Kinh Đại thừa

Bộ Niết Bàn

PHẬT THUYẾT

KINH THỌ TÂN TUẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

Nghe như vậy, một thời Đức Phật ở trong Vườn Ðông Uyển Lộc Mẫu nước Xá Vệ, cùng đông đủ năm trăm chúng đại Tỳ Kheo. Bấy giờ Đức Thế Tôn vào ngày rằm tháng bảy, trải tọa cụ nơi khoảng đất trống, có Tỳ Kheo Tăng trước sau đảnh vây.

Ðức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Bây giờ nơi khoảng đất trống này, ngươi hãy gấp đánh tiếng Kiền Chùy.

Vì sao vậy?

Vì hôm nay là ngày rằm tháng bảy, chính là ngày thọ tân tuế.

Khi ấy Tôn Giả A Nan quỳ gối bên phải xuống đất chấp tay, rồi đọc bài kệ này:

Bậc Tịnh Nhãn ai bằng

Vô sự không kén chọn

Trí tuệ không nhiễm trước

Những gì là thọ tuế.

Thế Tôn trả lời Tôn Giả A Nan:

Thọ tuế: Ba nghiệp tịnh

Thân, miệng, ý tạo ra

Hai Tỳ Kheo đối nhau

Tự phơi bày lỗi lầm

Rồi tự xưng tên tuổi

Hôm nay chúng thọ tuế

Tôi cũng tịnh ý thọ

Chỉ mong thấy lỗi lầm.

Tôn Giả A Nan dùng kệ hỏi nghi thức thọ tuế:

Hằng sa Phật quá khứ

Bích Chi và Thanh Văn

Các Đức Phật như vậy

Hay chỉ có Thích Ca.

Thế Tôn trả lời Tôn Giả A Nan:

Phật quá khứ hằng sa

Ðệ tử tâm thanh tịnh

Ðều có các Phật Pháp

Ðâu chỉ Thích Ca văn

Bích Chi không pháp này

Không tuổi không đệ tử

Một mình không bạn lữ

Không thuyết pháp kẻ khác

Phật Thế Tôn đương lai

Nhiều hằng hà sa số

Họ cũng thọ tuổi này

Như nay Pháp Cù Đàm.

Bấy giờ Tôn Giả A Nan nghe lời này rồi vui mừng sung sướng, không thể tự kềm chế được, liền lên giảng đường tay cầm Kiền Chùy và nói như vậy: Nay tôi đánh lên tiếng trống tín tâm của Đức Như Lai, các chúng đệ tử hiện hữu của Đức Như Lai thảy đều vân tập.

Khi ấy Tôn Giả A Nan lại nói bài kệ này:

Hàng phục ma lực oán

Trừ kiết sử sạch trơn

Ðánh kiền chùy, đất trống

Tỳ Kheo nghe vân tập

Những ai muốn nghe pháp

Vượt qua biển sanh tử

Nghe tiếng vi diệu này

Thảy đều mau vân tập.

Bấy giờ Tôn Giả A Nan đã đánh tiếng kiền chùy xong, đi đến chỗ Đức Thế Tôn cúi đầu lạy dưới chân Ngài, đứng qua một bên, bạch Đức Thế Tôn rằng: Nay đã đúng lúc, cúi mong Đức Thế Tôn có điều gì dạy bảo cho chúng con.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Các ngươi hãy theo thứ lớp ngồi xuống, Như Lai tự biết thời.

Khi ấy Đức Thế Tôn ngồi trên tòa cỏ bảo các Tỳ Kheo: Tất cả các ngươi hãy ngồi trên tòa cỏ.

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng bạch Thế Tôn.

Bấy giờ các Tỳ Kheo đều ngồi xuống tòa cỏ.

Lúc ấy Đức Thế Tôn im lặng quán sát các Tỳ Kheo xong, liền bảo các Tỳ Kheo: Nay ta muốn thọ tân tuế.

Ta có lỗi lầm gì với mọi người chăng?

Và không có phạm lỗi lầm gì về thân, khẩu, ý chăng?

Ðức Như Lai nói như vậy xong, các Tỳ Kheo im lặng không nói.

Bấy giờ Đức Như Lai ba lần lại bảo các Tỳ Kheo: Nay ta muốn thọ tuế, song ta không có lỗi lầm gì với mọi người chăng?

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất từ tòa ngồi đứng dậy quỳ xuống, chắp tay bạch Đức Thế Tôn: Các chúng Tỳ Kheo quán sát về thân, khẩu, ý của Đức Như Lai không có lỗi lầm gì cả.

Vì sao như vậy?

Vì ngày hôm nay Đức Thế Tôn đối với những người chưa độ thì đã độ, những người chưa giải thoát thì được giải thoát, những người chưa Niết Bàn thì làm cho họ được Niết Bàn, những người chưa được cứu hộ thì được cứu hộ, những người đui mù thì làm cho sáng suốt, Ngài là bậc Y vương đối với những người bệnh, Ngài là bậc độc tôn trong ba cõi, không ai có thể sánh kịp.

