Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Thương Chủ Thiên Tử Sở Vấn

PHẬT THUYẾT KINH

THƯƠNG CHỦ THIÊN TỬ SỞ VẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
 

PHẦN MỘT
 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc đại thành Vương Xá cùng với đại chúng Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người hội đủ.

Lại có chúng Đại Bồ Tát, đó là Bồ Tát Di Lặc, Đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, các vị này đứng đầu trong chúng, số lượng không thể tính kể, từ các cõi nước Phật ở khắp các phương đều vân tập đến đông đủ nơi pháp hội.

Lúc ấy, Thiên Tử Thương Chủ và vô lượng Chư Thiên, trăm ngàn đại chúng vây quanh trước sau, cùng đi đến chỗ Phật, đảnh lễ nơi chân, nhiễu quanh theo hướng bên phải ba vòng, đem đủ thứ phẩm vật cúng dường Đức Như Lai, vì muôn nghe pháp nên họ ở trước Đức Thế Tôn và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, khi đó Thiên Tử Thương Chủ chắp tay, hướng về phía Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Xin thỉnh Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử giảng nói chánh pháp.

Hôm nay trong chúng hội này có các Thiên Tử từ lâu đã được Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi giáo hóa tạo sự thành tựu, những vị ấy nếu lãnh hội được trí tuệ, biện tài của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi sẽ phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, đã phát tâm rồi tất ở trong Phật Pháp không còn thoái chuyển.

Đức Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Này thiện nam! Ông nên vì Thiên Tử Thương Chủ và Chư Thiên khác mà giảng nói giáo pháp quan trọng.

Lúc ấy, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi vâng lời Phật dạy, bảo Thiên Tử Thương Chủ: Ông nên nhất tâm lắng nghe, lãnh thọ, ghi nhớ kỹ, tôi sẽ vì ông phân biệt giảng nói rõ ràng. Như các Đại Bồ Tát hội nhập vào trí nhất thiết trí, đối với tất cả pháp đều thông đạt đến bờ bên kia, mau chóng thành tựu đầy đủ sáu pháp Ba la mật, thì đối với nhất thiết trí phải nên tu hành.

Này Thiện Nam! Luận về trí của các Đại Bồ Tát, đó là trí nhận biêt khổ, trí thực hiện giải thoát, trí nhận biết tập, trí tu tập căn lành, trí nhận biết diệt, trí xuất sinh, trí nhận biết đạo, trí chẳng phải là đạo, trí nhận biết nhân, trí không mất, trí nhận biết quả.

Trí thâu tóm chứng đắc các duyên, trí tích tập xét đoán, trí chân thật, trí Phật, trí tự tại, trí nhân duyên sinh, trí thị hiện thí dụ, trí nhận biết ấm, trí dứt trừ các nhiễm của dục, trí nhận biết cảnh giới, trí mở bày pháp giới, trí nhận biết nhập, trí quán xét không tụ.

Trí bố thí, trí không quá thời, trí nhận biết giới, trí thành tựu cho những chúng sinh không giữ giới, trí nhẫn nhục, trí tinh tấn, trí khéo làm các việc, trí thiền định, trí hồi chuyển thiền, trí nhận biết trí tuệ, trí nhận thức, trí phương tiện, trí thành tựu đầy đủ cho chúng sinh.

Trí từ, trí nhận biết phàm phu thừa, trí bi, trí không mệt mỏi, trí hỷ, trí hoan hỷ ưa thích pháp, trí xả, trí thành tựu pháp của Chư Phật, trí hóa độ chúng sinh, trí quan sát, trí luôn phụng hành, trí không phải nơi chôn khiến an trụ, trí chánh cần, trí chánh giác, trí thần túc, trí quán xét các hành không tạo tác.

Trí nhận biết tín, căn, lực, trí nhất thiết trí siêu việt, trí căn lực tinh tấn, trí không bị tất cả phiền não bức bách, trí niệm căn lực, trí không quên mất tất cả các pháp, trí tam muội căn lực, trí tất cả pháp bình đẳng trí, trí căn lực, trí các căn thù thắng, trí bồ đề phần, trí chứng đạo, trí vượt qua các thứ phi đạo, trí duyên dựa, trí nhận biết tận.

