Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tịch điều âm Sở Vấn Kinh Như Lai Sở Thuyết Thanh Tịnh điều Phục

PHẬT THUYẾT KINH

TỊCH ĐIỀU ÂM SỞ VẤN KINH NHƯ LAI

SỞ THUYẾT THANH TỊNH ĐIỀU PHỤC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Pháp Hải, Đời Tống
 

PHẦN HAI
 

Này Thiên Tử! Giống như có người có khả năng biết được sự phát sanh của loài rắn độc thì có thể diệt được độc.

Này Thiên Tử! Cũng vậy, nếu biết sự phát sanh của chủng tánh phiền não thì có thể diệt trừ phiền não.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là sự phát sanh chủng tánh phiền não?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Từ vọng tưởng ra sanh phiền não. Nếu không có vọng tưởng thì không có phiền não, mà không có phiền não thì không có sự tu tập, mà không có sự tu tập thì không có chỗ trú chấp, mà không có chỗ trú chấp thì không có não hại, mà không có não hại thì điều phục rốt ráo.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Vì có phiền não nên điều phục hay là vì không có phiền não nên điều phục?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Giống như có người nằm mộng bị trúng nọc độc của rắn độc, người này bị khổ sở bức ngặt. Ngay ở trong mộng, uống thuốc giải độc. Nhờ uống thuốc nên khí độc tiêu trừ.

Này Thiên Tử! Theo ý ông thì sao?

Người này có thật sự bị trúng nọc rắn độc hay không?

Thiên Tử đáp: Không.

Văn Thù Sư Lợi hỏi: Độc ấy thật sự có thể trừ được chăng?

Thiên Tử đáp: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Nếu thật sự không bị trúng độc thì sự trừ độc cũng như vậy.

Văn Thù Sư Lợi nói: Này Thiên Tử! Tất cả các Hiền Thánh điều phục cũng như thế.

Này Thiên Tử! Ông nghĩ thế này: vì có phiền não nên điều phục hay vì không có nên điều phục.

Phải không?

Này Thiên Tử! Như ngã và vô ngã, có phiền não hay không có phiền não cũng thế. Như ngã và vô ngã đều không, có phiền não, không có phiền não cũng vậy. Vì ngã tức là vô ngã nên có phiền não tức là không có phiền não. Nơi này, chốn khác không có phiền não nào để có thể điều phục.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp vắng lặng nên chẳng thể ưa thích. Vì tất cả các pháp vắng lặng nên chẳng thể nắm bắt. Tất cả các pháp rốt ráo vắng lặng do chẳng thể sanh khởi.

Vì tất cả các pháp vô tận nên chẳng sanh khởi. Vì tất cả các pháp không sanh khởi nên không thành tựu. Vì tất cả các pháp không thành tựu nên không có người tạo tác. Vì tất cả các pháp do vô ngã tạo ra, do vô ngã nên tất cả các pháp vô ngã.

Vì tất cả các pháp vô ngã nên không có chủ tể. Vì tất cả các pháp không chủ tể nên bình đẳng hư không. Vì tất cả các pháp không đến nên không có chỗ nương tựa. Vì tất cả các pháp không đi nên không chỗ trú ngụ.

Vì tất cả các pháp vô trú nên không có chỗ an lập. Vì tất cả các pháp không an lập nên vừa sanh liền diệt. Vì tất cả các pháp vô vi nên vô lậu. Vì tất cả các pháp không thọ nhận nên rốt ráo điều phục.

Thiên Tử Tịch Điều Âm lại hỏi Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Các pháp, điều gì là hơn hết?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Trong các tập khí sanh tử, không thuận theo điều thiện là hơn hết. Đạt đến cảnh giới Niết Bàn, thuận theo điều thiện là hơn hết.

Ở trong Chướng ngại, không tinh tấn là hơn hết. Ở trong Chánh Giác, tinh tấn là hơn hết. Ở trong các triền cái, lưới nghi là hơn hết. Trong các loại tướng, đạt được pháp quán về giải thoát là hơn hết. Trong các phiền não, vọng tưởng là hơn hết.

