Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thập địa

PHẬT THUYẾT KINH THẬP ĐỊA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi La Đạt Ma, Đời Đường
 

PHẨM TÁM

PHẨM ĐỊA BẤT ĐỘNG
 

Khi ấy Thiên Vương cùng Thiên Chúng

Nghe thắng hạnh này đều vui mừng

Vì muốn cúng dường Đức Như Lai

Vô số vô biên Đại Bồ Tát

Mưa hoa vi diệu, cờ phướn lọng

Vòng hoa, anh lạc và y báu

Vô số trăm ngàn vạn ức loại

Đều dùng ma ni để trang sức

Thiên Nữ cùng nhau trổi nhạc trời

Khắp nơi cất đủ tiếng vi diệu

Cúng dường Chư Phật và Bồ Tát

Cùng hợp thành lời để xưng tán

Tất cả thấy Bậc Lưỡng Túc Tôn

Thương xót chúng sinh hiện thần lực

Khiến vô số âm nhạc Cõi Trời

Vang tiếng vi diệu xa khắp chốn

Mỗi đầu sợi lông trăm ngàn ức

Vô số vô biên cõi chúng sinh

Vô lượng Chư Phật cũng nhiều vậy

An tọa ở đó giảng pháp mầu

Mỗi lỗ chân lông vô lượng cõi

Đủ cả bốn châu và biển lớn

Nào là Tu Di, nào Thiết Vi

Nằm trọn bên trong không chướng ngại

Mỗi đầu sợi lông đủ sáu nẻo

Ba đường xấu ác, Trời và người

Các loài Rồng, Thần, A Tu La

Đều theo nghiệp mình chịu quả báo

Ở trong mỗi nước đều có Phật

Diễn giảng chỉ bày pháp sâu xa

Tùy thuận tâm ý của chúng sinh

Chuyển xe pháp mầu, tối thượng tịnh

Mỗi cõi có đủ thân chúng sinh

Mỗi thân cũng gồm bao cõi nước

Trời Người, các cõi đều sai khác

Phật biết tất cả để nói pháp

Cõi lớn theo ý biến làm nhỏ

Cõi nhỏ theo ý biến thành lớn

Thần Thông như thế không thể lường

Thế gian cùng nói không hết

Chư Thiên dùng lời vi diệu đó

Khen ngợi công đức của Như Lai

Đại chúng vui mừng và im lặng

Nhất tâm chiêm ngưỡng được nghe pháp

Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt lại thưa:

Đại chúng hiện giờ đều thanh tịnh

Xin tuần tự nói các hành tướng

An ổn trụ nhập địa thứ tám.

Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng bảo chúng Bồ Tát: Phật Tử! Bồ Tát ở địa thứ bảy quyết định tu tập làm thanh tịnh đạo nghiệp bằng trí tuệ phương tiện, tích tập hành trang, kết thành nguyện lớn, mong được ở yên trong sự gia trì của Như Lai, đạt căn lực mầu nhiệm. Tùy thuận lực, pháp vô úy, bất cộng của Như Lai. Suy xét bằng tâm ý tăng thượng thanh tịnh.

Từ oai lực của phước trí phát khởi dùng đại từ bi luôn thương yêu chúng sinh, tùy thuận vô lượng trí đạo mà tu hành. Nhập tánh xưa nay không sinh khởi, không hình tướng, không thành hoại, không đoạn tận, không lưu chuyển, không dừng nghỉ của tất cả các pháp.

Trước, giữa, sau đều bình đẳng do trong chân như không có phân biệt nên nhập nhất thiết trí. Bồ Tát trừ bỏ vọng tưởng phân biệt của tâm, ý, thức, làm cho nó không còn chỗ bám víu, để nhập tánh bình đẳng sáng tỏ như hư không, được gọi là đạt vô sinh pháp nhẫn.