Trí nhận biết các căn lành không cùng tận, trí vô sinh, trí đạt được các pháp nhẫn vô sinh, trí niệm Phật, trí thành tựu tự thân, trí niệm Pháp, trí chuyển pháp, trí niệm Tăng, trí hội nhập vào A Tỳ Bạt Tăng bình đẳng, trí niệm thí, trí không bỏ chúng sinh, trí niệm giới, trí đầy đủ các nguyện, trí niệm không, trí không tạo các việc ác, trí không nhớ nghĩ các pháp.

Trí nhận biết các tâm từ, trí viên mãn, trí thực hiện đầy đủ các việc không nhàm chán, trí nhận biết thuốc của các chúng sinh, trí phương tiện để thực hành như pháp, trí xứ phi xứ, trí phi xứ không tạo tác, trí mười lực, trí thuận theo hai thừa, trí không sợ hãi, trí nhận biết chỗ tạo sự chướng ngại và không chướng ngại đối với các pháp, trí không chấp vào thân quá khứ.

Trí không trụ vào thức, trí không chấp vào thân vị lai, trí chẳng hành theo các pháp, trí không chấp vào thân hiện tại, trí bất định chẳng trụ, trí nhận biết thân là tối thượng, trí nhận biết chúng sinh, trí khiến được độ thoát, trí nhận biết nghiệp là quan trọng, trí phân biệt tiếng của các chúng sinh, trí nhận biết tâm ý là quan trọng, trí nhận biết sự phát khởi tâm hành của các chúng sinh.

Trí không lầm lỗi, trí nhận chỗ lầm lỗi của chúng sinh, trí ưa thích và không ưa thích, trí diệt trừ tranh chấp, trí không quên chánh niệm, trí khiến chúng sinh tâm loạn được an trụ, trí thâu tóm các thiền định, trí thâu tóm các chúng sinh biếng nhác không thực hiện pháp của Chư Phật, trí biết thời để giáo hóa chúng sinh, trí phương tiện, trí bát nhã.

Này Thiên Tử! Đây chính là trí của các Đại Bồ Tát, nhờ những trí như vậy, nên Bồ Tát đạt được trí vô ngại của Chư Phật.

Bấy giờ, Thiên Tử Thương Chủ thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Thật là hy hữu, thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Trí của các Đại Bồ Tát đối với ba cõi thật là đặc biệt, không thể dùng các thứ trang nghiêm nhỏ mà thành tựu được.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nếu có sinh ra trí tuệ như vậy thì đó là bậc đại thần thông.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát có thể đạt đầy đủ sự trang nghiêm?

Đáp: Nếu các chúng sinh nghe giảng nói về bản tánh của Niết Bàn mà không sợ hãi.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do nhân duyên gì được gọi là Bồ Tát?

Đáp: Này Thiên Tử! Do an trụ, hội nhập, thọ trì nơi bồ đề phần nên gọi là Bồ Tát.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do nhân duyên gì được gọi là Đại Bồ Tát?

Đáp: Này Thiên Tử! Hội nhập nơi đại thừa, đầy đủ trí tuệ lớn nên gọi là Đại Bồ Tát.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do nhân duyên gì gọi là Bồ Tát hơn hết?

Đáp:Này Thiên Tử! Đối với pháp trí không thể cầu mà đạt được, hội nhập, nên gọi là Bồ Tát hơn hết.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do nghĩa gì gọi là Bồ Tát thanh tịnh?

Đáp: Này Thiên Tử! Không cùng trụ với phiền não, vì các chúng sinh diệt trừ phiền não, phát khởi tinh tấn, nên gọi là Bồ Tát thanh tịnh.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do ý nghĩa gì gọi là Bồ Tát hoàn toàn thanh tịnh?