Trong không phiền não, không vọng tưởng là hơn hết. Ở trong các giác, nhiều việc là hơn hết. Ở trong tâm diệt, thiền định là hơn hết. Ở trong các tri kiến, tăng thượng mạn là hơn hết. Ở trong pháp không, không có tăng thượng mạn là trên hết. Trong các pháp bất thiện, ác tri thức là trên hết.

Trong các pháp thiện, thiện tri thức là trên hết. Trong tất cả các pháp khổ, tà kiến là hơn hết. Trong tất cả các pháp lạc, chánh kiến là hơn hết. Trong sự bần cùng, xan tham là hơn hết. Trong sự giàu sang, bố thí là hơn hết. Ở trong cõi ác, phá giới là hơn hết. Ở trong cõi tốt đẹp, trì giới là hơn hết. Trong các tâm cấu uế, sân hận là hơn hết.

Trong các tâm thanh tịnh, nhẫn nhục là hơn hết. Trong pháp thối lui đối với điều thiện, lười biếng là hơn hết. Trong pháp tu thiện, tinh tấn là trên hết. Trong sự tán loạn, các giác là hơn hết. Trong nhất tâm, thiền định là hơn hết.

Trong không có trí tuệ, ngu si là hơn hết. Ở trong ba mươi bảy pháp trợ đạo, bát nhã là hơn hết. Trong tâm từ, vô ngại là hơn hết. Trong tâm bi, chuyên niệm, không dua nịnh là hơn hết. Trong tâm hỷ, ưa thích pháp lạc là trên hết.

Trong tâm xả, không còn thương ghét là hơn hết. Trong niệm xứ, chẳng quên thiện căn đời trước là hơn hết. Trong chánh cần, phương tiện là hơn hết. Trong như ý túc, thân tâm nhẹ nhàng là hơn hết. Trong các căn, lấy tín làm đầu là hơn hết. Trong các lực, điều phục phiền não là hơn hết.

Trong các giác, ngộ bình đẳng là hơn hết. Trong tám Thánh Đạo, vượt tất cả các đường tà là hơn hết. Trong Phật Pháp, tâm bồ đề là hơn hết. Trong bốn nhiếp pháp, tài pháp là hơn hết. Trong việc giáo hóa chúng sanh, thuyết pháp là hơn hết.

Trong phương tiện, sử dụng trí về xứ Phi xứ là hơn hết. Trong bát nhã Ba la mật, biết tâm hành tương tục đến bờ bên kia của tất cả chúng sanh là hơn hết. Trong sáu Ba la mật, đại thừa là hơn hết. Trong sự cần cầu pháp không, tuệ minh là hơn hết. Trong pháp nhẫn xuất ly, không do người khác là hơn hết.

Thiên Tử Tịch Điều Âm lại thưa với Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! pháp giới lấy gì làm hơn hết?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! pháp giới lấy bình đẳng làm hơn hết.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! pháp giới lấy gì làm ranh giới?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Pháp Giới lấy cõi của tất cả chúng sanh làm ranh giới.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! pháp giới có sai biệt chăng?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Theo ý ông thì sao?

Cảnh giới hư không có sai biệt chăng?

Thiên Tử đáp: Không!

Văn Thù Sư Lợi nói: Này Thiên Tử! Như cõi hư không không có sai biệt, pháp giới cũng vậy, không có sai biệt.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Pháp giới nếu như vậy, thì nhân giả làm thế nào để biết pháp giới?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Pháp Giới tức không có pháp giới. Pháp giới không biết pháp giới.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Nếu như vậy thì nhân giả biết pháp gì mà giải thích như thế?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Theo ý ông thì sao?

Khi kêu lên tiếng vang biết pháp gì mà có tiếng dội lại?

Thiên Tử đáp: Tiếng vang không biết pháp gì, chỉ do nhân duyên hòa hiệp nên có tiếng phát ra.

Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng vậy! Này Thiên Tử! Vì duyên chúng sanh làm cảnh giới nên các Bồ Tát mới có sự giảng nói thích hợp.

