thọ nhận. Có không.

Lấy đại bi làm đầu để tu chứng những pháp giác phần chưa chứng.

Lại tiếp tục tu hành và nghĩ: Vì hòa hợp tương ưng nên pháp hữu vi lưu chuyển. Vì không hòa hợp tương ưng nên không lưu chuyển. Ta đã hiểu rõ, pháp hữu vi đầy tội lỗi, nhiễm ô, nên ta đoạn trừ sự hòa hợp liên tục. Nhưng vì phải hóa độ chúng sinh, nên không dứt hẳn pháp hữu vi.

Phật Tử! Bồ Tát quán sát pháp hữu vi có nhiều tội lỗi, nhiều nhiễm ô, không có tự tánh. Tánh vốn chẳng sinh diệt, nên khi quán sát phải khởi tâm đại bi, không bỏ chúng sinh. Gọi là trụ nơi trí không chấp trước bát nhã Ba la mật hiện tiền.

Bồ Tát thành tựu trí như vậy rồi, trụ trong tuệ bát nhã mà soi chiếu khắp, tạo điều kiện cho các pháp giác khác sinh khởi. Song an trụ mà không trụ. Quán tự tánh của pháp hữu vi là vắng lặng, không trụ, đối với các pháp bồ đề phần thì chưa viên mãn.

Bồ Tát trụ ở địa hiện tiền này, hiển hiện những tam muội tánh không như: Nhập, tự tánh, thắng nghĩa, tối thượng, lớn, tương ưng, dẫn phát, như lý không phân biệt, có gắn bó, lìa không lìa. Tất cả đều được hiện ra. Bồ Tát là người đứng đầu trong pháp môn tánh không đó. Có trăm ngàn tam muội về pháp về pháp môn không tướng, không nguyện cũng đều hiển hiện.

Phật Tử! Bồ Tát trụ địa hiện tiền, tâm ý không hoại, luôn đầy đủ. Ý tâm kiên định, hiền thiện sâu xa, không thoái chuyển, không dừng nghỉ, không nhơ, không hạn lượng, cầu trí tuệ, trí tuệ tương ưng phương tiện, tất cả đều viên mãn.

Từ tâm như vậy, Bồ Tát tùy thuận pháp giác ngộ của Phật, đối trị các dị luận, siêng năng không chùn bước, thân nhập trí địa. Bỏ địa vị Thanh Văn, Độc Giác, một lòng hướng về trí Phật. Phiền não, ma oán hiện hành không thể hại được.

Khéo trụ trong trí ánh sáng của Bồ Tát, khéo tu tập các pháp không, vô tướng, vô nguyện, trí tuệ luôn hợp với phương tiện, phát khởi các pháp giác ngộ. Bồ Tát này khi trụ địa hiện tiền, thì phát triển trí tuệ Ba la mật và chứng thuận nhẫn thứ ba, mạnh mẽ, nhanh nhẹn, tùy thuận thật nghĩa của các pháp không chút sai trái. Bồ Tát trụ nơi địa hiện tiền, nhờ trí và lực rộng lớn nên gặp được trăm ngàn vạn ức câu chi Phật.

Gặp được Phật, Bồ Tát dùng ý lạc tăng thượng, cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường các thứ y phục, thứ ăn, đồ ngồi, thuốc men, những vật cần dùng, phụng hiến cho Bồ Tát các thứ tạo an lạc vi diệu, cung kính Chúng Tăng, hồi hướng căn lành lên đạo vô thượng bồ đề. Cung kính phụng sự Phật, thiết tha nghe chánh pháp, nghe rồi thọ trì, tu tập bằng trí sáng suốt, không điên đảo, giữ vững chánh hạnh, nhớ lâu, dần dần thâm nhập tạng pháp Như Lai.

Bồ Tát trụ nơi địa hiện tiền thứ sáu này, trải qua vô số kiếp căn lành càng sáng rực, càng minh tịnh. Càng trải qua vô số trăm ngàn câu chi kiếp, căn lành càng thêm sáng trong.

