Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thuận Quyền Phương Tiện

PHẬT THUYẾT KINH

THUẬN QUYỀN PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM BA

PHẨM KHẤT THỰC
 

Bấy giờ, Tôn Giả Tu Bồ Đề nói với cô gái: Xin cô hãy giảng nói, khen ngợi về tất cả các hạnh nghiệp Đại Thừa.

Cô gái nói: Giả sử dù kiếp này qua kiếp nọ diễn nói về Đại Thừa, tôi cũng không thể nào nói cùng tận, vì hạnh nghiệp của Đại Thừa không thể suy lường được. Công đức và tên gọi của Đại Thừa cũng không thể xưng kể.

Tôn Giả Tu Bồ Đề lại nói với cô gái: Cô đã hỏi tôi vì sao lại đi khất thực, vì Đức Như Lai Chí Chân cũng đi khất thực. Tôi thực hành theo Như Lai không dám trái vượt.

Cô gái nói: Thưa Tôn Giả! Tôn Giả đã có thể biết được phương tiện thiện xảo của Chư Phật, vì muốn giáo hóa chúng sinh mà đi khất thực.

Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi: Cô cũng thực hành các hạnh như vậy của Phật với ý nghĩa tùy thời.

Tôi thì không thể giảng nói ý nghĩa ấy, vậy thì tu hành theo phương tiện thiện xảo lại chỉ là đi khất thực thôi sao?

Cô gái đáp: Xin Tôn Giả hãy lắng nghe! Đức Như Lai Chí Chân vì hai mươi việc, quan sát nghi tắc của pháp mà đi khất thực.

Hai mươi điều ấy gồm:

1. Vì hiện bày sắc thân, tướng mạo vi diệu trang nghiêm.

2. Vì người đi theo Như Lai khất thực để học hỏi chánh pháp.

3. Vì hoặc có chúng sinh tu tập theo ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm của Phật.

4. Vì người quan sát thân Như Lai đầy đủ sự trang nghiêm.

5. Có đầy đủ các tướng tốt đúng như pháp.

6. Vì khiến cho chúng sinh phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng.

7. Vì người nhớ nghĩ về Như Lai nên theo đúng như pháp mà khất thực.

8. Vì Như Lai vào thành ấp, xóm làng nào để khất thực thì thành ấp, xóm làng ấy đều được an ổn.

9. Vì khiến cho người mù được nhìn thấy các hình sắc.

10. Vì khiến cho người điếc được nghe rõ các âm thanh.

11. Vì khiến cho người loạn tâm, mê lầm được định tĩnh tâm ý.

12. Vì khiến cho người không có y phục được y phục.

13. Vì khiến cho người đói có được thức ăn.

14. Vì khiến cho người khát có được nước uống.

15. Vì khiến cho người bị bệnh mau được thuyên giảm.

16. Không giận, không si.

17. Không tham, không ganh ghét.

18. Không hận, không bực tức, cũng không tự đại.

19. Tâm không phiền não, thương yêu tất cả chúng sinh.

20. Nghĩ đến vô số chúng sinh, đều xem như cha mẹ của mình.

Đó là hai mươi việc.

Nếu Như Lai vào thành ấp, xóm làng để khất thực thì chúng sinh nào được gặp Như Lai đều phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng.

Lại nữa, thưa Tôn Giả! Đức Thế Tôn đại bi giáo hóa vô số chúng sinh khổ nao, Đức Thế Tôn đến tất cả mọi nơi trong ba cõi để tùy thời cứu giúp. Như Lai thị hiện các ý nghĩa đều được tự tại nên Đức Thế Tôn thực hành khất thực.

Thưa Tôn Giả! Khi Như Lai vào các thành ấp, xóm làng để khất thực, vô số Chư Thiên, Rồng, Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Đế Thích, Phạm Vương và bốn Vua Trời Hộ Thế đều theo hầu hạ, phụng sự, cúng dường, nương oai thần Phật để phát tâm đạo.

Lại nữa, thưa Tôn Giả! Các vị Trời, Rồng, Thần, Đế Thích, Phạm Vương nhờ cúng dường Đức Như Lai, thấy thân Như Lai, nên tâm đạo sáng suốt vô biên, hoàn toàn định tĩnh, họ tự suy nghĩ: Thật là chưa từng có! Đức Như Lai Chí Chân giảng nói các pháp, chúng ta đều được nghe nhận, ưa thích thực hành theo Kinh Pháp và quay về nương tựa Như Lai. Vì phát tâm đạo rộng lớn nên Đức Như Lai đi khất thực.

Thưa Tôn Giả! Đức Như Lai khất thực vô số hạng người, người ưa chức quan, ham thích tiền của và sự giàu sang, người mong có sắc đẹp, người cầu có được nhiều quyến thuộc, cho đến Vua Chuyển Luân được gặp Phật Thế Tôn cũng liền bỏ ngôi Vua xuất gia tu đạo, họ suy nghĩ: Đức Phật vì lòng đại bi mà đến nhà nghèo khổ để khất thực, vì từ bỏ lợi lộc ở đời, phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng mà khất thực.

