Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thiền đạt Ma đa La

PHẬT THUYẾT

KINH THIỀN ĐẠT MA ĐA LA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn
 

PHẦN MƯỜI SÁU

TU HÀNH QUÁN NHẬP
 

Sáu nhập đều ở nơi cảnh giới, luôn trói buộc tâm tham dục, ngu si của chúng sinh, vậy nên phải thường khởi ý tưởng thanh tịnh.

Hành giả nên biết! Đối với cảnh giới của các căn ngăn chận phi pháp, thâu tóm tâm theo nơi chốn duyên, buộc nó khiến cho không động, quán đúng về sáu nhập ví như làng xóm bỏ trống, lìa ngã và ngã sở, là nghĩa bất định, là nghĩa xứ của nhập là nghĩa dẫn dắt đi xuống, là nghĩa xứ của nhập hay đưa chúng sinh vào đường ác. Lại, tướng của nội nhập như đốt đập sắt, như kiếm thật bén cũng như dao bén.

Đức Phật dạy: Nếu quán xét về tướng của chúng thì có thể xa lìa.

Lại nữa, quán ngoại nhập như giặc ác cướp các thứ châu báu thiện. Nếu hành giả xả chánh niệm, mở các cửa nhập, giong ruổi theo sáu cảnh thì bị giặc ác sáu cảnh cướp đoạt tịnh giới, mất các công đức. Như chim không có hai cánh mà muốn bay trên không, người không hai chân mà muốn đi xa.

Người tu hành cũng vậy, phá hủy công đức tịnh giới thì hai cánh chỉ và quán vĩnh viễn không thể mọc lại, muốn vượt qua sinh tử, nhưng rốt cuộc không thể được. Như bình bị vỡ, muốn đựng đầy nước dù trong chốc lát cũng không thể. Tỳ Kheo phá giới cũng lại như vậy. Nước pháp tam muội chỉ trong khoảnh khắc một niệm cũng không trụ.

Như khéo giữ bình Thiên đức không cho vỡ, nó luôn tuôn ra châu báu tùy ý, không cùng tận. Tu hành cũng như vậy, không hủy phạm tịnh giới thì thường hiện ra báu công đức Thánh nên xem thường và phá hủy bình đức thì châu báu liền diệt. Nếu phá bình giới thì vĩnh viễn mất đi pháp bảo.

Ví như người bị sứt mũi soi gương, chắc chắn không vui vẻ gì. Tỳ Kheo phá giới cũng như vậy. Bên trong, tĩnh giác thâm tâm nhưng chẳng tự vui. Trăm thứ lúa thóc, thuốc men, cây cỏ đều nhờ vào đất mà phát sinh, tất cả công đức lành cũng đều dựa vào giới tịnh.

Như bột chiên đàn xoa vào thân thì trừ hết mọi nhiệt não. Giới thanh tịnh, mát mẽ hay chấm dứt lửa dục. Như ngọc báu như ý đem treo chỗ nào nóng bức thì nơi ấy liền được mát mẽ. Tịnh giới cũng như vậy, ở trong lửa phiền não có kha năng dập tắt sự thiêu đốt.

Tỳ Kheo phạm giới tự suy nghĩ: Tội nặng, nên sau khi chết, chắc chắn bị đọa vào đường ác, tâm luôn lo lắng hối hận, lúc sắp chết thì hoảng sợ. Người giữ giới thanh tịnh tâm luôn hoan hỷ, sống thì không lo lắng, hối tiếc đến khi chết thì an lạc.

Tịnh giới là cái thang để có thể bước lên nhà trí tuệ. Giới là vật dụng để trang nghiêm, cũng là binh khí tốt để bảo vệ. Giới có năng lực đưa con người đến Niết Bàn. Giới là thửa đất màu mỡ phát sinh mười thứ chủng tử tốt. Thầy dạy giới là như nước tùy thời tưới bón, tín căn liền sinh. Ấm vô lậu là gốc, bốn như ý túc là mầm, tâm từ là cành, nhánh, thiểu dục tri túc là cành lớn lá, bảy giác ý là hoa.

Trí giải thoát là quả, pháp tịch diệt là cam lồ. Hương giới tỏa ra xông khắp tất cả. Điểu vương Hiền Thánh đậu nghỉ nơi ấy. Bi là bóng râm mát mẻ che trùm khắp cả. Pháp Sư biện tài Vua ong mật, âm thanh hòa vọng tiếp nhau, thỉnh thoảng ra vị tinh thuần.

