Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thuận Quyền Phương Tiện

PHẬT THUYẾT KINH

THUẬN QUYỀN PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

PHẨM MỘT

PHẨM PHÁP SA MÔN
 

Nghe như vậy!

Thuở nọ, Đức Phật ở tại núi Linh Thứu, thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm năm trăm vị hội đủ, Bồ Tát tám ngàn vị, tất cả đều là những bậc Đại Thánh, đã chứng thần thông, đã được pháp tổng trì, biện tài vô ngại, đạt pháp không sợ hãi và pháp nhẫn vô sinh, đã phụng sự vô số Phật, vun trồng gốc rễ công đức, đều chí nguyện về đại thừa, tâm không thoái chuyển, có lòng thương rộng rãi vô tận, cứu giúp khắp mười phương.

Tên của các vị đó là: Bồ Tát Không Vô, Bồ Tát Trì Độ, Bồ Tát Trì Nhân, Bồ Tát Trì Từ Thân, Bồ Tát Quán Ý, Bồ Tát Tịnh Ý, Bồ Tát Thượng Ý, Bồ Tát Tín Nhạo Ý, Bồ Tát Trì Ý, Bồ Tát Tăng Niệm Ý, Bồ Tát Hỷ Kiến, Bồ Tát Thiện Kiến, Bồ Tát Khả Ý Kiến, Bồ Tát Phổ Lợi Khả Kiến, Bồ Tát Di Lặc… và tất cả các Bồ Tát trong hiền kiếp đều đến ngồi đầy đủ trong chúng hội.

Bấy giờ, Đức Phật đang giáo hóa mọi người nơi thành Vương Xá. Quốc Vương, Đại Thần, Quan Lại, Trưởng Giả, Phạm chí cho đến hàng dân chúng bình thường… thảy đều nhất tâm phụng sự cúng dường, từ y phục cho đến thực phẩm, thuốc thang, đồ nằm, tất cả những vật dụng sinh hoạt đều cung cấp đầy đủ.

Khi ấy, Tôn Giả Tu Bồ Đề, vào buổi sáng sớm, mang y, bưng bình bát để đi khất thực nhưng chưa vào thành.

Tôn Giả đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng qua một bên, thưa: Bạch Đấng Đại Thánh! Đêm qua con nằm mộng thấy có Đức Phật ngồi nơi gốc cây. Con liền cúi đầu đảnh lễ Phật rồi đứng qua một bên.

Khi ấy, Đức Phật đó đưa cánh tay màu vàng ròng xoa trên đỉnh đầu của con, rồi nói: Này Tu Bồ Đề! Hôm nay, ông sẽ được nghe pháp mà xưa nay chưa từng được nghe.

Kính xin Đấng Đại Thánh rũ lòng thương, giảng nói ý nghĩa đó cho con.

Đây là điềm lành báo trước điều gì?

Đức Phật bảo: Này Tu Bồ Đề! Có pháp điển tên là Thuận Quyền Phương Tiện, là đối tượng để thực hành theo của các Thiện Nam, Thiện Nữ, vì thế mà có điềm lành này, ông sẽ được nghe pháp chưa từng nghe.

Khi ấy, Tôn Giả Tu Bồ Đề thưa: Thưa Thế Tôn! Hôm nay con muốn vào thành Vương Xá để lần lượt đi khất thực.

Đức Phật nói: Ông đã biết đúng thời.

Lành thay! Ông hãy đi đi.

Được Đức Phật cho phép, Tôn Giả Tu Bồ Đề liền vào thành Vương Xá theo thứ tự khất thực. Đến nhà một Trưởng Giả Phạm chí giàu có, Tôn Giả đi vào và đứng im lặng nơi sân.

Trưởng Giả ấy có một cô con gái rất đẹp đẽ, đoan trang, đeo chuỗi ngọc anh lạc, người thơm ngát hương chiên đàn, trên thân thể nàng trang sức toàn những vật báu bằng vàng ròng, tươi đẹp, thanh tịnh bậc nhất, giống như hoa sen, từ trong nhà bước ra, hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Thưa Tôn Giả! Vì sao Tôn Giả lại đứng trong sân nhà tôi?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Thưa cô, tôi đến đây để khất thực.

Cô gái hỏi: Tôn Giả vẫn còn tưởng về khất thực chăng?

Chưa đoạn trừ ý nghĩa về sự ăn uống sao?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Tôi đã biết cách đoạn trừ tưởng về ăn uống, nhưng thân này do cha mẹ sinh ra, từ khi còn trong bào thai vốn đã nhờ thức ăn uống nuôi dưỡng, rồi được sinh ra và lớn lên, thói quen đến nay đã lau nên không thể không ăn uống.

Cô gái lại hỏi: Thưa Tôn Giả! Tôn Giả chưa đoạn trừ các hành trong sinh tử, từ ban đầu cho đến cuối cùng là lo buồn, khổ não không như ý, Tôn Giả chưa chứng biết điều ấy hay sao?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Tôi đã chứng biết điều đó, thân, miệng, ý đều tịch tĩnh.