Thưa Tôn Giả! Các vị Thần, Thiên Tử, Phạm Thiên nương thần lực Phật mà được nhìn thấy Như Lai, các vị suy nghĩ: Như Lai luôn luôn no đủ chưa từng đói khát, vì thương chúng sinh nên Ngài cùng các đệ tử đi khất thực. Chúng ta nên ngày đêm chí thành tinh tấn cầu đạo quả Chánh Giác, rồi cùng với quyến thuộc đều đi khất thực. Suy nghĩ xong, các vị đều phát tâm cầu đại đạo.

Thưa Tôn Giả! Nếu những người biếng nhác mà được thấy Đức Như Lai trong các thành ấp, xóm làng, tâm liền hoan hỷ cúi đầu kính lễ quy y, phát tâm bình đẳng cầu đạo quả Chánh Giác tối thượng.

Thưa Tôn Giả! Được thấy Chư Phật Thế Tôn thì không bao giờ hư dối, những người được nghe âm thanh của Ngài, vừa phát tâm thì liền đạt được căn bản của đạo, nhờ đó chắc chắn sẽ được giải thoát. Vì thế nên Như Lai thực hành khất thực.

Thưa Tôn Giả! Đức Như Lai vào các thành ấp, xóm làng, những người bị giam cầm trong lao tù đều được giải thoát. Chúng sinh nào nghe được danh hiệu Như Lai, nương theo lời dạy của Như Lai tự nhiên được giải thoát, vì muốn báo ân của đấng đại từ nên phát tâm cầu đạo chánh chân vô thượng. Vì vậy, nên Đức Như Lai thị hiện khất thực.

Thưa Tôn Giả! Nếu Thiện Nam, Thiện Nữ nào nghe các công đức của Như Lai, khen ngợi và niệm danh hiệu của Ngài, cúng dường Như Lai những thực phẩm hảo hạng, y phục, đồ nằm và các vật dụng khác.

Những người vì phải cung kính phụng dưỡng cha mẹ, đỡ đần anh chị em, hoặc bận bịu chồng vợ, con cháu nên không thể đến để phụng sự và gặp Như Lai, vì thế nên Đức Như Lai phải vào các thành ấp, xóm làng để khất thực, những người ấy sẽ rất hoan hỷ được cúng dường Đức Phật, tất cả đều phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng.

Thưa Tôn Giả! Bốn Vua trời Hộ thế cúng dường vào bình bát Đức Như Lai, những người nghèo khổ có ít tiền của mà muốn cúng dường một ít thực phẩm cho Đức Như Lai, khi nhìn vào bình bát của Ngài thì bát tự nhiên đầy thực phẩm, còn những người giàu có, nhiều của cải, muốn cúng dường Như Lai thật nhiều, khi nhìn vào bình bát thì thấy bát trống không, liền cúng dường Như Lai, tất cả những người ấy đều phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng. Vì thế nên Đức Như Lai đi khất thực.

Thưa Tôn Giả! Giả sử Đức Như Lai nhận vô số thực phẩm đều đựng trong một bình bát, dù trăm ngàn bát thức ăn cũng đều đựng trong một bình bát, vô số Chư Thiên, Rồng, Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già thấy Đức Như Lai thị hiện biến hóa đều phát khởi tâm thiện chưa từng có, tất cả đều phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng. Vì vậy nên Đức Như Lai thực hành khất thực.

Thưa Tôn Giả! Thân Như Lai như kim cương, vô lượng phước đức. Thân Như Lai không có sinh tạng, thục tạng, cũng không có những vật bất tịnh như đại tiện, tiểu tiện, khong bị đói khát nhưng vẫn thị hiện khất thực và có sự ăn uống, người không chấp vào các nhập mới thấy được Như Lai hiển bày ánh sáng pháp chân chánh về trí tuệ lớn, nhờ đó mà được phát tâm cầu chánh đạo.

Thưa Tôn Giả! Nếu có chúng sinh cúng dường thực phẩm cho Đức Như Lai, nhiều hay ít, thô hay tế, ngon hay dở đều kính dâng Như Lai thì đều vun trồng được cội rễ công đức và tạo được phước lành không thể suy lường, không thể tính kể, huống nữa là cúng dường rộng lớn bằng cả Cõi Trời, người, phước đức không thể cùng tận, sẽ đạt được diệt độ. Vì thế mà Đức Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, thưa Tôn Giả! Đức Như Lai có các tam muội Chánh thọ, vô số các vị Thần, Trời, Phạm Vương, các Thiên Tử… thấy Đức Như Lai đi khất thực nhưng vẫn không ra khỏi tam muội, các vị suy nghĩ: Hôm nay Đức Phật vì thương chúng sinh nên mới đi khất thực, không phải vì đói nghèo. Các vị trời và loài người thấy được điều lợi ích này đều phát tâm cầu đạo. Vì thế nên Đức Như Lai đi khất thực.