Phật Tử! Người đạt Vô sinh pháp nhẫn mới chứng nhập địa bất động của Bồ Tát, được an trụ sâu xa khó biết hết, không còn sai khác, dứt tất cả hình tướng, ngừng ngay những vọng tưởng và bám víu. Hàng Thanh Văn, Độc Giác không đạt được. Luôn ở trong tịch tĩnh.

Phật Tử! Ví như Tỳ Kheo có đầy đủ thần thông, tâm tự tại, tạm nhập vào định tưởng thọ diệt thứ chín, dứt hết vọng tưởng, phân biệt, tán loạn. Cũng thế, Bồ Tát đạt địa Bất động không còn dụng công, tự tại đạt tánh không dùng sức, an trụ quả báo nhưng xa lìa hết thảy thân, ngữ, ý, nghiệp.

Phật Tử! Ví như có người mơ thấy mình rơi xuống sông, vì muôn thoát nạn nên phải dùng lực mạnh bơi qua. Vì dùng sức quá mạnh, nên tỉnh giấc, thì không còn việc ấy nữa.

Phật Tử! Bồ Tát cũng thế, thấy chúng sinh rơi trong bốn dòng thác phiền não. Vì muốn độ sinh, Bồ Tát phải mạnh mẽ siêng năng hành động. Nhưng khi đạt địa Bất động, thì không còn dụng công. Tất cả sự hiện hành của hai Thủ hay tướng của nó không còn hiện khởi.

Phật Tử! Ví như Chư Thiên tiên sinh nơi cõi Phạm Thiên, không còn phiền não của Cõi Dục.

Phật Tử! Cũng thế, Bồ Tát trụ nơi địa bất động tất cả tâm, ý, thức không còn hiện khởi, cũng chẳng còn hiện khởi Phật, Bồ Đề, Bồ Tát, Niết Bàn, huống gì là hiện hành pháp thế gian?

Phật Tử! Bồ Tát khi tu hành ở địa Bất động thứ tám này, an trụ trong sự gìn giữ nguyện lực, mau chóng học hỏi Phật Pháp, mong cầu sự chỉ dạy của Như Lai, được Phật thọ ký nên phát sinh trí vi diệu của Như Lai.

Được Chư Phật khen ngợi: Hay thay! Hay thay! Thiện nam! Đó là pháp nhẫn tùy thuận thật nghĩa của Phật Pháp.

Song Thiện nam! Chư Phật chúng ta có mười lực, bốn pháp vô úy, mười tám pháp bất cộng tự tại mà ông chưa thành tựu. Hãy thành tựu pháp tự tại của Chư Phật và siêng năng an trụ nơi pháp nhẫn này.

Phật Tử! Ông tuy đạt giải thoát vắng lặng nhưng phàm phu chúng sinh chưa được vắng lặng, luôn chạy theo phiền não, bị tầm tứ xâm hại. Ông hãy thương yêu chúng sinh và hãy nhớ hạnh nguyện của mình là làm cho chúng sinh được lợi ích và trí tuệ không thể nghĩ bàn.

Thiện nam! Tất cả pháp tánh của các pháp là như thế. Dù Phật ra đời hay không thì pháp giới vẫn vậy, không thay đổi. Không phải chỉ Chư Phật mới đạt được. Thanh Văn, Độc Giác cũng chứng được pháp tánh không phân biệt này.

Thiện nam! Ông hãy quán sát Chư Phật với vô lượng thân tướng, trí tuệ, cõi nước, hào quang, trí phát khởi, âm vận thanh tịnh cũng không có số lượng, ông nên phát khởi như vậy.

Thiện nam! Hiện giờ ông chỉ đạt được một pháp sáng, đó là tuệ không phân biệt trong các pháp. Song Thiện Nam nên biết, vì muốn đạt pháp sáng này mà Chư Phật đã khởi vô biên hạnh nguyện, vô biên nẻo tạo tác, vô biên nẻo nối kết.