Cô gái hỏi: Tôn Giả đã được thân diệt độ rồi chăng?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Người diệt độ thì không còn có thân nữa. Cho nên không còn pháp, cũng không còn sự thực hành.

Cô gái hỏi: Nếu các pháp đều không còn, đối tượng thực hành cũng được diệt trừ, vậy thì vì sao Tôn Giả phải đi khất thực để nuôi dưỡng thân?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Người nhập vào định diệt tận thì chỉ có sự quan sát, còn khi không nhập định thì thân không thể tự nuôi dưỡng mà phải nhờ các thức ăn uống.

Cô gái lại hỏi: Người nhập định diệt tận vẫn còn vận hành trong định nên chẳng phải là diệt độ phải không?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Đã nhập định diệt tận thì không còn đối tượng sinh, cũng không còn đối tượng diệt.

Cô gái hỏi: Nếu đã không còn đối tượng sinh cũng không còn đối tượng diệt thì vì sao Tôn Giả phải đi khất thực để nuôi dưỡng thân?

Tôn Giả đáp: Các Thanh Văn đệ tử của Đức Như Lai đi khất thực là để xả bỏ thân.

Cô gái hỏi: Đức Phật khen Tôn Giả, ở trong hàng Thanh Văn, là người tu hành bậc nhất về nghĩa không, vậy thì không ấy không có xứ sở phải không?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Đúng như lời cô nói.

Cô gái lại hỏi: Người tu hành về không, có đến đi chăng?

Tôn Giả đáp: Người tu hành về không, không có đến đi.

Cô gái hỏi: Nếu người thực hành về không, không có đến đi, vì sao Tôn Giả lại đi đến khắp nơi để khất thực?

Tôn Giả đáp: Tuy tôi đi khất thực nhưng tôi không tham đắm việc nuôi dưỡng thân, vì để chấm dứt các thọ về khổ nên tôi đi khất thực.

Cô gái hỏi: Tôn Giả lại bị các nạn về thọ khổ làm nguy khốn chăng?

Tôn Giả đáp: Tôi không bị thọ chi phối, không lo sợ các nạn, nhưng tôi chỉ muốn chấm dứt sự thọ nhận đói khát… nên mới đi khất thực.

Cô gái nói: Thưa Tôn Giả! Hôm nay, Tôn Giả thực hành nghiệp không chẳng bình đẳng.

Vì sao?

Vì người thực hành pháp không chẳng hề bị các thọ làm cho khổ sở được, vì tất cả ba cõi đều chẳng thật có. Lại nữa, người tu hành pháp không chẳng lệ thuộc vào thân tâm, không có ý niệm gì về thân, tâm, không hề bị nhiễm ô, cũng không có chuyện vui hay chẳng vui. Người tu hành pháp không thì tất cả các pháp đều không có, mà chỉ dẫn đến chỗ vắng vẻ.

Rồi cô gái hỏi: Tôn Giả ở chỗ vắng vẻ để tu hành pháp không bậc nhất, vì sao gọi là chỗ vắng vẻ, yên tĩnh?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp: Chỗ vắng vẻ, yên tĩnh là chỗ không có các nhân duyên, xa lìa các dục trần.

Cô gái hỏi: Người tu hành pháp không là đã lìa bỏ các tham dục phải không?

Tôn Giả đáp: Người tu hành pháp không, không lìa bỏ tham dục.

Cô gái hỏi: Vậy sao Tôn Giả nói xa lìa tham dục gọi là tu hành pháp không?

Tôn Giả đáp: Những điều được giảng nói ra đều là ngôn từ giả tạm.

Cô gái hỏi: Tôn Giả tu hành pháp không mà lại còn có ngôn từ giảng nói hay sao?

Tôn Giả đáp: Là ngôn từ giả tạm mà thôi! Các Thánh Hiền Thanh Văn vốn được nghe Phật giảng dạy bằng ngôn từ.

Cô gái nói: Nếu thưa hỏi bằng ngôn từ tức trong tâm còn tồn tại ngôn từ, tâm còn tồn tại ngôn từ tức bị rơi vào điên đảo, bị rơi vào điên đảo tức còn tranh cãi, còn tranh cãi tức chẳng phải Sa Môn, không ứng hợp với nghĩa lý của pháp.

Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi: Theo cô, thế nào gọi là nghĩa lý của pháp Sa Môn?

Cô gái đáp: Không có ngôn từ mới chính là pháp Sa Môn. Nếu không có ngôn từ thì không có điên đảo, không điên đảo thì không có tranh cãi, không tranh cãi tức là pháp của Sa Môn.