Cây kia cao thẳng, vững chắc không có dối trá quanh co, bệnh tật, đây gọi là đại thọ công đức. Những vị hành giả muốn hướng đến Niết Bàn, đẩy lùi mọi khổ đau của ba cõi, thẳng tới thành giải thoát, dần dần các công đức càng phát triển, dừng nghỉ bên gốc cây ấy, uống pháp cam lồ trừ khát của ba thứ hoạn họa, thân này được an ổn, có thể đi đến Niết Bàn.

Lại nữa, giới thì số lượng rất nhiều, hoặc một, hai, ba, bốn, hoặc bảy, cho đến mười hai, hai mươi mốt… nếu trong khoảnh khắc của mỗi niệm tức có vô lượng chủng loại giới: Đạo cộng, định cộng, đều sinh ra giới.

Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng cùng với tâm hồi chuyển. Quán các giới ấy, tướng của chúng đều khác biệt. Hoặc thuần thanh tịnh không vẩn đục. Hoặc nhẹ nhưng sáng sạch. Như vậy, giới tướng thanh tịnh hiện ra ở cảnh giới.

Hành giả dựa nơi duyên để niệm về ba xứ, quán xét về giới tướng. Nếu hương xoa mịn màng lìa dơ bẩn, tạo vui vẻ, trong sáng, thuần khiết, thanh sạch, đấy gọi là tướng trong chỗ nương dựa. Hoặc đất ấy bằng phẳng, rộng rãi với hoa đẹp, vật dụng bau, tô điểm bằng các thứ báu trơn láng, đấy gọi là tướng trong cảnh giới tu hành.

Ví như con ly ngưu luôn bảo vệ đuôi của nó, lỡ một sợi vướng vào cây, thì nó đứng chết tại gốc cây đó, chứ không cho đứt lông. Tỳ Kheo giữ giới cũng như vậy, dù là một giới nhỏ cũng phải giữ cho đến chết, quyết không phạm. Tướng vi diệu trang nghiêm thân, đầy đủ các vẻ đẹp, cũng như trăng mùa thu chiếu sáng trong hư không.

Hành giả tu tập Tam Muội quán tướng thanh tịnh này rồi, mãi cho đến mạng chung cũng không hối tiếc, cũng không nhiệt não, không sợ sệt. Vẫn luôn an vui, hoan hỷ, phấn khích cứ tăng mãi. Cứ như vậy, hành giả phát sinh sự tịch tĩnh an lạc, diệt trừ sự thô nhám nơi bốn đại. Như vậy gọi là tướng trong sự tu hành, nhớ nghĩ.

Lại nữa, trong ba thứ lại có tướng xen tạp làm nhiễu loạn, cản trở, mất chánh niệm, ý không dừng trụ. Hành giả thỉnh cầu sám hối tội lỗi, trọn đời không tạo những nghiệp ác bất thiện, cho đến trong giấc mộng cũng không phạm. Như vậy, việc thọ trì giới càng phát triển lên.

Đức Phật dạy: Giới là tràng hoa và hương xoa, là các vật dụng để trang nghiêm.

Gió hương thơm một phương thổi đến ngát cả Thế Giới, các nơi thổi đến thì ngát hương thơm giới đức. Hoặc là thân không có tay, chân, mắt, tai, mũi, lưỡi… tất cả chi tiết đều không nguyên vẹn. Hoặc thân bị chìm đắm trong phiền não bụi bặm. Hoặc quán xét tự thân lìa mọi trần cấu, tắm rửa, xoa hương vào thân, mặc các thứ y phục nổi bật. Đây gọi là tu hành, từ chỗ nương tựa vào duyên để nhớ nghĩ, quan sát.

Giới có nhiều thứ tạp tướng, oai nghi, định cộng giới, đạo cộng giới, ba thứ giới ấy thảy đều lấy từ trong đó ra để nói. Ba thứ giới này lại có vô lượng các tướng sâu xa vi diệu, người trí sáng suốt nên diễn giảng cho rộng rãi.

Hành giả đã quán ve tịnh giới, muốn phá các núi nhập, cần phải tu hai pháp: Chỉ và quán. Trước nên quán xa lìa các điều ác, thân lúc nào cũng đầy niềm vui vẻ, diệt trừ sự thô nhám nơi bốn đại, sự nhu thuận nơi bốn đại sinh, hướng thẳng đến sự an lạc của tịch tĩnh, nhất tâm, không loạn động, tự nơi nội thân buộc tâm vào tướng nhập.

Cần phải khéo bảo vệ chỗ dấy khởi của tướng nhập, lúc quán sát, tướng bạch tịnh khởi lên, Tỳ Kheo khi thấy tướng ấy phải khéo giữ gìn, như lời Phật dạy. Ví như gà mẹ khéo biết cách che chở đàn con, nhất định thành tựu, Tỳ Kheo tu hành cũng như vậy, phải chuyên tinh giữ gìn mới được thành tựu.