Thiện nam! Ông hãy quán sát tất cả pháp sai khác: Chúng sinh, cõi nước trong vô lượng mười phương mà thông đạt thật lý.

Phật Tử! Chư Phật đã khuyên dạy, nhắc nhở Bồ Tát, trao cho trí phát khởi vô số vô biên, để không còn trí phân biệt, từ đó mà thành tựu tất cả hạnh nghiệp.

Phật Tử! Ta sẽ nói cho các ông hiểu. Nếu lúc ấy, Chư Phật không chỉ dạy cho Bồ Tát, an nhập nơi pháp nọ, thì Bồ Tát sẽ nhập Niết Bàn rốt ráo, bỏ hết việc lợi ích chúng sinh.

Vì thế, Chư Phật mới trao cho trí nghiệp phát khởi vô số ấy. Chỉ trong một niệm, trí nghiệp của Bồ Tát đó, phát khởi gấp trăm ngàn vạn ức lần trí nghiệp của Bồ Tát từ địa thứ nhất đến địa thứ bảy, cho dù tính đếm ví dụ thế nào cũng không thể hơn được.

Vì sao?

Phật Tử! Vì các Bồ Tát nơi địa trước, dùng một thân hành nghiệp, còn Bồ Tát ở địa này thì dùng vô số thân sai khác tu hạnh Bồ Tát. Dùng vô số âm thanh, trí tuệ, thọ vô lượng thân, trang nghiêm thanh tịnh vô số Cõi Phật, hóa độ vô số chúng sinh, phụng sự vô số Phật, hiểu rõ thật nghĩa của vô số pháp, hiện vô số uy lực thần biến, làm chỗ nương tựa cho vô số chúng hội khác nhau, làm vô số việc bằng thân, lời, ý. Thành tựu hạnh chân chánh của Bồ Tát. Tất cả đều thành tựu đầy đủ mà không động.

Phật Tử! Ví như thuyền chưa ra đến biển cả, thì thủy thủ phải dùng sức chèo đi. Nhưng khi ra đến biển thì để mặc thuyền đi mà không cần dùng sức. Ra đến biển, gió lớn thổi buồm căng, nên chỉ đi trong một ngày. Nếu dùng sức như lúc trước thì dù trải qua trăm năm, cũng không thể đến nơi.

Phật Tử! Bồ Tát cũng thế, đã tu tập đầy đủ hành trang căn lành, đạt đại thừa, ra đến biển lớn chánh hạnh của Bồ Tát, chỉ trong khoảnh khắc, dùng trí không dụng công của Bồ Tát mà nhập trí nhất thiết trí. Nếu dùng sức như trước thì trải qua vô số kiếp cũng không thể đạt được.

Phật Tử! Bồ Tát đã nhập ở địa thứ tám này, làm mọi việc mà không dụng công, là do trí tuệ phương tiện rộng lớn. Bồ Tát khi quán sát trí nhất thiết trí bằng chánh tuệ, quán sát sự thành hoại của Thế Giới và hiểu rõ nó.

Hiểu rõ nguyên nhân của sự thành hoại, hiểu rõ thời gian của sự thành hoại ấy, hiểu rõ thời gian Thế Giới thành rồi dừng trụ, hoại rồi dừng trụ, hiểu rõ tướng sai khác của đất, nước, gió, lửa. Lại biết tướng thô tế của vi trần. Tướng vô lượng, tướng sai biệt.

Biết mỗi Thế Giới có bao nhiêu vi trần tích tụ, vi trần sai biệt và bao nhiêu vi trần về đất, nước, gió, lửa, chúng sinh, cõi nước. Biết tướng thô tế sai khác của thân chúng sinh. Biết số vi trần của thân Địa Ngục, Quỷ, Súc Sanh, A Tu La, Trời, Người. Bồ Tát hội nhập trí biết số vi trần sai biệt rồi. Thì sẽ biết sự thành hoại của Cõi Dục, Sắc, Vô sắc và biết tướng sai biệt, lớn, nhỏ của những cõi ấy.