Đáp: Này Thiên Tử! Khiến các chúng sinh thực hành đạo thanh tịnh, do ý nghĩa này nên gọi là Bồ Tát hoàn toàn thanh tịnh.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do ý nghĩa gì gọi là bậc Đạo Sư?

Đáp: Này Thiên Tử! An trụ nơi đạo này thì có thể khiến cho vô lượng vô số chúng sinh được thành tựu đầy đủ, nên gọi là bậc Đạo Sư.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Do ý nghĩa gì gọi là bậc thầy điều phục?

Đáp: Này Thiên Tử! Vì điều phục chúng sinh rốt ráo không tranh chấp, nên gọi là bậc thầy điều phục.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát thành tựu dũng mãnh?

Đáp: Này Thiên Tử! Hàng phục các ma oán, vượt qua các thứ hiểm nạn, sau đó thọ nhận việc giáo hóa chúng sinh, nên gọi là Bồ Tát thành tựu được sự dũng mãnh.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát làm thế nào khiến người khác hoan hỷ?

Đáp: Này Thiên Tử! Trước là phát thệ nguyện đạt được đầy đủ, không dựa theo hai thừa, Bồ Tát như vậy nên khiến người khác hoan hỷ.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát được gọi là bậc tối thượng?

Đáp: Này Thiên Tử! Khéo dùng phương tiện thiện xảo của Bậc Thánh trí để thành tựu đầy đủ cho các chúng sinh khiến họ thâu nhận rõ ràng chánh pháp, Bồ Tát như vậy được gọi là bậc tối thượng.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát được gọi là bậc chuyển pháp luân?

Đáp: Này Thiên Tử! Nương theo Chư Phật, thâu tóm tất cả lời nói của chúng sinh mà không gì có thể làm chuyển đổi, Bồ Tát như vậy gọi là bậc chuyển pháp luân.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thê nào là Bồ Tát chuyển hóa điều phục?

Đáp: Này Thiên Tử! Bồ Tát giữ giới, an trụ nơi giới, diệt trừ các lưới nghi cho chúng sinh, Bồ Tát như vậy gọi là chuyển hóa điều phục.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát đạt được ý nghĩa chuyển hóa?

Đáp: Này Thiên Tử! Thực hành đúng như chỗ đã nghe, luôn chân thật đối với người khác, Bồ Tát như vậy gọi là đạt được nghĩa chuyển hóa.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát tạo lợi ích, thành tựu đầy đủ cho các chúng sinh?

Đáp: Này Thiên Tử! Bồ Tát tu tập các pháp thiện, đem bố thí cho chúng sinh, Bồ Tát như vậy gọi là thành tựu mọi lợi ích.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát có thể hiện bày tâm ngay thẳng?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu biết mình phạm tội mà không che giấu, Bồ Tát như vậy gọi là thể hiện tâm ngay thẳng.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát thể hiện tâm chân chánh?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu đối với các chúng sinh tham dục, sân giận, ngu si mà không quở trách nặng lời, Bồ Tát như vậy gọi là có tâm chân chánh.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát không dua nịnh?

Đáp: Này Thiên Tử! Mọi lời nói và mọi việc làm đều đúng đắn, Bồ Tát như vậy gọi là không dua nịnh.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát khổng làm các việc huyễn hoặc?

Đáp: Này Thiên Tử! Đúng như ý nghĩ nơi tâm, lời nói cũng lại như vậy, Bồ Tát như thế gọi là không làm các việc huyễn hoặc.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát tâm không kiêu mạn?

