Kinh Đại thừa

Bộ Đại Tập

PHẬT THUYẾT KINH

THẤT PHẬT PHỤ MẪU TÁNH TỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở nước Xá Vệ. Trong nước, có người phụ nữ có con trai tên là Vô Diên do đó được gọi là Mẹ Vô Diên. Phật cùng năm trăm Tỳ Kheo đến nhà bà Vô Diên, ngồi thọ trai trên điện.

Sau khi thọ trai, có khoảng mười Tỳ Kheo, ở chỗ khuất, bàn luận với nhau: Phật là bậc chúng ta tôn kính, thần uy vô cùng, biến hóa tự tại theo ý muốn, lẽ nào Ngài không biết Phật quá khứ và Phật tương lai, với tuổi thọ, tên họ cha mẹ, bao nhiêu đệ tử, sự tu hành và giáo pháp của các Ngài. Phật bằng thiên nhĩ nghe các Tỳ Kheo bàn luận về việc này.

Ngài đến hỏi: Này các Tỳ Kheo, các thầy bàn luận về việc gì?

Các Tỳ Kheo thưa: Chúng con nghĩ rằng Phật có thần thông tối thượng, đạo đức vi diệu, hiểu biết cao xa, không ai có thể hơn Ngài được. Phật biết rõ Chư Phật quá khứ, Chư Phật tương lai, với tuổi thọ, tên họ cha mẹ, bao nhiêu đệ tử, sự tu hành và ý chí giáo lệnh.

Phật nói: Lành thay! Lành thay! Đúng như vậy. Các thầy hành pháp Sa Môn, nên nhớ nghĩ những việc lành như vậy.

Các thầy muốn nghe tên họ Chư Phật quá khứ với cha mẹ, đệ tử các Ngài không?

Các Tỳ Kheo thưa: Chúng con muốn nghe.

Phật dạy: Các thầy hãy lắng nghe!

Đức Phật thứ nhất tên Duy Vệ, nhập Niết Bàn đến nay đã chín mươi mốt kiếp.

Phật thứ hai tên Thức, nhập Niết Bàn đến nay cũng đã ba mươi mốt kiếp.

Phật thứ ba tên Tùy Diệp, nhập Niết Bàn đến nay đã ba mươi mốt kiếp.

Trong kiếp Phi địa la sẽ có một ngàn Phật, thứ nhất tên Phật Câu Lâu Tần, Đức Phật thứ hai tên Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, thứ ba tên Phật Ca Diếp, thứ tư là ta, Phật Thích Ca Văn Ni.

Phật Duy Vệ họ Câu Lân.

Phật Thức cũng họ Câu Lân.

Phật Tùy Diệp cũng họ Câu Lân.

Phật Câu Lâu Tần họ Ca Diếp.

Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, cũng họ Ca Diếp, Phật Ca Diếp cũng họ Ca Diếp.

Nay, Ta, Phật Thích Ca Văn Ni họ Cù Đàm.

Phật Duy Vệ dòng Sát Lợi.

Phật Thức cũng dòng Sát Lợi.

Phật Tùy Diệp cũng dòng Sát Lợi.

Phật Câu Lâu Tần dòng Bà La Môn.

Phật Câu Na Hàm Mâu Ni cũng dòng Bà La Môn.

Phật Ca Diếp cũng dòng Bà La Môn.

Đến nay, ta, Phật Thích Ca Văn Ni dòng Sát Lợi.

Phật Duy Vệ, cha tên Bàn Biểu, vua dòng Sát Lợi.

Mẹ tên Bàn Đầu Mạt Đà, trị vì đất nước tên Sát Mạt Đề.

Phật Thức, cha tên A Luân Noa, vua dòng Sát Lợi.

Mẹ tên Ba La Ha Việt Đề, trị vì đất nước tên A Lâu Na Hòa Đề.

Phật Tùy Diệp, cha tên Tu Ba La Đề Hòa, vua dòng Sát Lợi.

Mẹ tên Da Xa Việt Đề, trị vì đất nước tên A Nâu Ưu Ma.

Phật Câu Lâu Tần, cha tên A Chi Vi Đâu, dòng Bà La Môn.

Mẹ tên Tùy Xá Ca.

Quốc Gia tên Luân Ha Lợi Đề Na.

Quốc Vương hiệu Tu Ha Đề.

Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, cha tên Gia Thiểm Bát Đa, dòng Bà La Môn.

Mẹ tên Uất Đa La, nước tên Sai Ma Việt Đề.

Quốc Vương hiệu Sai Ma.

Phật Ca Diếp, cha tên A Chi Đạt Da, dòng Bà La Môn.

Mẹ tên Đàn Na Việt Đề Da, nước hiệu Ba La Tư.

Quốc Vương hiệu Kỳ Thậm Đọa.

Nay, ta Phật Thích Ca Văn Ni, cha tên Duyệt Đầu Đàn, Vua dòng Sát Lợi.

Mẹ tên Ma Ha Ma Da.

Nước tên Ca Duy La Vệ, Đại Vương đời trước tên Bàn Đề.

Phật Duy Vệ thọ tám vạn tuổi.

Phật Thức thọ bảy vạn tuổi.

Phật Tùy Diệp thọ sáu vạn tuổi.