Khi ấy, tướng của mười hai quả tu hiện ra rõ ràng, hành giả khéo bảo vệ, xa lìa mọi buông lung, thì sự tu tập đạo quả mới thành tựu. Cảnh giới thanh tịnh vi diệu lìa các thứ cấu uế, sáng như viên ngọc báu, long lanh như giọt nước đọng, cảnh giới rộng khắp thân xứ, chỉ một phần nhỏ hiện bày tận phương xa, rồi sau lại trở về.

Về rồi, một tướng hiện ra, lại chia làm hai, rồi hợp lại làm một, thành cảnh giới Mạn Đồ La, an trụ bằng phẳng hiện khắp các tướng. Cũng như các ngôi sao, hàng lơp phát ra ánh sáng, rồi sau đó mới lặn, lặn rồi mỗi mỗi đều hiện ra, hợp lại làm một, rồi lại tràn ra khắp các phương. Hiện khắp các phương rồi, lại về trụ nơi an ổn vững chắc.

Trụ rồi, tướng thành thục hiện, tướng thành thục hiện rồi lại có vô số các tướng hiện khắp, trải rộng ra, các vật dụng y phục vi diệu, các tướng kỳ lạ đặc biệt đều hiện. Cảnh giới của nội nhập như làng xóm trống vắng. Ngoại nhập là sắc, thanh, hương, vị, xúc và ba đời với ba thứ pháp thiện, bất thiện, vô ký, tất cả đều hiện nơi quán chân thật ấy.

Lại nữa, sáu nhập bên ngoài như giặc, sáu nhập bên trong như xóm làng trống vắng. Cũng nói nhập trong ngoài là bờ bên này, bờ bên kia. Mười hai nhập ấy với các tướng thù thắng vi diệu phát triển đến vô lượng. Điều này trong Kinh Phật đã giảng nói rộng.

Lại nữa, hành giả đối với cảnh giới ấy, tướng thành thục khởi lên, khởi rồi lại hoại, từng chặng có tướng đoạn lìa. Tướng đoạn lìa chảy đi thật xa rồi dừng trụ một chỗ. Như bình quý đựng đầy nước rồi sau mới mở ra, dần thấy tịch diệt. Tịch diệt rồi lại có tướng của tất cả công đức khác phát sinh, trong các môn nhập, thường hiện ra các tạp tướng.

Ra rồi, mỗi mỗi lại ở một chỗ, kết thành Mạn Đồ La. Trên Mạn Đồ La lại có tự tướng khởi lên, khởi rồi lại thành thục, thành thục ấy không lâu thì tịch diệt. Sau đấy hành giả lại gia tâm tinh tấn, liền hiện tướng thiền thanh tịnh vi diệu. Hiện rồi lại tịch diệt, như các thứ lớp trước.

Lại nữa, hành giả ở trong các nhập có vô số các tướng vi diệu, buộc tâm vào đó thì tướng quyết định liền khởi. Đây gọi là viên minh châu trong búi tóc, dụ cho tam muội. Hành giả quán thân mình chia làm hai phần, trên các bảo tạng có hoa sen báu, hành giả thấy mình ở trên hoa sen, lại có các hoa báu vi diệu trang nghiêm xung quanh.

Lại nữa, như Đức Thế Tôn trong Kinh nêu dụ về sáu thứ của chúng sinh, từ đó hành giả quán xét đầy đủ: Mắt là chó, đuổi chạy vào thôn năm sắc. Tai là chim bay theo âm thanh trống rỗng. Mũi là rắn độc chui vào hang thơm. Lưỡi là chồn hoang, đắm vào năm vị thây chết. Thân là Thâu Thu Ma La thường vui bám theo biển xúc.

Ý là khỉ vượn luôn vui nhảy theo rừng pháp pháp ba đời. Nếu sáu căn của chúng sinh bị buộc chặt vào một chỗ, không cho nó luông tuồng chạy theo chỗ vui thích, tức là hành giả dùng chánh niệm của tam muội trói chặt sáu căn, không cho nó mặc sức chạy theo các duyên, sau đấy dùng trí thanh tịnh quán pháp chân thật.

Phàm phu ngu tối đối với sáu cảnh tham đắm, mong muốn về vô lượng pháp ác. Hành giả quán đúng như vậy thì nhất định trừ diệt được tất cả sự vui đắm nơi cảnh giới, luôn là mối gây ra chướng ngại không thể đến Niết Bàn của chúng sinh. Thế nên hành giả muốn phá trừ sinh tử để hướng đến Niết Bàn thì phải hàng phục các căn, rời xa cảnh giới bên ngoài.

***