Quán sát Ba Cõi bằng trí, phát ánh sáng trí, khéo đạt trí hiểu rõ thân chúng sinh, thân mình, thị hiện thọ sinh bằng trí. Bồ Tát tùy thuận loài chúng sinh mà thọ thân, tùy nơi thọ thân cùng loài để hóa độ chúng sinh.

Lại nữa, Bồ Tát ở trong một tam thiên đại thiên giới, tùy thuận vào thân tướng, trình độ của chúng sinh mà thọ thân, hành động bằng trí, cho đến hai, ba… vô số tam thiên đại thiên giới, cũng đều tùy thuận thân tướng, trình độ sai khác của chúng sinh mà thọ thân, cũng hành động bằng trí.

Bồ Tát thành tựu trí như vậy rồi, ở một Cõi Phật, thân bất động mà hiển hiện trong vô số không thể nói Cõi Phật. Bồ Tát tùy thuận thân tướng, trình độ của chúng sinh trong vô số Cõi Phật, trong vô số chúng hội Đạo Tràng mà hiện thân. Nghĩa là ở trong chúng Sa Môn thì hiện thân Sa Môn.

Ở trong chúng Bà La Môn, trong chúng Sát Lợi, Phệ Xá, Trưởng Giả, Cư Sĩ, Tứ Thiên Vương, Tam Thập Tam Thiên, Dạ Ma, Đổ Sử Đa, Lạc Biến Hóa, Tha Hóa Tự Tại, Ma Vương, Phạm Thiên đều tùy thuận đúng loại mà thọ thân. Người nên dùng thân Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát, Như Lai để điều phục thì đều tùy thuận thị hiện.

Phật Tử! Cứ thế, Bồ Tát ở trong vô số Cõi Phật cứ tùy thuận thân tướng trình độ của chúng sinh mà thọ nhận thân như vậy như vậy.

Lại nữa, Phật Tử! Bồ Tát bỏ hết sự phân biệt về thân tướng, đạt tánh bình đẳng của thân. Biết thân của chúng sinh, thân cõi nước, thân nghiệp quả, thân Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát, Như Lai, thân trí, pháp, hư không. Biết rõ tâm mong cầu của chúng sinh, hoặc biến thân chúng sinh thành thân mình, cứ thế cho đến biến thân cõi nước, thân nghiệp quả, thân Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát, Như Lai, thân trí, pháp, hư không thành thân mình.

Hoặc biến thân mình thành thân chúng sinh, cõi nước, nghiệp quả, Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát, Như Lai, trí, pháp, hư không. Bồ Tát hiểu rõ về thân nghiệp, thân nhân quả, thân phiền não, thân có sắc, không sắc. Đối với các thân trong cõi nước.

Bồ Tát biết rõ tướng lớn nhỏ, tướng vô lượng, tướng tạp nhiễm, tướng thanh tịnh, tướng loạn trụ, tướng ngưỡng trụ tướng… Đối với thân nghiệp quả, Bồ Tát biết sự sai khác, sự giả lập. Đối với thân Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát có thể biết sự sai biệt, sự kiến lập.

Đối với thân Như Lai Bồ Tát biết thân Chánh Đẳng Chánh Giác, thân hóa hiện, gia trì, thân tướng tốt, trang nghiêm vi diệu, thân ánh sáng, thân ý sinh, thân phước đức, trí, pháp. Với trí thân, Bồ Tát biết rõ tướng suy xét, tướng quán sát đúng, tướng nghiệp quả và gia hành, tướng sai biệt của thế gian. Tướng an lập ba thừa, tướng cộng và bất cộng. Tướng xuất ly, không xuất ly. Tướng hữu học, vô học.