Thưa Tôn Giả! Đức Như Lai luôn luôn thực hành khất thực với sự tự tại của Bậc Thánh Hiền, không hề có tâm tham lam, ganh ghét, cũng không vì sự ăn uống. Ngài vì những người có lòng tin mà giảng nói pháp, khiến cho họ được xuất gia học đạo và để giáo hóa các thiện nam, thiện nữ, nên Ngài đi khất thực.

Đối với những người đói khát, không được ăn uống, không thể tự đến với đạo để tạo phước đức, vì muốn khiến cho những người ấy được viên mãn các nguyện nên Đức Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, thưa Tôn Giả! Như Lai tự thực hành khất thực theo pháp của Thánh Hiền để hóa độ những người chưa đạt Bậc Thánh Hiền, cứu giúp cho những người bị trở ngại, khiến họ không còn gì vướng mắc, giúp họ đạt được trí tuệ Ba La Mật, phát tâm cầu đại đạo.

Lại nữa, thưa Tôn Giả! Đức Như Lai vì thương các xứ sở biên địa vào đời vị lai nên Ngài đi khất thực.

Vào đời vị lai, có những trưởng giả, Phạm chí không kính tin đạo pháp, sẽ suy nghĩ: Bậc Thánh Sư không đi khất thực, sao các đệ tử của Bậc Thánh lại đi khất thực và các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni đều buồn bực không vui. Vì thế, Đức Phật đi khất thực.

Còn nếu thấy Phật đi khất thực, họ lại suy nghĩ: Đức Phật Vô Thượng Tôn vì thương chúng sinh nên Ngài đi khất thực thì vì sao các đệ tử học pháp của Phật lại không đi khất thực, chúng tôi xin sẽ đích thân cúng dường. Các đệ tử đều vâng lời Phật dạy mà đi khất thực. Những trưởng giả, phạm chí ấy thấy vậy đều rất hoan hỷ và họ cúng dường tất cả các Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Vì vậy, Đức Như Lai đi khất thực.

Lại nữa, thưa Tôn Giả! Các Vua chúa, Thái Tử, trưởng giả, Phạm Chí, Đại Thần và các quan lại, được gặp Đức Như Lai chánh chân vô thượng, có nhiều người kính tin ưa thích đạo pháp nên họ xuất gia làm Sa Môn.

Nhưng những người ấy lại xấu hổ, không chịu đi khất thực: Chúng ta là những người dòng dõi cao quý, giàu sang, xuất gia làm Sa Môn, hôm nay lại đi đến những nhà thứ dân nghèo khổ, thấp hèn để khất thực sao?

Vì thế Đức Như Lai đi khất thực.

Họ suy nghĩ: Như Lai có phước đức lớn như hư không mà Ngài còn thương chúng sinh mà đi khất thực, huống nữa là chúng ta. Nghĩ như thế nên họ không hề thấy xấu hổ mà lại càng rất thương yêu những người thấp hèn và ưa thích đi khất thực.

Lại nữa, thưa Tôn Giả! Đức Như Lai tùy theo các tập tục ở thế gian mà giáo hóa họ, người ứng hợp với giới luật thì Đức Như Lai dạy giới luật… tùy theo đối tượng mà Đức Như Lai đều giáo hóa tất cả, Như Lai thị hiện phương tiện khiến cho chúng sinh không ai bị các nạn đói khát, ốm gầy, không còn bỏn sẻn, ganh ghét, không còn các điều ác và Như Lai giải quyết mọi nghi ngờ cho họ.

Vì vô lượng phương tiện để cứu độ chúng sinh nên Như Lai đi khất thực, giúp cho chúng sinh vượt qua tăm tối và thấy được ánh sáng chánh đạo…

Rồi cô gái lại thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề: Thưa Tôn Giả! Xin Tôn Giả hãy tạo phương tiện tùy thời để khất thực như vậy, giống như Đức Như Lai kiến lập sự tu hành thanh tịnh nên Như Lai đi khất thực.

Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Tôi không thể làm được. Giống như tất cả những chồn, cáo, thỏ, nai, côn trùng… ở nơi đồng trống không thể dám đi một mình như Sư Tử chúa. Cũng vậy, tất cả các thừa Thanh Văn, Duyên Giác đều không thể thực hiện được phương tiện thiện xao, đầy đủ oai thần như Đức Như Lai, làm an ổn cho tất cả chúng sinh bằng tâm đại từ, đại bi.

Khi cô gái giảng nói pháp về Đức Như Lai đại bi thực hành phương tiện thiện xảo, hai trưởng giả cha mẹ của cô gái, mọi người lớn nhỏ trong nhà và các trưởng giả khác đều vào nhà để nghe cô gái nói pháp, hai vạn tám trăm người đều phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng.

***