Phật Tử! Ví như thợ vàng, luyện vàng làm đồ trang sức, nếu xen lẫn ngọc báu lưu ly thì càng đẹp hơn. Cũng thế, căn lành của Bồ Tát trụ nơi địa này nhờ suy xét bằng trí tuệ nên càng thanh tịnh, vắng lặng không ai hơn được.

Lại nữa, Phật Tử! Ví như ánh sáng mặt trăng có thể làm cho chúng sinh vui thích mà bốn loại gió không thể hủy hoại được. Cũng thế, căn lành của Bồ Tát trụ nơi địa này, dập tắt vô số lửa phiền não của chúng sinh mà bốn loại ma đạo không thể hoại được. Trong mười Ba la mật, Bồ Tát tu nhiều về Tuệ Ba la mật, các Ba la mật khác thì tùy sức mà tu tập.

Phật Tử! Đó là nói tóm lược về địa hiện tiền thứ sáu. Bồ Tát trụ nơi địa này, thọ sinh thường làm Thiên Vương Cõi Trời Diệu hóa, đủ uy lực giáo hóa chúng sinh, khiến cho chúng chấm dứt tăng thượng mạn, trả lời thông suốt khi bị Thanh Văn cật vấn, khiến chúng sinh hiểu thấu về duyên sinh sẽ tạo nghiệp.

Hành trì mọi việc như bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự đều không rời suy nghĩ về Phật, về Pháp, về Tăng, về Bồ Tát, về hạnh Bồ Tát, về giải thoát, về các trụ địa, về Phật lực, về pháp không sợ, về pháp Bất cộng của Phật, cho đến không rời sự suy nghĩ về hành tướng thắng diệu tương ưng với trí nhất thiết trí.

Lại nguyện: Ở trong chúng sinh, ta luôn là người đứng đầu, là thù thắng, vi diệu, vô thượng. Là người dẫn đường, là tướng soái, cho đến nguyện làm chỗ nương tựa để đạt trí nhất thiết trí.

Nếu tinh tấn tu tập, thì chẳng bao lâu, chứng được trăm ngàn câu chi tam muội của Bồ Tát, gặp được trăm ngàn câu chi Đức Phật, được Phật gia hộ khiến thông hiểu tất cả, có thể chuyển động trăm ngàn câu chi Thế Giới, đi khắp trăm ngàn câu chi cõi nước, soi chiếu trăm ngàn câu chi cảnh giới.

Thành tựu cho trăm ngàn câu chi loại chúng sinh, sống trăm ngàn câu chi kiếp, trước sau đều vào trong trăm ngàn câu chi kiếp, suy xét rõ trăm ngàn câu chi pháp, thị hiện trăm ngàn câu chi thân, mỗi thân hiện trăm ngàn câu chi Bồ Tát bạn.

Nhờ nguyện lực thù thắng, nên mọi việc đi lại, thần thông, ánh sáng, thân tướng, mắt, cảnh giới, âm thanh, hành động, trang nghiêm, sự hiểu biết, giữ gìn, tạo tác, dù có trải qua trăm ngàn câu chi kiếp, cũng không thể nói hết.

Lúc ấy, Bồ Tát Kim Cang Tạng muốn lặp lại ý nghĩa trên nên nói kệ rằng:

Bồ Tát thanh tịnh địa thứ năm

Thấy pháp không tướng, không tự tánh

Không khởi, chẳng sinh, luôn vắng lặng

Bản tánh thanh tịnh, không hý luận

Cũng không lấy bỏ, như huyễn hóa

Có không, chẳng hai, lìa phân biệt

Tùy thuận pháp tánh, xét như vậy

Trí đó vào được địa thứ sáu

Thuận nhẫn, mạnh nhanh, đầy đủ trí

Xét tướng sinh diệt của thế gian

Chỉ vì chấp ngã, thế gian hiện

Trừ khử ngã chấp, chẳng thế gian

Thông đạt như lý duyên khởi không

Không hoại, giả lập, do hòa hợp

Không làm, không nhận, không thọ mạng

Các hành như mây nổi khắp nơi

Không hiểu thật đế là vô minh

Nghiệp quả do si gọi là hành

Tâm sinh đầu tiên gọi là thức

Các uẩn sinh khởi là danh sắc

Năm uẩn lớn mạnh là sáu nhập

Căn, trần, thức, xúc, thọ sinh ra

Nghiệp hữu lậu phát sinh các uẩn

Uẩn suy gọi già, hoại gọi chết

Từ đó có đủ khổ não lớn

Hiểu rõ ba cõi đều từ tâm

Mười hai duyên sinh từ tâm có

Sống chết qua lại do tâm tạo

Diệt trừ vọng tâm, sống chết tận

Vô minh cũng có hai tạo tác

Ngu si mê hoặc, nhân của hành

Cứ thế cho đến già hoại diệt

Do vậy khổ đau nào hết được

Vô minh là nhân sinh ra hành

Không đoạn, lại giúp sức tạo thành

Vô minh không còn, hành hoại diệt

Hết giúp, pháp khác cũng như vậy

Si, ái, thủ là dòng phiền não

Hành, hữu là nghiệp, chi khác: khổ

Vô minh và hành, thuộc quá khứ

Thức cho đến thọ là hiện tại

Ái, thủ là nhân, khổ đời sau

Quán xét đoạn trừ nguồn gốc khổ

Xúc, thọ phát triển là khổ khổ

Tất cả còn lại là hoại khổ

Thấy pháp không ngã, diệt ba khổ

Chỉ vì nhân duyên các pháp sinh

Duyên hết, pháp diệt, tánh là không

Vô minh là duyên bị trói buộc

Nơi duyên được lìa trói buộc

Thuận theo vô minh, có các hữu

Nếu không thuận theo, các hữu đoạn

Do đây kia có không, cũng thế

Suy xét mười cách, tâm không chấp

Các chi tương tục, thuộc một tâm

Không lìa tự nghiệp và ba dòng

Ba đời, ba khổ do duyên sinh

Sinh diệt liên tục không cùng tận

Quán sát tất cả pháp duyên sinh

Không làm, chẳng nhận, không tự tánh

Như mộng như huyễn, như ánh chớp

Lại như kẻ ngu đuổi sóng nắng

Quán rồi nhập môn: giải thoát không

Biết tánh xa lìa, nhập vô tướng

Thấy chúng giả dối, vô sở nguyện

Chỉ vì thương yêu cứu chúng sinh

Xuất gia tu học pháp giải thoát

Tăng trưởng tâm từ cầu Phật Pháp

Biết pháp hữu vi do duyên sinh

Tâm chí vững chãi lại tinh tấn

Chứng đạt trăm vạn tam muội không

Vô tướng, vô nguyện cũng như vậy

Bát Nhã, thuận nhẫn, đều tăng thượng

Trí tuệ giải thoát đều thành, đầy

Luôn vui cúng dường vô số Phật

Tu tập đạo hạnh trong Phật Pháp

Thông đạt tạng pháp tăng căn lành

Như vàng trang sức ngọc lưu ly

Như trăng nước lặng soi mọi vật

Bốn gió nào có hoại được đâu

Bồ Tát vượt qua bốn ma oán

Dập tắt lửa hừng của thế gian

Bồ Tát thường làm Vua Thiện Hóa

Chỉ dạy chúng sinh trừ ngã mạn

Làm việc chỉ cầu nhất thiết trí

Vượt trên đạo hạnh của Thanh Văn

Bồ Tát siêng năng sẽ đạt được

Trăm ngàn câu chi môn tam muội

Gặp được trăm ngàn câu chi Phật

Như mặt trời sáng giữa mùa hè

Sâu xa vi diệu khó thấy biết

Thanh Văn, Duyên Giác không thể hiếu

Tôi đã diễn thuyết cho các ông

Địa thứ sáu Bồ Tát, là vậy.

***