Ngài là bậc Tối Tôn tối thượng, ai chưa khởi lên ý đạo thì Ngài làm cho họ phát sanh ý đạo, những người chưa ngộ thì Ngài làm cho được ngộ, ai chưa được nghe pháp thì Ngài làm cho họ được nghe. Kẻ mê muội thì Ngài chỉ cho họ con đường tắt để đưa họ đến chánh pháp.

Do những nhân duyên đó cho nên Đức Như Lai không có lỗi lầm gì đối với mọi người, cũng không có lỗi lầm gì về thân, khẩu, ý của Ngài cả.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Đức Thế Tôn: Nay con cũng hướng về Đức Như Lai để tự phơi bày.

Vậy con có lỗi lầm gì với Đức Như Lai và chúng Tỳ Kheo không?

Ðức Thế Tôn bảo: Này Xá Lợi Phất, nay ngươi hoàn toàn không có những hành vi phi pháp về thân, khẩu, ý.

Vì sao vậy?

Vì nay ngươi được trí tuệ không ai sánh bằng, có nhiều loại trí tuệ, vô lượng trí tuệ, vô biêntrí tuệ, trí tuệ không ai sánh bằng, trí tuệ nhanh nhạy, trí tuệ sắc bén, thậm thâm trí, bình đẳng trí, ưa thích sự thiểu dục tri túc, có nhiều phương tiện, tâm niệm không sai lầm, tán loạn, tổng trì tam muội, căn nguyên cụ túc giới.

Thành tựu tam muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, thành tựu sự dõng mảnh phi thường, có thể nhẫn chịu những điều dèm pha, biết điều ác là phi pháp, tâm tánh mẫu mực, không làm điều tàn bạo, giống như Ðông Cung Thái Tử của Chuyển Luân Thánh Vương sẽ nối dõi địa vị của Vua, quay bánh xe báu.

Xá Lợi Phất cũng lại như vậy, quay Pháp Luân thanh tịnh vô thượng mà Chư Thiên, người đời và loài Rồng, Quỷ Thần hoặc Thiên Ma cũng không thể làm được. Nay những điều ngươi đã nói thường luận nghị như pháp, chưa từng sai với chân lý.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Đức Phật rằng: Năm trăm Tỳ Kheo này đều xin sẽ thọ tuế.

Năm trăm Tỳ Kheo này đều không có lỗi lầm gì với Đức Như Lai chăng?

Ðức Thế Tôn bảo: Ta cũng không có quở trách gì về hành động thân, khẩu, ý của năm trăm Tỳ Kheo này.

Vì sao vậy?

Này Xá Lợi Phất, trong đại chúng này hết sức thanh tịnh, không có các tỳ vết ô uế. Nay trong chúng này vị hạ tọa nhỏ nhất cũng đắc được đạo quả Tu Đà Hoàn, chắc chắn sẽ tiến lên và chuyển bánh xe pháp một cách bất thối. Do lý do đó nên ta không có gì phiền trách chúng này.

Khi ấy Bằng Kỳ Xà ở trong chúng này liền từ tòa đứng dậy, đến trước Đức Thế Tôn, đầu mặt lạy dưới chân Đức Thế Tôn thưa rằng: Nay con có điều muốn luận bàn về việc này.

Ðức Thế Tôn bảo: Nếu ngươi có điều muốn nói thì nay đã đúng lúc.

Bằng Kỳ Xà liền ở trước Đức Phật tán thán Đức Phật và Tỳ Kheo Tăng nên nói bài kệ này:

Ngày mười lăm thanh tịnh

Năm trăm Tỳ Kheo họp

Các trói buộc đều mở

Không ái cũng không sanh

Ðại Thánh Vương Chuyển Luân

Có Quần Thần đoanh vây

Cùng khắp cả Thế Giới

Thiên thượng và thế gian

Ðại tướng dẫn mọi người

Ðạo sư của loài người

Ðệ tử thích nương tựa

Ðược tam đạt, lục thông

Ðều là chân Phật Tử

Ðã sạch hết bụi trần

Ðoạn trừ gai ái dục

Ngày nay tự quy y.

Bấy giờ Đức Thế Tôn chấp nhận những điều Bằng Kỳ Xà nói.

Khi ấy Bằng Kỳ Xà suy nghĩ: Ngày hôm nay Đức Như Lai đã chấp nhận những điều ta nói, nên Tôn Giả rất đi hoan hỷ, vui mừng không sao tả được, liền từ tòa đứng dậy, đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi lui về chỗ ngồi.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Người đệ tử làm kệ tụng số một trong chúng Thanh Văn của ta chính là Tỳ Kheo Bằng Kỳ Xà, đã nói những lời không nghi nan, cũng chính là Tỳ Kheo Bằng Kỳ Xà vậy. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Đức Phật dạy xong hoan hỷ phụng hành.

***