Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thiền đạt Ma đa La

PHẬT THUYẾT

KINH THIỀN ĐẠT MA ĐA LA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn
 

PHẦN MƯỜI NĂM

TU HÀNH QUÁN ẤM
 

Nếu hành giả tích lũy công đức, đã từng tu tập thiền định, nghe ít, chỉ cần ai chỉ bày bổn duyên của mình thì có thể tư duy, quán sát năm ấm, hiểu rõ pháp thâm diệu, diệt trừ được sinh tử. Cũng như trận gió mạnh thổi tan đám mây dày, cũng đoạn trừ hết tất cả sự vui thích của ma oán.

Nghĩa của pháp quán năm ấm này sẽ giảng nói.

Hành giả suy nghĩ: Chính mình muốn vượt qua biển phiền não thì dứt khoát phải rời bỏ tham dục, phát sinh sự thấm nhuần, tự thân vui vẻ, diệt trừ sự ham muốn thô nhám nơi bốn đại, tùy thuận theo bốn đại mà sinh, thâu phục ý loạn tưởng, hướng thẳng đến cứu cánh, trí tuệ được thành tựu.

Nếu nơi chốn của quán căn bản được vững chắc, sáng, tịnh, thì có khả năng diệt trừ mọi phiền não, nhờ đó mà hiện ra các tướng vi diệu, trong suốt như lưu ly, long lanh như bọt nước nổi. Hành giả thấy tướng trong sạch không dơ này khởi lên thì dấy niệm lành và giữ tâm không cho buông lung. Khi đã không buông lung thì tướng thành thục khởi lên, tướng thành thục khởi lên rồi thì tướng hoại hiện.

Tướng hoại hiện rồi, chỉ khởi tưởng về pháp tất cả đều tịch diệt. Hành giả thành tựu pháp tướng đầy đủ như vậy thì ý chán lìa càng tăng lên, tinh tấn vững bền, không thể lay động. Khi ấy, chứng được tam muội thâm diệu, tam muội vững chắc, tam muội bất động.

Hành giả trụ vào các tam muội này thì có thể khởi lên năm thứ tam muội trong sáng chiếu soi khắp năm đường. Đó là tam muội Nguyệt quang, tam muội Nhật quang, tam muội Tịnh lưu ly, tam muội Luyện kim quang, tam muội Vô cấu pha lê. Nhờ vào năm thứ tam muội trong sáng này, lại phát sinh tam muội Quang diệu, tam muội Biến quang diệu, tam muội Vô lượng quang dieu.

Lại nữa, hành giả do năm thứ tướng hoại, có thể hủy hoại các duyên. Đó là một là xuyên thủng, hai là lột bỏ, ba là xé rách, bốn là hủy hoại, năm là tiêu diệt. Do năm tướng hoại này mà phá đi tất cả pháp.

Tu hanh năm thứ tam muội ấy thì cảnh giới bị hoại thảy đều được thanh tịnh, tiếp sinh năm thứ tướng tam muội: Tam muội Sư tử vương, tam muội Long Vương, tam muội Kim sí điểu vương, tam muội Tượng vương, tam muội Ngưu vương, tâm không còn phóng dật nên khởi lên tướng oai hùng này. Hành giả trụ vào các tam muội Thú vương này đều tùy theo mỗi loại mà thâu phục nó.

Lại nhờ vào sức của tam muội để quán mười tướng nam nữ khởi lên tùy loại tướng, thâu giữ tất cả chúng sinh khi ấy đều hiện. Nếu có thể phân biệt tướng của các tam muội này thì không còn sợ sệt nữa. Đây gọi là công đức tự tại đối với tất cả các pháp.

Lại nữa, hành giả từ cảnh giới minh tịnh, quán sát sự lưu chuyển của ấm, từ một chỗ chia ra làm hai phần. Quán như vậy rồi hợp lại thành một, mỗi mỗi lưu chuyển trong đó. Lại thấy năm tướng, mỗi tướng đều sai khác chia ra thành cảnh giới rồi hợp làm một.

Sắc như bọt nước nổi, thọ như bong bóng nước, tưởng như bóng của dợn nắng, hành như cây chuối, thức như tướng huyễn. Quán tướng huyễn của năm thức hư vọng này luôn luôn lừa dối, dối gạt hành giả. Quán như vậy rồi, thân được an ổn, nhu hòa, an lạc.

Lại quán chỗ khởi điểm, tướng không dơ liền hiện, như bong bóng sạch nổi trên mặt nước phát triển dần cho đến đầy cả thân. Tâm hành giả không còn buông lung, chuyên niệm thọ trì. Hành trì rồi thì tướng thanh tịnh càng tăng trưởng, che khắp cả thân, như bong bóng sạch nổi trên mặt đường, lìa các lỗi xấu ác.

