Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thiền đạt Ma đa La

PHẬT THUYẾT

KINH THIỀN ĐẠT MA ĐA LA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn
 

PHẦN MƯỜI BỐN

TU HÀNH TAM MUỘI BỐN VÔ LƯỢNG
 

Người tu hành nếu muốn tu tập tâm từ rộng lớn thì trước hết phải buộc tâm vào nơi chốn duyên, thâm nhập dần cho đến vô lượng, diệt trừ mọi lỗi xấu ác, tâm không còn hơn thua và cũng không kết oán với ai, thanh tịnh không sân hận.

Nghĩa là oán đối với bà con thân tộc thì có ba loại chín phẩm, còn đối với chúng sinh thì vô lượng, vô số, khắp cả mười phương, tận cả ba phần, thuần một hạnh lạc, chỉ trừ Quốc Độ Thế Giới. Đối với chúng sinh trong Thế Giới, duyên chung được thành tựu bao trùm khắp cả.

Hành giả tu pháp từ phương tiện, trước hết tâm phải tư duy bình đẳng, duyên chung nơi tất cả chúng sinh. Được như vậy thì tâm mới bền vững, diệt trừ mọi sân hận mà khởi lên lòng từ bi. Đây gọi là quán chung tam muội từ vô lượng.

Khi quán chung mà còn bị sân hận trói buộc thì đối với người thân nhất trong gia đình tu lòng từ biệt tướng, kế đến người thân vừa, thân xa và kẻ oan gia thì theo thứ lớp tu tập tâm từ với chín phẩm, dần dần lìa tâm sân hận, phát khởi niềm thương mến và đủ sự vui vẻ.

Một khi ba niềm vui cho mọi người rồi, sau đó đối tất cả chúng sinh khởi tâm tạo lợi ích rộng lớn, tu tập ba thứ từ: từ quảng đại, từ cực viễn và từ vô lượng. từ bỏ mọi sân hận nghi ngại, trụ vào tâm nhân ái, tùy theo sự thích ứng nơi thiện căn công đức, tất cả pháp Phật đều ban bố cho họ.

Nghĩa là ban bố vô so pháp lạc, tu vô số loại từ, trước nên ban cho niềm vui về xuất gia, rồi ban cho niềm vui về thiền định, chánh thọ.

Tiếp nữa, ban cho niềm vui bồ đề. Cuối cùng, ban cho niềm vui tịch diệt. Những gì đã trải qua hoặc chưa trải qua, hành giả thực hiện đầy đủ mọi sự an lạc, chính mình được và ngay cả người khác được về thiện căn thanh tịnh, cho đến tịch diệt vô thượng, rốt ráo vô vi.

Ý tưởng niệm theo sự tu hành ấy mà vô lượng pháp lạc cùng vơi tướng chúng sinh hiện ra trước. Khi tưởng lạc đã khởi rồi, mỗi mỗi quán sát nhờ vào tướng tự chứng, liền được quyết định. Cũng như gương sáng nên bóng các vật mới hiện ra. Gương tam muội từ cũng do các việc vui mà mọi tướng vui đều hiện ra cả.

Hoặc có lúc hành giả bị sân hận quấy loạn, nên suy nghĩ: Ta từ xưa đến nay do sân hận này mà gây ra nhiều sự giết hại và các tội nghịch, nên phải bị đọa vào đường ác, chịu đủ khổ độc trong địa ngục lớn, hoặc phải chịu làm các loài như ong, bò cạp, rết, rắn độc, rồng dữ, quỷ La Sát, các loài độc hại như vậy. Ngày hôm nay không lo gấp trừ diệt để phải chịu bức bách, vậy phải dùng phương tiện này chận đứng mọi sân hận.

Lại suy nghĩ: Kẻ mắng, người nhận, họ và ta đều bị vô thường chi phối, khoảnh khắc không dừng trụ, cả hai cùng là quá khứ. Tiếng ác đã diệt rồi sau lại khởi, vô cớ hai người lại tranh cãi lẫn nhau.

Nay mỗi niệm hai người liền diệt, hư vọng không thật, vậy thì ai mắng, ai nghe?

Như vậy làm gì có điên đảo?

Chấp có ngã rồi đánh nhau với hư không. Nhĩ căn do hư vọng điên đảo mà khởi lên nghiệp phiền não, thiệt căn của người kia cũng như vậy.

Nhân duyên sinh diệt thì ai mắng, ai nghe?

Khi hành giả suy nghĩ như vậy rồi, thì sự trói buôc của sân hận được cởi mở, hành tâm từ bi, lìa mọi vẩn đục, đạt được thanh tịnh.

Như Đức Phật dạy: Người tu lòng từ, thực hành bốn niệm xứ thì được quyết định, sự tu tập được phát triển, thành tựu vô lượng Pháp Môn, đạo quả thù thắng vi diệu, không còn bị thoái chuyển nữa.