Thiên Tử hỏi: Nhân giả trụ ở đâu mà nói pháp?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Như nơi chốn thuyết pháp của hóa thân Như Lai, chỗ thuyết pháp của ta cũng giống như thế.

Thiên Tử nói: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Hóa thân Như Lai không có chỗ trụ mà vẫn có sự thuyết pháp.

Văn Thù Sư Lợi nói: Ta cũng vậy, không có chỗ trụ mà vẫn có sự thuyết pháp.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Nếu tất cả các nơi chốn xứ đều không có chỗ trụ thì nhân giả sẽ ở đâu mà đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Tôi sẽ trụ vô gián để đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng.

Thiên Tử hỏi: Vô Gián ấy trụ chỗ nào?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! vô gián thì không có nền tảng, không có chỗ trụ.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Người tạo thành nghiệp vô gián, Như Lai chẳng phải là nói là bị đọa địa ngục vô gián sao?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Người có nghiệp vô gián, Như Lai nói, sẽ bị đọa địa ngục vô gián.

Đúng vậy, Thiên Tử! Bồ Tát trụ ở năm vô gián, mau đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng.

Những gì là năm?

Nếu khi Bồ Tát chuyên niệm phát tâm cầu Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng, mà nữa chừng không rơi vào quả vị Thanh Văn, Phật Bích Chi, lại nữa khi xả bỏ tất cả các tâm chấp thủ, nửa chừng không tương ưng với tâm bỏn xẻn, cấu uế, lại nguyện, ta cần phải cứu độ tất cả chúng sanh.

Nửa chừng không khởi tâm thấp kém, lại biết tất cả các pháp vô sanh rồi, ta sẽ sanh vào pháp, ấy và đắc nhẫn, nửa chừng không tương ưng với các kiến chấp, lại nữa điều cần biết, cần thấy, cần chứng, cần hiểu biết đúng đắn.

Tất cả như thế đều dùng nhất tâm trong một sát na siêng năng tu tuệ phương tiện, hiểu biết đúng đắn, thấu đáo, đạt nhất thiết trí, nửa chừng không bao giờ bỏ phế, thì này Thiên Tử, đó gọi là năm vô gián. Bồ Tát trụ ở vô gián này thì mau đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Có kẻ phàm phu ngu si nào bị tội vô gián thì đọa ngục vô gián còn Bồ Tát ở ngay vô gián ấy mà có thể chứng Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng chăng?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Có.

Thiên Tử hỏi: Dùng phương tiện gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Tất cả các pháp dùng các không để nhập vào không nên là không, vô tướng, vô nguyện, vô sanh, vô khởi, vô tác, vô vi, theo duyên mà khởi nên gọi là Bồ Đề.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Pháp này không thể thấy thì ai sẽ tin?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu người mà không tin theo Như Lai thì làm sao tin Thanh Văn!

Thiên Tử hỏi: Nếu như vậy thì ai sẽ được giải thoát?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Hoặc là người không thực hành theo ngã, hoặc người không bị tất cả các phiền não, hoặc người thọ trì Kinh Điển như thế, hoặc người dùng đại bi trao pháp cho tất cả chúng sanh.

Hỏi: Họ có tướng mạo gì?

Đáp: Họ sẽ có tướng mạo ấm, giới, nhập.

Hỏi: Họ sẽ có hạnh gì?

Đáp: Họ sẽ có hạnh không, vô tướng, vô nguyện.

Hỏi: Họ sẽ đạt đến chỗ nào?

Đáp: Họ sẽ đạt đến nhất thiết trí, sẽ thông đạt tâm hành của tất cả chúng sanh.

Hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thối chuyển thì thế nào?

Đáp: Này Thiên Tử! Nếu Bồ Tát thối chuyển mà đắc quả vị Vô Thượng Bồ Đề thì đó là điều không thể có.

Hỏi: Thối chuyển cái gì?

Đáp: Tất cả các phiền não và quả vị Thanh Văn, Phật Bích Chi.

Hỏi: Thế nào là không thối chuyển?

Đáp: Nếu cùng bình đẳng như nhau.

Hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Bình đẳng nghĩa là gì?

Đáp: Đó là lời nói không sai khác.

Hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Nếu như vậy thì làm thế nào biết tất cả các pháp sai biệt?

Đáp: Này Thiên Tử! Người không biết bình đẳng thì ở trong bình đẳng sanh khởi sai biệt. Vì thực hành theo sai biệt nên đưa đến sai biệt. Nếu người biết bình đẳng thì chẳng thực hành theo sai biệt. Vì chẳng thực hành theo sai biệt nên đạt đến bình đẳng, nghĩa là đạt đến chỗ không sai biệt.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Có Bồ Tát nào vừa có phiền não vừa có Bồ Đề chăng?

Đáp: Có.

Hỏi: Dùng phương tiện gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu Bồ Tát không phiền não như Thanh Văn thì không thọ sanh.

Này Thiên Tử! Bồ Tát vì đoạn trừ phiền não cho tất cả chúng sanh nên khởi đại bi phát tâm Bồ Đề, gọi là có Bồ Đề.

Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Có Bồ Tát nào vừa có bỏn sẻn vừa có Bồ Đề chăng?

Đáp: Có.

Thiên Tử hỏi: Dùng phương tiện gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu Bồ Tát chẳng bỏ tâm bồ đề mà hóa độ chúng sanh, thọ trì tất cả các pháp thì Bồ Tát ấy có bỏn sẻn mà vẫn thành tựu thí Ba la mật.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Có Bồ Tát nào bỏ giới mà thành tựu giới Ba la mật chăng?

Đáp: Có.

Thiên Tử hỏi: Dùng phương tiện gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu Bồ Tát vì hóa độ chúng sanh nên làm chúng sanh thì đó là Bồ Tát không có giới mà thành tựu giới Ba la mật.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Có Bồ Tát nào bỏ nhẫn mà thành tựu nhẫn Ba la mật chăng?

Đáp: Có.

Thiên Tử hỏi: Dùng phương tiện gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu Bồ Tát bỏ nhẫn của tất cả các ngoại đạo mà tu nhẫn theo Phật Pháp thì Bồ Tát ấy bỏ nhẫn mà vẫn thành tựu nhẫn Ba la mật.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Có Bồ Tát nào bỏ tinh tấn mà thành tựu tinh tấn Ba la mật chăng?

Đáp: Có.

Thiên Tử hỏi: Dùng phương tiện gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu Bồ Tát bỏ tinh tấn của Thanh Văn, Phật Bích Chi mà hướng đến quả vị Vô Thượng Bồ Đề thì đó là Bồ Tát bỏ tinh tấn mà thành tựu tinh tấn Ba la mật.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Có Bồ Tát nào vọng niệm mà thành tựu thiền Ba la mật chăng?

Đáp: Có.

Thiên Tử hỏi: Dùng phương tiện gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thậm chí trong mộng, Bồ Tát cũng không khởi niệm tưởng về quả vị Thanh Văn, Phật Bích Chi, nhất định sẽ không bỏ tâm bồ đề vô thượng thì Bồ Tát ấy vọng niệm mà thành tựu Thiền Ba la mật.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi!

Có Bồ Tát nào không có trí tuệ mà thành tựu bát nhã Ba la mật chăng?

Đáp: Có.

Thiên Tử hỏi: Dùng phương tiện gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu Bồ Tát đối với tất cả các phương cách độc ác của thế gian, làm các chú thuật ác, trong đó không có trí tuệ mà chỉ là việc thành tựu nhất thiết trí thì Bồ Tát ấy không có trí tuệ mà thành tựu bát nhã Ba la mật.

Bấy giờ, Thế Tôn khen Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Hay thay! Hay thay! Văn Thù Sư Lợi! Ông đã khéo nói về những điều nên làm và không nên làm của đại Bồ Tát. Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Ta sẽ vì ông nói thí dụ để làm sáng tỏ lại ý nghĩa này.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như có người đói khát gầy yếu, người ấy thà chịu đói khát chứ không bao giờ ăn thức ăn có độc.

Vì sao?

Vì ăn thì rất nguy hiểm.