Trí vi diệu thù thắng liền sinh thì hoại ngay tướng này. Tướng này đã hoại, dòng nước kia cứ chảy mãi vô lượng, như pha lê trong suốt, cảnh giới trí vô biên từ đó thâu tóm lại thành Mạn đồ la.

Lại có tướng khác đầy cả bổn xứ, rồi sau tràn đến mười phương vô lượng Thế Giới, khi đến mười phương rồi, trụ nơi tự tướng. Lúc này, hành giả thấy rõ vô lượng thứ sắc, cũng như nước từ núi đổ xuống làm sủi bọt, tất cả tướng thọ như bong bóng của trận mưa lớn.

Tất cả tướng tưởng như hơi nóng mùa xuân. Tất cả tướng hành như cây chuối, không gì chắc thật, quán sát thức như huyễn hóa. Các thứ hư vọng như vậy chỉ dối gạt kẻ ngu. Đây gọi là tu hành quán tự tướng của các ấm.

Quán tự tướng của ấm rồi, lại đem trí tuệ tự soi thân mình, chuyên niệm quán xét. Khi quán xét thấy tướng rực rỡ giáp vòng khởi lên nơi thân xứ, trong đó có đủ các thứ hoa chen nhau, thanh tịnh vi diệu, ngọc báu nhiễu quanh thân.

Lại tự thấy thân đủ các báu xen lẫn, các tướng công đức vi diệu trang nghiêm. Thấy các tướng vậy rồi, mắt tuệ của hành giả được bừng sáng, nhìn thấy chính mình và quán sát khắp tất cả. Quán sát rồi, hành giả lại quán tưởng ấm bên ngoài, lửa mạnh cháy rực, khi ấy liền sinh tâm nhàm chán, tinh tấn dũng mãnh muốn vượt qua biển khổ sinh tử không bờ bến.

Hành giả đối với tướng thiêu đốt của năm ấm đã chán lìa rồi, lìa tướng dục vọng thì các tướng giải thoát, tướng Niết Bàn và tướng của tất cả công đức lần lượt hiện ra.

Lại nữa, hành giả quán đủ bảy xứ quán năm ấm với khổ, tập, diệt, đạo. Lại quán do nơi ái mà sinh ra năm ấm nên nhàm chán về tai họa mà xa lìa. Như vậy, trong Chân Đế theo phương tiện chủng tử trí tuệ sinh khởi, do đó, bảy chỗ khéo tu đúng nghĩa của ba thứ quán. Quán tự tướng thành tựu, quyết định được vững chắc rồi sau đấy được thanh tịnh, dừng ở tu chỉ, bước qua tu tuệ, khi tuệ đã phát sinh thì cảnh giới bằng phẳng thuần nhất, không xen tạp.

Lại nữa, chứng được Quán thù thắng vi diệu thanh tịnh, tư tuệ quyết định, sự hưng suy của năm ấm mỗi niệm bị trừ diệt, thấy được tướng chân thật.

Ví như người ăn trúng thức ăn có độc tố, ắt phải chết. Hành giả quán sự lẫn lộn của ba tướng nơi năm ấm cũng lại như vậy, một niệm sinh, một niệm khổ, tức là khi chỉ một niệm cũng sinh, cũng trụ, cũng diệt. Khi niệm kia sinh liền cùng với khổ sinh. Thế nên mỗi niệm mỗi niệm liên tục.

Hành giả quán năm ấm với những sinh diệt, phá hoại, hư dối, vô thường, lỗi lầm của năm ấm như vậy, liền khởi lên hạnh vô thường, hạnh khổ, hạnh không, hạnh vắng lặng, hạnh vô ngã, là pháp vỡ lở là pháp không thật, pháp chóng mục nát và pháp hủy hoại.

Như thế là đúng nghĩa vô thường, như trong kinh giảng giải rộng, cho đến cả trăm câu. Hành giả phải thực hành hết các tướng, biết rõ chỗ chân thật của các pháp thì liền được giải thoát, ở vào ngôi chánh định của Hiền Thánh mà tu tập pháp quán tưởng này. Quán tướng vô thường ấy nên khởi lên nỗi lo chán cực độ, thấy chỗ lỗi lầm của pháp hữu vi, không vui thích ba cõi.

Lại nữa, hành giả nếu quán sinh thì không diệt, nếu quán diệt thì không sinh, như thế, thì không sinh Thánh hạnh, cốt yếu là phải nhất tâm nhất tướng, hướng thẳng đến giải thoát, sau đấy trí tuệ phát sinh, đấy mới là Thánh hạnh quyết định. Thánh hạnh đã khởi thì tất cả pháp tướng đều hoàn toàn tịch diệt.