Đấy là ba thứ phương tiện đại từ. Nếu đã lìa dục thì lại tu tâm từ thanh tịnh vi diệu, lìa dục vọng, làm cho tâm tạo lợi ích lớn càng phát triển đến vô lượng, chứng được quả chân thật. Nhờ công đức đầy đủ mà sở nguyện về Niết Bàn được rốt ráo.

Vì sao?

Vì tất cả Chư Phật dạy: từ là vô úy, từ là mẹ của các công đức, từ có khả năng làm phát sinh tất cả công đức, từ hay làm tiêu sạch mọi thứ xấu ác, hung bạo. Thế nên hành giả phải siêng năng tạo phương tiện, tu đại từ ly dục.

Bi vô lượng tức như lòng từ đối với tất cả kẻ oán người thân trong thế gian này thì bi cũng như vậy, nên theo thứ lớp mà tu tập.

Đức Phật dạy: Làm lợi ích cho khắp chúng sinh thì gọi là tâm từ, trừ diệt não hại là gọi là tâm bi. Nếu trước khởi lên tâm tạo lợi ích lớn đối với chúng sinh đem đủ mọi thứ vui ban cho họ, rồi sau quán chúng sinh chỉ thấy thọ lạc thì gọi là tâm từ.

Nếu trước quán chúng sinh chịu khổ vô lượng khổ, liền khởi tâm trừ diệt não hại, sau thấy chúng sinh được dứt hết não hại, khi ấy liền được mọi thứ vui, chứ không phải được cho vui, thì gọi là tâm bi. Thấy tướng thanh tịnh là từ, thấy tướng hư không là bi. Hạnh tạo lạc là từ, hạnh dứt khổ là bi, thế thì có sự sai biệt như vậy.

Hành giả thấy chúng sinh hung bạo, tranh cãi, giận hờn, tàn sát, giết hại, bức bách lẫn nhau, không che chở cho nhau, thấy như vậy rồi khởi lên tâm bi che chở cho họ.

Lai thấy chúng sinh thân thể bị chém đâm, xẻo tai, cắt mũi, chặt đầu, đau khổ không cùng, không thể cứu giúp được, thấy vậy rồi hành giả khởi lên tâm bi. Khi trụ tâm bi, hành giả thấy chúng sinh trong năm đường chịu đau khổ bị thiêu đốt, bức bách khôn lường mà khởi lên tâm bi, tha thiết mong muốn cứu giúp.

Như vậy, lúc hành giả hành tâm bi, vô lượng thiện căn phát sinh, vô lượng tướng công đức hiển hiện. Nếu thấy chúng sinh chịu vô số khổ não như vậy mà hành giả không khởi bi tâm, thì đó là con người cực ác, không có thiện căn.

Như vậy, đại bi là pháp tu tập chính yếu của tất cả Chư Phật, do đó tất cả biển trí tuệ đều được rốt ráo. Hành giả có kha năng tu tập đầy đủ thì biết rằng không bao lâu chắc chắn sẽ đạt đến nơi chốn ấy.

Hỷ vô lượng nghĩa là hành giả đối với cảnh giới từ, đem sáu tư niệm và các công đức thiện nơi vô lượng pháp Phật, chính mình phải thành tựu tất cả công đức của giới, định, tuệ, luôn làm lợi ích cho chúng sinh, chính mình vui, người khác vui đều đem ban hết cho họ. Hành giả thấy tất cả chúng sinh được pháp lạc thì tâm sinh hoan hỷ. Khi tâm đã hoan hỷ thì diệt tan mọi lo lắng. Lo lắng diệt rồi thì toàn bộ là sự phấn chấn, hoan hỷ tột bực.

Nghĩ rằng: Vui thích thay! Sẽ được an lạc vĩnh viễn. Một khi hành giả đã hoan hỷ đối với tất cả chúng sinh rồi, thì thành tựu nét vui thanh thoát, trong sáng. Đây gọi là tam muội Hỷ vô lượng.

Như Đức Phật dạy: Tu tập phải đạt được hỷ bình đẳng cho đến thức xứ.

Xả vô lượng tức là khi đã xả bỏ kẻ oán người thân rồi tâm duyên bình đẳng, đây chỉ là chúng sinh, không có sai khác. Lìa từ, bi, Hỷ chỉ làm cho chúng sinh hành động gần với cảnh giới, gần với tướng.

Vì thế, Đức Phật dạy: Xả hết tất cả, kể cả tướng tự có.

Xả vô lượng không giống với xả bỏ kia, mà là bình đẳng thanh tịnh, lìa tướng khổ vui, xả hiện tướng tương tợ. Đây gọi là tam muội Xả vô lượng.

Đức Phật dạy: Tu hạnh xả vô lượng cho đến cảnh giới vô sở hữu xứ.

Đã lược nói bốn tướng vô lượng, ngoài ra còn có các tướng sâu xa khác. Hành giả cần theo thứ tự tu tập.

***