Cũng vậy, này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát thà bỏn sẻn, ganh ghét phá giới, chịu tiếng xấu, lười biếng, không chánh niệm, không có trí tuệ chứ không bao giờ mong cầu quả vị Thanh Văn, Phật Bích Chi.

Vì sao?

Vì quả vị ấy rất đáng sợ.

Thiên Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát không sợ phiền não sao?

Đức Phật bảo Thiên Tử: Nên sợ phiền não, sợ quả vị Thanh Văn, Phật Bích Chi càng hơn thế nữa!

Lại nữa, này Thiên Tử! Nay ta hỏi ông, tùy theo ý ông mà trả lời.

Này Thiên Tử! Theo ý ông thì sao?

Người thích sống sẽ sợ điều gì, bị chặt đầu hay là chặt tay chân?

Thiên Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sợ chặt đầu.

Vì sao?

Vì chặt tay chân còn có thể tu phước nghiệp để sanh về cõi tốt đẹp. Còn người bị chặt đầu, thì không còn mạng sống, không thể tu phước.

Đức Phật bảo Thiên Tử: Bồ Tát cũng vậy, thà phạm giới cấm chứ không bỏ tâm nhất thiết trí, thà có phiền não chứ không bao giờ lên quả vị, quyết định của Thanh Văn.

Thiên Tử bạch Phật: Hy hữu thay, Bạch Thế Tôn! Điều mà Bồ Tát làm, thế gian khó tin.

Vì sao?

Vì hàng Thanh Văn trì giới, tinh tấn chính là Bồ Tát phá giới, lười biếng.

Đức Phật bảo Thiên Tử: Như lời ông nói, như thức ăn của người nghèo là loại độc của Chuyển Luân Vương.

Cũng vậy, này Thiên Tử! Thanh Văn trì giới, tinh tấn tức là Bồ Tát phá giới, biếng lười.

Này Thiên Tử! Thí như có người bình thường làm việc sinh sống, người ấy còn không có thể tự giúp cho bà con mình để được vui sướng, huống là giúp người khác!

Này Thiên Tử! Cũng vậy, Thanh Văn tinh tấn vì tự mình đoạn trừ kiết sử, nên sự tinh tấn này không thể khiến cho người ở Diêm Phù Đề được an lạc, huống là cho tất cả!

Này Thiên Tử! Như vị đại thương gia rất nhiều của báu, thường ưa cấp phát, siêng năng không nghỉ thì có thể tạo lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Này Thiên Tử! Cũng vậy, Bồ Tát chuyên tâm tinh tấn thành tựu lòng bi mẫn, có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, vì vô lượng chúng sanh mà tạo nhân an lạc, thường ban bố sự an lạc thế gian và xuất thế gian.

Bấy giờ, trưởng lão Đại Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hàng Thanh Văn chứng pháp vô vi, hàng Bồ Tát đạt đến hữu vi.

Người đạt hữu vi tại sao lại xem thường người đạt vô vi?

Đức Phật bảo Ca Diếp: Ta vì ông sẽ nói thí dụ để làm sáng tỏ ý nghĩa này.

Này Ca Diếp! Thí như trong bốn biển cả chứa đầy váng sữa, có một người chẻ một sợi lông ra làm trăm phần, rồi dùng một phần ấy chấm một giọt váng sữa.

Này Ca Diếp! Theo ý ông thì sao?

Giọt váng sữa trên một phần sợi lông ấy có thể chê váng sữa đầy trong bốn biển chăng?

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không thể chê.

Đức Phật bảo: Này Ca Diếp! Theo ý ông thì sao?

Trong hai lượng váng sữa này, bên nào nhiều, bên nào có giá trị quí báu?

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chỉ một phần trong trăm ngàn ức phần váng sữa của một biển cả còn nhiều, còn hơn, huống là trong bốn biển!

Này Ca Diếp! Như giọt váng sữa trên đầu một phần trăm của sợi lông, nên biết, trí vô vi của Thanh Văn cũng vậy.

Này Ca Diếp! Như váng sữa trong bốn biển cả, nên biết thiện căn hữu vi trong trăm ngàn A tăng kỳ kiếp luôn hồi hướng về nhất thiết trí của Bồ Tát cũng giống như thế.