Với Pháp Thân, Bồ Tát biết tướng của tánh bình đẳng, tướng không hủy hoại, tướng tùy phần vị và sự giả tạm của thế tục mà an lập. Tướng pháp an lập của hữu tình, vô tình. Tướng pháp an lập của Phật, Tăng. Với thân hư không. Bồ Tát biết vô lượng căn tướng rộng lớn cùng khắp. Tướng không hình chất. Tướng không sai khác, không hạn lượng.

Tướng do giữ lấy sắc mà hiển hiện tất cả đều biết hết. Bồ Tát tự tại trong sự sống, hiểu biết sự phát khởi của thân nên trải qua không thể nói vô số kiếp giữ tuổi thọ, đạt được tâm tự tại, nên tu vô số định, quán sát thâm nhập trí, được vật nuôi sống tự tại, nên thị hiện vô số vật để trang nghiêm và giữ gìn cõi nước.

Đạt được nghiệp tự tại, nên tùy thời gian mà hiện nghiệp quả. Được mạng sống tự tại nên thị hiện thọ sinh khắp nơi. Đạt được thắng giải tự tại, nên thị hiện khắp Thế Giới nơi nào cũng có Phật. Đạt được nguyện tự tại nên tùy thời giân, trình độ chúng sinh của các Cõi Phật mà thị hiện giác ngộ.

Đạt được thần thông tự tại, nên thị hiện bao la pháp sáng. Đạt được trí tự tại nên thị hiện mười lực, pháp vô úy, bất cộng, tướng tốt, vô thượng giác ngộ của Phật. Nhờ đạt được mười tự tại, Bồ Tát được gọi là người có trí tuệ bất tư nghì, người có trí rộng lớn, người có trí không ai đoạt được.

Do đó Bồ Tát không còn tội lỗi. Thân, khẩu, ý nghiệp tùy biến mà hành nên không tội lỗi. Mọi việc làm đều bằng trí, tùy trí tuệ mà chuyển đến bờ giải thoát, tăng trưởng đại bi làm đầu, khéo phân biệt rõ phương tiện thiện xảo, được Chư Phật gia hộ, thành tựu thệ nguyện, luôn vì lợi ích của chúng sinh, tùy từng nơi trong vô biên Thế Giới mà hành động không ngừng nghỉ.

Phật Tử! Tóm lại, mọi hành động về thân, ngữ, ý nghiệp của Bồ Tát trụ nơi địa bất động này, đều tích tập từ Phật Pháp.

Lại nữa, Phật Tử! Bồ Tát ở địa Bất động này. An trụ hoàn toàn bằng sức ý lạc để xa lìa hết thảy phiền não hiện hành. Đạt sự an trụ trong ý lạc tăng thượng để không lìa đạo. An trụ bằng sức đại bi, không bỏ lợi ích của chúng sinh. An trụ bằng sức đại từ để cứu độ hết thảy các thế gian. An trụ bằng sức tam muội để không quên chánh pháp. An trụ bằng sức biện tài để phân biệt, tuyển chọn khéo léo Phật Pháp.

An trụ bằng sức thần thông để đi khắp mọi nơi, làm đủ mọi việc. An trụ bằng sức của đại nguyện để không bỏ những việc làm của Bồ Tát. An trụ bằng sức Ba la mật để hành trì tất cả Phật Pháp. An trụ bằng sức gia trì của Như Lai để hiển hiện hành tướng và trí nhất thiết trí. Nhờ những oai lực như vậy mà Bồ Tát làm tất cả mọi việc không hề mắc lỗi lầm.

Phật Tử! Trí địa Bồ Tát thứ tám được gọi là Bất động vì không ai đạt hơn được còn gọi là địa bất thoái vì trí tuệ vững chắc, gọi là địa khó được vì cả thế gian không lường được, gọi là đồng chân vì không lỗi lầm. Gọi là sinh địa vì tự tại thay đổi theo ý muốn. Gọi là địa thành tựu vì không còn tạo tác, gọi là địa cứu cánh vì dùng trí phân biệt rõ ràng, gọi là địa Niết Bàn vì phát khởi sức thệ nguyện.