Đáp: Này Thiên Tử! Hướng về các chúng sinh luôn thể hiện sự cung kính, không phạm các điều ác Bồ Tát như vậy gọi là tâm không kiêu mạn.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát làm bậc đại thí chủ?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu có thể thành tựu đạo quả bồ đề, thực hiện đại xả, huống nữa là các vật khác, Bồ Tát như vậy gọi là bậc đại thí chủ.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát làm thế nào để được gọi là bậc trì giới?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu nhận biết những việc phá giới, thậm chí dù bị mất mạng cũng chẳng bỏ tâm bồ đề, Bồ Tát như thế gọi là bậc trì giới.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát làm thế nào để thành tựu nhẫn nhục?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu chịu sự bức bách mà không tạo bức bách đối với người khác, Bồ Tát như vậy gọi là thành tựu nhẫn nhục.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát luôn phát khởi tinh tấn?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu phân biệt các pháp mà không pháp nào có thể thủ đắc, Bồ Tát như thế gọi là phát khởi tinh tấn.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát làm thê nào để được gọi là thiền định?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu có thể trở lại thị hiện việc thọ sinh trong Cõi Dục, Bồ Tát như vậy gọi là thiền định.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát thành tựu được trí tuệ?

Đáp: Này Thiên Tử! Đối với trí tuệ dứt bỏ mọi tạo tác, Bồ Tát như thế gọi là thành tựu đươc trí tuệ.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát thực hành tâm từ?

Đáp: Này Thiên Tử! Có thể quán xét cảnh giới của chúng sinh là không, Bồ Tát như vậy gọi là thực hành tâm từ.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát làm thế nào để thực hành tâm bi?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu nhận biết các pháp cùng với bồ đề giống như hư không mà chẳng xả bỏ tinh tấn, Bồ Tát như thế gọi là thành tựu tâm bi.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát thực hành tâm hỷ?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu đạt được sự vắng lặng và tịch tĩnh, luôn ưa thích cầu các pháp không hề chán đủ, Bồ Tát như vậy gọi là thực hành tâm hỷ.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát có thể thực hành tâm xả?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu không bị chìm đắm trong thế gian, hành hóa ở đấy để cứu độ muôn loài, Bồ Tát như vậy là có thể thực hành tâm xả.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát đạt được thân thanh tịnh?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu dùng thân như huyễn hóa để thị hiện thân bình đẳng nơi chúng sinh, Bồ Tát như tếê là có thể thành tựu thân thanh tịnh.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát đạt được khẩu thanh tịnh?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu có thể dùng đầy đủ âm thanh diễn nói chánh pháp cho chúng sinh mà không có lỗi lầm, Bồ Tát như vậy được gọi là thanh tịnh khẩu nghiệp.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát có thể đạt được tâm thanh tịnh?

Đáp: Này Thiên Tử! Nhận biết các tâm đều là một tâm, Bồ Tát như thế gọi là đạt được tâm thanh tịnh.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát có thể đạt được thiên nhãn?

Đáp: Này Thiên Tử! Thấy các hình sắc xa lìa các sắc, thường quán xét các sắc mà lại xa lìa các sắc, Bồ Tát như thế gọi là đạt được thiên nhãn.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát đạt được thiên nhĩ?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu nghe các âm thanh nên quán xét về chũng và xa lìa tướng của các âm thanh, Bồ Tát như thế gọi là đạt được thiên nhĩ.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát có thể biết được tâm người khác?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu nhận biết tâm hành là luôn lưu chuyển theo sinh diệt, Bồ Tát như vậy gọi là biết được tâm người khác.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát nhận biết thọ mạng đời trước?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu nhớ nghĩ nguồn gốc tức là thật tế mà không thấy có tăng trưởng, Bồ Tát như vậy gọi là biết được thọ mạng đời trước.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát có thể đạt được thần thông?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu hiện bày các thứ huyễn hóa mà không bị đắm nhiễm để tạo ra nghiệp huyễn hóa ấy, Bồ Tát như thế gọi là đạt được thần thông.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát đạt được sự rộng lớn?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu có thể giáo hóa vô biên chúng sinh, Bồ Tát như thế gọi là rộng lớn.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát được gọi là hành hóa riêng biệt?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu không cùng trụ chấp với các căn lực, Bồ Tát như vậy gọi là hành hóa riêng biệt.

Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát có thể tạo được sự chế ngự, giáo hóa?

Đáp: Này Thiên Tử! Đạt được các pháp chẳng động, cũng không giận dữ, Bồ Tát như thế gọi là tạo được sự chế ngự, giáo hóa.

***