Này Ca Diếp! Như con kiến tha một hạt gạo so với tất cả lúa có trên quả đất vào mùa thu khi lúa chín, này Ca Diếp, theo ý ông thì sao?

Hai lượng lúa này, bên nào nhiều hơn?

Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Lúa chín về mùa thu vô lượng chúng sanh đều được sử dụng, lúa này nhiều hơn.

Này Ca Diếp, cũng vậy, như hạt lúa mà con kiến tha nên biết, quả vị giải thoát của Thanh Văn cũng giống như thế.

Này Ca Diếp! Giống như tất cả lúa chín trên khắp quả đất về mùa thu, nên biết, Bồ Tát đủ sáu Ba la mật, bốn nhiếp, căn lành, thành tựu đầy đủ các pháp này rồi thì có thể làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh, cũng giống như thế.

Này Ca Diếp! Ví như trăm ngàn đồ đựng bằng thủy tinh được chở vào thành ấp, lại có một viên ngọc báu lưu ly vô giá đang chở trên thuyền đi trên biển, an ổn đến được cõi Diêm Phù Đề, đến rồi có thể trừ được các nạn bần cùng thiếu thốn của loài người.

Này Ca Diếp! Theo ý ông thì sao?

Các đồ đựng bằng thủy tinh có thể chê ngọc báu lưu ly vô giá chăng?

Ca Diếp bạch Phật: Dạ không dám chê.

Này Ca Diếp! Như đồ thủy tinh được chở vào thành ấp, nên biết, Thanh Văn vô vi cũng giống như vậy. Như viên ngọc báu lớn lưu ly vô giá, nên biết, Bồ Tát tiếp nối hạt giống Tam Bảo, khiến không đoạn dứt tuyệt, phát sanh tâm báu nhất thiết trí, cũng giống như thế.

Bấy giờ, Trưởng lão Đại Ca Diếp bạch Phật: Hy hữu thay! Bạch Thế Tôn! Như Lai khéo nói về sự quí báu của tâm nhất thiết trí. Bồ Tát thì hơn tất cả Thanh Văn, Phật Bích Chi.

Lúc này, các Bồ Tát đến từ cõi nước của đức Như Lai Bảo Tướng nghe nói pháp này rồi, đều cho là hy hữu, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những điều đã nói này đều là hý luận, có đủ các loại ô uế, thanh tịnh, khởi các luận thuyết khác nhau.

Ở cõi nước của đức Như Lai Bảo Tướng chỉ nói pháp Bồ Tát không thối chuyển, không có phiền não trói buộc, hy hữu khó sánh bằng. Thích Ca Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, mới có thể chịu đựng phiền não như thế, ở trong pháp một vị không phân biệt mà nói thượng, trung, hạ, hiển bày sự sai khác của ba Thừa.

Khi ấy, các Bồ Tát dùng các loại hoa Trời cúng dường Như Lai rồi, nói với Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Chúng tôi muốn trở về Thế Giới Bảo Trú.

Văn Thù Sư Lợi nói: Này Các thiện nam! Nên biết, đã đến lúc!

Các Bồ Tát nói: Thưa nhân giả! Ngài không cùng đi chăng?

Văn Thù Sư Lợi nói: Này thiện nam! Cõi nước là bình đẳng. Chỗ mà Phật Pháp và chúng sanh bình đẳng, tôi rất muốn đến và sẽ đến chỗ ấy.

Các Bồ Tát hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Dùng phương tiện gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp:

Tất cả các cõi nước bình đẳng vô tận nên Chư Phật Đẳng, Chánh Giác là chẳng thể nghĩ bàn. Tất cả các pháp đều Không, tự tánh chúng sanh là vô ngã.

Này các thiện nam! Tôi quán tánh bình đẳng như vậy, nên nói thế này, tất cả các cõi nước bình đẳng, tất cả các Phật Pháp, chúng sanh bình đẳng, cho nên tôi đến chốn ấy.