Gọi là địa Trụ trì vì không bị ai hủy hoại. Gọi là địa Vô công dụng vì làm mọi việc bằng sức vốn có.

Phật Tử! Nhờ trí đó, Bồ Tát vào dòng dõi Phật, được ánh sáng công đức của Phật soi rọi, tùy thuận oai nghi chánh hạnh của Như Lai, cảnh Phật hiển hiện liên tục không thiếu.

Được oai lực Như Lai gia hộ. Được Đế Thích, Phạm Thiên, Hộ thế Thiên Vương cung phụng, lực sĩ Kim Cang luôn bảo vệ, thường không rời sức tam muội, làm mọi việc, hiện vô số thân, uy lực tương ưng, thành tựu quả báo thần thông rộng lớn, tự do ra vào trong tam muội không bờ bến, được thọ ký vô lượng bồ đề, tùy việc mà hóa độ chúng sinh, hiện thành Chánh Giác.

Nhờ thông đạt như vậy, Bồ Tát nhập chúng đại thừa, được quán sát bằng trí lớn thần thông, phóng ra ánh sáng trí tuệ vi diệu, khéo nhập pháp giới chân thật không chướng ngại, biết các đạo sai khác của thế gian, thị hiện công đức lớn, tùy ý chuyển hóa.

Biết rõ việc làm ở quá khứ, vị lai, thông đạt trí hàng phục ma đạo. Chứng nhập cảnh giới tu hành của Phật, ở khắp mọi nơi thực hành hạnh Bồ Tát, thành tựu sự kiên định. Vì vậy được gọi là Bồ Tát đạt địa Bất động.

Bồ Tát khi trụ ở địa Bất động, luôn được gặp Phật không rời, không gián đoạn, là do sức của tam muội. Gặp Phật, Bồ Tát luôn phụng sự cúng dường.

Cho nên dù ở đâu, Bồ Tát cũng được gặp vô số, vô số trăm ngàn vạn ức câu chi Phật. Gặp được rồi là cúng dường bằng nhiều cách, lãnh thọ Phật Pháp và biết được vô lượng pháp sáng với thật nghĩa, dần dần ở trong Tạng pháp của Như Lai. Không sợ những hỏi đáp của thế gian. Trải qua vô số kiếp căn lành càng thanh tịnh.

Phật Tử! Ví như thợ vàng, luyện vàng làm đồ trang sức, trang sức trên đầu, dưới cổ Vua Châu Thiệm Bộ, tất cả đồ trang sức của quan dân nơi Châu Thiệm Bộ đều không thể so sánh được.

Phật Tử! Căn lành của Bồ Tát trụ địa Bất động này cũng thế. Hàng Thanh Văn, Độc Giác cho đến Bồ Tát địa thứ bảy, những căn lành có đều được không thể sánh. Vì trụ ở địa này là dùng ánh sáng trí lớn phá tan màng tối phiền não của chúng sinh, để khéo khai phát môn trí tuệ.

Phật Tử! Ví như Đại Phạm Thiên Vương, Thiên chủ của ngàn cõi với tâm từ, Vua phóng ra ánh sáng chiếu khắp ngàn cõi. Bồ Tát trụ địa Bất động cũng vậy, có thể phóng ra ánh sáng đến khắp mọi nơi, phá tan mọi phiền não chúng sinh, làm cho chúng được vui. Trong mười Ba la mật, Bồ Tát tu nhiều về Nguyện Ba la mật, các Ba la mật khác thì tùy sức tu hành.

Phật Tử! Đó là nói sơ lược về trí địa Bất động thứ tám. Nếu nói đủ thì trải qua vô số kiếp cũng không thể nói hết được. Bồ Tát trụ địa này, thọ sinh thường làm Đại Phạm Thiên Vương, cai trị ngàn cõi nước, oai đức thù thắng, không ai sánh bằng, hiểu rõ thật nghĩa, đủ oai lực, khéo giảng thuyết về đạo giải thoát của Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát, đạt đến bờ giải thoát.