Phật Câu Lâu Tần thọ bốn vạn tuổi.

Phật Câu Na Hàm Mâu Ni thọ ba vạn tuổi.

Phật Ca Diếp thọ hai vạn tuổi.

Ta, Phật Thích Ca Văn thọ trên dưới một trăm tuổi.

Con Phật Duy Vệ tên Tu Viết Đa Kiện Đa.

Con Phật Thức tên A Đâu La.

Con Phật Tùy Diệp tên Tu Ba La Viết.

Con Phật Câu Lâu Tần tên Uất Đa La.

Con Phật Câu Na Hàm Mâu Ni tên Đọa Di Đa Tiên Na.

Con Phật Ca Diếp tên Sa Đa Hòa.

Nay, con ta, Phật Thích Ca Văn Ni tên La Vân.

Phật Duy Vệ đắc đạo thành Phật dưới cây Ba Đa La.

Phật Thức đắc đạo thành Phật dưới cây Phân Đồ Lợi.

Phật Tùy Diệp đắc đạo thành Phật dưới cây Tát La.

Phật Câu Lâu Tần đắc đạo thành Phật dưới cây Tư Lợi.

Phật Câu Na Hàm Mâu Ni đắc đạo thành Phật dưới cây Ô Tạm.

Phật Ca Diếp đắc đạo thành Phật dưới cây Ni Câu Loại.

Nay, ta thành Phật Thích Ca Văn Ni dưới cây A Bái Đa.

Thị Giả Phật Duy Vệ tên A Luân.

Thị Giả Phật Thí tên Sai Ma Yết.

Thị Giả Phật Tùy Diệp tên Phục Chi Diệp.

Thị Giả Phật Câu Lâu Tần tên Phù Đề.

Thị Giả Phật Câu Na Hàm Mâu Ni tên Tát Chất.

Thị Giả Phật Ca Diếp tên Tát Ba Mật.

Ta, Phật Thích Ca Văn Ni, Thị Giả tên A Nan.

Phật Duy Vệ có đệ tử đệ nhất tên Tắc, đệ nhị tên Chất Hàm.

Phật Thức có đệ tử đệ nhất tên A Tỷ Vụ, đệ nhị tên Tam Tham.

Phật Tùy Diệp có đệ tử đệ nhất tên Phật Đề, đệ nhị tên Uất Đa.

Phật Câu Lâu Tần có đệ tử đệ nhất tên Tăng Kỳ, đệ nhị tên Duy Lưu.

Phật Câu Na Hàm Mâu Ni có đệ tử đệ nhất tên Chuyển Luân, đệ nhị tên Uất Đa.

Phật Ca Diếp có đệ tử đệ nhất tên Chất Da Luân, đệ nhị tên Ba Đạt Hòa.

Nay đệ tử đệ nhất của ta, Phật Thích Ca Văn Ni là Xá Lợi Phất La, đệ nhị tên Ma Ha Mục Kiền Liên.

Phật Duy Vệ thuyết ba hội Kinh cho các Tỳ Kheo.

Hội thuyết Kinh thứ nhất có mười vạn Tỳ Kheo đắc quả A La Hán.

Hội thuyết Kinh thứ hai có chín vạn Tỳ Kheo đắc quả A La Hán.

Hội thuyết Kinh thứ ba có tám vạn Tỳ Kheo đắc quả A La Hán.

Phật Thức cũng có ba hội thuyết Kinh.

Hội thuyết Kinh thứ nhất có chín vạn Tỳ Kheo đắc quả A La Hán.

Hội thuyết Kinh thứ hai có tám vạn Tỳ Kheo đắc quả A La Hán.

Hội thuyết Kinh thứ ba có bảy vạn Tỳ Kheo đắc quả A La Hán.

Phật Tùy Diệp có hai hội thuyết Kinh.

Hội thuyết Kinh thứ nhất có bảy vạn Tỳ Kheo đắc quả A La Hán.

Hội thuyết Kinh thứ hai có sáu vạn Tỳ Kheo đắc quả A La Hán.

Phật Câu Lâu Tần thuyết pháp một hội, có bốn vạn Tỳ Kheo đắc quả A La Hán.

Phật Câu Na Hàm Mâu Ni thuyết pháp một hội, có ba vạn Tỳ Kheo đắc quả A La Hán.

Phật Ca Diếp thuyết pháp một hội, có hai vạn Tỳ Kheo đắc quả A La Hán.

Ta, Phật Thích Ca Văn Ni thuyết pháp một hội, có một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ Kheo đều đắc quả A La Hán.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Không thể đo lường và xưng tán hết trí của Phật. Các thầy nên thọ trì về sự xuất hiện, cha mẹ, Quốc Vương, sự giáo hóa của bảy Đức Phật.

Phật lại dạy các Tỳ Kheo: Kinh luật không thể không học. Đạo pháp không thể không hành trì. Đức Phật như người lái chiếc thuyền trong biển lớn, cả ngàn vạn người đều nương nhờ vào người lái để đi qua biển.

Đức Phật dạy mọi người hành pháp thiện, đắc đạo quả và hóa độ thế gian cũng như vậy. Các Tỳ Kheo nghe Kinh này vui mừng, làm lễ rồi lui ra.

***