Lúc đó, Văn Thù Sư Lợi liền nhập định biến Thế Giới này thành như Thế Giới Bảo Trú. Tất cả đại chúng đều được thấy không tăng, không giảm, cũng thấy Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, sắc mạo hình thể đều giống như Như Lai Bảo Tướng. Các chúng Thanh Văn đều giống như hình sắc tướng mạo các Bồ Tát ở cõi ấy.

Khi ấy, các Bồ Tát kia thấy tướng như thế rồi, đều cho là đã đến Thế Giới Bảo Trú, đều tưởng Phật Thích Ca Mâu Ni tức là Như Lai Bảo Tướng, nên bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ai đưa chúng con trở về Thế Giới này?

Đức Phật bảo các Bồ Tát: Này Các thiện nam Tử! Khi các ngươi đi, ai dẫn các ngươi đi?

Các Bồ Tát đáp: Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi!

Đức Phật bảo các Bồ Tát: Cũng do vị ấy dẫn về.

Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi xuất định, bảo các Bồ Tát: Này các thiện nam! Hãy nhập vào tam muội. Các Bồ Tát đều nhập tam muội.

Khi đắc tam muội, nghĩ thế này: Hy hữu thay! Hy hữu thay! Chúng tôi hiện nay vẫn còn ở đây mà tưởng là đã đến Thế Giới Bảo Trú.

Khi ấy, các Bồ Tát thấy lạ lùng chưa từng có, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất kỳ lạ! Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi mới có thể có định lực thần thông không thể nghĩ bàn ấy.

Bạch Thế Tôn! Nguyện làm cho các chúng sanh đạt được năng lực thần thông như Văn Thù Sư Lợi.

Đức Phật bảo các Bồ Tát: Này Các thiện nam! Giống như các đồ đựng quí báu bằng vàng bạc, pha lê, kim cang, chiên đàn v.v… và đồ đựng bằng đất v.v…, các đồ đựng ấy đều chứa một khoảng không, khoảng không ở khắp tất cả các đồ đựng nên khoảng không bình đẳng.

Vì vậy, này các thiện nam! Pháp thiện, chân như, thật tế và không, các pháp này chỉ là một, không sai khác, thuộc về đệ nhất nghĩa không, nhưng chúng sanh vì tạo tác các hành nên chịu trong thọ sanh các loài, gồm hàng ngàn loài.

Ta phân hóa thành ngần ấy ngàn hình sắc, đã thọ hình sắc địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, người, Trời, hình sắc Thanh Văn, Phật Bích Chi, Bồ Tát, Phật. Các loại hình sắc này, tuy đều có thể thấy, nhưng sắc là bình đẳng như cái không của sắc, chỉ một, không sai khác, không có riêng biệt.

Này các thiện nam! Vì ý nghĩa ấy, nên biết như thế.

Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi nói: Tất cả các cõi nước bình đẳng không sai khác, nên tất cả Chư Phật bình đẳng, tất cả các pháp bình đẳng, tất cả chúng sanh bình đẳng, không sai khác.

Khi ấy, các Bồ Tát lãnh thọ giáo pháp chân chánh của Thế Tôn, sanh tâm nhàm chán xa lìa, được vui mừng, đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, từ giã Thế Tôn rồi, liền biến khỏi Thế Giới Ta Bà, trở về Thế Giới Bảo Trú.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Này A Nan! Kinh Điển thù thắng này, thầy nên thọ trì, đọc tụng, và phổ biến rộng rãi.

Vì sao?

Hoặc có thể giảng nói Kinh Điển này cho mọi người, hoặc có thể nghe nhận, thọ trì thì được vô lượng phước.

A Nan bạch Phật: Dạ thưa Thế Tôn! Con sẽ thọ trì.

Nên gọi tên Kinh này là gì?

Và phụng trì như thế nào?

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Kinh này, nên gọi là Tịch Điều Âm Sở Vấn. Như thế mà thọ trì. Lại có tên là Như Lai Sở Thuyết Thanh Tịnh Điều Phục, nên thọ trì.

Đức Phật nói Kinh này xong, Thiên Tử Tịch Điều Âm, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi, trưởng lão Đại Ca Diếp, Tôn Giả A Nan và đại chúng trong hội ấy, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Hộ Thế v.v… nghe lời Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

***