Si, ái, phiền não và các tội nhơ bẩn, có thể chuyển thành khổ ấm thảy đều được diệt trừ, diệt rồi thì điều phục được tâm, là thấy rõ năm ấm không có ngã và ngã sở. Dùng các hành vô thường để quán sát khổ ấm. Quán sát khổ ấm có tám khổ bức bách, đối với tướng của tám khổ thành tựu tám hạnh. Đó là như bệnh, như ung nhọt, như đâm, như giết hại, vô thường, khổ, khong, vô ngã.

Như vậy là có bốn thứ thánh hạnh và bốn phi Thánh hạnh, đối với khổ ấm quyết định quán về chỗ chân thật. Như vậy là bốn đế, mười sáu Thánh hạnh là tướng tu hành ban đầu của pháp noãn, đối với chân đế, hành giả đạt được trí tuệ chân thật. Quán sát khổ ấm như hòn sắt nóng, cũng không có bền chắc.

Biết được như vậy, hành giả hướng thẳng đến Niết Bàn, quay lưng với sinh tử, không ham sự hiện hữu, không đắm sự sinh khởi. Ví như bầy thú bị thợ săn vây ngặt, vì sợ sệt nên chúng nỗ lực gấp rút để vượt khỏi vòng vây. Hành giả thấy sự thiêu đốt, vây bức của sinh tử nên đem hết sức trí tuệ, nhàm chán, quyết vượt khỏi vòng vây của sinh tử.

Lại nữa, hành giả khi phát sinh tư tuệ, chủng tử nơi pháp noãn khởi, dừng ở tu chỉ, bước sang phát triển tu tuệ, noãn chủng càng tăng trưởng, đến tự địa của noãn, tướng của noãn đầy đủ, thì lúc dừng ở tu chỉ, bước sang phát sinh tu tuệ, chủng tử nơi pháp đảnh khởi.

Khi pháp noãn sinh, chủng đảnh tăng trưởng, đến tự địa của đảnh tướng của đảnh đầy đủ. Khi pháp noãn sinh, chủng tử của pháp nhẫn khởi. Lúc pháp đảnh sinh, chủng tử của pháp nhẫn tăng trưởng, đến nhẫn tự địa tướng của nhẫn đều đầy đủ.

Lại nữa, vui đối với năm ấm thì gọi là pháp noãn. Pháp noãn quán năm ấm có niềm vui đối với Tam Bảo thì gọi là đảnh của pháp đảnh. Pháp quán mười tám giới có niềm vui đối với bốn đế gọi là nhẫn của pháp nhẫn.

Pháp quán mười hai nhập đến quán ba thứ, tùy theo thiện căn của hành giả mỗi lần tăng lên, cho nên nói là có sai biệt. Tất cả đều quán khắp Chân Đế, chỉ có nhẫn đối với quán chân thật là tăng lên, nên tưởng về pháp noãn tăng, pháp đảnh thì tín, hoan hỷ tăng pháp nhẫn thì trí tuệ tăng.

Lại nữa, hành giả có ba thứ duyên, đó là các phương trên, dưới và ba thứ căn lành, dựa vào ba duyên này mỗi một đều tăng lên cho nên được nêu ra.

Lại nữa, ba thứ tu noãn dựa vào đảnh để chán lìa, dựa vào quán về hỷ nhẫn, dựa vào xả bình đẳng, cũng tùy vào thiện căn của hành giả mỗi một tăng lên, cho nên được nêu ra. Nên biết, một thứ tu tập tận cùng thì thành tựu được ba pháp.

Lại nữa, hành giả nên biết, ví như có người bị năm giặc oán rút đao rượt theo hăm he muốn giết, tướng chuyển của năm ấm trước sau bức bách cũng như vậy.

Đức Phật dạy: Muốn cầu A Tỳ Tam Ma Gia thì phải nên thực hành Đạt Ma Ma Na Tư Già La.

Thường quán nghĩa chân thật, dùng đao Thánh hạnh chém đứt giặc ấm, không phải như kẻ yếu hèn không nắm nổi đao gậy nên rốt cuộc bị giặc bức hại.

Đến như vị Hiền Thánh mà còn siêng năng tu tập chánh quán như vậy, là vì các Ngài muốn có được hiện pháp lạc, vì đời sau mà làm gương sáng lớn và đoạn trừ tất cả nguồn gốc khổ đau, đem lại nhiều lợi ích cho chúng sinh, huống chi là hàng phàm phu không chứng đắc được gì, mà cứ buông lung, không lo siêng năng tu tập.

***