Tất cả chúng sinh vấn nạn, đều không hề vướng mắc. Làm mọi việc, với các hành động bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, đều không rời tác ý với Phật, Pháp, Tăng, hạnh Bồ Tát, đạt đến bờ giải thoát, chư địa, Phật lực, pháp vô sở úy, pháp bất cộng, cho đến không rời tác ý với tất cả hành tướng thắng diệu, thường tương ưng tác ý với trí nhất thiết trí.

Thường phát nguyện: Đối với tất cả hữu tình ta sẽ là người dẫn đầu, là thắng, là thù thắng, là diệu, là vi diệu, là thượng, vô thượng, là không ai bằng, là không gì hơn, là bậc hướng đạo, tướng soái cho đến nguyện được làm chỗ dựa của trí nhất thiết trí.

Người nào ưa phát khởi sự tinh tấn như vậy, thì trong khoảng nháy mắt. Sẽ chứng đắc các Tam ma địa, nhiều như số vi trần ở trong trăm vạn tam thiên đại thiên Thế Giới. Sẽ thấy được vô số Đức Phật như vi trần nơi trăm vạn tam thiên đại thiên Thế Giới, được năng lực của Phật gia trì nên vị ấy có thể hoạt động khắp các cõi, nhiều như vi trần nơi trăm vạn tam thiên đại thiên Thế Giới.

Sẽ chiếu sáng các cõi nhiều như vi trần của trăm vạn tam thiên đại thiên Thế Giới. Tạo sự thành tựu đầy đủ cho vô số hữu tình, nhiều như vi trần trong trăm vạn tam thiên đại thiên Thế Giới. Sẽ sống lâu vô số kiếp, như vi trần nơi trăm vạn tam thiên đại thiên Thế Giới. Ở vào giai đoạn trước và sau đều được sống trong vô số kiếp như vi trần nơi trăm vạn tam thiên đại thiên Thế Giới.

Khéo suy tư, chọn lựa rõ ràng vô số pháp môn, như vi trần nơi trăm vạn tam thiên đại thiên Thế Giới. Sẽ thị hiện vô số thân, như vi trần nơi trăm vạn tam thiên đại thiên Thế Giới, mỗi thân thị hiện vô số Bồ Tát như vi trần nơi trăm vạn tam thiên đại thiên Thế Giới, làm quyến thuộc vây quanh.

Từ đây trở lên là các Bồ Tát có nguyện lực, nhờ nguyện lực thù thắng nên mọi việc làm như đi lại, thân, ánh sáng, thần thông, nhãn căn, cảnh giới, âm thanh, hành động, trang nghiêm, thắng giải, tạo tác dù có trải qua vô số trăm ngàn câu chi na do tha kiếp cũng không thể đếm hết hết.

Lúc ấy, Bồ Tát Kim Cang Tạng muốn lặp lại nghĩa trên, nên nói kệ rằng:

Thứ bảy đã tu tuệ phương tiện

Chuẩn bị hành trang phát nguyện lớn

Được Phật gia hộ đủ oai lực

Thuận công đức Phật tâm ý tịnh

Đầy đủ phước trí luôn thương yêu

Trí tuệ rộng lớn như hư không

Vì cầu thắng trí lên tám địa

Hiểu rõ tịch diệt, vô sinh nhẫn

Biết tánh các pháp không sinh khởi

Không tướng, chẳng thành, chẳng hoại diệt

Không đoạn, không đổi, hay dừng nghỉ

Vô tánh, là tánh, luôn bình đẳng

Nhờ không phân biệt, nhập trí Phật

Vượt tâm ý thức, tưởng phân biệt

Chứng được nhẫn này trụ thanh tịnh

Sâu xa bất động thường vắng lặng

Tất cả chúng sinh không thể lường

Tâm tướng trước giữ, thảy đều lìa

An trụ địa này không phân biệt

Ví như Tỳ Kheo nhập diệt định

Như mơ qua sông gắng hết sức

Tĩnh dậy thản nhiên không chướng ngại

Bồ Tát vì độ giới hữu tình

Địa này công dụng cũng tự ngừng

Như người Phạm Thiên dứt trần dục

Bồ Tát địa này dứt hai tướng

Nương theo dòng pháp nhờ ân Phật

Giác ngộ chỉ dạy lần đạt nhẫn

Chư Phật chỉ rõ: công đức Phật

Nay ông chưa đạt, hãy siêng năng

Tuy ông đã dập lửa phiền não

Lửa hoặc thế gian vẫn còn hừng

Hãy nhớ hạnh nguyện độ chúng sinh

Dạy chúng tu tập hướng giải thoát

Tánh pháp thường hằng lìa phân biệt

Chẳng phải chỉ Thế Tôn hiển đạt

Hàng nhị thừa cũng được pháp này

Hãy nên phát khởi các hạnh nguyện

Đáng được Trời Người tôn cúng dường

Trao truyền trí tuệ để quán sát

Thành tựu vô biên giáo Phật Pháp

Nhanh chóng vượt qua các hạnh nghiệp

Bồ Tát trụ trí địa vi diệu

Đạt sức thần thông thật rộng lớn

Nháy mắt phân thân khắp mọi nơi

Như thuyền vào biển nhờ gió đẩy

Ta không dụng công mặc sức trí

Biết được thế gian hoại hay trụ

Tất cả cõi nước đều sai khác

Hiểu rõ lớn nhỏ hay mênh mông

Bốn đại làm nên ba ngàn cõi

Chúng sinh sáu nẻo thân sai khác

Đầy đủ vô số các vật báu

Dùng trí quán sát biết tất cả

Bồ Tát biết được mọi thân tướng

Vì độ chúng sinh hiện đúng hình

Bồ Tát hiện thân khắp mọi nơi

Đủ thứ sai khác trong các cõi

Như nhật nguyệt trụ ở hư không

Hiển hiện bóng hình trong mặt nước

Trụ trong pháp giới không chốn động

Tùy nơi tâm niệm đều không đồng

Đều hiện thân trong tất cả chúng

Thanh Văn, Độc Giác và Bồ Tát

Kể cả thị hiện thân tướng Phật

Hiện thân nghiệp báo, cõi chúng sinh

Hiện đủ các thân trí và pháp

Thân tướng hư không luôn bình đẳng

Vì các chúng sinh mà thị hiện

Dùng mười Thánh trí quán sát khắp

Lại vì từ bi hành mọi việc

Thành tựu đầy đủ giáo Phật Pháp

Tịnh giới kiên cố như Tu Di

Thành tựu mười lực không lay động

Tất cả chúng ma không thể chuyển

Chư Phật gia hộ, Trời người kính

Mật tích Kim Cang luôn bảo vệ

công đức địa này thật khôn lường

Trăm ngàn vạn kiếp nói không hết

Càng cúng dường Phật trí càng sáng

Như đồ trang sức trên đầu Vua

Bồ Tát an trụ địa thứ tám

Thường làm Phạm Vương chủ ngàn cõi

Diễn thuyết ba thừa không cùng tận

Ánh từ chiếu khắp, phá các hoặc

Chỉ trong một niệm đạt tam muội

Nhiều như số bụi trăm vạn cõi

Những việc làm khác đều như vậy

Dùng sức thệ nguyện thì hơn đây

Bồ Tát Địa Bất động thứ tám

Ta đã lược nói cho các ông

Nếu phải tuần tự phân biệt giảng

Trải qua ức kiếp cũng không cùng

Địa Bất động thứ tám của Bồ Tát.

***