Người đạt được pháp ấy thì hoàn toàn lìa bỏ hai hành, không còn phân biệt một pháp nào là pháp Sa Môn, cũng không phân biệt là nhớ nghĩ hay chẳng phải nhớ nghĩ, các tưởng đều hoàn toàn tịch tĩnh, đó mới chính là pháp Sa Môn. Không tạo tác, không tán loạn, xa lìa tất cả, vượt ngoài các dấu vết tà kiến, nhập vào đạo bình đẳng, đó gọi là pháp Sa Môn.

Không có cảnh giới hay chẳng phải cảnh giới, không tạo tác, khong diệt độ, đó là pháp Sa Môn. Biết vừa đủ, không tham đắm thế tục, hoàn toàn không chấp giữ, rỗng lặng không dấu vết, đó là pháp Sa Môn. Không lệ thuộc, không trói buộc cũng không giải thoát, giống như hư không, đó là pháp Sa Môn.

Không có suy nghĩ, không còn tâm, ý, thức, đó là pháp Sa Môn. Luôn luôn biết có giới hạn, ít ham muốn, ít sự việc, không mong cầu, đó là pháp Sa Môn. Diệt trừ tham dục, tâm không tham luyến, ý chí như Thái Sơn không thể nghiêng đổ, đó là pháp Sa Môn. Từ bỏ tham dục, tâm không khát ái, không ham ba cõi, đó là pháp Sa Môn.

Xa lìa tất cả các cảnh giới khắp mười phương, vượt hẳn các đối tượng tạo tác, cũng không còn khởi lên tạo tác, đó là pháp Sa Môn. Xả bỏ ma năm ấm và thân thể, không còn các nạn, không còn phiền não, đó là pháp Sa Môn.

Vượt qua cõi ma, tiêu trừ tham dục, tâm không có đối tượng sinh ra, cũng không buông lung, đó là pháp Sa Môn. Vượt thoát khỏi ma chết, không còn chấp giữ cũng không vọng tưởng, đó là pháp Sa Môn. Không thân cận ma trời, tâm không tư duy, ý chí bền chắc như đất, đó là pháp Sa Môn.

Không chấp ngã, ngã sở, hiểu ro tất cả đều tịch nhiên, rỗng lặng, đó là pháp Sa Môn. Tâm không lệ thuộc, không có tưởng, hành, cũng không tăng giảm, đó là pháp Sa Môn. Xa lìa vọng tưởng, nên tâm không còn mong cầu, cũng không chấp thủ xả, đó là pháp Sa Môn. Ở trong ba cõi, không có đối tượng thực hành mà vẫn giải quyết được các lưới nghi ngờ, đó là pháp Sa Môn.

Diệt sạch các nhập, không còn các trần, dứt hẳn sự che lấp của các ấm, đó là pháp Sa Môn. Bỏ hẳn đùa giỡn, không còn buông lung, điều phục tâm mình, đó là pháp Sa Môn. Không để tâm giận dữ, hận thù, tâm ý luôn định tĩnh, đó là pháp Sa Môn.

Không có tâm thấy đói khát, thiếu thốn hay đầy đủ, đó là pháp Sa Môn. Không còn hai hành, bỏ nghiệp thiện ác, tất cả đều bình đẳng, đó là pháp Sa Môn. Dứt hẳn sự phân biệt, không còn chấp giữ, không còn trở ngại, đó là pháp Sa Môn. Đoạn trừ các nghiệp thế tục, từ bỏ các ấm ngăn che, không tham bốn đại, đó là pháp Sa Môn.

Phân biệt rõ ngọn nguồn của năm ấm, các nhập đều trống không, đó là pháp Sa Môn. Giảng nói về tất cả các pháp giới khắp mười phương đều không có cảnh giới, đó là pháp Sa Môn. Hiểu rõ các nhập tự nhiên như huyễn hóa, vốn không có xứ sở, đó là pháp Sa Môn.

Tự nhiên như hư không, thông suốt pháp vô vi, không ưa thích pháp hữu vi, đó là pháp Sa Môn. Dứt hẳn tất cả những sự tính toán, không còn sự chấp xả, đó là pháp Sa Môn. Tự làm lợi ích cho mình nhưng vẫn biết vừa đủ, không còn tranh cãi, đó là pháp Sa Môn. Thị hiện hòa đồng bình đẳng với tất cả chúng sinh để tu hành hạnh nhẫn nhục, đó là pháp Sa Môn.

Không bị quên mất, tâm không xao lãng, đạt được giải thoát, đó là pháp Sa Môn. Đã đạt được giải thoát nhưng không hề lệ thuộc giải thoát, vẫn rỗng lặng tịch tĩnh, đó là pháp Sa Môn. Giống như hư không không gì có thể ví dụ được, đó là pháp Sa Môn.

Khi cô gái giảng nói pháp Sa Môn ấy, các Thiên Tử đều vân tập nơi sân nhà. Bốn mươi Thiên Tử được xa lìa trần cấu, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.

Năm trăm Thiên Tử đồng thanh khen ngợi: Nên dốc lòng tin vi diệu để nghe pháp vô thượng khiến tâm ý được thành thục, rồi tất cả họ đều phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng.

***